Chụp ảnh “lia máy” (panning) là cách chụp di chuyển máy theo một đường ngang khi ống kính quét theo một vật thể đang chuyển động. Khi bạn di chuyển máy ảnh của mình theo cùng tốc độ với vật mẫu, mẫu của bạn gần như chuyển động song song với ống kính. Nhưng bạn đã hiểu rõ cách chụp ảnh này chưa?
Nếu như định nghĩa ở trên chưa thể giúp bạn hình dung ra cách chụp ảnh lia máy, hãy thử tưởng tượng có một chú mèo đang ở trên chiếc bàn trước mặt bạn. Khi chú mèo di chuyển, bạn cũng bước chân sang ngang để theo kịp chuyển động của chú mèo. Trong mắt bạn, hình ảnh của chú mèo sẽ được thu lại một cách hoàn toàn rõ ràng, song cảnh vật có vẻ sẽ mờ đi.
Tương tự như vậy, khi chụp lia máy, bạn phải “đồng bộ” với tốc độ của vật mẫu và theo kịp cả tốc độ lẫn hướng di chuyển của vật mẫu một cách hoàn hảo.
Chụp lia máy để làm gì?
Chụp lia máy thu lại cảnh tượng vật thể chuyển động vào bức ảnh. Như bạn có thể thấy trong bức ảnh dưới đây, chụp lia máy tái tạo lại cảm giác vật thể chuyển động rất rõ ràng. Nếu giữ nguyên máy và chụp chuyển động, vật mẫu của bạn có thể sẽ bị mờ do tốc độ đóng cửa trập thấp.
Hình ảnh của chiếc xe rất rõ ràng và sắc nét, song cảnh vật lại bị mờ để tạo cảm giác chuyển động
Tiếp theo là một bức ảnh được chụp theo cách thông thường (không lia máy), với tốc độ cửa trập chậm (chụp lia máy đòi hỏi tốc độ đóng màn trập chậm). Do máy ảnh đứng yên, vật mẫu – toa xe tàu bị làm mờ, từ đó người xem có thể hình dung ra chuyển động.
Vậy, chụp lia máy có luôn luôn đem lại chất lượng tốt hơn cách chụp thông thường? Câu trả lời có thể là “có” và cũng có thể là “không”. Là người chụp ảnh, bạn có thể lựa chọn chụp lia máy hoặc chụp theo cách thông thường, tùy vào sở thích và tùy vào bối cảnh chụp ảnh của bạn.
Những nguyên tắc căn bản khi chụp lia máy
1. Chụp lia máy đòi hỏi bạn phải giữ chắc tay và sử dụng tốc độ cửa trập chậm
Tốc độ cửa trập nên dùng tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của vật mẫu nhưng thường sẽ là 1/200 giây hoặc chậm hơn. Tốc độ 1/200 nên dùng khi vật mẫu của bạn di chuyển rất nhanh, ví dụ như xe trên đường đua. Khi chụp vận động viên trên đường chạy, bạn chỉ cần sử dụng tới tốc độ 1/40.
2. Tốc độ cửa trập càng nhanh thì vật mẫu trên ảnh sẽ càng rõ nét
Khi bạn mới bắt đầu tập lia máy, bạn không nên sử dụng tốc độ cửa trập quá chậm. Bạn chỉ cần sử dụng tốc độ cửa trập đủ chậm để thể hiện một chút ít chuyển động trên ảnh mà thôi.
Khi đã tự tin hơn và đã quen hơn với việc chụp lia máy, hãy chọn tốc độ cửa trập chậm hơn để làm rõ chuyển động hơn nữa, giúp cho mẫu của bạn hoàn toàn nổi bật trên nền ảnh.
3. Bạn phải chuyển động liên tục, tương ứng với mẫu vật. Mẫu vật phải luôn luôn nằm trên một vị trí cố định trên khung hình để hiện lên ảnh rõ ràng, sắc nét.
4. Vật thể chuyển động càng nhanh thì càng khó chụp.
Đây là một điều khá hiển nhiên. Khi mẫu vật chuyển động quá nhanh, bạn khó có thể giữ được vị trí cố định cho vật mẫu trong khung hình. Do đó, khi mới chụp, hãy cố gắng làm chậm chuyển động của vật mẫu.
