Đánh giá máy ảnh Nikon D3300
Với chất lượng ảnh cao, tốc độ xử lý nhanh và ở tầm giá hợp lý, D3300 là một lựa chọn lý tưởng nếu như bạn đang cân nhắc mua chiếc DSLR đầu tiên cho mình.
Với chất lượng ảnh chụp vượt trội hơn và hiệu năng xử lý tốt hơn, Nikon D3300 là một sản phẩm được cải tiến khá nhiều so với thế hệ tiền nhiệm D3200. Với những cải tiến này, Nikon giờ đã có một sản phẩm giá mềm có thể cạnh tranh tốt hơn với Canon EOS Rebel T5 hoặc Pentax P-500.
Song, so với sản phẩm tiền nhiệm đã được giảm giá D3200 thì chất lượng hình ảnh, hiệu năng cải thiện cùng các thay đổi nhỏ khác (như chế độ hỗ trợ người mới tập chụp ảnh, thân hình nhỏ hơn và nhẹ hơn, khả năng quay video 1080p ở 60 khung hình/giây) của D3300 có thể sẽ không thuyết phục được nhiều người bỏ thêm một khoản tiền đầu tư.
Hãy cùng đến với những đánh giá đầu tiên của CNET để xem liệu D3300 có phải là một lựa chọn tốt cho những người mới bước chân vào thế giới nhiếp ảnh hay không.
Chất lượng ảnh
Màu sắc thu được khá chính xác
Chất lượng ảnh chụp là điểm mạnh lớn nhất của D3300. Model mới của Nikon đã cải thiện được đáng kể chất lượng của chiếc D3200 cũ, với cảm biến 24MP không có tính năng lọc khử răng cưa. Nhờ đó, ảnh chụp của D3300 đẹp hơn so với các đối thủ cạnh tranh và cả thế hệ tiền nhiệm.
Ví dụ, ở mức ISO 3200, ảnh JPEG ít nhiễu hơn hẳn so với trên D3200. Ngay cả các file RAW cũng “sạch” hơn hẳn, nhờ có các cải tiến đối với chip xử lý tín hiệu hình ảnh mà Nikon đã thực hiện suốt 2 năm qua. Ảnh JPEG vẫn khá sạch ở ISO 400 và chỉ bị ít nhiễu tại ISO 1600. Tùy thuộc vào độ sáng của môi trường, một số bức ảnh chụp ở ISO 6400 vẫn có thể sử dụng được, song ở các mức ISO cao hơn các bức ảnh chụp tối sẽ bị nhạt màu và các tông màu sẽ bị “nén” lạ khá xấu.
ISO 100
ISO 1600
Màu sắc ảnh chụp trên D3300 khá chuẩn, và mức độ chi tiết sáng và chi tiết vùng tối trong các file RAW cũng là rất ổn cho tầm giá của D3300. Ngay cả các đoạn video chụp trong ánh sáng thấp cũng khá tốt.
Ảnh mẫu
ISO 100 cho chi tiết khá tốt
ISO 200. Tính năng ổn định hình ảnh quang học chưa thực sự tốt như mong đợi
ISO 800 trong điều kiện sáng vừa đủ cho kết quả khá tốt
ISO 1600 có chất lượng quá tốt cho một chiếc DSLR giá thấp như D3300
ISO 3200 vẫn cho ảnh chụp ở mức chấp nhận được
ISO 6400 giữ được lượng chi tiết khá tốt
Hiệu năng
Nhìn chung, D3300 có tốc độ xử lý tốt hơn hẳn so với D3200 và các sản phẩm cạnh tranh. Tuy vậy, tốc độ hoạt động của D3300 vẫn khá chậm nếu so với các mẫu DSLR cao cấp hơn, có lẽ là do bộ lens mới có tốc độ không cao.
D3300 mất nửa giây để khởi động, lấy nét và chụp – một thông số khá ổn. Thời gian để lấy nét và chụp trong điều kiện đủ sáng là khoảng 0,4 giây, trong ánh sáng yếu là 0,6 giây. Tốc độ chụp liên tiếp của D3300 cũng khá tốt: các bức ảnh cách nhau 0,2 giây, bất kể là bạn đang chụp JPEG hay RAW. Lý do là bởi D3300 không lấy lại nét khi chụp bức ảnh thứ 2. Thời gian chờ giữa 2 bức ảnh khi chụp liên tiếp khi bật flash là 0,9 giây.
Hiệu năng xử lý của màn hình LCD Live View vẫn rất tệ: D3300 phải mất tới 2 giây để lấy nét và chụp. Lý do là bởi tất cả các linh kiện bên trong đều chậm: lấy nét tự động chậm, gương chuyển động chậm. Thời gian chụp 2 bức JPEG liên tiếp qua Live View lên tới 3,7 giây.
D3300 cho tốc độ khá tốt khi chụp nhanh (burst): 5,1 khung hình/giây, khi được trang bị thẻ SD tốc độ 95 MB/giây và chụp ở chế độ lấy nét tự động. D3300 sẽ chụp được khoảng 30 tấm hình liên tiếp, song do chức năng lấy nét tự động rất chậm nên máy thường xuyên không đạt được mức tối đa này.
