Nhập môn ảnh Macro
Ngày nay, chụp ảnh Macro có thể được thực hiện dễ dàng với những thiết bị kỹ thuật rất hoàn hảo mà chỉ mới chừng nửa thế kỷ trước đây thôi chúng còn được coi là…không tưởng.
Trong các bộ môn chuyên ngành của Nghệ thuật Nhiếp ảnh thì chụp ảnh Macro là một chủ đề đầy hấp dẫn và khó khăn. Có thể cho đến giờ phút này bạn mới chỉ là người « ngoại đạo » với sáng tạo trong nhiếp ảnh nhưng chắc hẳn bạn đã không ít lần trầm trồ thích thú khi bắt gặp những tấm ảnh chi tiết của một nhị hoa, một cánh bướm…đẹp đến lạ lùng trong các tạp chí khoa học thường thức. Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường ta sẽ dễ dàng bỏ qua hoặc khó có thể nhận ra được vẻ đẹp tinh tế của tự nhiên ấy đơn giản bởi sự hạn chế trong khả năng quan sát và phân tích của trí não con người. Đó chính là ảnh Macro. Trong tiếng Việt, ta có thể đơn giản gọi đó là « ảnh chụp cực gần » hoặc « ảnh chụp phóng đại » tùy theo từng trường hợp. Khi giao lưu và học hỏi với thế giới, ta thường hay gặp những thuật ngữ chuyên ngành khó có thể « dịch » một cách hoàn hảo sang tiếng Việt. Như thế việc giữ nguyên thuật ngữ gốc và giải thích thêm là hợp lý. Trong chùm bài viết chuyên sâu về kỹ thuật chụp ảnh Macro dưới đây, tác giả sẽ dùng song song với tiếng Việt các từ chuyên môn tiếng Anh và Pháp để giúp bạn đọc có điều kiện tự tìm hiểu sâu hơn theo ý mình.
Ảnh Macro hay « Macrophotography » trong tiếng Anh và “Macrophotographie” như người Pháp vẫn hay dùng gần đây thay cho « Proxi-photographie », là thể loại ảnh được chụp ở cự ly rất gần vật thể, có tỉ lệ phóng đại từ 1 :1 tới lớn gấp 25 lần kích thước vật thể gốc, so sánh trên khổ phim 24×36 mm. Vượt qua giới hạn này ta sẽ bước hẳn sang một lĩnh vực khác của ảnh « Microphotography » – Ảnh chụp phóng đại theo đúng nghĩa đen của nó, mà ta thường bắt gặp trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học với độ phóng tại lớn gấp hàng trăm, hàng nghìn lần. Bên cạnh đó, để tránh nhầm lẫn về khái niệm ta cũng nên biết rằng các thể loại ảnh chụp cận cảnh thông thường (Close-up / Gros plan) cho tỉ lệ phóng đại của vật thể từ 1/20 tới khoảng ½ kích thước gốc, không nằm trong khuôn khổ ảnh Macro.
Cùng với sự phát triển của khoa học, từ nhiều thế kỷ trước con người đã luôn khao khát quan sát và tìm hiểu thế giới xung quanh. Từ chiếc kính thiên văn tới kính hiển vi dùng để quan sát các vật thể siêu nhỏ là cả một quãng đường dài. Tuy cấu trúc và mục đích sử dụng của các loại công cụ này hoàn toàn khác biệt với chiếc ống kính máy ảnh thì chúng lại ít nhiều cùng đáp ứng nhu cầu nhìn xa hơn khả năng thông thường của đôi mắt. Nếu như các nhà khoa học đã không ngừng đạt được những tiến bộ trong việc hoàn thiện chiếc kính hiển vi từ giữa thế kỷ XVII thì họ phải đợi đến năm 1827, khi Nicéphore Niépce phát minh ra kỹ thuật định dạng hình ảnh trên chất liệu rắn, để có thể ghi lại bằng « ảnh » những thành quả nghiên cứu của mình. Ta có thể hình dung ra những khó khăn của kỹ thuật hồi thế kỷ XIX khi người ta tìm cách « chụp » lại các kết quả thí nghiệm trên tấm kính ảnh tráng hóa chất ! Liệu những hình ảnh đầu tiên chụp qua kính hiển vi ấy có phải là tiền thân của ảnh Macro ngày nay ?