5. Hãy kiên nhẫn và cố gắng tận hưởng thời gian chụp ảnh
Chụp lia máy là một kĩ thuật khá khó. Nếu bạn không thành công, hãy bình tĩnh và chụp lại, hoặc tạm chuyển sang một kiểu chụp khác dễ hơn để thư giãn.
Hãy thoải mái hết sức trong quá trình học chụp lia máy. Khi tham gia các sự kiện “tiềm năng” cho kỹ thuật chụp lia máy, ví dụ như các sự kiện thể thao, đừng quá tập trung vào kỹ thuật lia máy và tự làm cho mình khó chịu. Hãy chụp với nhiều kỹ thuật khác nhau để có được một bộ sưu tập ảnh đa dạng từ sự kiện này, thay vì một bộ toàn những bức ảnh mờ.
Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng mẫu vật của bạn khó có thể sắc nét và rõ ràng 100% trong bức ảnh. Đôi khi, một vài phần mờ trên mẫu vật sẽ làm ảnh chụp trở nên ấn tượng hơn.
Một trong những trải nghiệm thú vị bạn có thể có được khi chụp lia máy là hãy chụp với trẻ em. Hãy thử giữ máy bằng một tay, và dùng một tay còn lại để giữ em bé và xoay vòng. Bạn sẽ chụp được những bức ảnh như bức ảnh sau đây.
Những mẹo chụp lia máy
– Sử dụng tốc độ cửa trập chậm hơn tốc độ bạn thường sử dụng. Hãy thử tốc độ 1/40 và sau đó thử các tốc độ chậm hơn. Tùy thuộc vào điều kiện sáng và tốc độ của mẫu vật, bạn có thể sử dụng các tốc độ khác nhau, song nếu sử dụng tốc độ quá chậm ảnh có thể sẽ bị mờ do rung tay.
– Chọn vị trí sao cho giữa máy ảnh và vật mẫu không có chướng ngại vật. Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét cảnh vật xung quanh – nền của bức ảnh. Nếu trong cảnh vật có các màu có thể gây rối mắt, ảnh chụp của bạn có thể trở nên quá rối. Bạn nên chọn cảnh có ít màu, đơn giản.
Bạn có thể tập chụp lia máy tại các khu phố đông đúc. Tại đây, bạn sẽ không bao giờ thiếu mẫu vật để chụp.
– Theo dõi chuyển động của vật mẫu một cách ‘mượt’ nhất có thể. Nếu sử dụng ống dài hoặc không chắc tay, bạn có thể cần tới monopod hoặc tripod.
– Để tránh mất nét bạn cần chọn vị trí để có thể theo dõi chuyển động của vật mẫu một cách dễ dàng nhất.
– Nếu tính năng tự động lấy nét (AF) trên máy bạn không đủ nhanh bạn cần phải nhấn nửa cò để tự lấy nét từ trước.
– Nhả cò hết sức mềm mại để tránh rung máy, và tiếp tục lia máy theo hướng chuyển động ngay cả khi đã nghe tiếng nhả cò. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo được chất lượng cho ảnh chụp từ đầu tới cuối.
– Trong trường hợp máy bạn gặp hiện tượng shutter lag (nhấn cò một vài giây rồi ảnh mới được chụp), bạn cần phải làm quen với hiện tượng này và lựa chọn khoảnh khắc để chụp ảnh một cách cẩn thận hơn.
– Sử dụng flash: Cũng giống như các kỹ thuật chụp ảnh khác, chụp lia máy không bị gò ép bởi bất kì luật lệ nào. Bạn có thể thử nghiệm sử dụng đèn flash khi chụp lia máy.
Kỹ thuật chụp chậm với đèn flash đồng bộ sẽ chỉ hoạt động tốt khi mẫu vật của bạn đủ gần với máy ảnh để đèn flash tạo ra sự khác biệt. Khi sử dụng kỹ thuật này, máy ảnh sẽ được cài đặt tốc độ cửa trập chậm và đèn flash được bật lâu. Nhờ đó, bạn sẽ giữ được mẫu vật trong khung hình lâu hơn và tạo được hiệu ứng chuyển động nền mờ.
Nhìn chung, bạn sẽ phải thử nghiệm rất nhiều cài đặt khác nhau cho đèn flash. Trong một số trường hợp, bạn sẽ phải giảm độ sáng của flash còn 1/2 hoặc 2/3.
