Kiểm soát độ sắc nét khi chụp ảnh bằng máy ảnh số
Chụp ảnh để có những ảnh đẹp có độ nét theo ý muốn, bài này giải quyết vấn đề này
Người chụp cần nắm vững kỹ thuật chụp sao cho khi muốn hình ảnh chụp sắc nét thì hình ảnh phải sắc nét theo như ý muốn. Nếu như hình ảnh không được sắc nét như ý muốn thì có thể do một số nguyên nhân sau:
– Canh nét: Nếu như chủ đề chụp không sắc nét trong khi các vùng khác lại sắc nét thị nguyên nhân có thể do đã không chỉnh đúng kiểu canh nét, hoặc canh nét không đúng vào vùng cần lấy nét.
– Vùng ảnh rõ: Nếu như chủ đề chụp sắc nét nhưng hậu cảnh không sắc nét theo như mong muốn thì nguyên nhân là do độ mở ống kính, cần phải đặt độ mở ống kính ở giá trị nhỏ hơn.
– Sự di chuyển của máy ảnh: Nếu như toàn bộ hình ảnh đều mờ thì nguyên nhân thường là do máy ảnh đã bị rung trong khoảng thời gian lộ sáng.
– Sự di chuyển của chủ đề chụp: Khi chụp chủ đề động, toàn bộ hình ảnh sắc nét ngoại trừ chủ đề động thì nguyên nhân nằm ở tốc độ trập của ống kính. Cần phải tăng tốc độ trập của ống kính nhằm bắt cứng sự chuyển động của chủ đề.
Loại trừ sự rung máy
– Cầm, nắm giữ máy ảnh bằng cả hai tay, kiểu cầm máy ảnh đúng luôn là kiểu mà ngón trỏ của tay phải dùng để bấm nút chụp, bàn tay trái làm nhiệm vụ nâng đỡ và giữ vững máy (máy ảnh thường được thiết kế cho người thuận tay phải). Khi bấm chụp nên bấm nhẹ nhàng và dứt khoát chủ yếu dùng lực của cơ ngón tay trỏ tránh di động bàn tay và cổ tay.
– Định khung hình bằng ống ngắm (viewfinder) bởi máy được tựa vào mặt người chụp do đó sẽ đỡ rung hơn.
– Tựa người vào tường hay cây cối… nhằm làm giảm sự di chuyển của cơ thể
– Sử dụng giá đỡ ba chân để chụp, đây là phụ tùng không thể thiếu đối với dân chuyên nghiệp.
– Sử dụng chế độ tự chụp selftimer (máy tự động chụp sau 5 giây hoặc 10 giây)
– Sử dụng điều khiển từ xa để chụp (một số ít máy ảnh cung cấp tùy chọn này)
– Tăng độ nhậy sáng làm giảm lượng ánh sáng cần để bộ cảm nhận ánh sáng tạo ra hình ảnh do đó giảm được tốc độ trập, giảm thiểu ảnh hưởng của hiện tượng rung máy. Cách này có một nhược điểm là gây ra hiện tượng noise (nhiễu)
Một bức ảnh đẹp không cần thiết phải là bức ảnh rõ nét !
Hình ảnh của chủ đề động có thể làm mờ
Hậu cảnh mờ cũng là một cách thức hay
Làm thế nào để chụp chủ đề động một cách sắc nét ?
Khi chụp chủ đề động, hình ảnh có thể bị mờ nguyên nhân là do chủ đề đã di chuyển trong thời gian phơi sáng (khoảng thời gian đóng và mở cửa trập). Để thu được hình ảnh chủ đề động sắc nét thì màn trập cần phải mở và đóng trong một khoảng thời gian đủ ngắn trước khi hình ảnh của chủ đề nằm trên bộ cảm nhận ánh sáng kịp di chuyển một khoảng đủ để gây ra hiện tượng mờ. Vậy tốc độ trập nhanh bao nhiêu là đủ ?. Câu trả lời hoàn toàn không đơn giản bởi có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ sắc nét.
