Bí quyết chụp ảnh đẹp
Đừng đổ lỗi cho ống kính khi bạn phát hiện tấm ảnh của mình đã lấy sai nét, ống kính không thể thông minh để hiểu bạn muốn lấy nét điểm nào. Vì vậy bạn cần giúp nó có đủ thời gian để lấy nét, hãy nhấp hờ nhiều lần nút chụp để rà nét chứ đừng ngắm rồi ấn chụp ngay lập tức.
Hãy cùng chúng tôi xem 5 điểm quan trọng sau đây để bạn có thể tận dụng sức mạnh của các ống kính, hiểu và chụp được ảnh đẹp.
1. Hạn chế làm rung máy ảnh khi chụp
Để làm giảm độ nhòe, độ rung của ảnh khi chụp, bạn cần phải chụp vững tay, cầm chắc máy và phải chỉnh được tốc độ chụp phù hợp với điều kiện ánh sáng xung quanh. Không có cách nào khác là bạn phải nhớ các quy tắc căn bản khi tính toán khẩu độ – tốc độ – ISO. Trên máy full-frame, nếu bạn chụp cầm tay thì với ống kính 50mm, tốc độ chụp tối thiểu nên là 1/30 – 1/60. Đối với các ống kính 200mm, tốc độ chụp tối thiểu từ 1/250 trở lên. Với các máy SLR phổ thông, các dòng máy crop, ống kính 60mm sẽ cho tiêu cự tương đương 90mm ví dụ như Nikon crop 1.5x. Trong trường hợp này, tốc độ chụp tối thiểu nên đặt là 1/90 giây.
Tốc độ chụp hợp lý giúp bạn bắt gọn chuyển động mà ảnh vẫn nét.
Những quy tắc này mang tính tượng trưng, tùy vào từng trường hợp cụ thể và kinh nghiệm xử lý của các bạn mà cho ra thông số phù hợp. Các bạn cũng có thể tham khảo các forum chuyện về nhiếp ảnh, đọc và đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý là khi nhấn nút chụp, cố gắng đừng để rung tay. Bạn có thể nín thở một chút nếu cảm thấy quá run và chụp không được vững.
Một mẹo nhỏ nữa là: một tay nâng ống kính, một tay còn lại giữ thân máy, có thể tìm một điểm tựa nào đó khi chụp để giữ thăng bằng. Rà nét nhiều lần cho đến khi có được kết quả như ý bằng việc nhấp nhẹ vào nút chụp. Có thể sử dụng chân máy nếu có.
Nếu máy có các chế độ như IS (Image Stabilisation) – chế độ cân bằng ảnh, hay được biết đến dưới các tên khác như Vibration Reduction (VR) – chế độ giảm rung, Optical Stabilisation (OS) – chế độ ổn định quang học thì hình ảnh sẽ ít bị nhòe hơn và tốc độ chụp có thể được điều chỉnh linh hoạt hơn. Các hệ thống IS hiện tại cho phép bạn lợi 2-4 khẩu so với bình thường mà không làm ảnh bị rung. Giả sử như nếu bạn chỉ có thể chụp được ảnh rõ nét trong điều kiện này, tốc độ phải là 1/100s, với chế độ IS bạn có thể chụp với tốc độ 1/25 – 1/5s mà vẫn an toàn.
Canon EF 70 200 f/2.8L IS có hai chế độ IS khác nhau.
Các chế độ IS cũng rất đa dạng, với điều kiện môi trường và độ rung khác nhau, cấu tạo ống kính và công nghệ khác nhau sẽ cho các kết quả khác nhau. Ví dụ ống kính có hai chế độ IS, chế độ thứ 1 là dành cho người dùng khi cầm máy trên tay bình thường, chế độ thứ 2 là danh cho người dùng khi cầm máy ngồi trong xe hơi hoặc trên 1 thiết bị di chuyển nhiều. Có một số chế độ IS chỉ chạy khi chụp ảnh chế độ nằm ngang. Một số công nghệ IS mới sau này có thể tự động cảm nhận điều kiện môi trường xung quanh, máy đang chụp chế độ đứng hay chế độ ngang rồi cho kết quả điều chỉnh tự động khác nhau.
