Sức mạnh của đường nét trong nhiếp ảnh
Giá trị to hay nhỏ của lỗ điều tiết ánh sáng này trên ống kính thường được tính bằng một hệ số (hay tỷ lệ giữa chiều dài tiêu cự và đường kính của lỗ điều tiết ánh sáng), ví dụ, f/1, f/1.4, f/1.8, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16, f/32, f/64. Chính vì đây là một hệ số nên chỉ số càng nhỏ có nghĩa là khẩu độ mở của lỗ điều tiết ánh sáng càng lớn, chỉ số càng lớn khẩu độ mở càng nhỏ, ví dụ khẩu độ mở khi đặt f/2.8 lớn hơn f/4.
Ở mỗi khẩu độ khác nhau sẽ cho ánh sáng của ảnh vừa đủ hay cháy sáng hoặc thiếu sáng.
Một điều dễ hiểu là khẩu độ mở càng lớn (chỉ số F càng nhỏ) – tức là lỗ điều tiết ánh sáng mở càng lớn – thì ánh sáng đi vào cảm biến càng nhiều, ảnh càng sáng hơn; ngược lại, khẩu độ mở càng nhỏ (chỉ số F càng lớn) thì ảnh càng tối hơn. Việc điều chỉnh khẩu độ mở lớn hay nhỏ phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm ánh sáng môi trường và mục đích chụp ảnh.
• Khẩu độ mở lớn (F nhỏ), ảnh sáng hơn, phù hợp chụp trong môi trường ánh sáng yếu.
• Khẩu độ mở nhỏ (F lớn), ảnh tối hơn, phù hợp trong môi trường ánh sáng mạnh.
• Khẩu độ ảnh hưởng tới tương quan độ nét của các chủ thể trong ảnh: (1) Khẩu độ mở lớn, chủ thể chính được lấy làm điểm căn nét sẽ nét, các chủ thể phụ, trong đó có hậu cảnh (cảnh đằng sau chủ thể chính) và tiền cảnh (cảnh đằng trước chủ thể chính) sẽ nhòa mờ do độ nét thấp hơn; (2) Khẩu độ mở nhỏ khiến độ nét sâu hơn, các chủ thể trong khuôn hình sẽ có chênh lệch độ nét thấp hơn.
• Nếu muốn làm chủ thể nổi bật với độ nét cao còn hậu cảnh nhòa mờ (tức tạo hiệu ứng xóa phông / blur background), cần tằng khẩu độ mở lớn hơn (ví dụ f/1.4, f/2.8), phù hợp với chụp chân dung hay vật thể tiêu điểm, v.v…
• Nếu muốn mọi chủ thể trong ảnh đều nét, cần giảm khẩu độ mở nhỏ hơn (ví dụ f/8, f/11), phù hợp với chụp ảnh nhóm người, phong cảnh, kiến trúc, v.v…
• Chuyển chế độ chụp về thủ công (manual) hoặc ưu tiên khẩu độ mở (aperture priority / A ở Nikon và Av ở Canon) để làm chủ khẩu độ mở.
Lưu ý về khẩu độ mở:
a. Ống kính khác nhau có khẩu độ mở lớn tối đa khác nhau. Do công nghệ làm ống kính, các ống kính có khẩu độ mở lớn ở các tiêu cự dài có giá rất đắt.
b. Trên các ống zoom thường có 2 chỉ số khẩu độ mở tương ứng với khẩu độ mở lớn nhất ở tiêu cự ngắn nhất và dài nhất. Ví dụ, ống Nikon AF-S 18-70mm f/3.5-5.6 sẽ có khả năng mở khẩu độ tối đa là f/3.5 ở tiêu cự 18mm, còn ở tiêu cự 70mm khẩu độ mở tối đa chỉ là f/5.6.
c. Các ống zoom có khẩu độ mở lớn và không đổi suốt chiều dài tiêu cự có giá rất đắt, ví dụ ống Nikon 70-200mm f/2.8 có giá khoảng $2400 USD.
d. Khẩu độ mở lớn rất quan trọng không những trong việc bảo đảm ánh sáng của ảnh khi chụp ở môi trường ánh sáng yếu mà còn giúp tạo các hiệu ứng xóa phông cũng như cho phép tăng tốc độ cửa chập chống hiện tượng rung tay cầm máy và khả năng bắt nét các chủ thể chuyển động hiệu quả hơn.
