Fan Ho – Bậc thầy nhiếp ảnh đường phố của Châu Á
Nhắc đến nhiếp ảnh đường phố, ngoài Vivian Maier, chúng ta không thể không nhắc đến một bậc thầy đến từ Châu Á – Fan Ho. Trong những năm sự nghiệp của mình, Fan Ho đã nhận được không ít hơn 280 giải thưởng từ các cuộc thi và triển lãm quốc tế. Ông còn vinh dự được bầu vào nhiều cộng đồng nhiếp ảnh gia trên thế giới, từ Argentina cho đến Singapore. Vậy Fan Ho là ai? Vì sao ông lại đạt được những thành tựu mang tầm thế giới đến vậy?
Fan Ho sinh năm 1937 tại Thượng Hải, nhưng sau đó cùng gia đình chuyển đến Hồng Kông sinh sống. Ông bắt đầu tìm đến bộ môn chụp ảnh từ rất sớm cùng với chiếc máy ảnh Rolleiflex mà cha ông đưa lại. Phần lớn ở thời điểm đó, ông tự mày mò học hỏi cách chụp, những bức ảnh của ông toát lên nét đẹp giản dị khó cưỡng về Hồng Kông những năm 50 và 60 của thế kỷ trước.
“Thực tế, nhiếp ảnh đường phố đã chọn tôi. Hồi ở Thượng Hải, tôi cực kỳ thích xem phim. Tôi thường xem phim một mình và tôi thích kể chuyện. Lúc đến sống ở Hồng Kông, tôi nghĩ mình phải kể những chuyện của mình dưới một hình thức nào đó”, Fan Ho nhớ lại những ngày đầu tiên đi chụp ảnh đường phố Hồng Kông.
“Ở Hồng Kông, tôi học ở trường St Paul’s College, một trong những trường nổi nhất thành phố khi đó. Tôi nuôi ước mơ thành nhà văn nên trong lớp tôi học rất giỏi môn viết. Trong trường, các bạn gọi tôi là “học giả vĩ đại”, và cũng chỉ có duy nhất tôi được phép học từ nhà trong khi các bạn khác bắt buộc phải đến trường”.
“Tôi viết đủ thứ, kể cả tiểu thuyết. Một ngày, tự nhiên tôi không tập trung học được. Bác sĩ nói tôi bị chứng đau nửa đầu và không chữa khỏi bệnh được. Họ nói tôi phải thường xuyên đi dạo phố hít thở không khí thoáng và sạch. Tôi thấy mọi thứ trở nên nhàm chán và bắt đầu chụp ảnh. Về sau tôi giành giải nhất trong một cuộc thi ảnh. Đây chính là động lực cổ vũ tôi dùng nhiếp ảnh để kể chuyện. Lúc đó, ít ra thì chụp ảnh không khiến tôi đau đầu”, Fan Ho nói với Leica Liker.
Đam mê chụp ảnh của ông đã đến từ rất sớm, cậu bé Fan Ho bắt đầu mọi công đoạn tráng ảnh từ trong bồn tắm của gia đình mình. Nội dung trong các tác phẩm của Fan Ho thường là cuộc sống xung quanh, những con hẻm, những khu ổ chuột, chợ, đường phố, những gánh hàng ven đường hoặc thậm chí là những đứa trẻ nhỏ hơn ông vài tuổi.
“Hàng thập kỷ trước, Hồng Kông là nhà của nhiều người Trung Quốc nghèo khổ. Các ngôi nhà nơi đây khá nhỏ nên hầu như mọi người đểu đổ ra phố, nhất là trẻ con. Lũ trẻ con thường chơi và ăn ngoài phố”, vị nhiếp ảnh gia từng giành hơn 280 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế chia sẻ.
Nói về kỹ thuật chụp ảnh, ông cho biết, “Đầu tiên tôi phải tìm được địa điểm lý tưởng. Sau đó kiên nhẫn chờ đợi để đối tượng mình cần đi vào đúng khung ảnh, thậm chí dù đó chỉ là một chú mèo. Bạn chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi để có thể bắt được khoảnh khắc, tinh hoa và cả cái hồn của nhân vật…Chụp ảnh là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, bạn cần phải cảm nhận được nó từ bên trong”.
Khi lần đầu được nhìn thấy các tác phẩm của Fan Ho vào năm 2006, chủ phòng tranh Laurence Miller đã phải thốt lên rằng “Tôi ngỡ chúng là hậu duệ của trường phái Bauhas, và những tác phẩm này được tạo ra ở Hồng Kông. Ảnh của Fan Ho không những mang nét trừu tượng mà ông còn lồng ghép cả chủ nghĩa nhân văn trong đấy”.
Hiện Fan Ho đã về hưu và đang sinh sống ở San Jose, California từ những năm 1980. Bên cạnh việc chụp ảnh, ông còn được biết đến với vai trò nhà làm phim và diễn viên. Fan Ho nhận được nhiều lời khen về diễn xuất trong bộ phim Shaw Brother (1961) với vai diễn vị sư Tripitaka. Ông đã thực hiện hơn 20 bộ phim với nhiều xưởng phim khác nhau tại Hồng Kông và Đài Loan; trong đó có hơn 10 phim được đánh giá cao tại các liên hoan phim Cannes, Berlin và San Francisco.
“Làm phim là nghề của tôi, nhưng nhiếp ảnh lại là đam mê”, ông chia sẻ. “Tôi yêu nhiếp ảnh hơn bởi vì tôi có thể tự do truyền trải nội dung và ý nghĩ của mình, không bị áp lực như khi công chiếu những bộ phim ra các phòng vé”. Và trong nhiếp ảnh, ông luôn chọn thể loại ảnh đơn sắc. “Tôi thích đơn giản hóa thế giới trong gam màu đen và trắng, nó phù hợp với bản năng của tôi. Tôi có thể tự do truyền tải cảm xúc, mọi thứ đều có thể nằm trong tầm kiểm soát hoàn toàn của mình, kết quả là những tấm ảnh đó luôn có nét siêu thực và hơi trừu tượng. Khoảng cách với chủ thể mà tôi ưa thích khi chụp ảnh: không quá gần, nhưng cũng không quá xa…”
Tổng hợp