Kính lọc ND filter là gì và cách sử dụng chúng hiệu quả
Bài viết Kính lọc ND filter là gì và cách sử dụng chúng hiệu quả sẽ chỉ bạn về các loại kính lọc, tác dụng chúng như thế nào trong chụp ảnh phong cảnh
1. KÍNH ND (NEUTRAL DENSITY) ĐỂ LÀM GÌ?
Kính ND làm giảm cường độ sáng đến cảm biến của máy ảnh, giúp ta kéo dài thời gian chụp ảnh dưới nguồn ánh sáng mạnh với các mục đích:
- Chồng ghép các chuyển động của dòng chảy như thác nước, dòng sông, biển,…tạo ra sự chuyển động mềm mại hoặc bồng bềnh như sương khói. Khi thời gian chụp ảnh đủ lâu mà biên độ giao động của những gợn sóng bé hoặc những gợn sóng trong ao hồ sẽ tạo ra sự đồng phẳng giúp cho sự phản xạ của ánh sáng gia tăng, mặt nước phẳng lặng như mặt gương gia tăng mật độ phản chiếu hoặc độ trong của nước.
- Tạo trường ảnh (Depth of Field – DOF) mỏng hơn dưới cường độ sáng rất mạnh khi cần mở khẩu lớn. Có thể áp dụng cho chụp chân dung trong điều kiện ánh sáng mạnh nhằm đưa tốc độ màn chập về chỉ số thích hợp và có thể đồng bộ được với đèn flash
Trong các hình minh họa dưới đây Hình không dùng kính lọc nên hiệu quả xóa phông chưa cao. Hai hình bên phải dùng thêm kính lọc ND4 và ND8 nên độ mở ống kính tăng 2 và 3 f-stop. Kết quả là khoảng ảnh rõ thu hẹp lại và chủ đề nổi bật hơn trên phông nền bị xóa mờ. Trong trường hợp ánh sáng quá gắt cũng có thể dùng ND nhiều stops hơn để ống kính có thể mở rộng hơn.
- Giảm cường độ ánh sáng quá mạnh gây mờ ảnh khi chụp ngược sáng, giảm thời gian chụp để máy ảnh không phải chụp quá nhanh quá giới hạn của thiết bị, giúp ảnh trong hơn và thể hiện chi tiết tốt hơn.
- Giảm tốc độ màn chập nhằm thu giữ nhiều chuyển động trong khung ảnh tạo sự chuyển động trong hình ảnh như các chuyển động của vật thể, mây trôi, thao tác của con người, rung động lá cây…
2. CÓ BAO NHIÊU LOẠI KÍNH ND?
2.1 Phân loại theo hình dáng cấu tạo :
Gồm 2 loại cơ bản và loại hình tròn và hình vuông (hoặc chữ nhật)
2.1.1 Kính ND tròn
Loại hình tròn được lắp đặt trực tiếp lên vòng ren của ống kính |
Ưu điểm:
- Gọn nhẹ, dễ dàng bảo quản hơn hơn loại vuông
- Giá thành rẻ hơn
Khuyết điểm:
- Chỉ lắp vừa cho ống kính cùng kích thước ren, có thể dùng bước ren chuyển xuống đường kính khác dùng cho lens nhỏ hơn, nhưng có khả năng bị tối bốn góc
- Thao tác tháo lắp chậm nên có thể bị lỡ khoảnh khắc đẹp
- Khó lắp thêm kính lọc khác như GND và thao tác khó khăn
- Không thể sử dụng được cho một số lens lồi và lens siêu rộng hoặc có đường kính to hơn
2.1.2 Kính ND vuông (chữ nhật)
Kính ND vuông được chế tạo nhằm khắc phục các hạn chế của ND tròn, giúp cho hệ thống thao tác nhanh hơn, thuận tiện hơn, có thể lắp được trên nhiều loại ống kính khác nhau thông qua holder (bộ gá) và rất thuận tiện khi cần thay đổi kính lọc và sử dụng kết hợp với kính lọc GND.
Kính ND vuông | Holder (Bộ gá) |
- Khuyết điểm : giá thành thường cao hơn loại tròn, cồng kềnh và khó bảo quản hơn loại tròn. Nhưng nếu sử dụng chung cho nhiều lens thì giá thành ND vuông có thể rẻ hơn ND tròn
2.2 Phân loại theo cấu tạo vật liệu
2.2.1 ND bằng resin (nhựa chuyên dụng) :
- Ưu điểm: Có độ bền cơ học tốt hơn bằng kính, khả năng chống vỡ tốt hơn. Giá thành thường thấp hơn ND kính
- Nhược điểm: mặt kính dễ bị trầy, tuy nhiên những vết trầy trên kính lọc thường ít ảnh hưởng đến chất lượng ảnh.
