PHƠI SÁNG LÂU PHẦN 1: KHÔNG CẦN ND FILTER

“Trời đẹp hơn sau giông bão, đời đẹp hơn sau gian nan”  –  Andre Luu

NHỮNG HIỆU ỨNG ĐẸP CỦA PHƠI LÂU

Khác với cách chụp ảnh thông thường với tốc độ nhanh khi mọi chuyển động trong cảnh ở khoảnh khắc đó được “đóng băng”, thì phơi lâu (long exposure) cho phép những chuyển động đó diễn ra trong một thời gian dài để tạo ra những hiệu ứng thú vị. Sau đây là những hiệu ứng của phơi sáng lâu:

  • Xoá gợn sóng trên mặt nước ao hồ tạo phản chiếu gương trong veo và tĩnh lặng.
  • Làm mặt biển mịn màng như lụa, và sóng vỗ vào đá bồng bềnh như mây.
  • Làm nước đổ, suối hay thác kéo sợi mượt mà.
  • Tạo vệt dài thu hút cho các vật thể nổi bật đang di chuyển như mây, sương, đèn xe, rác di chuyển trên mặt nước…vv.
  • Xoá mất những vật thể không nổi bật đang di chuyển như người và các phương tiện giao thông ban ngày.

TRỜI CÒN TỐI CHƯA CẦN ND FILTER

Trước lúc mặt trời mặt trời mọc khoảng 45 phút, thì ánh sáng đầu tiên của bình minh sẽ bắt đầu hé ra, đây là lúc bầu trời cực kỳ đẹp và ánh sáng rất yếu, cho phép bạn phơi sáng lâu có thể đến 2 phút ở khẩu độ và ISO tối ưu mà không cần dùng đến ND filter. Tương tự như vậy, sau khi mặt trời lặn qua khỏi chân trời, thì trời thường hừng lên một lần nữa cũng rất đẹp không kém lúc mặt trời đang lặn, lúc đó ánh sáng cũng rất yếu và cũng cho phép bạn phơi lâu mà không cần dùng đến ND filter.

CÁCH TÍNH ĐỘ PHƠI SÁNG TỐI ƯU KHI TRỜI CÒN TỐI

Trong điều kiện trời tối như thế này, để đo sáng và tính ra được độ phơi sáng đúng và tối ưu bạn cần thực hiện những bước sau:

BƯỚC 1: BẬT QUA CHẾ ĐỘ A/Av (ƯU TIÊN KHẨU)

Bật qua chế độ A/Av để máy có thể đo sáng tự động. Lưu ý trong thiết lập đo sáng của máy, bạn nên dùng chế độ đo sáng mặc định như đo sáng toàn phần Matrix hay Center Weighted, không nên dùng Spot, vì mình cần đo sáng toàn cảnh. Lúc này do trời còn tối tốc độ chụp ở ISO tối ưu (100 hay 200) sẽ hơn nhiều 30 giây, nên ở máy Canon, Nikon, Sony tốc độ sẽ chớp ở số 30 giây, báo hiệu là không đủ ánh sáng. Một số máy hỗ trợ độ phơi sáng trong máy hơn 30 giây sẽ hiện đúng số thời gian tốc độ ví dụ như máy mirrorless Panasonic GX7.

CHÚ Ý: Nếu bạn có Grad ND FILTER (loại nữa sáng nữa tối) thì đây là lúc bạn gắn Grad ND vào để canh cho đúng vị trí bầu trời cần cân sáng. Grad ND sẽ không cản trở chức năng đo sáng tự động của máy và được máy tính luôn phần cân sáng của filter này.

BƯỚC 2: NÂNG ISO LÊN 6400

Vì lý do tốc độ trong máy ở chế độ A/Av của phần lớn các máy giới hạn ở 30 giây, để đo được ánh sáng thì tốc độ phải dưới 30 giây. Nên bạn nâng ISO (từ 100 hay 200 mặc định) lên ISO 6400 là để làm việc này. Ví dụ bạn để f/8, và nâng ISO lên 6 Stop từ 100 lên 6400, thì tốc độ sẽ hết chớp và hiển thị 1 giây, thì đây là tốc độ mà máy bạn đo được cho ISO 6400, F/8. Nếu như bạn không nâng ISO lên thì không có cách nào máy có thể đo sáng được trừ một số máy đặc biệt có tốc độ ở chế độ A lên đến vài phút như Panasonic GX7. Tất nhiên bạn có thể nâng lên ISO thấp hơn hay cao hơn, để cho bài viết được đơn giản mình dùng ISO 6400.

