Những lời khuyên cơ bản dành cho người mới chụp ảnh

Nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng đang trải qua một giai đoạn thú vị, nhưng cũng đầy thách thức với sự thay đổi hàng ngày của công nghệ. Internet mang lại sự tự do tối thượng khi ai cũng có thể tiếp nhận và cho đi bất cứ cái gì mình muốn với toàn thế giới. Theo Mashable thì tính đến tháng Bảy, 2014 có gần 1,4 tỉ người dùng thường xuyên trên Facebook, mỗi ngày họ tải lên riêng Facebook hơn 350 triệu tấm ảnh. Tổng số ảnh trong máy chủ của Facebook đã chạm mốc hơn 300 tỉ, tổng số ảnh cả nhân loại từng chụp là hơn 3800 tỉ. Hàng năm thế giới, tôi và bạn vẫn đóng góp thêm vào con số đấy hơn 300 tỉ bức ảnh nữa.

Những lời khuyên cơ bản dành cho người mới chụp ảnh

Dù hoàn toàn biết rõ rằng thời đại này chúng ta chụp ảnh nhiều như nào nhưng khi lần đầu nghe những con số trên, phải thú nhận rằng tôi vẫn khá sốc. Chụp ảnh đã trở thành một trong những hoạt động thường lệ không thể thiếu, một nhu cầu sống cơ bản của con người ở những nước đang và đã phát triển, một thú vui được yêu thích nhất mọi thời đại.

Với nhiều người mới bắt đầu, chụp ảnh có thể là một việc không khó như nhạc, họa nhưng khá bối rối vì họ không phải bắt đầu từ đâu, vì vậy trong bài này tôi sẽ hy vọng giúp được nhiều người bằng những kinh nghiệm của mình.

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

1. Đừng vội học Photoshop

Lời khuyên này đến từ tôi, một người dùng và chỉnh ảnh rất nhiều chứ không phải từ một “purist” tẩy chay và anti-Photoshop. Học chụp ảnh bước đầu là học những cái cơ bản từ kỹ thuật như bố cục, đường nét, tương phản, phối màu, ánh sáng, góc chụp… cho đến rèn luyện con mắt mỹ học và gu thẩm mỹ – trong khoảng thời gian này chắc chắn những vấn đề trên sẽ còn có lỗi và chưa hoàn hảo. Nếu bạn nóng lòng học chỉnh ảnh ngay để lấp đầy những khoảng trống cần thời gian và kiên nhẫn ấy, thì những bức ảnh đầu tiên ấy sẽ đẹp lên trong một thời gian ngắn, những sơ suất được che đậy, những khiếm khuyết được trang điểm, bức ảnh trở nên bóng bẩy – nhưng xét về lâu về dài, tâm lý của những người mới chụp sẽ sinh ra ỷ lại và thỏa mãn vì cho rằng mình không cần phải học gì về chụp ảnh nữa. Một điều không tốt nữa tôi để ý là khi những người mới chụp học chỉnh ảnh thường tìm đến những cách tắt chứ cũng không học một cách nghiêm túc bài bản, vì cơ bản trong tiềm thức của họ, chỉnh ảnh cũng chỉ là một lối tắt của chụp ảnh. Nhìn ảnh của họ sau ba năm, năm năm tôi vẫn thấy dậm chân tại chỗ.
Tôi nghĩ chúng ta – nhất là những người không trong nghề nên có một cái nhìn đúng đắn và khách quan hơn về vấn đề chỉnh ảnh: một bức ảnh đẹp phần lớn hình thành từ tầm nhìn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của người chụp trong đó ba công đoạn: tiền kỳ, chụp và hậu kỳ trở nên không thể độc lập tách rời và đều được quyết định từ trước khi tấm ảnh được bấm máy.

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography.

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography.

2. Đừng quá căng thẳng về chuyện máy móc

Bức ảnh trên tôi chụp cách đây hơn ba năm rưỡi trước bằng chiếc máy Nikon D90 (giờ đã ngừng sản xuất và giá của một chiếc máy cũ còn tốt, mới hơn 90% không bằng một nửa giá chiếc Iphone), một trong những ống kính rẻ tiền nhất của Nikon và chiếc đèn LED tôi mua trên ebay với giá quy đổi ra tiền Việt là bốn trăm nghìn. Nhưng đây chính là tấm ảnh mang lại cho tôi nhiều giải thưởng nhất, trong đó có một suất học bổng nhiếp ảnh.

Nói cho đúng, máy móc rất quan trọng, nhưng đấy là với những người chuyên nghiệp! Họ cần khẳng định thương hiệu với khách hàng bằng những đồ nghề tốt và có danh tiếng, họ cần sự ổn định và chắc chắn, không bao giờ sai sót của những hãng lớn, dòng máy đắt tiền, họ cần những chức năng đặc biệt để dùng trong những công việc đặc biệt mà người dùng nghiệp dư không bao giờ phải bận tâm tới. Với đa số người chụp ảnh, chiếc máy tốt nhất là chiếc máy ảnh họ có, dù là máy xịn, máy rẻ tiền hay điện thoại.

