Trải nghiệm bộ gear máy ảnh Fuji X-T1, lens Fuji 23mm và lens Voigt 40mm
Trải nghiệm bộ gear máy ảnh Fuji X-T1, lens Fuji 23mm và lens Voigt 40mm
Cô em xinh tươi Fujifilm X-T1 và Cậu Fujinon Xf 23mm 1.4 vốn chẳng còn gì là hot. Gã con lai Á-Âu Voigtlander 40mm 1.4 thì còn khá lạ lẫm với một số người dùng máy ảnh. Vậy mà, trong nhà tôi, tụi trẻ đang yêu nhau nồng thắm. Tôi xin thuật lại mấy câu chuyện vãn về 3 nhân vật này, theo góc nhìn của tôi.
Nguồn: google
Tôi đón hai cô cậu Nhật Bản về nhà sau khi chia tay mối tình cũ với chân dài Canon 6D. Cảm giác đầu tiên là, sợ sệt. Ngày xưa, cũng đôi lần liều mạng mang Fuji X100, X-E1, X-Pro1 ra chụp dịch vụ, sau dùng Canon, vốn quá nổi trong showbiz rồi, nghe lời mấy huynh đệ hăm doạ, năn nỉ đủ kiểu, bảo là “Chú không dùng Fuji chụp không ra chất của chú”. Vậy là, em gả hết, em đón X-T1 và 23mm 1.4 về. Thật ra, nếu nghĩ Quách Tĩnh – Hoàng Dung Canon 6D và Sigma 35mm Art là một bộ đôi tốt chụp được hầu hết mặt trận, thì nay em thấy Tiểu Long Nữ và Dương Quá Fuji X-T1 – Fuji 23mm có thua kém gì đâu.
Body của Fuji X-T1 làm theo kiểu mấy em máy Film Fuji Fujica ngày xưa. Bạn nào, từng mê Canon AE, Nikon F, hay Olympus thời ấy, thì sẽ dễ nảy sinh cảm tình với X-T1. Nhìn cái gò nhấp nhô bên trên, thiệt sexy. Thấy bộ khung xương X-T1 khắc CNC từ nguyên khối kim loại trên google mà mình nôn nao. Đến khi cầm em ấy ngoài đời, thì xốn xang. Dù hơi bé hơn máy Film, nút hơi nhiều một chút, cũng không được nặng như tôi tưởng tượng, nhưng Fuji đã làm tốt lắm rồi!
Em Fuji X-T1 có nhiều điều kì quặc rất đáng yêu. Để xem nào, đầu tiên là ống ngắm. Tôi chưa bao giờ thấy em gái nào bé bé hạt tiêu mà có mắt to tròn như thế. Hẳn là ngang ngửa với hotgirl Canon dòng 1D. Chỉ là em cận thị nên em phải dùng EVF điện tử. Nhưng, không thấy giật, không thấy chớp, ban đêm ít sạn, màu sắc ánh sáng tái hiện đúng những gì ta chụp ra. Ôi đúng là “I see my life through your eyes” thiệt rồi. Bố già Fuji khá là thông minh khi đặt một nốt ruồi trên bờ mi em, nút “viewmode”, ấn phát là chuyển chế độ ngắm ngay, khỏi lò mò như mấy máy đời xưa. Kế đến, là cảm giác cầm máy. Nói về độ phê, X100 và X-Pro1 hơn X-T1. Nói về tiện dụng, X-T1 vượt trội. Muốn cái gì, sờ là có ngay cái ấy. Điện nước đầy đủ. Gần như hết menu đã được đưa ra ngoài, lại còn được tuỳ ý hiệu chỉnh, có chết người không? Các bạn nghĩ xem, người yêu mà bảo em mặc áo màu trắng đen đi, em ấy mặc, bảo mang kính 2 diop cho anh, em í mang, tìm ISO, khẩu, tốc, ev+-, ngay các ngón tay bạn, sờ cái là nhìn thấy ngay trên EVF, còn đòi hỏi gì nữa? Còn sung sướng nào bằng?
Một bức chân dung đơn giản của X-T1 và 23mm, màu gốc.
X-T1 quả có hơi nhỏ ạ. Dù rằng weather shield (cả công tử Fujinon 23mm cũng khoẻ lắm, chẳng bệnh bao giờ), nhưng thân em hơi nhẹ. Tay bạn to thì … sờ hơi không vừa. Ngón út của mình sẽ chơi vơi hơi vô dụng, và nút bấm thì trượt trượt. Có mấy anh nghĩ được cách khắc phục là gắn grip, case da, dán nút cao lên. Em thì em cứ chân trần mà đi, :3 lỡ yêu rồi, có gì thì chịu.
Và, kế đến là chất hình của em ấy. Đẹp lắm đó. Nói đến chất hình, phải nói đến hai thứ. Một là chế độ giả lập màu phim của Fuji. Và hai là lens Fujinon XF. Ở nàng X-T1, cụ Fuji may cho nàng một bộ cánh riêng, rất vintage, các đàn chị không có, gọi là Classic Chrome. Màu áo này nâu nâu, nhàn nhạt, lọc mất hầu hết các màu rực rỡ. Và, trải nghiệm chụp chân dung với màu này phải nói là xuất sắc. Dù các bộ áo cũ cũng rất đẹp như xưa đến giờ, nhưng cái gì mới cũng đã hơn, đúng không ạ? Về ISO, chụp đêm, em thấy đẩy 2500 không vấn đề. Em chụp không soi kĩ, thấy noise chấp nhận được. Zoom 100% thì thấy pixel sắp xếp rất quái, nó vân vân chéo chéo, thảo nào mà hình Fuji màu rất lạ, và cái nét của nó rất kì cục. Dị nhân!
