Tìm hiểu và chọn các loại filter tốt nhất cho ống kính của bạn
Filter là một công cụ không thể thiếu đối với các nhiếp ảnh gia (NAG) hàng đầu, nó không chỉ giúp cân bằng lại chênh lệch giữa các vùng sáng (filter GND) mà còn tạo một số các hiệu ứng đặc biệt như làm chậm chuyển động, làm sóng biển, mặt nước mượt mà hơn (filter GND và ND).
ND là viết tắt của Neutral Density, còn GND là viết tắt của Graduated Neutral Density đều có nghĩa là các kính lọc trung tính với mức độ đậm đặc khác nhau (density), tức là ánh sáng đi qua lớp filter này phải là trung tính nhất có thể đảm bảo ảnh giữ được màu sắc gốc của cảnh vật mà không bị ám màu.
Một bộ filter neutral density thông thường và cũng gọi là khá đầy đủ bao gồm: Holder, adapter ring, 2 bộ GND hard và soft (mỗi bộ gồm 3 filter 0.3; 0.6; 0.9 tương ứng với mức giảm ánh sáng là 1,2,3 stop), ND filter (loại big stopper và little stopper tương ứng giảm 10 và 6 stop). Kích cỡ GND thông thường là 100x150mm, ND là 100x100mm, chất liệu thì hầu hết làm bằng nhựa.
Trong bài này tôi sẽ giới thiệu một số hãng filter nổi tiếng mà các NAG thường sử dụng và các đánh giá sơ bộ. Thông tin về giá lấy nguồn từ Bhphoto.
Lee Filters Neutral Density Hard Grad Set
Giá: Bộ kít 3 tấm là $275, mua lẻ là $110/tấm; ND giá $150/tấm ($90 cho holder; $65 cho adaptor)
Đây là một hãng rất nổi tiếng của UK (Anh Quốc) mà hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có hàng chính hãng. Ngay cả ở bên Anh người mua thường cũng phải đặt hàng khá lâu mới có hàng về. Cách đây khoảng vài ba năm ở Việt Nam nghe nói đến Lee filter còn là một điều gì đó rất xa vời và cao cấp, nhưng hiện nay những người chơi ảnh phong cảnh đã sắm khá nhiều cho mình, Lee filter cũng vì thế mà phổ biến hơn.
Lee filter được test với hệ thống hard filter, kết quả không cho thấy color cast (ám màu) mặc dù chúng ngăn ánh sáng vào ống kính ít hơn so với các loại tương đương của bộ soft filter. Kích cỡ filter 100x150mm giúp cho người dùng có nhiều lựa chọn về việc di chuyển filter lên xuống và bố cục khuôn hình. Vòng xoay của holder tuy bằng nhựa và xoay dễ dàng quanh phần nắp ống kính nhưng rất chắc chắn, hầu như không có sự rung hay dao động khi phơi sáng lâu.
Điểm cộng: Cho chất lượng ánh sáng tốt, không bị ám màu. Nhiều người nghĩ rằng Lee filter bị ám xanh là chưa chính xác lắm vì có thể họ sử dụng chưa đúng cách, nhất là việc sử dụng hard filter loại giảm ánh sáng mạnh khi trời quá tối, máy ảnh sẽ tự động set white balance ở mức thấp nên ảnh sẽ gây hiểu nhầm là ám xanh.
Ngoài ra còn có khá nhiều loại filter cho bạn lựa chọn, như hiện tại thì Lee còn sản xuất cả loại giảm 2,5 stop (filter có độ đậm là 0.75), và size lớn nhất trong các bộ filter của Lee là bộ SW150 (kích cỡ 150x170mm) dành cho các ống kính ultrawide có thấu kính ngoài cùng hình cầu lồi.
Điểm trừ của Lee là giá khá cao, đặc biệt là giá cho bộ holer và ring adaptor. Bạn có thể mua adapter ngoài với giá rẻ hơn nhiều mà chất lượng rất ổn.
Hitech 100 Series ND Grad Soft Edge Filter Kit
Giá: Theo từng bộ kit. Giá cho holder: $65, giá cho ring adapter tuỳ thuộc từng kích cỡ ring.
Cũng giống như Lee, bộ kit của Hitech cũng bao gồm 3 filter 0.3, 0.6 và 0.9 size 100x150mm tương ứng, có khác chút xíu là các góc của filter được làm vát đi giúp cho việc đưa filter vào holder được dễ hơn. Cạnh dài của filter giúp cho việc di chuyển và bố cục được thuận tiện hơn. Ngoài ra Hitech có rất nhiều loại filter khác nhau, riêng bộ kit GND họ có 3 bộ là kit 5, kit 6 và kit 7 với các mức giá tương ứng là $181, $197, $389.
Holder được thiết kế bằng hợp kim nhôm cao cấp, tuy nhiên điều này lại làm cho giá thành tăng lên và cũng làm nặng hơn so với loại holder nhựa thông thường.
