Chụp ảnh phong cảnh, khi nào thì lấy nét ở đâu ?

Tưởng chừng việc lấy nét chỉ tập trung vào Auto đối với người mới chụp, nhưng khi bạn chụp ảnh phong cảnh , việc lấy nét là rất quan trọng và trong bài viết này, tác giả andreluu sẽ trình bày cho bạn những kinh nghiệm quý báu nhất về kỹ thuật lấy nét và khi nào lấy nét, lấy nét ở đâu

RỰC ĐỎ TUYỀN LÂM (RED REFLECTIONS) 30 giây f/11 ISO 100 WB 4700K @ 5:25am. Gnd Rev0.9 ND1.5. Hồ Tuyền Lâm, Dalat.

LẤY NÉT VÀO YẾU TỐ QUAN TRỌNG NHẤT TRONG KHUNG ẢNH

Sau khi canh bố cục bước kế tiếp là bạn phân tích xem trong khung ảnh của bạn chi tiết nào quan trọng nhất để cần làm rõ nét và chi tiết nào có thể mờ mà không ảnh hưởng đến mỹ quan ảnh của bạn. Rồi bạn xếp theo thứ tự từ quan trọng nhất đến kém quan trong nhất. Yếu tố quan trọng nhất như chủ thể là yếu tố làm điểm lấy nét.

LẤY NÉT VÀO TIỀN CẢNH – Ở CHỦ THỂ

Khi tiền cảnh có chi tiết hay hình dáng đẹp, thì bạn dùng nó để làm chủ thể, yếu tố quan trọng nhất trong ảnh, và lấy nét ngay tại chủ thể đó để được rõ nét nhất. Nếu chủ thể là một vật thể có kích cở to hay dài thì bạn lấy nét ở điểm quan trong nhất trong vật thể đó, hoặc lấy nét ngay giữa để cân đối cho toàn bộ rõ nét (mình thường dùng phương pháp này).

Ví dụ: Lấy nét vào cành cây vì nó là chủ thể quan trọng nhất. Hậu cảnh có sương đã mờ nên nếu không nét củng không sao.

43 giây ISO 100 f/11 WB 4100 K. Sony A7R + Olympus 24 OM.

LẤY NÉT VÀO TIỀN CẢNH – Ở KHOẢNG CÁCH TỐI ƯU

Khi tiền cảnh không phải là chủ thể nhưng vẫn là yếu quan trọng như trường hợp tiền cảnh là đường dẫn đến chủ thể hay để tạo cảm giác gần xa thì bạn nên lấy nét vào tiền cảnh ở một khoảng cách tối ưu theo CÁCH LẤY NÉT TỐI ƯU để cho ảnh rõ nét từ tiền cảnh (rõ nhất) đến chủ thể và vô cực (tạo trường ảnh DOF sâu để làm rõ với khẩu độ nhỏ/số f lớn).

Ví dụ: Lấy nét vào khoản cách 1.2m tính từ mặt sensor máy đến phía trước, ở khoản cách này là đám rêu, với f/8 ở tiêu cự 12mm làm rõ nét đến cục đá đuôi cá và vô cực.

MÙA RÊU CỔ THẠCH. 85 giây ISO 100 f/8 WB 5900K. Sony a7R + Voigtlander 12.

LẤY NÉT VÀO TRUNG CẢNH – Ở CHỦ THỂ

Khi chủ thể ở trung cảnh mà tiền cảnh không quan trọng như không có chi tiết thú vị cần phải làm rõ hay bạn có ý muốn dìm nó đi để làm cái phông nhấn mạnh chủ thể thì tiền cảnh không cần phải rõ nét, nên bạn lấy nét trực tiếp ở trung cảnh. Gần như lúc nào bạn lấy nét ở trung cảnh thì phần tiền cảnh càng gần bạn càng có khuynh hướng bị mờ nét nhất là khi dùng khẩu to (số f nhỏ) hoặc tiêu cự ống kính dài.

Ví dụ: Lúa tiền cảnh không phải là chủ thể, không có chi tiết quan trọng nên có thể bị mờ mà không làm ảnh hưởng đến mỹ quan của ảnh, nên không cần lấy nét tối ưu để làm rõ mà lấy nét trực tiếp tại chủ thể cây ở trung cảnh. Hậu cảnh củng không có chi tiết quan trọng nên không cần phải dùng đến cách lấy nét tối ưu vẩn không sao.