2.2.2 ND bằng kính
- Ưu điểm: Có khả năng phản xạ ánh sáng tốt hơn resin, chất lượng ảnh có thể trong hơn resin trong một số trường hợp. lau chùi vệ sinh dễ dàng hơn. Một số loại ND kính cao cấp được tráng phủ nhiều lớp hóa chất kỹ thuật trên bề mặt làm tăng khả năng chống lóa, lọc ánh sáng, khử ám màu cho chất lượng ảnh tốt hơn.
- Khuyết điểm: giá thành thường cao hơn ND resin, khó bảo quản và dễ vỡ.
2.3 Phân loại theo kích thước
ND tròn: được chế tạo theo kích thước ống kính lắp trên ren có kích thước phổ biến từ 32mm đến 95mm
ND vuông: gồm các hệ kích thước 32mm; 67mm; 84/85mm; 100/101mm; 130mm; 145/150mm; 165mm. Mỗi một hệ kích thước ND phải lắp holder riêng biệt khác nhau
Holder 85mm | Holder 100mm | Holder 130mm | ||
Holder 150mm | Holder 150mm | Holder 165mm |
2.4 Phân loại theo mức độ giảm sáng
Kính ND được chế tạo theo nhiều mức giảm sáng khác nhau tùy theo mục đích sử dụng, các bước thay đổi thông thường là 1 stop (1 khẩu độ ánh sáng), mức độ giảm sáng thông thường từ 1 stop đến 10 stops. Hiện nay có một số ND giảm đến 16 stops
2.5 Phân loại theo hình thức giảm sáng
Giảm sáng cố định: mỗi filter ND chỉ có một chỉ số giảm sáng (stop) cố định không thể thay đổi được
Giảm sáng thay đổi (Variable ND) : là loại ND tròn có khả năng thay đổi mức độ giảm sáng khi xoay 2 lớp filter. Giá trị giảm sáng lớn tùy thuộc vào từng loại filter khác nhau, thông thường là từ 5 đến 10 stops. Variant ND là loại ND tròn nên có những ưu nhược điểm tương tự như ND tròn, ngoài ra có ưu điểm ND khác là gọn nhẹ hơn, chỉ cần dùng một filter duy nhất cho mọi nhu cầu, tuy nhiên chất lượng thường không tốt bằng ND có stop cố định.
3 LỰA CHỌN KÍNH ND NHƯ THẾ NÀO?
3.1 Xác định kích thước và hình dáng filter ND
Kích thước và hình dáng filter ND phụ thuộc vào lens, hoặc hệ thống lens sẽ lắp đặt filter. Nên chọn lựa kiểu dáng và kích thước filter phù hợp với nhu cầu sử dụng, khả năng thao tác (mức độ thuận tiện, khả năng và tốc độ lắp đặt filter ND lên lens) và phù hợp với khả năng tài chính.