Ống ngắm rất nhỏ và tối của D3200 đã không được cải thiện trên D3300. Đây cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi D3300 vẫn là một model giá rẻ. Các điểm lấy nét quá nhỏ trên ống ngắm chỉ sáng lên trong một khoảng thời gian rất ngắn khi bạn nhấn nửa cò để lấy nét. Bạn sẽ không thể nhìn thấy các điểm lấy nét này trong điều kiện sáng không tốt, do đó bất kể là đang chụp ở ở chế độ nào ngoại trừ Auto, bạn sẽ luôn phải nhấn nửa cò để tìm điểm lấy nét. Trong thử nghiệm của CNET, điểm lấy nét phù hợp nhất thường nằm ở trung tâm khung hình.
Chất lượng màn hình LCD của D3300 không bị thay đổi so với D3200: hình ảnh vẫn có độ sáng tốt, đủ để nhìn trong ánh nắng mặt trời.
Thiết kế
D3300 có thân hình gần như giống hệt D3200, và do đó cũng giống với cả mẫu D3100 ra mắt từ năm 2010. Thân máy khá nhẹ và tạo ra cảm giác cầm tay khá dễ chịu. Phía trên gờ cầm tay có kích cỡ khá lớn là nút nguồn và nút cò, cùng các nút phụ trợ khác như nút quay video, nút bù sáng và nút Info. Bánh xe chọn chế độ có khá nhiều tùy chọn như các chế độ PSAM quen thuộc, chế độ Guide (hướng dẫn) và Effects (Hiệu ứng).
Chế độ Guide Mode đã được Nikon thiết kế lại. Chế độ này giờ đã được chia làm 2 loại nhỏ: Easy Operation chỉ cho phép người dùng tùy chỉnh một số cài đặt cơ bản, trong khi Advanced Operation sẽ mô tả các tùy chỉnh hợp lý nhất cho từng loại cảnh vật và cho phép người dùng tự thay đổi tùy chỉnh theo ý mình.
Giao diện Guide Mode
Ví dụ, khi lựa chọn chế độ Sports (ảnh Thể thao) trong muc Distant Subject (mẫu vật ở xa) được xếp loại Easy Operation, D3300 sẽ mô tả với bạn các tác vụ mà máy đang làm, sau đó hỏi bạn muốn sử dụng ống ngắm hay Live View. Từ đây, D3300 sẽ cho phép bạn điều chỉnh chế độ flash, chế độ drive và ISO. Tuy vậy, các cài đặt cho phép người dùng tùy chọn này sẽ không được lưu riêng cho từng loại cảnh vật.
Nút Fn có thể tùy biến được sẽ cho phép bạn điều chỉnh chất lượng ảnh, ISO, cân bằng trắng hoặc kích hoạt menu Active D-Lighting.
Lưng máy cũng có rất nhiều nút bấm: nút xem ảnh, Menu, phóng to, thu nhỏ và nút i cho phép truy cập nhanh vào các cài đặt hay dùng nhất. Nikon cũng đã thiết kế lại các nút điều hướng ở phía sau để cho phép người dùng di chuyển theo đường chéo. Đây là một thay đổi đặc biệt hữu dụng khi bạn thay đổi điểm lấy nét tự động.
Khe cắm thẻ SD được đặt ở cạnh bên phải của máy, trong khi pin được đặt ở cạnh đối diện. Màn hình LCD của D3300 vẫn được sắp xếp khá hợp lý như nhiều model Nikon khác: các tùy chọn được đặt ở phía dưới màn hình thay vì bị rải rác trên khắp các cạnh màn hình.
Cùng với đầu phát Composite, cổng HDMI, USB và cổng cắm GPS của riêng Nikon, D3300 được trang bị thêm một khe cắm riêng cho microphone ngoài.
Rất tiếc, D3300 vẫn còn thiếu rất nhiều tính năng chụp ảnh có mặt trên các sản phẩm cạnh tranh, ví dụ như tính năng bracket mức phơi sáng thường và mức phơi sáng flash. Chế độ nhả cò “yên lặng” vẫn có mặt trên D3300, dù đây không phải là một mô tả chính xác bởi D3300 vẫn để phát tiếng cò nhỏ trong chế độ này.
Việc Nikon bán kèm ống kính đóng mở (collapsible) cùng D3300 là không hợp lý, bởi nhìn chung thân hình của máy vẫn là khá lớn và do đó ống kính mới chỉ giúp giảm được khoảng 1 cm kích cỡ cùng 68 gram cân nặng. Do đó, bạn không nên bỏ ra thêm 50 USD (khoảng 1,1 triệu đồng) để sở hữu ống kính này.
– Cải thiện chất lượng ảnh chụp so với thế hệ trước.
– Hiệu năng xử lý khá ổn cho tầm giá.
– Mức giá tốt: 599 USD (12,6 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ).
Điểm yếu
– Hơi ít tính năng.
Kết luận
Dù vẫn còn một số thiếu sót song khó có thể phủ nhận được rằng D3300 đang là một trong những mẫu DSLR giá rẻ tốt nhất hiện nay. Với chất lượng ảnh chụp khá tốt cho tầm giá cùng các chế độ Guide Mode dành cho người mới học chụp ảnh, Nikon D3300 thực sự là một lựa chọn hợp lý so với các đối thủ cạnh tranh cùng phân khúc hiện nay.
Lê Hoàng – vnreview.vn
Theo CNET