Tiếp nối những thành tựu đạt được trong lĩnh vực ảnh thiên văn của nhà khoa học người Anh Common vào năm 1883, ta có thể kể tới việc nâng cao độ nhạy của « tấm kính ảnh » giúp cho các thao tác kỹ thuật trở nên dễ dàng hơn. Những tên tuổi lớn đã để lại dấu ấn trong lịch sử nhiếp ảnh Macro là Edgerton – người đã hoàn thiện kỹ thuật đèn chớp điện tử với thời gian phát sáng cực ngắn cho phép khi lại những khoảnh khắc chính xác của chuyển động; là Stephen Dalton – « tổ sư » của kỹ thuật sử dụng đèn « flash » ghi lại đường bay của các loài côn trùng mà cuốn sách của ông đã trở thành cẩm nang của nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia hồi giữa thế kỷ XX. Trong suốt một thời gian dài, ảnh Macro đã là một lĩnh vực chuyên sâu phục vụ cho các ngành kỹ thuật, dược học và khoa học đỉnh cao. Kỹ thuật nhiếp ảnh phát triển mạnh là một yếu tố quyết định đưa ảnh Macro đi vào đại chúng hóa. Ảnh Macro chuyển từ tay của những nhà nghiên cứu, với cái nhìn thuần chất « khoa học », sang tay các nhiếp ảnh gia « nghiệp dư » hơn nhưng cũng sáng tạo hơn. Nhìn lại lịch sử nhiếp ảnh thế giới, ta có thể nhận thấy bước ngoặt quan trọng này vào những năm 1940. Ảnh Macro dần dần bỏ đi tính chất mô tả tự nhiên của nó để trở thành một « tác phẩm » thật sự với những khuôn hình hấp dẫn, với chất « chân dung » đầy cảm xúc.
Ngày nay, chụp ảnh Macro có thể được thực hiện dễ dàng với những thiết bị kỹ thuật rất hoàn hảo mà chỉ mới chừng nửa thế kỷ trước đây thôi chúng còn được coi là…không tưởng. Ta có thể nói tới độ nhạy ISO 100 của phim dương bản chất lượng cao, các loại ống kính Macro chuyên dụng cho phép đạt được trực tiếp độ phóng đại 1 :1 mà không cần dùng thêm bất kỳ thiết bị phụ trợ nào khác, cấu trúc của hệ thống điều chế ánh sáng (Diaphragm / Diaphragme) cho phép thiết định trước khẩu độ ống kính mà vẫn đảm bảo thuận tiện cho việc khuôn hình và kiểm soát độ nét sâu của trường ảnh (Depth Of Field / Profondeur de champs), thiết kế hoàn hảo của thân máy ảnh với khuôn ngắm rõ nét, tốc độ chụp ảnh cao, các chức năng kỹ thuật phong phú…, khả năng tự động hoàn hảo của đèn « flash » trong việc cân bằng ánh sáng giữa chủ thể và ánh sáng môi trường cũng như việc cân bằng giữa nhiều đèn flash cùng hoạt động. Kỷ nguyên kỹ thuật số lại mở thêm cho ta những khả năng mới trong chụp ảnh
Macro bằng cách nối máy ảnh với máy tính và thao tác trên màn hình lớn. Như thế ta có thể thấy trước kết quả của ảnh chụp, hiệu chỉnh thêm các thông số kỹ thuật phụ trợ cần thiết đồng thời giảm thiểu được thời gian thao tác kỹ thuật khi cần chụp số lượng lớn. Thế nhưng bên cạnh đó các phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng có mặt trái của nó, đó chính là tâm lý phó thác hoàn toàn vào thiết bị, là « niềm tin » cho rằng máy « xịn » thì ảnh sẽ…tự động đẹp. Không gì có thể thay thế được yếu tố con người trong sáng tạo nghệ thuật.