Nguồn: Việt Dũng – vnreview.vn
Theo Digital Photography School
Bài viết số 2: Một bài viết khác của sonyalphavn
Kinh nghiệm chụp ảnh Panning
Panning là phương pháp chụp lia máy là một phương pháp chụp ảnh đã được sử dụng rất lâu và giúp người chụp có được những hiệu ứng khá thú vị do hậu cảnh mờ và nhòe đi nên tạo cho bức ảnh rất động
Những điểm cần lưu ý khi thực hiện:
· Tốc độ máy nên để thấp hơn tốc độ của đối tượng cần chụp
· Không nên chụp với hậu cảnh đơn sắc vì sẽ rất khó tạo ra hiệu ứng khi chụp
· Chọn tốc độ phù hợp (khó có một tốc độ chuẩn, mà liên quan tới động tác lia chậm hay mau, chủ thể di chuyển nhanh hay chậm), thông thường nên chọn tốc độ từ 1/15s trở xuống, và những chức năng chống rung (trên ống kính hay trên con chíp) đặc biệt phát huy hiệu dụng cao trong trường hợp này.
· Tiêu cự, nên chọn từ trung bình đến ngắn, tele không phát huy tác dụng cao (khó lia, dễ rung, dễ ra ngoài khung hình).
· Giữ cho chủ thể ở trong khuôn hình trong suốt quá trình lia (càng giữ được tốt chừng nào thì mức độ còn nét của chủ thể càng cao)
Cách chụp như sau:
1. Đặt chế độ cửa chập (shutter speed) thấp: mới đầu đặt ở 1/30 giây, sau đó sẽ điều chỉnh sau theo tốc độ di chuyển của chủ thể – nhằm mục đích khi lia theo máy, tốc độ đủ chậm để làm nhòe hậu cảnh. Tuy nhiên, cũng cần chú ý khép khẩu độ mở phù hợp bởi lúc này tốc độ cửa chập rất chậm có thể làm cho ảnh bị cháy do thừa sáng (overexposure).
Với hậu cảnh sẫm phương pháp chụp panning trở nên khá hiệu quả
2. Vị trí góc chụp: Nên đứng tương đối xa đường di chuyển của chủ thể, không nên đứng theo hướng chủ thể tiến lại gần hay ra xa chỗ đứng chụp để đảm bảo khoảng cách giữa máy và chủ thể không thay đổi đáng kể trong quá trình bấm máy
Đoàn quân nhạc đang diễu hành với phương pháp chụp Panning
3. Chuẩn bị: Nên chuẩn bị tư thế đứng chụp và luyện lia máy theo hướng phán đoán chủ thể sẽ di chuyển, nên chụp thử vài kiểu để đánh giá tốc độ cửa chập đã đặt có phù hợp với mong muốn xóa phông (là nhòe hậu cảnh) và tốc độ di chuyển của chủ thể không (theo phán đoán). Đặt sẵn khẩu độ mở phù hợp với tốc độ cửa chập đã định để ảnh không quá tối hay quá sáng cháy; quyết định trước nên bắt đầu lia từ khoảng nào và ngắm vào các điểm có cự ly tương đương rồi thử căn nét và lia. Nên tính trước vị trí sẽ bấm máy để có được hậu cảnh và góc chụp đẹp.
Với phương pháp chụp panning chúng ta có cảm giác vận đông viên đua xe đạp với 1 tốc độ rất cao
4. Các chế độ căn nét: Nếu phán đoán trong quá trình lia cự ly giữa máy và chủ thể là không đổi – trong phạm vi thời gian cửa chập hoạt động (ví dụ 1/30 giây) – và tay lia đã tập điêu luyện, có thể đặt máy ở chế độ nét cố định và căn nét trước dựa vào các vật có khoảng cách tương đương với chủ thể khi xuất hiện
5. Thao tác chụp: Khi chủ thể xuất hiện, giơ máy ngắm vào chủ thể và lia theo chủ thể, quan sát tới khoảnh khắc thuận lợi và hậu cảnh mong muốn thì nhấn nút chụp ( khi chụp xong tay vẫn giữ chắc máy và lia theo hướng của chủ thể )
Chúc các bạn có được những bức hình đẹp như mong muốn với phương pháp chụp Panning này.