– Tốc độ di chuyển của chủ đề: Chủ đề di chuyển càng nhanh thì càng phải tăng nhanh tốc độ trập
– Hướng di động của chủ đề: Khi màn trập mở, nếu như chủ đề động di chuyển theo hướng ngang qua ống kính thì hình ảnh của nó sẽ di chuyển qua một số lượng pixel lớn hơn so với chủ đề di chuyển theo hướng song song với ống kính (lại gần hoặc ra xa). Điều này giải thích tại sao có thể chụp ở tốc độ chậm hơn khi chủ đề di chuyển song song với hướng ống kính.
– Khoảng cách tới chủ đề và tiêu cự ống kính: Nếu như chủ đề nằm ngay sát ống kính thì chỉ cần một di động nhỏ cũng có thể gây ra hiện tượng mờ. Tiêu cự của ống kính cũng ảnh hưởng tương tự, càng zoom gần chủ đề thì càng dễ gây ra hiện tượng hình ảnh bị mờ.
– Chuyển máy sang chế độ chụp ưu tiên tốc độ trập (Shutter priority), lựa chọn tốc độ trập nhanh hơn.
– Dịch chuyển ra xa chủ đề động
– Chụp theo hướng di động của chủ đề, chiều di động của chủ đề chụp hướng lại gần hoặc ra xa máy ảnh.
– Tăng cường độ nhậy sáng (ISO sensitivity)
Canh nét và vùng ảnh rõ
Canh nét
Vùng ảnh rõ (Depth of field)
Khoảng không gian từ A đến C được gọi là vùng ảnh rõ, B là mặt phẳng rõ nét.
Mẹo nhỏ:
Để kiểm soát vùng ảnh rõ chỉ cần chuyển máy sang chế độ chụp ưu tiên độ mở ống kính (Aperture priority- trên máy ảnh chế độ chụp này thường có ký hiệu là Av hoặc AP) sau đó tăng hoặc giảm độ mở ống kính để giảm hoặc tăng vùng ảnh rõ, tốc độ trập tương ứng sẽ do máy ảnh tự tính toán lựa chọn giúp người chụp.
Khi nắm vững cách thức điều khiển vùng ảnh rõ, người chụp sẽ hoàn toàn thoải mái tự tin trong việc quyết định vùng không gian nào sẽ hiện rõ trên bức ảnh và vùng nào sẽ không hiện rõ. Có ba yếu tố ảnh hưởng đến độ sâu của vùng ảnh rõ:
– Độ mở ống kính: độ mở ống kính càng nhỏ (trị số f lớn) vùng ảnh rõ càng sâu. Độ mở ống kính càng lớn (trị số f nhỏ) thì vùng ảnh rõ càng cạn.
– Khoảng cách từ máy ảnh tới chủ đề chụp: Nếu như tăng khoảng cách từ máy ảnh tới chủ đề chụp thì vùng ảnh rõ càng “sâu”. Nếu như di chuyển càng gần tới chủ thể chụp thì vùng ảnh rõ sẽ “cạn” đi. Di chuyển lại gần chủ đề chụp luôn là một cách hay giúp chủ đề chụp hiện rõ hơn trên bức ảnh, kích thước của hình ảnh chủ đề chụp càng lớn trên khung hình càng giúp người xem định hướng dễ dàng hơn cũng như thông điệp về chủ đề càng rõ ràng hơn.
– Tiêu cự của ống kính: nếu như zoom ra xa (zoom out) thì độ sâu của vùng ảnh rõ sẽ tăng lên. nếu như zoom lại gần (zoom in) thì vùng ảnh rõ sẽ cạn đi. Hạn chế sử dụng zoom ở mức tối đa bởi chất lượng của hình ảnh thường bị giảm do hạn chế về đặc tính kỹ thuật cũng như hiện tượng máy bị rung (rung tay) cũng sẽ tăng lên rõ rệt.
Mối yếu tố trên đều ảnh hưởng đến độ sâu của vùng ảnh rõ, nhưng nếu biết cách phối hợp cùng lúc các yếu tố thì mức độ ảnh hưởng đến vùng ảnh rõ càng lớn. Người chụp có thể thu được vùng ảnh rõ cạn nhất khi zoom lại gần (zoom in) tối đa, giảm thiểu khoảnh cách tới chủ đề chụp, để độ mở ống kính lớn tối đa (trị số f nhỏ nhất). Nếu muốn thu được vùng ảnh rõ sâu nhất thì zoom ra xa, di chuyển ra xa chủ đề, để độ mở ống kính nhỏ nhất (trị số f lớn nhất).