Chân máy – Điểm tựa cho bức ảnh đẹp
Chân máy là một thành phần không thể thiếu cho hầu hết các cảnh chụp. Nhiếp ảnh gia chụp ảnh tự nhiên Steve Berardi sẽ hướng dẫn chúng ta cách sử dụng chân máy hiệu quả
Ý tưởng sử dụng chân máy ảnh khá đơn giản – chỉ cần kéo rộng chân máy ra, đặt máy ảnh lên trên, thế là xong! Chân máy đã sẵn sàng cho bạn sử dụng. Thú thật, trước đây tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ sử dụng chân máy như thế đấy.
Nhưng sau đó, tôi đã đọc được quyển sách thú vị của Ansel Adams với tiêu đề The Camera (Máy ảnh). Nhà nhiếp ảnh phong cách nổi tiếng này nói rằng “Nhiều người chụp ảnh thường dựng chân máy ảnh với độ nghiêng khác nhau và điều chỉnh tuỳ hứng. Tuy nhiên, nếu thời gian và điều kiện cho phép, sẽ tốt hơn nếu chúng ta dựng chân máy đúng cách, để đảm bảo máy ảnh đượcđặt đúng vị trí và ổn định nhất có thể.”
Vì thế, dù chân máy trông có vẻ là một thiết bị đơn giản, nhưng bạn cũng cần lưu ý một vài điều sau đây khi dựng chân máy ảnh để đảm bảo có được hình ảnh sắc nét nhất có thể.
Hình dung bố cục
Hãy đi một vòng để xem xét đối tượng cần chụp từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn có thể nhìn rõ đối tượng qua kính ngắm và như thế bạn có thể nhìn thấy chính xác bố cục của bức ảnh.
Điều chỉnh chân máy đúng cách
Đặt một trong số các chân máy hướng về đối tượng cần chụp sẽ giúp bạn có đủ không gian để đứng giữa hai chân còn lại, tránh vướng và vấp phải chân máy. Ngoài ra, việc hướng các chân máy xuống đất còn giúp cân bằng máy ảnh.
Trọng lượng như nhau ở cả ba chân
Một trụ đỡ dọc ở chính giữa chính là phần thân của chân máy. Điểm đầu của trụ nằm ngay dưới điểm đặt máy. Để đảm bảo trọng lượng máy được phân phối đều đến ba chân, thì bạn cần đặt trụ trung tâm theo hướng dọc xuống và vuông góc với mặt đất. Sử dụng các thước đo được gắn với trụ đỡ trung tâm có thể giúp bạn điều chỉnh chân máy chính xác và cho bạn biết mức chính xác để bắt đầu chụp ảnh. Các thước đo này, nếu không được lắp sẵn trên giá của bạn, thường được bán kèm với mỗi loại chân máy, với giá thấp hơn $20.
Tránh kéo dài trụ đỡ trung tâm
Độ ổn định của trụ đỡ trung tâm ít hơn nhiều so với ba chân giá, do đó bạn chỉ nên kéo dài trụ đỡ trung tâm khi bạn đã thử hết các cách. Việc kéo dài này thường gây ra một số cản trở đối với việc chỉnh giá đỡ đến một độ cao hoàn mỹ. Bạn chỉ cần ghi nhớ rằng vai trò chính của
chân máylà giúp bạn chụp được những hình ảnh sắc nét nhất có thể.
Gối tựa chữ L:
Gối tựa chữ “L” là một loại bản tựa đặc biệt dùng để gắn máy ảnh với đầu chân máy. Nó có hình giống chữ “L” và cho phép bạn đặt máy ảnh theo hướng chụp chân dung, đồng thời vẫn giữ máy nằm ngay trung tâm của chân máy.
Gối tựa chữ L có hai ưu điểm chính: duy trì trọng lượng trung tâm mà ở đó chân máy có thể hỗ trợ tốt nhất cho nó (ngay trọng tâm của chân máy), và giúp bạn tăng thêm vài inch chiều cao khi bạn chụp ảnh theo hướng chân dung. Một vài inch bổ sung này có thể tạo nên hoặc phá vỡ một bức ảnh!
Khớp gắn chân máy cho ống kính dài
Do các ống kính lớn và nặng có thể làm dịch chuyển trọng tâm của máy ảnh, nên bạn cần phải dùng một vòng kẹp để cân bằng trọng lượng giữa máy ảnh và ống kính. Nếu không có vòng kẹp, máy ảnh của bạn sẽ bị đổ nhào xuống sau khi bạn siết máy vào đầu chân máy.
Thêm trọng lượng, thêm ổn định
Nếu bạn phải tác nghiệp trong một môi trường nhiều gió, thì việc treo một vật nặng như túi đựng máy chụp ảnh của bạn vào trụ đỡ trung tâm của chân máy để tăng thêm trong lượng cho giá đỡ có thể là một giải pháp hay. Nhiều chân máy được gắn sẵn móc treo, nhưng nếu chân máy của bạn không có, thì bạn hãy kiểm tra xem mình có thể bắt một móc treo được mua từ các cửa hàng dụng cụ vào chân máy được không.
Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn thận khi sử dụng phương pháp này – nếu túi xách của bạn lắc mạnh trong gió và đụng vào các chân giá thì điều đó có nghĩa là bạn đã thực sự làm mất độ ổn định của chân máy.
Tại sao cần thực hiện các thao tác trên:
Mặc dù sử dụng chân máy sẽ khiến bạn mất thêm nhiều thời gian và trở nên chậm chạp hơn, nhưng điều quan trọng là bạn cần phải thao tác cẩn thận để đảm bảo bạn có được những hình ảnh sắc nét nhất có thể.
Hãy đảm bảo rằng chân máy của bạn có thể đứng vững và ổn định, ngăn không cho giá bị lung lay cũng như tránh làm hỏng chiếc máy và ống kính quý báu của mình.
Cuối cùng, càng bỏ nhiều thời gian và công sức vào việc lắp chân máy thì bạn sẽ càng phải tập trung vào bố cục của bức ảnh. Khi ý thức được mình sẽ mất nhiều thời gian cho việc sử dụng chân máy như thế thì bạn sẽ cẩn thận hơn trong việc chọn lựa cách bố trí lắp đặt.
Visited 513 times, 1 visit(s) today
Bình luận