Tự học chụp ảnh – Sử dụng đèn flash
Đèn flash trên máy ảnh thường được sử dụng để làm sáng đối tượng hay cảnh vật trong môi trường thiếu sáng. Nó cũng có cơ chế giúp làm giảm hiện tượng mắt đỏ khi chụp ảnh chân dung có đèn. Hầu hết mọi người đều để đèn ở chế độ tự động. Những người nắm vững kỹ thuật hơn một chút thì chọn chế độ bật bằng tay khi cần. Lý do cho việc này là đèn flash trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng tới thần thái chung của một bức ảnh.
Bật và tắt đèn flash
Khi bấm nút, menu các chế độ đèn sẽ bật để bạn có thể lựa chọn thay đổi.
Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Chức năng điều khiển đèn thường được ký hiệu dạng tia chớp và được đặt tại một nút điều hướng ở thân sau của máy ảnh. Bấm nút này sẽ hiện lên các tùy chọn như bật cưỡng bức, tắt, bật chế độ khử mắt đỏ, bật tự động… Bạn chỉ việc dùng các nút điều hướng để di chuyển qua các chế độ để lựa chọn.
Khi nào nên dùng đèn flash?
Chủ thể này có nguồn sáng ở phía sau nên mặt trước bị tối đi. Ảnh: Shawn Low / Cnet Asia.
Về nguyên tắc, đèn flash chỉ sử dụng khi ánh sáng tối và chủ thể không có đủ sáng. Mặc dù với môi trường thiếu sáng, bạn có thể dùng tốc độ, độ mở và ISO để tăng cường khả năng bắt sáng. Nhưng nếu không muốn ảnh bị nhiễu hạt do tăng độ nhạy ISO hay ảnh bị rung do tốc độ chậm thì cách duy nhất là kích hoạt chế độ chớp đèn flash.
Mặc dù thường chỉ sử dụng khi tối trời, nhưng ngay ban ngày, nếu biết sử dụng đèn flash cũng có thể có hiệu quả nhất định. Ví như ở ảnh trên khi chủ thể trong ảnh có nguồn chiếu sáng từ phía sau khiến cho mặt trước bị tối, hãy kích hoạt đèn flash để làm sáng mặt trước.
Với việc kích hoạt đèn flash, mặt trước của chủ thể và cảnh vật xung quanh trở nên sáng sủa hơn. Ảnh:Shawn Low / Cnet Asia.
Khi nào không nên dùng đèn flash?
Một số nơi như bảo tàng thường không cho phép chụp có đèn flash thông qua biểu tượng ở trên.
Ảnh: Cnet.
Nếu bạn thăm bảo tàng hoặc vườn thú, có thể bạn sẽ thấy các biểu tượng cấm chụp ảnh có đèn. Việc cấm này nhằm tránh cho các bức tranh bị hỏng hoặc tránh các con vật bị hoảng loạn do chớp đèn flash gây ra.
Một trường hợp khác không nên dùng đèn là có những nơi mà môi trường chụp dù không đủ sáng nhưng tạo nên những vệt sáng tối tương phản rất hoàn hảo cho một bức ảnh đẹp. Lúc này nên tìm góc để bắt những tương phản này hơn là bật đèn flash và phá hỏng đi cảm quan của bức ảnh.
Thông thường, đèn flash của máy ảnh du lịch không đủ mạnh để chụp phong cảnh đêm. Nhưng nhiều người quá lệ thuộc vào đèn flash tích hợp, kết quả là cho ra những bức ảnh nhá nhem thiếu sáng. Trong trường hợp này, nên có chân máy hoặc tìm mặt phẳng đặt máy xuống, dùng chế độ chậm để chụp cho đủ sáng hơn là tìm cách bật đèn.
Mẹo vận dụng đèn flash
Một số máy ảnh du lịch có đèn flash gắn liền lộ thiên, một số khác thì dạng ẩn (đèn cóc).
Ảnh: Shawn Low / Cnet.
Nếu chụp cảnh trong nhà, hãy sử dụng các tấm chắn sáng màu trắng để hất đèn lên trần, tạo cho ánh sáng lan tỏa đều trên toàn cảnh. Cách này sẽ làm cho đối tượng cũng như môi trường sáng được tự nhiên hơn.
Nếu phải thêm đèn, tốt nhất có thêm một đèn cóc nữa bên ngoài có thể đồng bộ chớp cùng với đèn tích hợp trên máy.
Để giảm công suất của đèn, có thể đặt một tờ giấy ăn hoặc một tấm nhựa trong phía trước đèn để cho ánh sáng tiêu tán bớt, đỡ chói gắt vào đối tượng.
Điều chỉnh cường độ ánh sáng trên máy ảnh
Một số máy ảnh du lịch tiên tiến có thêm tính năng điều khiển cường độ của đèn flash. Nếu máy ảnh của bạn có chức năng này, tốt nhất nên giảm cường độ đi một chút và bù thêm bằng tốc độ cửa trập chậm lại hoặc độ mở rộng ra, ảnh trông sẽ tự nhiên hơn.
Tuy nhiên, hầu hết các máy ảnh du lịch đều không cho phép người chụp chỉnh flash. Vì thế, việc quyết định dùng đèn hay không tùy thuộc vào bạn nhận thức về cảnh và đối tượng cần chụp. Nếu dùng đèn, hãy áp dụng những cách thức ở trên. Nếu quyết định chọn không dùng đèn và dùng tốc độ chậm, hãy lưu ý tìm một chân đế vững chắc cho máy ảnh để tránh rung.