Những bước đầu tiên đi vào nhiếp ảnh

Thưa bạn, những bài viết này được viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân qua những bài học từ các giảng viên, bạn bè, sách báo, và thêm thông tìn từ trên internet. Xin cảm ơn sự cho phép được dùng hình ảnh của các bạn ảnh trong những bài viết và hình ảnh trên website này…

Thưa bạn, những khái niệm đầu tiên, không phải là cách sử dụng máy ảnh, mà là bố cục và cách nhìn về 1 tấm hình. Tôi quan niệm máy ảnh chỉ là một dụng cụ trợ giúp thêm cho một người cầm máy, không phải là điều cốt lõi để tạo nên một tấm hình đẹp. Bạn có thể cầm một máy ảnh tự động (compact), mà vẫn có thể chụp ra những tấm hình rất đẹp với bố cục chuẩn mực. Khác nhau giữa một nhiếp ảnh gia và một người thường cầm máy chỉ là bố cục, sự phối hợp màu sắc, thời điểm chụp, và một vài kỹ thuật nhỏ khác. Nhiếp ảnh thật sự chỉ là một khoảnh khắc ghi nhận lại thế giới chung quanh, và khoảnh khắc đó được dùng ánh sáng để tạo nên. Người họa sĩ cầm cọ dùng màu để vẽ tranh, người chụp ảnh dùng máy và ánh sáng để vẽ hình. Hãy xem ống kính của máy ảnh là đôi mắt của mình, bạn sẽ tìm được những góc cạnh rất bình thường giản dị mà người khác không thấy. Hãy tìm những điểm nổi bật và khác lạ chung quanh mình, dùng đó làm điểm chính trong hình của mình. Những điều nêu lên trong những quy tắc sau đây, nếu mang ứng dụng vào lúc chụp hình, tôi hy vọng bạn sẽ có những tấm hình đẹp, dù trên tay bạn đang cầm bất kỳ loại máy ảnh gì. Đây là những quy tắc đầu tiên, nhưng có thể sẽ giúp thêm bạn đôi điều trong lúc chụp hình.
1. Bố cục của một tấm hình
a. Nguyên tắc phần ba (cho những người lười)

Đây là nguyên tắc căn bản và và hợp lý nhất của nhiếp ảnh, bắt nguồn từ các họa sĩ vẽ tranh, họa sĩ hay nhiếp ảnh gia thật sự là một, chỉ khác nhau về dụng cụ. Nguyên tắc này thực sự đơn giản, bạn chỉ cần chia tấm hình thành 9 phần bằng nhau với hai đường dọc, hai đường ngang (xem hình phía trên). Bạn chỉ cần đặt đối tượng chụp vào bất kỳ điểm giao nhau nào (4 điểm chính) cũng sẽ tạo được điểm nhấn rất mạnh cho hình. Việc này nhằm tạo sự lệch lạc cho bố cục thay vì làm cân đối hình, hình cân đối thì thường được gọi là snap-shot. Thỉnh thoảng bạn cũng cần đặt chủ đề vào chính giữa khung hình, tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, để cho tấm hình thú vị và có bố cục vững hơn thì chính thể cần phải tránh điểm giữa. Một tấm hình có điểm nhấn, còn phải có thêm ý nghĩa. Trước khi bấm máy, bạn phải tự hỏi mình, “Mình sẽ chụp cái gì đây?” khi bạn thấy cái mình muốn chụp, thì mới bấm máy để chụp.

Trong một tấm hình, dù bạn chọn điểm nào trong phần ba hình, cũng chỉ nên dùng một chính thể cho hình, nếu có 2 điểm chính nổi bật sẽ làm cho người xem bị chia trí. Tấm hình càng đơn giản càng tốt, nhìn vào là đôi mắt của người xem sẽ bị dính vào nơi mà mình muốn họ nhìn vào, chỉ cần lưu lại được ánh nhìn của người xem, là hình của mình sẽ tự nhiên đẹp.

b. Nguyên tắc phần ba rộng (dành cho người siêng), có thể gọi là Fibonacci Spiral, Golden Ratio, The Divine Proportion

Cách chia tỷ lệ có khác quy luật 1/3 một chút nhưng về ý tưởng là tương tự, nếu bạn theo dõi theo hình thí dụ phía trên, bạn sẽ thấy mình vẫn phân chia theo 1/3, và lại 1/3 cho phần nhỏ, cho đến điểm trung tâm là 1/1. Chỗ đầu vòng xoắn nhỏ nhất là điểm mạnh nhất cho hình. Điểm này rộng hơn là điểm phần ba, thế nên tôi gọi là phần ba rộng. Tỷ lệ này được xem là hoàn chỉnh nhất trong tự nhiên, hoa cỏ và những đường xoắn của vỏ ốc thường được tạo hình chính xác theo quy tắc này. Bạn có thể xem hình thí dụ được dùng theo bố cục ở trên:

c. Tam giác vàng (Golden Triangles):