Bài viết số 3
Panning hay còn gọi là kỹ thuật lia máy để tạo các bức ảnh động ấn tượng là một trong những thủ thuật thường được các nhiếp ảnh gia thể thao sử dụng. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn tập luyện kỹ thuật chụp này.
Có thể bạn đã biết, tốc độ màn trập ảnh hưởng đáng kể đến hiệu ứng chuyển động của bức ảnh. Tốc độ chụp nhanh thì chủ thể chụp sẽ bị bắt dính trong khung hình nhưng lại không tạo được cảm giác chuyển động. Tốc độ chụp chậm sẽ diễn tả được sự chuyển động của chủ thể nhưng lại không thể đảm bảo chủ thể sắc nét nổi bật khỏi khung ảnh. Panning là kỹ thuật chụp để tạo cảm giác chuyển động của chủ thể mà vẫn đảm bảo hình ảnh chủ thể sắc nét mà không cần sự can thiệp của những phần mềm xử lí ảnh. Panning là một thủ thuật tuyệt vời có thể gây nghiện, nó đòi hỏi bạn cần phải thường xuyên luyện tập nhưng cũng cần một ít may mắn.
Kỹ thuật chụp khá đơn giản, bạn cần lấy nét và di chuyển ống kính bám theo chủ thể. Nếu thực hiện tốt, kết quả sẽ là một bức ảnh trong đó chủ thể được chụp nổi bật trên khung nền bị nhòa đi. Điều này tạo cho người xem cảm giác chủ thể đang di chuyển. Kỹ thuật này cực kỳ hữu ích khi chụp các chủ thể chuyển động nhanh như cầu thủ bóng đá, đua xe, điền kinh…
Kỹ thuật chụp ảnh chuyển động
Những gợi ý tập luyện:
– Kỹ thuật đòi hỏi bạn bắt đầu với tốc độ màn trập chậm hơn bình thường, khoảng 1/30 giây. Tùy thuộc vào ánh sáng và tốc độ di chuyển của chủ thể, bạn có thể tăng giảm tốc độ chụp trong khoảng từ 1/8 đến 1/60 giây. Ống kính có chống rung khá hữu hiệu trong kỹ thuật chụp này. Tất nhiên những tấm ảnh đầu tiên sẽ khó mà sắc nét như ý.
– Địa điểm chụp cũng quan trọng, đảm bảo bạn không bị bất cứ vật cản nào che khuất giữa bạn và chủ thể.
– Ngoài khả năng chống rung của ống kính, kỹ thuật chỉ đòi hỏi bạn vững tay di chuyển theo chủ thể. Do đó chân máy để tạo điểm tựa vững chắc và có thể xoay theo hướng chủ thể sẽ giúp bạn chụp tốt hơn.
– Chuyển sang tính năng lấy nét liên tục để luôn bắt nét chủ thể. Cần lấy nét chủ thể trước khi chụp.
Không có bất cứ 1 quy định hay quy tắc nào với kỹ thuật này, nên bạn có thể thử với đèn flash và kỹ thuật đồng bộ chậm. Thử các thiết lập đèn flash để có thêm kinh nghiệm và sáng tạo các hiệu ứng riêng cho mình. Nếu đèn fash của bạn có chế độ đánh liên tục thì bạn có thể sẽ nhận được hình ảnh chủ thể di chuyển liên lục trên ảnh. Hầu như bạn sẽ không chụp được gì trong những lần thử nghiệm đầu tiên, đây có thể là một kỹ thuật thú vị nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn của người chụp. Khi đã nắm vững kỹ thuật, chắc chắn bạn sẽ có được những bức ảnh ấn tượng khi luyện tập kỹ thuật này thường xuyên mà không cần đến các phần mềm xử lí ảnh.
Khi đã thành thạo, bạn sẽ thấy panning rất tuyệt. Trong những trận thể thao đòi hỏi người chụp ảnh phải nhanh chóng cung cấp hình ảnh liên tục, bạn sẽ giảm khá nhiều thời gian xử lí hậu kỳ cho bức ảnh.
Nguồn CAMAN – chupanhcuoi.org
Visited 3,899 times, 1 visit(s) today
Bình luận