Ảnh chụp qua filter Hitech cho kết quả xuất sắc và không kém Lee filter là bao.Tuy vậy theo đánh giá của một số NAG trên thế giới thì ảnh chụp qua Hitech có ám một chút xíu màu Magenta, điều này dễ nhận ra hơn khi các bạn phơi sáng với thời gian dài. Dưới đây là hai bức hình mà NAG Ron Ter Burg đã thử nghiệm với filter GND của Hitech và Lee (loại 0.9 Hard Grad ND filter):
Hai bức ảnh được chụp ở cùng một thời điểm và cùng một điều kiện với body Canon 5d mark II, lens Canon 100-400 F4-5.6L IS chưa qua hậu kỳ, được chuyển đổi từ Raw trực tiếp sang Jpeg bằng Lightroom. Ảnh chụp qua filter Hitech thì hơi ám một chút màu Magenta, còn màu từ Lee thì trung tính hơn.
Hitech được đánh giá là một bộ filter kit với hiệu suất cao nhưng lại đi kèm với một holder khá đắt tiền. Hiện tại Hitech vẫn đang phát triển rất nhiều các sản phẩm của mình, họ đã cho ra đời mẫu filter Firecrest có khả năng giảm tốc độ chụp đến 16 stop, thật đáng kinh ngạc và rất ít các hãng khác có thể làm được.
Điểm cộng: Chất lượng ảnh và chuyển vùng ánh sáng tốt, ngoài ra hãng có rất nhiều loại filter với kích thước và chất lượng khác nhau để khách hàng lựa chọn.
Điểm trừ: Holder cao cấp nhưng lại làm tăng cân nặng khi sử dụng và tăng giá của bộ kit.
Cokin Z-PRO ND-Graduated Kit
Giá: Holder $69, bộ kit 3 filter + holder và túi là $184.
Cokin Z-pro là bộ filter nâng cấp của bộ P-series và đã cải thiện được đáng kể lỗi tối góc ở bộ filter phiên bản trước, tuy vậy nó vẫn hướng tới các nhiếp ảnh gia có niềm đam mê phong cảnh là chủ yếu. Cũng như 2 hãng trên, bộ kit của Cokin gồm 3 filter kích thước 100x150mm, với tên gọi khác đi là Light (0.3), Medium (0,6), Soft (0.9), đủ lớn để vừa với các lens ultrawide và không bị tối góc nhiều, ngoài ra chất lượng các filter được đánh giá khá tốt.
Theo thử nghiệm thực tế thì ảnh chụp qua filter Cokin Z-pro bị ám một chút màu xanh ngọc, nhưng cũng nhỏ thôi và không ảnh hưởng nhiều đến ảnh. Một điều chú ý nhỏ nữa là các góc của filter khá sắc, đồng thời bị lỏng hơn bình thường khi đặt vào trong holder. Túi đi kèm của Cokin đẹp và rộng giúp cho việc mang filter theo được dễ dàng và thuận tiện. Với Lee bạn sẽ phải tốn một số tiền không nhỏ nếu muốn sở hữu một chiếu túi như vậy.
Điểm cộng: Một filter có chất lượng và đảm bảo ở mức tốt đảm bảo ánh sáng đi qua vẫn giữ được sự trung tính, bộ filter này chứng minh được rằng một kính lọc GND sử dụng ổn không cần phải đầu tư quá nhiều chi phí.
Điểm trừ: Với các lựa chọn đắt tiền hơn thì chất lượng chưa được tương xứng lắm.
Ngoài các hãng filter trên thì còn một hãng nữa rất nổi tiếng và đắt nhất, đó là Singh Ray. Giá cho một chiếc filter hard/soft là $160, loại reverse (loại dùng trong trường hợp cảnh chụp chỉ sáng ở đường chân trời) là $190. Sing Ray chất lượng ngang với Lee, những ai có điều kiện thì cứ dùng loại này không cần phải đắn đo nhiều về chất lượng. Những hãng ít tên tuổi hơn về filter GND, ND như SRB-Griturn ND Grad Kit hay Kood P-Type ND Filter Kit không được đề cập trong bài viết này.
Việc chọn lựa giữa các loại filter là khá khó khăn, nhất là với những ai tài chính chưa cho phép. Nhận định chung là Lee và Singh Ray là cho chất lượng ánh sáng trung tính, độ tương phản tốt nhất và chất lượng đã được khẳng định, phù hợp với những NAG chuyên nghiệp. Hai loại filter này đôi lúc ám một chút xíu nhưng hầu như không đáng kể, và có thể xử lý nhanh chóng khi hậu kỳ. Những loại còn lại ám màu xử lý lâu hơn.
Tuy vậy với Hitech, Cokin, chất lượng cũng rất tốt vừa tầm giá, phù hợp với những người dùng mới chụp và là một lựa chọn kinh tế (theo đánh giá chung thì Hitech vẫn nhỉnh hơn Cokin một chút, Cokin bị ám màu nặng hơn). Tất cả các loại filter này đều làm bằng nhựa (resin) nên rất dễ xước và bám bụi, cần được sử dụng cẩn thận.
Bài có tham khảo một số nguồn nước ngoài:
- digitalcameraworld.com
- digital-photography-school.com
- ronterburg.com
- bhphotovideo.com
Tìm hiểu và chọn các loại filter tốt nhất cho ống kính của bạn
Nguồn http://lequyanh.com/