Cách chia tỉ lệ có khác với những cách trước một tí, bạn dùng một đường kẻ từ dưới xéo lên trên, và phía đối diện sẽ kẻ một đường xéo vuông góc với đường vừa kẻ, tạo thành 3 hình tam giác lớn nhỏ khác nhau. Bạn có thể dùng màu, hoặc đường nét tạo hình cho từng tam giác, tuy là ba mà thật sự là một. Bố cục này ít người dùng, nhưng nếu dùng hiệu quả, sẽ tạo cảm giác rất mạnh cho người xem.  Bạn phối hợp màu thế nào cũng được, miễn là giữ được điểm nhấn trong góc hẹp của tam giác nhỏ nhất là đạt yêu cầu.

d. Đường xéo góc (Diagonal Rule)

Bạn dùng một đường xéo góc làm chuẩn, thêm 2 đường xéo song song với đường đầu tiên tạo thành một vùng xéo ngay giữa hình, dù xéo hay thẳng, chiếm 1/3 diện tích của hình sẽ tạo được sự cân đối nhất cho hình của bạn. Khi bạn đã có đường xéo (có thể chỉ là trong trí tưởng tượng của bạn), thì bạn hãy crop hình, sao cho tất cả những chính thể của bạn sẽ nằm trong những đường xéo này, nếu kết hợp với quy luật phần ba thì sẽ tạo được hiệu quả mạnh hơn.

Đó là những bố cục mà bạn hay gặp nhất, mọi người vẫn thường dùng bố cục phần ba làm chính. Xin bạn hãy nhớ, quy tắc và bố cục được đề ra là để cho bạn phá vỡ và vượt qua khỏi chúng.

2. Những cách thức khác để giúp cho hình đẹp hơn:
a. Đóng khung (Framing)

Chụp một cảnh vật nào đó, có thể cảnh sẽ trở nên đẹp hơn nếu bạn sử dụng kỹ thuật tạo khung cho ảnh, dùng những vật thể chung quanh để loại bỏ những cảnh vật không cần thiết, thì sẽ làm cho chính thể trong hình nổi bật và sẽ thu hút được sự chú ý của người xem hơn. Thí dụ như sử dụng các cành lá phía trên, đá chung quanh trên dưới hoặc hai bên làm khung che bớt những cảnh xung quanh.

b. Phối cảnh:

Sử dụng các đường nét để tạo cho ảnh có một độ sâu từ gần đến xa, hoặc bạn cũng có thể dùng các đường nét để dẫn hướng người xem tới phần chính của đối tượng chụp. Với những cảnh vật thế này, bạn nên sử dụng tiêu cự rộng nhất (wide angle) có thể của máy để ảnh bao quát được nhiều vật thể.

c. Đường dẫn (leading line)

Trong cách chụp này, bạn dùng một vật thể, hoặc một con đường, một dòng sông chảy, dẫn mắt người xa từ gần đến xa, nơi mà mình muốn thu hút sự chú ý người xem, và sẽ dùng chính thể phía trên cho ánh mắt người xem dừng lại.

d. Bản mẫu và đường nét (patterns)

Bạn có thể tìm những vật thể với các chi tiết lập đi lập lại và mang chúng vào trong hình. Nếu nhiều chi tiết, bạn có thể kéo (zoom) hoặc đi lại gần để các chi tiết chiếm phần lớn trong khung hình và loại bỏ được các chi tiết chia trí. Cái cốt lõi của cách chụp này là loại trừ những chi tiết không cần thiết để mang lại sự đơn giản và những đường nét mạnh nhất cho hình. Càng nhiều chi tiết thì hình sẽ loãng đi, sự cô đọng mất thì hình sẽ không còn mang lại thu hút cho người xem.

e. Tạo sự tương phản, đối lập

Nếu muốn chủ thể nổi bật, bạn phải tạo ra sự khác biệt của nó so với các chi tiết khác trong ảnh. Có nhiều cách để làm được điều này, và bạn hãy tùy ý chọn cho mình một cách, thí dụ như tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, màu lạnh và màu nóng, giữa trắng đen và màu, giữa mềm mại và cứng rắn, giữa vuông và tròn…

f. Nhịp điệu

Cách bố cục này là thể hiện sự lặp lại của các chi tiết một cách có chủ ý, làm nổi bật sự sắp xếp tự nhiên của chúng trong không gian. Có những lúc ngẫu nhiên tạo hình, có khi là do bạn chủ ý. Bạn hãy quan sát, và dung hòa những nhịp điệu sẵn có trong thiên nhiên để mang vào trong hình của mình.