BƯỚC 3: CHỤP THỬ ĐỂ TÌM ĐỘ PHƠI SÁNG TỐI ƯU

Sau khi đã ghi chú thông số tốc độ máy vừa đọc (vd 1 giây f/8 ISO 6400), thì bạn chuyển qua chế độ M và thiết lập lại thông số trên và bắt đầu chụp thử. Sau khi chụp bạn kiểm tra histogram xem có chạm phải chưa (hay ở mức tối ưu chưa), nếu chưa thì bạn chụp tăng hay giảm tốc độ và chụp lại đến khi histogram tối ưu. Lý do mà mình dùng histogram mà không dùng kết quả máy đo sáng tự động vì máy đo sáng không chính xác nhất là ở điệu kiện ánh sáng yếu như lúc này. Nhưng mình vẫn cần phải đo sáng để lấy thông số khởi điểm tiết kiệm thời gian phải mò ra thông số tối ưu, vì thông số máy đo cách thông số tối ưu không xa lắm, nên sau 1 hay 2 lần chụp thử vào điều chỉnh là bạn sẽ đạt được độ phơi sáng tối ưu (ở ISO 6400).

THAM KHẢO: CÁCH TỐI ƯU ĐỘ PHƠI SÁNG VỚI HISTOGRAM

Ví dụ sau khi điều chỉnh độ phơi sáng tối ưu của bạn có tốc độ là 2 giây (ở f8 ISO 6400).

BƯỚC 4: CHỤP THẬT – HẠ ISO BÙ LẠI VỚI TỐC ĐỘ

Đến lúc này bạn có độ phơi sáng tối ưu nhưng ở ISO chưa tối ưu (ISO 6400) vì thế bạn cần hạn ISO xuống ISO tối ưu (100 hay 200). Vd hạ ISO xuống 100 từ ISO 6400 là bạn hạ đến 6 Stop. Như đã chia sẻ trong bài CÁCH TĂNG GIẢM ÁNH SÁNG VỚI TỐC ĐỘ, KHẨU ĐỘ VÀ ISO thì mổi lần ISO/2 (chia cho 2) là 1 Stop như sau:

HẠ ISO XUỐNG ISO TỐI ƯU
Bắt đầu từ ISO 6400
6400/2 = 3200 = 1 Stop
3200/2 = 1600 = 2 Stop
1600/2 = 800 = 3 Stop
800/2 = 400 = 4 Stop
400/2 = 200 = 5 Stop
200/2 = 100 = 6 Stop

Vậy sau khi bạn giảm từ ISO 6400 xuống ISO 100 là bạn giảm ánh sáng 6 Stop, ở tốc độ 2 giây trên (2 giây f/8 ISO 100) thì ảnh bạn sẽ bị thiếu sáng 6 Stop. Nên mình cần bù lại 6 Stop bằng cách tăng thời gian lên 6 Stop. Cũng theo cách tính của bài CÁCH TĂNG GIẢM ÁNH SÁNG VỚI TỐC ĐỘ, KHẨU ĐỘ VÀ ISO thì để tăng mỗi 1 stop cho tốc độ, thì tốc độ x 2 như sau:

NÂNG SÁNG VỚI TỐC ĐỘ ĐỂ BÙ CHO ISO HẠ
Bắt đầu từ 2 giây.
2 x 2 = 4 = 1 Stop
4 x 2 = 8 = 2 Stop
8 x 2 = 16 = 3 Stop (làm tròn 16 thành 15 theo đúng cách tính của máy)
15 x 2 = 30 = 4 Stop
30 x 2 = 60 = 5 Stop
60 x 2 = 120 = 6 Stop (120 giây là 2 phút)

