Tờ Business Insider vừa có bài viết về nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle và những bức ảnh anh thực hiện tại Việt Nam. Theo đó, Réhahn được giới thiệu là một nhiếp ảnh gia đã “phải lòng” Việt Nam trong một chuyến đi từ năm 2007.
4 năm sau, Réhahn chuyển từ Pháp tới sống ở Hội An. Dù Hội An là nơi Réhahn sống thường xuyên nhất, nhưng anh cũng dành ra rất nhiều thời gian để đi tới khắp các vùng miền xa xôi của Việt Nam và thực hiện những bộ ảnh phong cảnh – con người mang đậm màu sắc văn hóa vùng miền, bản địa.
Tiêu chí cao nhất trong các tác phẩm ảnh của Réhahn là ghi lại vẻ đẹp cảnh vật – con người một cách chân thực và tự nhiên nhất, trong những khoảnh khắc đầy ngẫu hứng, để người xem ảnh có thể tưởng tượng về những câu chuyện đằng sau những bức hình.
Dưới đây là những bức ảnh đẹp ấn tượng được thực hiện từ chuyến đi gần đây nhất của Réhahn tới vùng núi phía Bắc Việt Nam:
Réhahn đã có tổng cộng 11 ngày rong ruổi trên chiếc xe máy để đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh nằm ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có bản sắc văn hóa rất đa dạng. Đây là bản đồ những nơi mà Réhahn đã tới thăm trong cuộc hành trình.
Hai chị em sống trong một bản làng của người H’mông.
Người H’mông chia ra thành những nhóm khác nhau với những cách ăn vận khác nhau, người H’mông đen thường mặc những bộ trang phục sắc chàm, người H’mông Hoa mặc trang phục rực rỡ.
Em bé người H’mông đang ở nhà một mình khi nhiếp ảnh gia Réhahn đi ngang qua nhà em và dừng lại chụp ảnh.
4 đứa trẻ người H’mông tự ở nhà cơm nước cho nhau, cha mẹ các em còn đang ở trên nương rẫy. Trẻ em vùng cao phải sớm tự lập, các em lớn lên tự nhiên, mạnh mẽ, dẻo dai như cây rừng.
Một bé gái thuộc nhóm H’mông Hoa.
Trong quá trình di chuyển giữa các bản làng, nhiếp ảnh gia Réhahn thường dừng lại dọc đường để ghi lại cảnh đẹp ven đường. Bất cứ khi nào anh gặp một người dân bản địa đưa lại cho anh cảm xúc nhiếp ảnh, Réhahn cũng sẽ ngay lập tức bấm máy. Bức ảnh này được chụp trên đường tới thị trấn Bảo Lạc.
Cô thiếu nữ 17 tuổi người Lô Lô, thuộc nhóm Lô Lô Hoa.
Một cô bé người Lô Lô ở làng Cốc Sản.
Réhahn thực hiện chuyến đi vào đúng mùa mưa, vì vậy quá trình di chuyển giữa các bản làng thêm khó khăn. Đây là một bức ảnh được chụp khi anh đi ngang qua thung lũng thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Một ngôi nhà nằm chênh vênh trên triền núi đoạn giữa huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc.
Cô bé này sống ở huyện Đồng Văn.
Réhahn nhận thấy rằng ở một số nơi màu sắc văn hóa bản địa đang có nguy cơ bị mất dần khi người dân không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình nữa.
Bà cụ sống ở huyện Mèo Vạc.
Một phụ nữ người Dao đang đi hái ngô.
Trên đường tới bản Minh Thượng để gặp người Pà Thẻn, Réhahn đã gặp một cô giáo đang trên đường tới lớp. Anh đã xin phép cô cho đi cùng và chụp được bức ảnh này.
Theo Réhahn, cái nghèo là nguyên nhân chính khiến trẻ em sống ở những bản làng miền núi xa xôi, hẻo lánh thường dễ bỏ học.
Những gì quan sát thấy khiến Réhahn tin rằng việc tới trường là cả một sự nỗ lực của bản thân các em nhỏ và gia đình của các em.
Có những em phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ, phải trèo núi, lội suối, vượt thung lũng…
Sau khi đến thăm ngôi trường nhỏ, Réhahn dừng lại trước ngôi nhà của người trưởng bản Minh Thượng, vợ của người trưởng bản đã quay vào nhà thay trang phục truyền thống của người Pà Thẻn để Réhahn chụp bức ảnh này.
Cảnh vật mà Réhahn chụp cũng ấn tượng như những người dân bản địa đã xuất hiện trong các bức ảnh của anh.
“Khi lái xe dọc những cung đường, tôi tự nhủ rằng Việt Nam quá đẹp. Tôi nghĩ mình vừa tìm thấy một góc chụp đẹp nhất, nhưng rồi lái xe thêm một đoạn, tôi lại tìm thấy một góc chụp đẹp hơn. Có thể tôi sẽ không bao giờ tìm được góc chụp đẹp nhất ở nơi này, nhưng tôi biết nơi này sẽ cho tôi động lực để tìm ra những góc chụp đẹp hơn nữa” – Réhahn.
Bà mẹ vừa địu con vừa làm việc.
Nạn tảo hôn vẫn xảy ra ở một số làng bản xa xôi. Réhahn cho biết anh đã gặp một cô gái kết hôn từ năm 14 và có con đầu lòng năm 16 tuổi.
Trang phục truyền thống của người Phù Lá. Người dân nơi đây có thu nhập chủ yếu đến từ nông nghiệp và các sản phẩm thủ công.
Người Phù Lá làm ruộng bậc thang. Đây là cánh đồng ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.
Ông cụ người La Chí 78 tuổi sống ở làng Díu Thượng. Ông đã mời Réhahn về nhà hút… “thuốc lào”.
Những bức ảnh của Réhahn được báo chí phương Tây đặc biệt quan tâm bởi trong đó người ta tìm thấy cái hồn của nhân vật và những câu chuyện ẩn sau từng bức hình. Những bức hình của Réhahn gợi nhiều cảm xúc hơn mọi ngôn từ.
Bích Ngọc – dantri.com.vn
Theo Business Insider