Chụp ảnh là một thú vui và nó nên mang lại niềm vui, nếu không tại sao chúng ta lại làm một chuyện chỉ mang lại căng thẳng, mệt mỏi đúng không? Đừng để máy móc là cái neo kéo sự tiến bộ và ham học hỏi của mình bằng những câu, “Bao giờ mới đủ tiền mua máy để chơi với các bác?” hay “Đợi nâng cấp mày rồi sẽ đi chụp cái đấy.” Vượt qua được giai đoạn này, bạn sẽ thấy đầu óc thảnh thơi để chụp ảnh vì niềm vui rất nhiều.

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

Cologne. Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

3. Đừng đứng chụp ảnh như bình thường

Những bức ảnh đứng chụp từ ngang tầm mắt khi người chụp đứng bình thường trên mặt đất là những bức ảnh nhàm chán nhất. Vì những khung cảnh bình thường như nhau ai cũng chụp cả rồi, vì đa phần đó là kiểu “tiện tay chụp, không suy nghĩ.”

Nói về vấn đề này thì chúng ta có thể mở cả một lớp học hay lôi sách ra đọc cũng được, nhưng trong phạm vi bài viết này thì tôi chỉ có một lời khuyên là thử nghiệm. Thử nghiệm chính là một nửa niềm vui của việc chụp ảnh khi tôi có thể di chuyển lại gần, ra xa, ngồi xuống, nằm xuống, sang trái, sang phải, trèo lên cây, thay ống kính với tiêu cự khác… Sức mạnh của máy kỹ thuật số nằm ở chính sự vô tận của thử nghiệm để học hỏi, để làm mình tiến bộ hơn. Chỉ cần những góc thú vị thì những cảnh bình thường cũng có thể trở nên mới lạ và hấp dẫn.

_ATN4279_W

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography.

4. Đừng sợ sai lầm và phê bình

Không ai trở thành vĩ đại trong một đêm, một tuần, một tháng, một năm hay thậm chí mười năm. Tôi không nghĩ có khái niệm thiên tài hay bẩm sinh tuyệt đối trong nhiếp ảnh như những lĩnh vực khác như nhạc, họa – tất cả đều quăng quật mình vào những thử nghiệm vô định, cũng mò mẫm từng tí một, cũng nản lòng mỗi khi thất bại hay vui sướng tột độ khi thành công. Cái phân biệt họ với những người bình thường khác là họ khôn bao giờ dừng lại. Chỉ khi đối mặt với thử thách cao nhất con người mới có thể mình lên một tầm cao mới và hơn nữa, nếu có thất bại, chúng ta sẽ học được những bài học vô giá từ thất bại của mình – thứ tôi và bạn không thể có nếu ngồi một chỗ không dám làm. Nhiếp ảnh cũng giống như tập thể hình, nếu không đẩy những thử thách mức tạ của mình đến mức không nâng nổi nữa (set to failure), cơ bắp sẽ không phát triển được.

Đừng để những thử nghiệm ấy của mình nằm phủi bụi một chỗ, mà hãy để cho những người bạn, những người cùng yêu ảnh có kinh nghiệm góp ý và nhận xét, họ sẽ có những góc nhìn và bình luận khách quan hơn chính chúng ta. Miễn là bạn cầu thị, họ xây dựng và đừng để những sai sót tiêu cực làm nản lòng khiến ta bỏ cuộc.

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

5. Tiếp nhận những kiến thức mình nhận được bằng một cái đầu tỉnh táo

Không phải cứ người khác (có vẻ chụp lâu/kinh nghiệm hơn mình) hay internet bảo tức là mặc định nó đúng. Ví dụ như tôi thấy nhiều bạn rất hay khuyên những người mới chụp là hãy chụp RAW, nhưng khi tôi hỏi họ nguyên nhân thì họ không nói được tại sao, chỉ nói đơn giản là người ta bảo thế, hoặc là bảo chụp RAW để cứu các vùng ảnh bị quá sáng!