Vậy tốc độ cho độ phơi sáng tối ưu ở ISO tối ưu là 120 giây (2 phút) f/8 ISO 100

BƯỚC 5: BÙ TRỪ CHO ÁNH SÁNG ĐANG THAY ĐỔI

BÌNH MINH: Càng gần với lúc trời còn tối thì sự thay đổi sáng lên càng nhiều vì trong thời gian 2 phút mà bạn phơi lâu ánh sáng trên bầu trời sẽ thay đổi sáng hơn từ 1 Stop đến 1/2 Stop. Vì thế bạn cần phải điều chỉnh trước bằng cách trừ bớt sáng cho phần sáng lên đó để độ phơi sáng vẫn chuẩn và tối ưu. Đây là bước khó và đòi hỏi kinh nghiệm bù trừ tuỳ theo tình trạng ánh sáng trên bầu trời, nhưng hiểu lý thuyết này giúp bạn bù trừ gần với tối ưu hơn và hạn chế bị cháy sáng (overexposed) khi quá trình phơi lâu kết thúc thời gian.

VD: Trừ bớt 3/4 Stop với tốc độ, có nghĩa là rút ngắn thời gian lại 3/4 Stop.

1 Stop của 120 giây = 120/2 = 60 giây
vậy 3/4 Stop = 60 x 3/4 = 45 giay.

Sau khi trừ 3/4 Stop thì độ phơi sáng tối ưu có bù trừ là:
120 – 45 = 75 giây (1:15 phút)

Vậy thông số để chụp là: 75 giây (1:15 phút) f/8 ISO 100.

HOÀNG HÔN: Tương tự với bình minh nhưng ngược lại, sau khi mặt trời lặn, càng gần sụp tối thì sự thay đổi tối xuống càng nhiều vì trong thời gian 2 phút mà bạn phơi lâu ánh sáng trên bầu trời sẽ thay đổi tối hơn từ 2 Stop đến 1/2 Stop. Vì thế bạn cần phải điều chỉnh trước bằng cách bù thêm sáng cho phần tối dần đó để độ phơi sáng vẫn chuẩn và tối ưu.

VD: Bù thêm 1/2 Stop với tốc độ, có nghĩa là làm dài thời gian thêm 1/2 Stop.

1 Stop của 120 giây = 120/2 = 60 giây
vậy 1/2 Stop = 60 x 1/2 = 30 giay.

Sau khi trừ 1/2 Stop thì độ phơi sáng tối ưu có bù trừ là:
120 + 30 = 150 giây (2:30 phút)

Vậy thông số để chụp là: 150 giây (2:30 phút) f/8 ISO 100.

BƯỚC 6: CÁCH CHỤP HƠN 30 GIÂY VỚI CHẾ ĐỘ B (BULB)

Bạn cần chuyển qua chế độ B (BULB) để có thể dùng Remote để chụp hơn 30 giây có trong máy.

Remote cơ có nút HOLD sẽ giữ máy chụp cho đến khi bạn trả lại vị trí ban đầu. Dùng remote này bạn phải tự canh đồng hồ (Nikon, Sony) hoặc xem số giây đếm trên máy (Canon) rồi tự kết thúc chụp.

NIKON VÀ SONY: Xoay bánh xe chỉnh tốc độ qua sau 30 giây sẽ có chữ B hay BULB.
CANON: Xoay bánh xe chế độ qua B hay BULB.

Remote Timer cho phép lập trình đúng thời gian cần chụp và nó tự động kết thúc chụp sau khi thời gian đã đến.

BƯỚC 7: KIỂM TRA, ĐIỀU CHỈNH VÀ CHỤP LẠI

Sau mỗi lần chụp bạn phải kiểm tra histogram và điểu chỉnh lại tốc độ chụp, bù trừ phần sáng lên và tối xuống cho độ phơi sáng được tối ưu nhất có thể. Sau khi đã làm chủ được kỹ thuật này, bạn có thể kết hợp thêm cả khẩu độ và ISO vào để tính toán bù trừ cho tiện lợi.

ẢNH CÙNG SERIES KHI TRỜI SÁNG DẦN

25 giây f/8 ISO 200 WB 7500K.  Sony A7r + Voigtlander 12 (phiên bản AndreLuu). Hang Heo, Vũng Điệp, Vĩnh Lương, Nha Trang.

20 giây f/8 ISO 100 WB 6300K.  Sony A7r + Voigtlander 12 (phiên bản AndreLuu). Hang Heo, Vũng Điệp, Vĩnh Lương, Nha Trang.

 Nguồn andreluu.com
Visited 3,581 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...