X-T1 và 23mm, ngược sáng, màu gốc.
[
X-T1 và Voigt 40mm, f1.4, IS0 2500
Và, điều góp phần tạo nên chất ảnh Fuji, là lens FujiX. Ở đây, em phối ngẫu nàng với gã công tử Fujinon 23mm 1.4. Tại sao gọi là công tử? Đẹp trai, phong độ, to con, rộng rãi (f1.4 có phải rộng không?), nhanh nhẩu (thiệt là focus nhanh lắm ạ), nói một là một hai là hai (thì là lấy nét chính xác), thâm trầm ít nói (không có loẹt xoẹt thụt ra thụt vào như cu cậu 35mm 1.4). Nói chung đúng kiểu quý ông lịch lãm. Màu Fuji đó giờ các bạn đã rõ quá rồi, nhàn nhạt trung tính, thật, không nịnh mắt. Đây là triết lý làm màu như kiểu Leica. Cũng vì vậy mà người dùng Fuji thích vintage, thích ảnh phố, thích chụp chậm. 23mm thì crop lên 35mm (giống nàng x100), là cự của ảnh phố, là cự một cho tất cả.
X-T1 với 23mm, có addnoise
Mình dùng X-T1 và 23mm để chụp streetlife, lâu lâu landscape, và thường xuyên nhất là dịch vụ. Nghĩa là trong nhà ngoài phố, sáng trưng tối mò, hay tranh tối tranh sáng, ngược sáng thuận sáng nắng xiêng, trời mưa trời nắng, … hầu như em không gặp phải khó khăn gì cả, ngoài việc mấy bạn chụp cùng liếc liếc xem máy gì mà bé thế. Chụp dịch vụ mình cần gì? Pin – mua thêm là được. Nhanh, ôi chuyện nhỏ, chỉ cần bạn bỏ cái tật bắn súng liên thanh, chuyển qua bắn tỉa là xong, nhanh, chính xác, rõ nét, đo sáng chuẩn. Sự thông minh của máy khi chụp điều kiện ánh sáng phức tạp (chụp chân dung hay phóng sự cưới thì cứ phải là lao ra lao vô, ánh sáng tán loạn, khônh được đánh flash), điểm này, mình nghĩ Fuji làm rất tốt, WB và đo sáng rất khá. Chỉ một trở ngại là ban đêm màu sẽ bị ám xanh lá, nhất là dưới đèn vàng và trắng. Ta dùng Photoshop, chưa tới 3s, khoẻ re. Nếu dịch vụ chụp được, tất nhiên streetlife dễ dàng. Trắng đen của XT1 tiến bộ hơn so với các đàn chị, khi bạn nâng constract cao lên xíu, cái nào ra cái đó, không xám xám nhàn nhạt nữa.
Streetlife với X-T1, 23mm.
Và, một thời gian nghiên cứu sau đó, em ra biên ải đón gã Voigtlander 40mm 1.4 Nokton Classic về nhà.
Nocturne (dạ khúc, từ chuyên môn của âm nhạc) – cũng như Noctilux (tên một dòng lens của Leica) – và đây thì Nokton, là cách Voigt gọi đứa con dạ hành của mình. Khẩu lớn, f1.4, nhỏ gọn, cự streetlife (40mm, nhưng lên Fuji lại thành ra 60mm, em chuyên dùng để chân dung bán thân ạ). Từ classic ở tên lens là chỉ tiêu chí của nó, đơn giản, hoài cổ, nhỏ gọn, và chất màu cổ điển 100%. Vinette bốn góc, màu constract cao, thiêng về màu xanh lá và vàng, có một tia sáng bé xíu là bắt được bokeh bong bóng, ngàm Leica M, nhiêu đó là dân chơi ảnh vintage chịu đèn ảnh liền rồi. Em gọi gã là con lai, vì hãng Đức, ráp ở Nhật. Có hề chi, triết lý Đức bảo thủ vẫn căng tràn trong cơ bắp gã.
Voigt 40mm de-focus, nghĩa là nét mà không nét, mờ mà không mờ. Phần bokeh vô cùng ảo diệu, hư chiêu múa vèo vèo, kẻ thù không đỡ kịp là chí mạng ngay. Mua cái ngàm, cắm vào em X-T1 với cái viewfinder to như thế, rõ như thế, có chết người không cơ chứ?
… Em thấy, một máy hai lens như này, là em thoả mãn cái đời vừa chụp chơi vừa cày tiền của em rồi.
Voight 40mm ở 1.4, chụp đêm
Như một lời kết, là chùm ảnh của bộ ba trên.
( Tôi blend và add noise, đối với những ảnh tôi muốn làm bật cảm xúc. Các ảnh test màu và noise, tôi để original)
Các ơn các bạn đã xem, chúc vui.
Với 23mm
Với Voigt 40mm
Với 23mm
Streetlife với 23mm
Voigt 40mm
Voigt 40mm
Voigt 40mm
Voigt 40mm
Voigt 40mm
23mm
23mm
23mm
23mm
23mm
Bài và ảnh: tác giả Kaka_VuogDinh – vnpohoto.net