Một vấn đề hơi khó khăn trong chế độ IS là nếu bạn đặt máy lên tripod, có thể chế độ IS sẽ phản tác dụng, làm giảm độ nét của ảnh (vì cơ chế của IS vốn là cảm nhận, tính toán độ rung). Khi độ rung bị triệt tiêu, IS sẽ phản tác dụng. Vì vậy bạn có thể tắt chế độ IS khi dùng tripod, đặc biệt là khi bạn cần phơi sáng. Một điều nữa, không phải tất cả các chế độ ổn định hình ảnh của các ống kính đều tốt như nhau, công nghệ càng tiên tiến về sau, chất lượng ảnh càng tốt. Một số ống kính mới sau này cũng có chức năng tự nhận dạng khi nào máy được gắn vào tripod.
Nếu bạn có tripod, hãy sử dụng cho hình ảnh không bị rung tối đa.
2. Chọn khẩu độ hợp lý
Khẩu độ hợp lý dựa vào các thông số của ống kính cho phép và mục đích sử dụng của bạn. Nếu chụp ảnh phong cảnh, bạn cần một khẩu độ nhỏ để tăng độ nét trên toàn bộ ảnh, lúc này trường nét sẽ rất nhỏ, các đối tượng xa gần đều có thể rõ đều. Tuy nhiên ảnh chụp động vật hoang dã lại cần một khẩu độ lớn, vì khẩu độ lớn sẽ đi kèm với tốc độ cao, giúp bạn chụp được đối tượng nhanh chóng hơn. Nếu ống kính của bạn có khẩu độ lớn như f2.8, f1.4, f1.2, các bạn cần chọn khẩu độ hợp lý. Bạn có cần thiết phải làm phông nền trở nên quá mờ hay không? Nếu có, chọn f1.2. Nếu không, f2.8 – f2.0 là lựa chọn hợp lý, chủ thể sẽ có độ nét tốt hơn và phông nền cũng không bị xóa một cách “bét nhè”.
Canon EF 85mm f/1.2L USM cho ảnh nét tốt và background xóa rất đẹp ngay tại khẩu lớn nhất f/1.2.
Một lưu ý đặc biệt các bạn nên lưu ý. Trong thực tế, thường các ống kính sẽ không đảm bảo độ nét cho chủ thể được lấy nét ở khẩu độ lớn nhất ống kính cho phép. Ví dụ lens Canon EF 50mm f1.4 USM sẽ không cho ảnh nét tại f1.4. Lúc này bạn cần phải giảm từ 2-3 khẩu, có thể chọn f2.0 để cho kết quả tốt hơn. Tuy nhiên đối với dòng ống kính cao cấp, đắt tiền, nhà sản xuất luôn cố gắng đảm bảo tại khẩu độ lớn nhất, ảnh vẫn sẽ có nét tốt. Để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của chiếc ống kính bạn đang sử dụng, bạn cần chụp thử trong nhiều trường hợp khác nhau. Chụp ảnh thử độ nét ở các khẩu độ khác nhau, các khoảng tiêu cự khác nhau. Khẩu độ càng nhỏ, ảnh sẽ càng nét ví dụ tại các f22 hay f32.
Lựa chọn khẩu độ hợp lý sẽ cho ảnh nét tốt.
3. Lấy nét một cách chính xác
Một trong điểm làm tăng tính hấp dẫn của bức ảnh là độ nét của các đối tượng. Bạn muốn nhấn mạnh điểm nào, vật nào? Hãy lấy nét chính xác vào điểm đấy. Các loại máy ảnh có chế độ lấy nét đa điểm sẽ giúp bạn chọn được vị trí chính xác hơn. Điểm lấy nét mặc định là điểm trung tâm, ngay giữa hệ thống lấy nét. Để lấy nét các đối tượng không nằm ở trung tâm, bạn cần phải tìm cách điều chỉnh điểm lấy nét, đọc sách hướng dẫn sử dụng của từng loại máy khác nhau để biết rõ hơn. Tuy nhiên để hiện lên các điểm lấy nét, chúng ta thường chỉ cần nhấp hờ vào nút chụp là các điểm màu đỏ sẽ nhấp nháy trong ô ngắm.
