Ý nghĩa các thông số trên ống kính (lens) máy ảnh
Có quá nhiều thông số ghi trên ống kính đôi khi gây khó khăn cho những người mới làm quen với nhiếp ảnh. Để hiểu rõ thiết bị của mình thì bạn phải đọc được các thông số. Ngoài hai thông số chính trên ống kính là tiêu cự và khẩu độ thì mỗi hãng lại có các ký hiệu riêng cho ống kính của mình.
Ống kính Canon
F và EF-S
Ký hiệu EF và EF-S là kí hiệu của các ống kính Canon sử dụng ngàm (hay còn gọi là mount). EOS Electro-Focus được sử dụng từ năm 1987. Các ống kính EF dành cho dòng máy ảnh full-frame (5D, 5D MarkII), trong khi đó ký hiệu EF-S là các ống kính được thiết kế cho các máy ảnh có cảm biến nhỏ (crop 1.6x), chữ S có nghĩa là ống kính có tiêu cự ngắn short back focus. Các ống EF-S có phần đuôi nhô sâu hơn, do đó không thể gắn lên các máy full-frame. Các ống kính EF-S xuất hiện khoảng năm 2003 cùng với máy ảnh 300D và 20D. Nhiều ống kính EF-S – có chất lượng quang học rất tốt nhưng giá lại không cao, phù hợp với người dùng phổ thông.
L
Ký hiệu L thường được hiểu là Luxury – các ống kính cao cấp của Canon. Các ống kính L của Canon chính là niềm mơ ước của hầu hết các nhà nhiếp ảnh. Một ống kính L luôn có hiệu năng quang học tốt nhất ngay cả với các ống có phạm vi zoom rộng nhưEF 24-105mm F4 IS USM. Thiết kế của hầu hết các ống kính L có khả năng chống nước và bụi. Một số ống kính một tiêu cự (50mm f1.4) cho chất lượng ảnh cũng rất tốt nhưng thường bị bụi, trong khi đó các ống kinh zoom không L được Canon tối ưu để có trọng lượng nhẹ, chi phí thấp, nhưng chất lượng quang học không thể so với các ống kính L. Canon EF 24-105mm F4 IS USM
DO
Viết tắt của Diffractive Optic, là công nghệ, quang sai (chromatic) ứng dụng trên ống kính Canon giúp giảm kích cỡ và trọng lượng ống kính. Tuy vậy, có rất ít ống kính của Canon có được kí hiệu này. Chất lượng quang học của các ống kính này không thể so với các ống kính L nhưng lại có giá tương đương các ống kính L.
IS
Viết tắt của Image Stabilizatio – công nghệ chống rung trên ống kính Canon được ứng dụng từ công nghệ của máy quay phim. Chống rung đặc biệt quan trọng với các ống kính tele có tiêu cự dài trên 100mm. IS cho phép bạn chụp ảnh ở tốc độ chậm hơn mà không bị rung máy. Chức năng chống rung có thể thay thế bằng ISO cao và khẩu độ lớn, nhưng như vậy thì chất lượng ảnh sẽ giảm đáng kể.
USM
Viết tắt của UltraSonic Moto, công nghệ lấy nét siêu êm và siêu nhanh của Canon. Mọi ống kính của Canon điều có động cơ lấy nét bên trong, trong khi đó các ống kính khác có thể có hay không có động cơ lấy nét, một số ống kính của Nikon lấy nét bên trong thân máy. Các ống kính của Canon có thể tương thích với hầu hết các máy ảnh của hãng, đây là một lợi thế của người dùng Canon.Ống kính Nikon
VR – viết tắt của Vibration Reduction, là chức năng chống rung tương tự như IS của Canon.
ED – (Extra-low Dispersion). Ống kính có thêm thấu kính chống tán xạ đắt hơn các thấu kính thông thường nhằm giảm quang sai viền tím.
Ống kính Nikon
IF – (Internal Focus), chức năng lấy nét bên trong ống kính. Ống kính sẽ không thay đổi chiều dài khi bạn lấy nét.
DX – được thiết kế cho các ống kính có cảm biến nhỏ của Nikon, các ống kính này tương tự như ống kính EF-S của Canon và cũng không thể gắn lên các ống kính full-frame do hình ảnh tập trung không đủ lớn trên cảm biến full-frame.
FX – là các ống kính dành cho các máy full-frame của Nikon.
G – là các ống kính mới của Nikon, trên ống kính không có vòng chỉnh khẩu độ, do đó bạn phải chỉnh khẩu độ trên thân máy. Các ống kính G không hoạt động trên các thân máy cũ.
AF-S – có nghĩa là Silentwave Moto, là các ống kính có trang bị động cơ lấy nét siêu nhanh, tương tự như chức năng USM của Canon. Các ống kính AF-S hoạt động nhanh và không ồn.
Ống kính Tamron
VC – viết tắt của Vibration Compensation, ống kính có chức năng chống rung, chức năng cần thiết cho các ống kính zoom tele.