Đối với những lens lồi như fisheye, super wide, ultra wide không thể lắp đặt được các loại ND tròn, cần phải xác định kích thước ND vuông phù hợp với nhu cầu sử dụng. Chúng ta có thể tham khảo một số kích thước filter vuông theo danh sách dưới đây (Thông số tham khảo được lấy theo khả năng đáp ứng của filter ND tương ứng với holder Bombo, có thể một số holder của các nhà sản xuất khác không đáp ứng được những thông số trên và phải dùng filter ND với kích thước lớn hơn)
3.1.1 Danh sách một số lens super wide có thể sử dụng kính ND 85x85mm
- Sony 10-18mm f/4 OSS Alpha E-mount
- Fujifilm XF 10-24mm f/4 R OIS
- Samyang 12mm f/2 NCS CS
- Canon EF-S 15-85mm f/3.5-5.6 IS USM UD
- Sony E 16-50mm f/3.5-5.6 OSS
- Nikon Af-s 16-85mm F/3.5-5.6G Ed Vr
- Tamron SP AF 17-50mm f/2.8
- Sigma 17-70mm F2.8-4 Contemporary DC Macro OS HSM
3.1.2 Danh sách một số lens super wide có thể sử dụng kính ND 100x100mm
- Sigma 10-20mm f/4-5.6 EX DC HSM
- Canon EF-S 10-22mm f/3.5-4.5 USM
- Tokina 11-16mm f/2.8 AT-X Pro DX II
- Nikon AF-S DX Zoom-NIKKOR 12-24mm f/4G
- Voigtlander Heliar Ultra Wide-Angle 12mm f/5.6
- Voigtlander Super Wide Heliar 15mm f/4.5
- Canon EF 16-35mm f/2.8L II USM
- Canon EF 16-35mm f/4L IS USM
- Zeiss Vario-Sonnar T* 16-35mm f/2.8 ZA SSM
- Sony Vario-Tessar T* FE 16-35mm f/4 ZA OSS
- Nikon AF-S NIKKOR 16-35mm f/4G ED VR
- Carl Zeiss Distagon T* 18mm f/2.8
- Sigma 20mm f/1.8 EX DG RF
3.1.3 Danh sách một số lens super wide có thể sử dụng kính ND 150x150mm
- Sigma 8-16mm f/4.5-5.6 DC HSM
- Sigma 12-24mm f/4.5-5.6 DG HSM
- Sigma 14mm f/2.8 EX HSM
- Canon 14mm f//2.8 L (II) USM
- Tamron SP AF14mm f/2.8 Aspherical
- Samyang 14mm f/2.8 ED AS IF UMC
- Carl Zeiss Distagon T* 15mm f/2.8 ZF.2/ZE
- Nikkor AF 14mm f/2.8D ED
- Nikkor 14-24mm f/2.8G ED AF-S
- Sigma 15-30mm f/3.5-4.5 EX
- Carl Zeiss Distagon T* 15mm f/2.8
- Nikon 15mm f/5.6
- Nikon 15mm f/3.5
- Tamron 15-30mm f/2.8 Di VC USD
- Tokina AF16-28mm f/2.8 AT-X PRO FX
- Zenitar 16mm f/2.8 Fisheye
- Nikon 16mm f/2.8 AF Fisheye
- Canon TS-E 17mm f/4L Tilt-Shift
3.1.4 Danh sách một số lens super wide có thể sử dụng kính ND 165x165mm
- Canon EF 11-24mm f/4L USM
- Carl Zeiss Distagon T* 15mm f/2.8
- Canon TS-E 17mm f/4L Tilt-Shift
3.2 Xác định nhu cầu giảm sáng
Nhu cầu giảm sáng tùy vào chủ đề và nội dung cần diễn đạt của bức ảnh, ví dụ chúng ta cần diễn đạt sự động tĩnh trong một bức ảnh thì trước tiên cần xác định các yếu tố mỹ thuật, nội dung sau đó dùng kỹ thuật để diễn đạt. Yếu tố mỹ thuật và nỗi dung bao gồm việc thể hiện rõ, mờ chủ đề, chuyển động nhanh chậm, hình dáng bị biến dạng cho di chuyển… từ đó xác định tốc độ màn chập cần thiết để thực hiện.
Tham khảo tốc độ màn chập để diễn đạt nội dung trong bảng 3.1 dưới đây:
Bảng 3.1 Điều khiển tốc độ màn chập
STT | NỘI DUNG DIỄN ĐẠT | TỐC ĐỘ MÀN CHẬP | YẾU TỐ ẢNH HƯỠNG |
1 | Sóng nước chuyển động mềm mại | 1/10s – 1s | Cường độ sóng mạnh hay yếu, bước sóng dài hay ngắn |
2 | Mặt nước hồ tĩnh lặng, trong vắt và soi bóng vật thể | 1s – 60s | Cường độ sóng mạnh hay yếu. Sóng nhẹ thì phơi nhanh hơn |
3 | Mặt nước biển bồng bềnh như sương khói | 15s – 180s | Sóng càng mạnh mức độ bồng bềnh càng cao và thời gian phơi càng ít |