g. Đặt góc nhìn

Góc nhìn của người chụp không có nghĩa là đặt ống kính thế nào cũng được. Tùy từng đối tượng, bạn sẽ tạo ra cách nhìn khác lạ về nó, khác biệt so với cách người thường hay nhìn. Có những người theo thói quen cứ đứng tư thế nào thì chụp như thế. Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà các nhiếp ảnh gia vất vả bò lăn ra đường, xoay người đủ kiểu để có khung hình ưng ý. Đây là 3 góc chụp phổ biến: từ trên xuống, từ dưới lên, hoặc ngang tầm vật thể. Góc nhìn khác thường sẽ tạo ra những hình ảnh hấp dẫn và mang âm hưởng trừu tượng.

h. Đơn giản là đẹp

Ngay cả trước khi áp dụng nguyên tắc phần ba, bạn cũng nên chú ý đến nguyên tắc này. Hình cần làm rõ chính thể và nội dung, nên các chi tiết thừa phải loại bỏ, càng đơn giản càng đẹp. Bạn có thể tiến gần đến chính thể, lựa chọn góc chụp để loại trừ những vật thể chia trí phía sau; bạn có thể mở rộng ống kính để làm mờ hậu cảnh, khiến các chi tiết thừa không làm chia trí, sẽ làm mắt người xem không bị phân tán ra các vật thể khác. Bạn hãy nhớ chú ý đến tiền cảnh và hậu cảnh. Khi bạn chụp một cảnh vật nào đó, hãy tự hỏi, rằng tiền cảnh là những gì, và hậu cảnh có giúp gì cho hình hay không? nếu không giúp, thì hãy tìm góc độ và trường ảnh để “loại trừ” chúng ra khỏi sự tác động đến chính thể của hình.

i. Sức mạnh của số lẻ

Sự bao bọc xung quanh chủ đề với một số vật thể làm cho hình thú vị và thẩm mỹ hơn , để tạo sự thu hút cho mắt người xem một cách rõ ràng! Những hình ảnh trong thí dụ có một mức độ đối xứng gắn liền với nhau, và hình tạo ấn tượng chủ yếu là vì nguyên tắc của số lẻ. Một vật được bao quanh bởi hai vật khác làm cho hình ảnh lạ mắt và thu hút hơn, trong khi một số chẵn của các hình thể sẽ làm cho một bức ảnh nhìn lu mờ và sự cân đối sẽ không thu hút được ánh mắt của người xem.

j. Điểm mạnh của không gian, và sự trống vắng

Điều gần nhất để thể hiện sự trống vắng là sự im lặng bằng 2 tông màu, đen hoặc trắng, vì không gian thực sự là sự trống vắng. Không có cách nào tốt hơn để thể hiện sự trống vắng mạnh mẽ của một chủ đề nào đó bằng cách thêm không gian vào hình. Không gian và sự im lặng là chất liệu mạnh mẽ để sử dụng trong hình ảnh của bạn.

k. Cân bằng yếu tố

Đặt chủ đề chính của bạn khỏi trung tâm như với quy tắc phần ba, tuy tạo ra một hình ảnh thú vị hơn, nhưng nó có thể để lại một khoảng trống trong cảnh có thể làm cho hình khá thoáng. Bạn có thể cân bằng chủ đề của bạn bằng cách bao gồm thêm một đối tượng khác ít quan trọng hơn để lấp đầy không gian, tạo cho hình không có khoảng trống. Bạn nên cẩn thận, vì phụ thể nếu mạnh sẽ làm cho chủ đề chính mất đi sự thu hút. Cách này thật sự là một con dao hai lưỡi, có thể giúp hình bạn bớt trống trải, mà cũng có thể làm cho hình của bạn bớt cô đọng.
l. Tính đối xứng và điểm nhấn

Thế giới này được bao quanh bởi tính đối xứng và các mô hình, cả tự nhiên và nhân tạo. các mô hình này có thể rất bắt mắt, đặc biệt là trong các tình huống bất ngờ ngoài tự nhiên. Cách hay để sử dụng kỹ thuật này là để phá vỡ tính đối xứng hoặc pattern của nó bằng một cách nào đó, như tạo một điểm chính trong cảnh vật của bạn, để phá vỡ sự đối xứng nhàm chán cho hình.

m. Độ sâu của trường ảnh (DOF)