_DSC8521

LẤY NÉT VÀO HẬU CẢNH – Ở CHỦ THỂ HAY KHỐI CHỦ THỂ

Khi điểm lấy nét càng xa càng gần vô cực thì tiền cảnh càng gần máy bạn càng mờ. Dùng điểm lấy nét này khi tiền cảnh không co chi tiết quan trọng hoặc chi tiết cần làm rõ. Chủ thể là vật thể hay khối vật thể ở xa, ở hậu cảnh.

Ví dụ: Trong ảnh cover, chủ thể là một khối – hàng cây và dải núi ở hậu cảnh. Tiền cảnh là nước có bóng mây in trên nước và cỏ nhỏ ngoi lên khỏi mặt nước. Cả 2 chi tiết này đều không cần làm rõ vì mây là một khối, đẹp khi mềm mại và tự nhiên. Cỏ thì quá nhỏ nên có mờ củng không sao. Quang trọng là khối chủ thể ở xa, nên mình lấy nét vào cành cây ở hàng cây bên trái (bên phải cũng được) vì hàng cây có chi tiết đẹp nên cần làm rõ nhất.

RỰC ĐỎ TUYỀN LÂM (RED REFLECTIONS) 30 giây f/11 ISO 100 WB 4700K @ 5:25am. Gnd Rev0.9 ND1.5. Hồ Tuyền Lâm, Dalat.

LÀM RÕ NÉT PHẦN CÒN LẠI VỚI TRƯỜNG ẢNH (DOF)

Ngoài điểm bạn lấy nét (điểm rõ nét nhất trong ảnh) thì phần còn lại mờ hay rõ (tương đối) bao nhiêu là tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của khẩu độ. Khẩu độ càng nhỏ (số f lớn) là mọi thứ càng rõ nét. Tuy nhiên bạn cần lưu ý yếu tố nhiễu xạ (diffraction) vì nó sẽ làm giảm độ tương phản và độ nét tổng quát của ảnh.

Tuỳ theo độ phân giải của máy ảnh bạn, sau đây là khẩu độ nhỏ tối đa mà bạn không nên khép nhỏ hơn (số f lớn hơn) để hạn chế bị nhiễu xạ nặng và duỳ trì chất lượng ảnh gần với tối ưu cho ảnh.

Độ phân giải của máy Khẩu độ nên dùng Khẩu độ không nên dùng *
24mp hoặc nhỏ hơn (Canon 5D3/6D, Sony A7…) f/5.6-f/16 f/18-f/22
36mp (Nikon D800/810, Sony A7R) f/5.6-f/14 f/16-f/22
42mp (Sony a7R2) f/5.6-f/11 f/14-f/22
50mp (Canon 5DSR) f/5.6-f/9 f/10-f/22

* LƯU Ý:
Có một số trường hợp khẩu nhỏ được ưu tiên hơn là duy trì chất lượng ảnh như khi bạn cần tạo sunstar (sao xẹt) mà lens bạn cần khép nhỏ hơn mới tối ưu (vd Canon 16-35 f4 là f/16). Hoặc khi cần chụp cận cảnh rất gần mà cần trường ảnh sâu rõ thì củng phải bắt buộc khép khẩu nhỏ hơn vì ưu tiên trường ảnh quan trọng hơn chất lượng ảnh (vd chụp cụm hoa cách máy 3 tất nên phải khép đến f/22 để cho hậu cảnh rõ).

LẤY NÉT VÔ CỰC THƯỜNG KHÔNG TỐI ƯU

Có nhiều lý do bạn không nên xoay ống kính về vô cực khi cần lấy nét ở hậu cảnh xa.

  • Điểm vô cực chưa chắc trùng khớp với chi tiết chủ thể xa ở hậu cảnh của ảnh.
  • Điểm vô cực (infinity) ghi trên ống kính thường không chính xác nên làm mờ nét ảnh.

AF HAY MF VÀ PHƯƠNG PHÁP CHÍNH XÁC NHẤT

AF hoạt động tốt khi ánh sáng tốt và hoạt động kém khi ánh sáng yếu như lúc bỉnh minh và hoàng hôn. Hơn nữa AF cần được cân chỉnh cho sự kết hợp ống kính và máy (calibration) mới đạt được độ chính xác cao.