4 | Thác, suối như tơ lụa | 1/10s – 10s | Nước càng nhiều thời gian phơi càng ít |
5 | Mây trôi | 15s – 180s | Tốc độ gió càng lớn, thời gian phơi càng ít |
6 | Sự di chuyển của con người, xe cộ, hoạt động thể thao, lao động… | 1/15s – 1/60s | Tốc độ di chuyển của vật thể, thao tác và mức độ rõ mờ của nội dung cần thể hiện |
7 | Xóa các nội dung chuyển động (xóa người di chuyển trong phong cảnh) | 4-10 lần thời gian vật di chuyển trong khung hình | Tốc độ và tổng thời gian xuất hiện của 1 di chuyển trong khu hình |
8 | Vẽ nội dung vào khung cảnh bằng ánh sáng (đèn pin, sợi sáng, ngọn lửa…), pháo hoa, đèn xe | 1-2 lần thời gian vẽ ánh sáng | Độ tương phản ánh sáng giữa vùng tối và sáng càng lớn thì phơi càng lâu |
Sử dụng ND với mức độ giảm sáng cần thiết để kiểm soát tốc độ màn chập mong muốn
Bảng 3.2 Ký hiệu mức độ giảm sáng của thương hiệu kính ND trên thế giới
f/stop | Tỷ lệ giảm ánh sáng | Lee, Tiffen, Hitech, Singh-Ray | Cokin, Hoya, B+W, Marumi | Leica |
1 | ½ | 0.3 | ND2(X) | 1X |
2 | ¼ | 0.6 | ND4(X) | 4X |
3 | 1/8 | 0.9 | ND8(X) | 8X |
4 | 1/16 | 1.2 | ND16(X) | 16X |
5 | 1/32 | 1.5 | ND32(X) | 32X |
6 | 1/64 | 1.8 | ND64(X) | 64X |
7 | 1/128 | 2.1 | ND100(X) | |
8 | 1/256 | 2.4 | ND200(X) | |
9 | 1/512 | 2.7 | ND400(X) | |
10 | 1/1024 | 3.0 | ND1000(X) |
Bảng 3.3 Giá trị qui đổi thời gian phơi sáng bằng ND
Dựa vào điều kiện ánh sáng thực tế tại hiện trường, xác định tốc độ màn chập hiện tại, tra bảng tính trên ta có thể lựa chọn được mức độ giảm sáng cần thiết (số stops của filter ND cần dùng)
Tốc độ màn chập hiện tại ngoài yếu tố điều kiện ánh sáng còn phụ thuộc vào ý đồ nghệ thuật và nội dung cần thể hiện của bức ảnh được khống chế bởi độ mở của ống kính (f) và độ nhiễu của hình (iso). Ví dụ khi chụp phong cảnh hầu hết mọi người đều muốn thể hiện hình hảnh sắc nét từ tiền cảnh đến vô cực, trước hết cài đặt ISO thấp để hình ít noise, đặt độ mở ống kính ở khu vực tối ưu của ống kính để cho hình sắc nét nhất, kiểm soát độ mở ống kính (f) và khoảng cách lấy nét để đảm bảo trường ảnh (DOF) đủ dầy để rõ hết vùng ảnh. Khi cố định ISO và f ta sẽ có được giá trị tốc độ màn chập đúng sáng hiện tại khi chưa lắp ND. Sau đó lắp đặt ND thích hợp để thể hiện ý đồ sáng tác. Sau mỗi lần thực hiện xong cần kiểm tra lại biểu đồ Historgam để điều chỉnh cho bức ảnh sau được chính xác hơn.
Ví dụ 1: chọn lựa mức độ giảm sáng ND
Tác giả cần chụp phong cảnh biển bình minh, cần thể hiện các chuyển động của con sóng dạt dào và mềm mại. Cài đặt ISO thấp, cài đặt f ở giá trị tối ưu đo sáng cho thấy giá trị phơi sáng hiện tại bằng 1/40s. Tìm ND thích hợp? |
Trả lời: Để thể hiện ý đồ trên tra bảng 3.1 cho thấy cần tốc độ màn chập đạt 1/10s – 1s. Tra bảng 3.3 ta thấy có 2 giá trị thỏa mãn yêu cầu là ND 2 stops và ND 3 stops
Ví dụ 2: chọn lựa mức độ giảm sáng ND
Cũng cùng thời điểm với Ví dụ 1 nhưng tác giả mong muốn thể hiện mặt nước biển phẳng lặng, mây trôi mãnh liệt. Tìm ND thích hợp? |
Trả lời: Để thể hiện ý đồ trên tra bảng 3.1 cho thấy cần tốc độ màn chập đạt 15s – 180s. Tra bảng 3.3 với tốc độ màn chập hiện tại 1/40s ta thấy có 2 giá trị thỏa mãn yêu cầu là ND 9 stops và ND 10 stops hoặc ND 13 stops
Chúc các bạn có được những tác phẩm đẹp !
Nguồn tin: bombophoto.com