Điểm lấy nét chỗ nào thì khu vực đấy sẽ rõ nét nhất, tùy thuộc vào khẩu độ mà trường nét còn lại mỏng hay dày. Bạn cần luyện tập việc lấy nét sao cho có kết quả tốt nhất như ý. Lấy nét tự động (Auto Focus – AF) sẽ không hoạt động hiệu quả khi đối tượng bạn muốn lấy nét quá gần so với tiêu cự cho phép của ống kính. Chế độ này cũng không hiệu quả khi ánh sáng môi trường chụp quá thấp hoặc giữa các đối tượng có độ tương phản quá kém. Khi đấy, bạn cần phải đặt chế độ lấy nét qua chế độ lấy nét bằng tay (Manual Focus – MF). Chế độ MF sẽ rất hữu dụng khi bạn chụp cận cảnh, chụp macro. Khi chụp quá gần đối tượng như vậy, chế độ AF với quá nhiều điểm nét tự động có thể gây rắc rối cho bạn nhiều trong việc loay hoay lấy nét.
Tốt nhất, bạn nên dùng điểm nét trung tâm. Đây cũng là điểm nét được ưu tiên trong chế độ lấy nét.
Chụp mưa, bạn không thể lấy nét trong chế độ AF và bắt các hạt mưa, khi này bạn cần chuyển sang chế độ MF.
4. Trang bị hood cho ống kính
Ảnh có thể bị mất chi tiết, bị chói, bị hiện tượng bóng trắng quá nhiều thường do một nguyên nhân: ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính quá nhiều khiến nhiễu thông tin. Cách giải quyết và hạn chế những trường hợp này là bạn trang bị hood cho ống kính. Hood giống như cái vòm bảo vệ, hạn chế ánh sáng đi trực tiếp vào ống kính quá nhiều. Các ống kính cao cấp và đắt tiền thường không cần hood vì bản thân nó đã trang bị công nghệ thấu kính chống lóa, hạn chế những hiệu ứng không mong muốn trên ảnh. Nếu không trang bị hood, bạn cũng có thể tìm mua các loại kính lọc cho máy có công dụng tương tự. Lớp kính đặc biệt trên kính lọc cũng có tác dụng cản ánh sáng khá tốt.
5. Sử dụng triệt để ưu thế của ống kính
Một tấm ảnh quá rõ cũng không đẹp, quá mờ cũng vậy. Vì vậy, khi chụp ảnh, bạn cần phải thể hiện tốt điểm nhấn trên ảnh, cái nào cần nét thì nét, không cần thì tìm cách xóa mờ chúng đi bằng việc chọn khẩu độ hợp lý. Bạn cũng có thể chụp một khung hình chặt bằng việc zoom ống kính vào đối tượng, hạn chế phông nền đằng sau. Nếu bạn có một ống kính góc rộng, bạn có thể chụp ảnh với toàn cảnh, tạo ra hiệu ứng xa xăm tít tắm, tăng tính ấn tượng.
Với các ống kính zoom, bạn có thể thực hiện hiệu ứng “zoom burst” bằng cách chuyển chế độ trên máy qua chế độ ưu tiên tốc độ chụp. Thiết lập tốc độ vào khoảng 1/4 hay 1/15s. Khi ấn chụp, màn trập cần một khoảng thời gian khá lâu để lưu ánh sáng, trong lúc này, bạn zoom tới hoặc zoom xa, màn trập cũng sẽ ghi nhận chi tiết – ánh sáng trong thời gian đó. Kết quả là bạn sẽ có một tấm ảnh hòa trộn giữa nhiều giai đoạn, cho hiệu ứng mờ theo chiều chuyển động rất đẹp.
Ảnh với hiệu ứng Zoom Burst rất đẹp.
Khi chụp theo kiểu zoom burst, bạn hãy dùng tripod để ảnh không rung.