RAW là một định dạng ảnh cũng giống như Jpeg, chỉ có điều các trình đọc ảnh trong máy tính thông thường không đọc được định dạng này mà cần đền các chương trình chỉnh anh chuyên dụng như Capture One, Photoshop, Lightroom, Camera Raw. Khi bạn bấm máy chụp một bức ảnh, đầu tiên ảnh đều được lưu dưới dạng RAW, sau đó tùy cảm biến, bộ vi xử lý máy ảnh và các chế độ thiết lập của người chụp, file RAW ấy mới được chuyển thành ảnh Jpeg và lưu trên thẻ nhớ. Tức là ảnh RAW vì chưa qua xử lý nên chứa nhiều chi tiết và thông tin bức ảnh về màu sắc, tương phản và dải tần nhạy sáng hơn, dễ phục hồi bằng chỉnh sửa “nếu có chụp hỏng” (lý do của phần lớn những người chụp RAW một cách mù quáng) – nhưng không có nghĩa là phải dùng nó mọi lúc mọi nơi một cách không cần thiết kiểu lời khuyên như trên, nhất là với những người chụp nghiệp dư hay kiến thức chưa vững. Tâm lý của con người là vậy, cái gì càng dễ phục hồi sửa chữa khi làm sai hơn thì họ càng có nguy cơ làm mọi thứ nhanh và ẩu. Thêm nữa, không phải bức ảnh nào cũng phải cần dùng đến sức mạnh của RAW mà chỉ khiến nặng máy và tăng thời gian làm việc.

Vậy nên, hãy tiếp nhận mọi lời khuyên và kiến thức mình nhận được bằng một cái đầu tỉnh táo, suy nghĩ, nghiên cứu thêm nhiều nguồn thông tin khác nhau, thử nghiệm trực tiếp với bản thân để tự tìm ra một cách làm việc hiệu quả nhất.

Florence. Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

Florence. Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography

6. Du lịch mà một cách tốt để học chụp ảnh

Về bản chất chúng ta đều như nhau, học cái gì mà khô cứng, chán quá thì chẳng ai học được lâu dài hay đều đặn bằng những thứ trực quan, thú vị và hấp dẫn. Giống như việc lôi sách ra học tiếng Anh với ngồi xem những bộ phim thuộc thể loại bạn thích bằng tiếng Anh để học, tôi đảm bảo rằng hiệu quả chẳng kém nhau mà ngày nào chúng ta cũng ngồi mấy tiếng học được.

Với ảnh cũng thế, người ta có câu “Cỏ nhà hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn” – mặc dù môi trường sống thường nhật của mỗi người không thiếu mô-típ và góc nhìn thú vị nhưng vì đã quá quen với nó nên tự nhiên ta cảm thấy chán và tự than thở rằng không có gì để chụp. Tận dụng mỗi dịp du lịch với những cảnh quan, những môi trường, câu chuyện và con người mới để đổi gió, để học hỏi và tìm cảm hứng.

 

7. Đọc

– Ánh sáng, các loại ánh sáng và cách nó ảnh hưởng như nào đến tâm trạng con người.
– Lý thuyết màu sắc, phối màu, tính biểu tượng của màu sắc và cách kể chuyện bằng màu sắc.
– Lịch sử nhiếp ảnh, lịch sử hội họa, lịch sử điện ảnh, các phong trào nghệ thuật.
– Giải phẫu và hỉnh thể cơ thể con người.- Các huyền thoại nhiếp ảnh và ảnh của họ.
– Bố cục, đường nét, tương phản, chiều sâu… Các kỹ thuật nhiếp ảnh.
– Hiểu rõ về lĩnh vực mình theo đuổi chứ không chỉ riêng kỹ thuật nhiếp ảnh. Chụp thời trang thì phải hiểu rõ thời trang, lịch sử và các thuật ngữ thời trang, xu hướng ngành công nghiệp thời trang cũng như rèn luyện gu thẩm mỹ. Chụp phóng sự báo chí thì phải nắm rõ những thứ của báo chí, xã hội, xã luận, chính trị…

Ngay cả những bậc thầy, họ cũng không bao giờ ngừng học hỏi.

_ATN5165_Test

Ảnh: Anh Tu Nguyen Photography.

8. Đừng ngại tiếp nhận cảm hứng và bắt chước

Mặc ai nói gì thì nói, với tôi tiếp nhận cảm hứng và bắt chước một nhiếp ảnh gia bạn yêu thích là một phần quan trọng của quá trình học hỏi, miễn là chúng ta đừng mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn ấy quá lâu. Trong quá khứ và kể cả hiện tại, tôi nhận ra rằng có những nhiếp ảnh gia tôi đã hết thích vì gu, mắt thẩm mỹ của mình đã dần thay đổi, định hình thành một thứ riêng – nhưng cũng có những người tôi vẫn khâm phục và say mê ảnh của họ. Dù là ai đi nữa, khi nhìn nhận lại con đường và sự thay đổi trong những bức ảnh của mình, tôi nhìn thấy nhiều cột mốc khi những cảm hứng tôi nhận từ họ đã được thay đổi và phát triển, uốn nắn để trở thành một phong cách riêng biệt của bản thân. Một quá trình sẽ còn tiếp diễn mãi mãi.

Nguồn mannup.vn

Visited 7,170 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...