Niềm đam mê là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp bạn chụp được những tấm ảnh Macro đẹp. Khó có thể trở thành một nhiếp ảnh gia Macro giỏi mà không có tình yêu thiên nhiêu sâu sắc. Chụp ảnh Macro đồng nghĩa với việc tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên chính vì thế nhiếp ảnh gia là người góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ các loại sinh vật quý hiếm. Cũng như trong các chuyên ngành sáng tạo khác, nhiếp ảnh gia Macro có « Đạo » của mình, đó là cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người cầm máy cũng không làm những điều trái với tự nhiên, không xâm phạm hay hủy hoại thiên nhiên vì mục đích cá nhân. Như thế nhiếp ảnh gia Macro nhất thiết phải nghiên cứu, tìm hiểu đời sống của các loài động thực vật ngay trong môi trường sống tự nhiên, không gán ghép chúng vào môi trường ngoại lai chỉ vì ý muốn cưỡng chế cái đẹp. Sau khi tiến hành chụp ảnh Macro, nhiếp ảnh gia phải trả các loài côn trùng về với cuộc sống hoang dã. Mặc dù ngày nay ta vẫn có thể thấy ở đâu đó ảnh Macro các loại côn trùng bị gây mê hay đã qua…tủ đá vài ngày thì ta cũng nên biết rằng việc làm này là trái với tôn chỉ của ảnh Macro và không thể lọt qua đôi mắt tinh tường của các chuyên gia trong nghề.
Để bắt đầu chụp ảnh Macro bạn cần tập quan sát kỹ lưỡng tất cả mọi thứ xung quanh mình, đặt cái nhìn âu yếm lên cỏ cây, hoa lá, các loài côn trùng…trước khi cầm máy đi sâu vào thế giới diệu kỳ của các chi tiết. Chủ đề cho ảnh Macro vô cùng phong phú và bất tận. Môi trường để chụp ảnh Macro có thể là ngoài thực địa hay trong Studio. Thoạt tiên bạn có thể sẽ cảm thấy bối rối với những đòi hỏi đặc biệt về thiết bị cùng những hiểu biết về kỹ thuật căn bản chuyên sâu. Vào thời điểm này ta nên tạm thời thỏa mãn với độ phóng đại khiêm tốn như 1 :1 và tìm cách làm quen với các kỹ thuật thao tác, dần dần cùng với thời gian thực hành bạn sẽ cảm thấy quen thuộc hơn, hiểu các vấn đề và sẽ vượt qua chúng. Cũng như trong các lĩnh vực chụp ảnh khác, ánh sáng luôn là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của ảnh. Với cự ly chụp rất gần vật thể mọi sự thay đổi nhỏ về thao tác kỹ thuật đều dẫn tới những biến đổi lớn về ánh sáng. Chính vì thế mà ta cần học cách tính toán lượng sáng cần thiết, bên ngoài chế độ đo sáng tự động TTL (Through-the-lens) của máy ảnh, để có thể chủ động về chiếu sáng, tránh kiểu ánh sáng « bẹt » kém tính nghệ thuật hay những phản xạ bề mặt ngoài ý muốn. Một đức tính vô cùng quan trọng mà người chụp ảnh Macro cần phải có là sự kiên nhẫn trong quan sát đời sống và thói quen của các loài côn trùng, từ đó rút ra cho mình những kinh nghiệm cần thiết để có thể bấm máy vào đúng khoảng khắc đặc trưng nhất của từng loài khác nhau. Tính kiên nhẫn cũng sẽ giúp ta tái tạo lại chính xác đến từng chi tiết môi trường sống của côn trùng khi chụp ảnh trong Studio, khiến cho tấm ảnh Macro mang dáng vẻ gần với tự nhiên nhất. Kỹ thuật chụp ảnh Macro cũng như những quan niệm về thể loại ảnh đặc biệt này đã và đang biến đổi không ngừng để vươn tới đỉnh cao của hoàn thiện cùng sáng tạo trong những năm gần đây. Cách thể hiện « chân dung » động thực vật trong môi trường tự nhiên của chúng là ví dụ về một hướng đi mới trong ảnh chụp cận cảnh Macro
Ảnh Macro là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của Nhiếp ảnh nghệ thuật, nơi mà các tay máy nghiệp dư hoàn toàn có thể sánh ngang tầm với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chỉ cần bạn biết cách quan sát, biết tạo cho mình một góc nhìn hấp dẫn và độc đáo. Chụp ảnh Macro không chỉ đem lại cho ta niềm vui trong cảm hứng sáng tạo mà nó còn khiến ta cảm thấy thư thái khi quan sát sự vật với cái nhìn bao dung, giúp ta cảm nhận sâu hơn về ý nghĩa của cuộc sống.