Bởi vì nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật có nhiều chiều, bạn phải lựa chọn chiều sâu cho hình một cách cẩn thận để truyền đạt cảm giác về chiều sâu trong khung cảnh thực đến người xem. Bạn có thể tạo ra chiều sâu trong một bức ảnh bằng cách bao gồm các đối tượng ở tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh, hoặc bạn cũng có thể tạo chiều sâu bằng cách làm mờ ảo tiền cảnh và hậu cảnh. Một trong những kỹ thuật tốt là chụp hình với nhiều vật thể chồng lên nhau, nơi bạn cố tình đặt một vật thể nằm sau một vật thể khác. Mắt người xem sẽ nhận ra các tầng lớp và tách rời chúng ra, tạo ra một hình ảnh với độ sâu hơn. Lựa chọn đúng độ sâu cho hình ảnh của bạn sẽ tác động rất mạnh đến sự cảm nhận của người xem. Bạn có thể sử dụng độ sâu cạn của trường ảnh để cô lập các chủ đề từ chính thể đến phụ thể, giữ chính thể làm yếu tố duy nhất trong hình ảnh và làm chính thể rõ nét. Đây là một thí dụ thêm cho quy tắc này:

n. Sử dụng ánh sáng bất thường

Ánh sáng bình thường dùng cho hình đời thường, ánh sáng bất thường dùng cho hình nghệ thuật. Bạn có bao giờ nhìn thấy hình với ánh sáng tốt mà  phẳng như 1 tờ giấy? thật sự là có tất cả mọi nơi trên mạng. Vì hình bị  màu trắng ánh sáng đèn flash phản chiếu trên các bức tường phía sau và trên cả chính thể tạo nên. Nếu bạn không có đèn flash tốt và miếng phản chiếu để hắt sáng, thì sử dụng đèn flash nên là lựa chọn cuối cùng. Ánh sáng mạnh (hoặc ánh sáng mặt trời) của flash không chỉ làm giảm chất lượng nghệ thuật cho hình, mà còn có thể san bằng những bức ảnh đẹp (nghĩa đen và cả nghĩa bóng), sử dụng đèn flash có khi là một sự lựa chọn nhầm. Sử dụng ánh sáng yếu và bất thường để tăng thêm nét thu hút, và độ sâu cho hình. Ánh sáng bất thường chính là cái chìa khóa của những tấm hình đẹp, bạn nếu thử đi chụp vào những lúc mà trời không có ánh sáng, bạn có thể sẽ thấy những tấm hình “thiếu sáng” nhưng rực rỡ.

o. Sư đối xứng (Symmetry)

Tôi nghĩ không nên đặt nặng bố cục vào sự đối xứng, nhưng nó vẫn có hiệu quả tạo sự tác động rất mạnh về sự thanh bình tĩnh lặng. Bạn hãy sử dụng đối xứng nơi mà tất cả các bố cục và quy tắc khác không thể áp dụng, và bạn có thể sẽ thành công tạo nên 1 bức hình độc đáo.

p. Phá cách

Khi bạn đã quen thuộc với những quy tắc trên, bây giờ là lúc mà bạn hãy quên đi chúng, chụp theo khuôn mẫu riêng của mình, phá cách chụp hình để tạo ra một phong thái riêng, tuy là phá cách, nhưng hình vẫn có điểm mạnh và không có điểm chết hay chia trí người xem. Bạn có thể tới cùng nơi mọi người hay tới, nhưng bạn sẽ có những tấm hình không giống ai, và hình đẹp hay không là tùy theo sự áp dụng nhuần nhuyễn những quy tắc ở trên. Như tấm hình ở trên, bạn thấy cô bé đang giang tay nô đùa, bên cạnh 1 gốc cây to, và những nhành cây lá nhỏ, tạo nét tương phản rất mạnh. Chỉ cần dùng bóng, mà tác giả đã nói lên được niềm vui của tất cả trẻ thơ trên thế gian này.

Với sự phát triển vượt bật của thời đại kỹ thuật số trong nhiếp ảnh, bạn không còn phải lo lắng nhiều về chi phí xử lý hoặc hết…phim. Nên bạn hãy thử nghiệm với các quy tắc và bố cục ở trên cùng 1 cảnh vật mà bạn đến, bạn có thể chụp vài nghìn bức ảnh và xóa những hình không đẹp khi về nhà mà không phải tốn thêm một xu nào. Bạn hãy tận dụng ưu điểm này của kỹ thuật số, và thử nghiệm với những bố cục mà bạn nghĩ ra trong trí. Bạn sẽ không bao giờ biết một ý tưởng bất thường của mình đúng hay sai nếu bạn không thử dùng nó vào trong hình của mình. Nhiếp ảnh kỹ thuật số cho phép bạn thử nghiệm với những góc độ khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy một tấm hình hoàn hảo theo ý của bạn.

Chúng tôi hy vọng bạn sẽ có được những phút giây vui vẻ khi đọc bài viết này. Nếu bạn thấy có gì chưa chính xác, hoặc muốn đóng góp thêm ý kiến, xin bạn hãy vui lòng cho ý kiến. Xin cảm ơn bạn.

Nguồn vnphotography.org

Visited 3,365 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...