Nhiếp ảnh trẻ: nghiện ngập Photoshop và sao chép người đi trước

Đó là cảm giác khi vào trang “festivalnhiepanhtre.vn” để theo dõi bước tiến của một cuộc chơi ảnh lần đầu Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức riêng cho các tay máy trẻ.

Nhiếp ảnh trẻ: nghiện ngập Photoshop và sao chép người đi trước

Không có thời gian cho săn ảnh, cho tư duy về đề tài, về hành động nhân vật, không có thời gian đầu tư nghiên cứu những bước đi của nhiếp ảnh thế giới, nhưng thời gian dành cho photoshop, bắt chước đề tài và bố cục của những người đi trước thì rất rõ ràng ở cách thể hiện của nhiều người trẻ.

Có nặng nề quá không đối với những người chưa có nhiều thời gian cầm máy? Toàn bộ có 3.054 bức ảnh của 527 lượt tác giả dự thi “Festival nhiếp ảnh trẻ 2015” được giới thiệu ở đây. Rồi sẽ có vài chục bức vượt qua được mặt bằng chung, về đích với giải thưởng. Nhìn chung, có thể nói như vậy là thắng lợi.

Một sân chơi quy tụ tới hơn 500 tay máy trẻ tham gia, với hơn 3.000 bức ảnh đã nói lên sự hấp dẫn người trẻ Việt Nam qua bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, với điều kiện mua sắm máy ảnh kỹ thuật số, niềm đam mê chia sẻ nghệ thuật trên các diễn đàn ảnh, các chuyến đi “săn ảnh” dễ dàng, kỹ thuật chụp ảnh, hoàn thiện ảnh được chia sẻ thoải mái trên mạng, đáng lẽ số lượng người tham gia phải lên tới con số nghìn, chục nghìn mới đúng với thực tế.

Tại sao số người tham gia sân chơi này chưa đông như mong muốn cũng là câu hỏi nên tìm đúng câu trả lời để phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật lớn mạnh hơn trong tương lai gần.

Trở lại với cái nhìn toàn cục đến từ “Festival nhiếp ảnh trẻ 2015”, chỉ thấy đáng tiếc là bao nhiêu năm trôi qua, những tay máy trẻ của hôm nay lặp lại cái nhìn cũ về cuộc sống. Cũ về cách nhìn, chủ đề, bố cục, lời bình. Những bức ảnh tốt nhất của sân chơi lại chính là những tác phẩm lặp lại cái nhìn cuộc sống của đàn anh cách nay 30 – 40 năm về con người và sản xuất, mối quan hệ với thiên nhiên chỉ là tư tưởng hưởng thụ như cách chụp “quà của biển” với những con cá, cánh đồng muối.

Sự sáng tạo được miêu tả quanh đi quẩn lại ở các làng nghề làm gốm, chiếu, thu hoạch bắp, vốn là những cái đẹp bị khai thác đến cạn kiệt về ý tưởng, là thách thức với người non tay nghề hoặc cạn ý tưởng. Nếu ai đó quan tâm ảnh chân dung hẳn sẽ cảm thấy buồn khi người trẻ mãi khai thác những nếp nhăn trên gương mặt của người già Tây Nguyên và vài vùng dân tộc thiểu số khác.

Tại sao nhiều người chán khi nhìn vào một lượng lớn tác phẩm nhiếp ảnh? Câu hỏi này có khó trả lời không? Ngoài lý do phải đọc lại những chuyện cũ bằng hình ảnh, thì nguyên nhân chính là những tác phẩm nhiếp ảnh Việt Nam rất ít hướng đến khả năng kể một câu chuyện bằng nhiếp ảnh.

Ai cũng chỉ nhìn vào ánh sáng, bố cục, biểu hiện nội tâm của nhân vật, và khi bức ảnh ra đời, nó có tất cả những yếu tố đó, nhưng tinh thần bức ảnh toát lên vẫn “không thể tổng hòa các mối quan hệ” và trở nên cường điệu, khô khan vì kỹ thuật, hoặc vì sự non nớt của chủ đề.

Cuộc sống mới ngồn ngộn những cái mới, đặc biệt tư duy về cuộc sống của con người thay đổi rất nhiều. Nhưng vẫn thật buồn khi hằng ngày, trên các diễn đàn ảnh, thấy các tay máy trẻ lao xao rủ nhau phượt Tây Bắc, mùa này hoa tam giác mạch nở, mùa này lúa chín vàng các thửa ruộng bậc thang, rồi hoa bằng lăng nở ở phố Cầu Giấy, từng đoàn xe đổ các tay máy ở tỉnh về Hà Nội chụp hồ Gươm lộng lẫy mùa Thu vàng..

 

Tác giả : Khải Ly / Doanh Nhân Sài Gòn Online

Visited 458 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...