Tốc độ cửa chập – Shutter Speed
Yếu tố thứ hai “tốc độ cửa chập-Shutter speed” thường được biểu thị bằng “1/giây”, ví dụ 1/250 giây. Đây là thời gian để thao tác một kiểu ảnh tương ứng với một khẩu độ ống kính “F”. Bộ phận điều khiển tốc độ chụp ảnh gọi là “cửa trập” của máy ảnh – shutter. Cặp giá trị F và tốc độ luôn đi liền với nhau và gắn bó mật thiết trong từng thay đổi nhỏ. Ký hiệu của chức năng chỉnh tốc độ chụp trên máy ảnh thường hay được thấy viết “Tv” hoặc “S”…
Khi bấm nút chụp (release button), cửa chập mở ra để ánh sáng đi vào cảm biến và đóng lại rất nhanh. Thời gian của chập mở rồi đóng lại nhanh hay chậm chính là tốc độ của cửa chập. Cửa chập mở lâu thì thời gian phơi sáng của cảm biến sẽ lâu hơn và cảm biến sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn, làm cho ảnh sáng hơn; ngược lại, của chập mở-đóng nhanh ảnh sẽ tối hơn. Thời gian phơi sáng của cảm biến – cửa chập mở rồi đóng) rất rất rất nhanh và thường được tính bằng phần của giây đồng hồ, ví dụ 1/30 giây (1/30s – “s” là chữ viết tắt của từ second = giây trong tiếng Anh), 1/60 giây, 1/125 giây, 1/250 giây, 1/500 giây, 1/1250 giây, v.v…
Tốc độ nhanh hay chậm sẽ giúp ta bắt được chính xác khoảnh khắc và tạo nhiều hiệu ứng cho ảnh .
Để bảo đảm một tấm ảnh có ánh sáng vừa đủ đẹp, người chụp có thể điều chỉnh để tốc độ cửa chập chậm hơn (nếu ánh sáng chủ thể yếu) hay nhanh hơn (nếu ánh sáng chủ thể mạnh). Việc đặt tốc độ của cửa chập nhanh hay chậm phụ thuộc vào hoàn cảnh chụp ảnh, chủ thể và mục đích của một bức ảnh.
• Giảm tốc độ cửa chập để tăng độ sáng của ảnh.
• Tăng tốc độ cửa chập để giảm độ sáng của ảnh.
• Tăng tốc độ cửa chập để chụp các vật thể chuyển động, tránh ảnh bị nhòe. Để chụp được các chủ thể chuyển động nhanh như chim bay lượn, cần tăng tốc độ tối thiểu là 1/1250s.
• Tăng tốc độ cửa chập để giảm hiện tượng rung tay cầm máy, tránh ảnh bị nhòe. Với một tay máy trung bình, để bảo đảm triệt tiêu hoàn toàn hiện tượng rung tay máy ở đa phần ảnh chụp, cần tăng tốc độ lên tới 1/250s đến 1/500s.
• Chuyển chế độ chụp sang thủ công (manual) hoặc ưu tiên tốc độ cửa chập (shutter speed priority / S ở Nikon và Tv ở Canon) để làm chủ tốc độ cửa chập.
Độ nhạy sáng
Yếu tố thứ 3 có ảnh hưởng tới việc thao tác chụp ảnh đó là độ nhạy sáng “ISO”. ISO càng cao thì cảm biến bắt sáng càng nhạy, giúp giảm thời gian phơi sáng (tức tăng tốc độ cửa chập). Tuy nhiên, một nhược điểm của cả phim nhựa lẫn cảm biến số là ISO càng tăng thì độ nhiễu màu và hạt (ảnh bị hiện tượng sần, rỗ, không mịn đều các mảng màu) càng tăng. Vì vậy, xu hướng khi chụp là cố gắng giữ ISO ở mức thấp nhất và cùng bất đắc dĩ, sau khi đã mở khẩu độ tối đa cũng như giảm tốc độ cửa chập xuống hết mức cho phép mà ảnh vẫn không đủ sáng người ta mới phải “cầu cứu” đến việc tăng độ nhạy ISO.
Vì thế khuyến cáo đầu tiên với các bạn: nên hạn chế ISO ở 200. Nếu tốc độ chụp ảnh tương ứng với ISO 200, trong điều kiện ánh sáng cụ thể, với một giá trị F xác định, lâu hơn 1/30 giây thì bạn nên dùng thêm chân máy ảnh để tránh cho ảnh bị rung.
Như vậy, 3 yếu tố nêu trên gồm tốc độ của chập, khẩu độ mở và ISO là các yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới độ sáng của ảnh và các hiệu ứng hình ảnh khác. Việc kết hợp hài hòa 3 yếu tố này để ánh có ánh sáng đẹp với các hiệu ứng kèm theo chính là điểm căn bản trong nghệ thuật nhiếp ảnh từ xưa tới nay và sẽ tiếp tục là đề tài bàn luận trong tương lai.
*Ở phần sau, chúng ta sẽ bàn về chế độ WB-White Blance-Cân bằng trắng.
(Còn tiếp)