USD – (Ultrasonic Silent Drive), chỉ các ống kính có tốc độ lấy nét nhanh và êm khi làm việc.
Di – (Digitally Integrated), là các ống kính được thiết kế tối ưu cho máy ảnh kỹ thuật số. Các thấu kính có lớp phủ đặc biệt và có thiết kế quang học đảm bảo độ sắc nét của ảnh trong toàn bộ khung hình. Các ống kính Di của Tamron còn tương thích tốt với các máy ảnh full-frame.
Di II – là bản nâng cấp của Di với các công nghệ mới hơn, giảm tối đa tình trạng tán sắc, tăng sắc nét ở các góc cạnh của ảnh và luôn đảm bảo hình ảnh được tập trung chính xác trên cảm biến.
XR– (Extra Refractive Index Glass), chỉ các ống kính có các thấu kính đặc biệt nhằm hạn chế tối đa khúc xạ ánh sáng, nhờ đó mà giảm được tình trạng quang sai, cải thiện chất lượng hình ảnh thu được.
Macro – chỉ các ống kính có khả năng chụp macro với khoảng cách lấy nét gần hơn so với các ống kính thông thường khác. Ngoài một số ống kính Macro chuyên dụng của Tamron thì có nhiều ống kính cũng có kí hiệu này.
SP – (Super Performance), có nghĩa là các ống kính có hiệu suất tốt của Tamron, trước đây các ống kính đạt một hay nhiều tiêu chuẩn sau của Tamron thì sẽ có chữ SP trên ống kính:
– Ống kính có độ sắc nét và tương phản tốt
– Tán sắc thấp
– Lấy nét trong IF (Internal focusing)
– Siêu macro
– Tiêu cự đặc biệt so với các ống kính khác.
– Khẩu độ lớn so với các ống kính khác.
Ngày nay các ống kính của Tamron khống chế được sự tán sắc khá tốt nên tiêu chuẩn tán sắc thấp không còn được mang kí hiệu SP nữa.
LD – (Low Dispersion) chỉ các ống kính được thiết kế để hạn chế sự tán sắc.
XLD – (Extra Low Dispersion), chỉ các ống kính có thấu kính được làm từ thủy tinh cao cấp nên ít bị tán sắc hơn so với các thấu kính LD. XDL tăng độ sắc nét giảm quang sai hiệu quả ở bất kỳ tiêu cự nào trong các ống kính zoom
ASL– (Aspherical), là ống kính có một hay nhiều lớp thấu kính đặc biệt, nhằm tập trung lấy nét chính xác trên cảm biến, ASL cho phép các ống zoom tele của hãng có chất lượng hình ảnh tốt hơn.IF – (Internal focusing), các ống kính lấy nét trong bằng cách thay đổi các thấu kính, không làm thay đổi chiều dài của ống kính
AD – (Anomalous Dispersion), ống kính có khả năng chống các trường hợp tán sắc bất thường, chức năng tương tự như LDnhưng chỉ hữu dụng khi ống kính bị tán sắc trong các trường hợp đặc biệt.
ZL – (Zoom Lock), chức năng khóa cố định zoom của ống kính
A/M – ống kính có thể chuyển chế độ lấy nét tay và tự động.
FEC – (Filter Effect Control) chức năng kiểm soát và tăng cường cho các kính lọc gắn trên ống kính. Được thiết kế để xoay bộ lọc và vị trí mong muốn ngay cả khi bạn gắn hood lên ống kính.
Ống kính Sigma
ASP – (Aspherical), là các ống kính có thấu kính được thiết kế đặc biệt, nhằm tăng chất lượng ống kính nhưng lại có thể giảm bớt nhiều thấu kính khác
APO – (Apochromatic), gồm các thấu kính có cấu tạo phức tạp nhằm đạt được chất lượng hình ảnh cao nhất, các ống kính APOcủa Sigma được thiết kế nhằm cải thiện hiệu suất, giảm trọng lượng và kích thước của ống kính.
OS – (Optical Stabilizer) chức năng chống rung quang học
HSM – (Hyper-Sonic Motor), là ống kính có các mô-tơ điều khiển bằng sóng siêu âm cho phép lấy nét nhanh chóng và không ồn
RF – (Rear Focus), ống kính được trang bị hệ thống lấy nét phía sau ống kính, nhằm lấy nét nhanh nhưng yên tĩnh.
IF– Lấy nét trong, ống kính không thay đổi độ dài khi lấy nét
EX – các ống kính có thiết kế bên ngoài chắc chắn với chất lượng quang học tốt.
DG – là các ống kính được thiết kế đặc biệt cho các máy ảnh số với góc rộng, khẩu độ lớn, phù hợp cho cả máy ảnh số có cảm biến nhỏ và máy ảnh full–frame
DC – cũng là ống kính được thiết kế cho các máy ảnh có cảm biến nhỏ, không sử dụng được trên máy ảnh full-frame.