MF là phương pháp lấy nét tốt nhất và chính xác nhất trong phong cảnh. Để lấy nét MF chính xác, bạn phải dùng Live View phóng to điểm cần lấy nét ra tối đa và xoay vòng nét trên ống kính cho đến khi chi tiết hiện ra rõ nhất có thể. Sony và các máy mirrorless (không gương lật) có chức năng hỗ trợ lấy nét MF với peaking và evf (ống ngắm điện tử) rất hiệu quả. Nếu máy bạn không có chức năng hỗ trợ thì nên dùng một kính lúp có thành tối chung quanh, úp lên màn hình Live View để được xem chi tiết phóng đại và sáng hơn giúp lấy nét chính xác hơn. Ví dụ một kính lúp tốt như Zacuto Z-finder.

Zacuto Z-finder

THIẾT BỊ QUAN TRỌNG

1. DÙNG GRAD ND 3 STOP REVERSE, ND 5 STOP

Grad ND để cân bằng vùng trời sáng làm hiện rõ chi tiết mây và sương giăng trên núi. ND 5 stop làm tăng thời gian phơi sáng cho mặt nước mịn màng không gợn sóng.

2. Chân máy và Remote

để chụp mà không chạm vào máy không làm máy rung và làm nhoè đi chi tiết của ảnh.

THÔNG SỐ

Tốc độ 30 Giây, F/11, ISO 100, Custom White Balance 4700 K, tiêu cự 20mm. Sony a7R + lens Nikon 20 f/1.8G với Metabones Nikon G-Nex adapter.
Lấy nét trực tiếp tại hàng cây bên trái ở hậu cảnh. Ảnh chụp 2 tấm và ghép Panorama trong Lightroom 6.

ĐỊA ĐIỂM

Hồ Tuyền Lâm, tp Đà Lạt, Tình Lâm Đồng.

NHỮNG ĐIỀU ĐƠN GIẢN BẠN CÓ THỂ LÀM ĐỂ BẢO TỒN NHỮNG GÓC ẢNH ĐẸP
1. Bản thân không xả rác (như chai nước uống, khăn lau và bao nylon dùng xong cất lại trong túi và mang về bỏ thùng rác);
2. Động viên các bạn đi cùng nâng cao ý thức không xả rác;
3. Tự giác nhặt rác của những người đi trước, mỗi người một tay là cả nhóm nhặt được hết;
4. Nếu bạn là nhà chức trách, hãy có ý kiến về việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường khi thực hiện các dự án.Chân thành cảm ơn các bạn. Bây giờ bạn có thể liên lạc với mình để lấy GPS/Google Map 🙂

ĐỘ PHƠI SÁNG

Dùng ISO 100, f/11 và chế độ A (aperture) để xem ánh sáng tự động đo trong máy là bao nhiêu, nếu không đủ ánh sáng thì tạm thời tăng ISO lên 6400 để tính, ghi nhớ vận tốc đó, rồi chuyển qua chế độ M, thiết lập lại vận tốc đó, chụp thử, xem Histogram, điều chỉnh vận tốc cho Histogram vừa đụng cạnh phải. Rồi bắt đầu hạ ISO xuống đúng ISO ban đầu để không phải chờ lâu khi chụp thử.

Tham khảo:
PHƠI SÁNG LÂU PHẦN 1: KHÔNG ND FILTER

CÁCH TỐI ƯU HÓA ĐỘ PHƠI SÁNG VỚI HISTOGRAM

HẬU KỲ LIGHTROOM 5

Chụp file Raw, chọn 14 bit và Adobe RGB cho dãy sắc độ và dãy màu nhiều tối đa. Cân chỉnh ánh sáng cho khu vực dùng Grad ND, và Brush để giới hạn chỉ ở vùng cần xử lý. Cân chỉnh màu dùng White Balance và Tint trong Grad ND, và Brush cho từng khu vực để hạn chế ảnh hưởng đến từng vùng cần thiết.

 

Chụp ảnh phong cảnh, khi nào thì lấy nét ở đâu ?

Nguồn andreluu.com

Visited 4,811 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...