HỌC NHIẾP ẢNH TRONG 30 NGÀY
Nội dung trong này phần lớn chủ yếu dịch từ tài liệu tiếng Nhật "30 ngày có thể hoàn tất khóa học – Máy ảnh 35mm SLR " của tác giả Susumu Morimura. Nhà xuất bản GAKKEN Nhật bản.
Học từng bước dựa trên căn bản.
Khi máy AF SLR xuất hiện thì việc chụp ảnh trở nên đơn giản. Sự thú vị của người chụp ảnh tăng lên. Những nơi tham quan, thắng cảnh nổi tiếng bây giờ rất nhiều du khách đến tham quan với máy ảnh trên tay.Nhưng không có nghĩa là bạn có thể chụp được một tấm ảnh đẹp một cách đơn giản. Các bức ảnh thường được chụp không đúng như mắt bạn đã thấy. Khi chụp ảnh trong lòng bạn rất là thích thú nhưng đa số người lại thất vọng khi thấy kết quả những tấm ảnh mình đã chụp. Chính xác là “ Chụp cực lạc, xem địa ngục”. Sự sai biệt đó phần lớn là do người chụp chưa có nhiều kinh nghiệm.
Những tính năng tiên tiến của máy ảnh cũng không phải đã là đáp ứng được cái khoái cảm của người chụp ảnh.Sự thú vị chính là khi bạn có thể đạt được một kết quả vừa ý như dự tính. Và những kiến thức cơ sở kỹ thuật chụp ảnh là yếu tố không thể thiếu.Nhờ máy ảnh AF SLR, không học tập nhưng đôi khi cũng bất ngờ có được những bức ảnh khá hay. Nhưng nếu như thế thì bản thân người chụp không thu thập được những kiến thức hay kỹ thuật cần thiết cho mình. Có lẽ chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ đơn thuần vui vẻ với sự thú vị là đủ.
Để chụp ảnh, chắc chắn trước tiên phải nắm vững kỹ năng cơ bản. Cầm trong tay một cái máy ảnh đắt tiền nào đó bạn không thể thao tác ngay được những tín năng của máy và cái cảm giác vui thích khi chụp ảnh của bạn sẽ bị giảm đi. Các bạn không nên học tập theo suy nghĩ “ Không cần học , chụp nhiều thì cũng sẽ biết”.
Nội dung sau đây gồm 30 phần tương ứng ứng với 30 ngày học tập bao gồm những kiến thức và kỹ thuật chụp ảnh căn bản để giúp bạn có thể bắt đầu chụp ảnh. Điểm chính cần lưu ý là luôn luôn nắm vững từng bước một. Phải hiểu và nắm vững vấn đề trước xong mới bước sang kế tiếp.Thà rằng xem đi xem lại một vấn đề cho đến khi nắm vững, chứ đừng vội vàng vì phải kết thúc xong trong 30 ngày.
Nếu bạn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì không chỉ 30 ngày hay 300 ngày… mà có thể lâu hơn nữa. Dù thế nào đi nữa thì phải rèn luyện liên tục.Nếu làm như thế thì thực lực của bạn sẽ tăng lên thực sự, con đường sáng tác của bạn sẽ ngày càng rộng mở.
“ Thực hành từng bước một dựa trên cơ sở căn bản, bạn sẽ cảm nhận được sự thú vị của việc chụp ảnh” Đây có thể xem là “qui tắc thép” của việc học chụp ảnh
Mua máy_ Cách lựa chọn máy cho những người bắt đầu chơi ảnh
Đặc trưng của máy ảnh SLR :
Ống kính có thể thay đổi được. Sự khác biệt lớn nhất của máy SLR và máy compact là có thể thay đổi được ống kính. Có nhiều loại ống kính dùng cho máy SLR của của các nhãn hiệu khác nhau rất phong phú. Máy compact tuy có loại đi kèm ống kính zoom nhưng những hạn chế của nó vẫn là điều đương nhiên. Để có thể chọn lựa được ống kính thích hợp cho bạn chụp ảnh thì máy ảnh SLR là thích hợp nhất.
Thấy ảnh chụp qua finder. Ống ngắm của máy compact không đóng khung hình ảnh đúng như ta thấy khi ngắm. Với máy SLR thì hình ảnh in lên film giống như ta thấy qua ống ngắm nên bạn không phải lo lắng nhiều.
Máy chụp ảnh AF SLR cần thiết cho người chơi ảnh
Lần đầu tiên bắt đầu nghĩ đến chuyện chụp ảnh thì bạn không thể không tính đến chuyện chọn cho mình một cái máy ảnh thích hợp. Ngoài cái máy ảnh chụp một lần hay cái máy ảnh compact, có một kiểu máy gọi là SLR . Loại máy này thậm chí có cả những người chụp ảnh chuyên nghiệp sử dụng nó. Đây là cái máy ảnh phù hợp cho những người chơi ảnh nghiệp dư.
Vậy thì so với máy chụp ảnh compact thì máy chụp SLR khác nhau như thế nào?
Trước hết là ống kính có thể thay đổi được hay nói cách khác là ống kính có thể tháo rời được. Có loại ống kính giúp bạn chụp những vật ở xa, hay có loại ống kính để chụp cảnh rộng … nói chung có rất nhiều loại ống kính phù hợp với những mục đích chụp khác nhau để bạn chọn lựa. Vì thế mà máy chụp SLR được thiết kế thay đổi ống kính được.
Còn nữa, khi nhìn vào ống ngắm thì hinh ảnh mà bạn chụp được cũng sẽ giống như bạn nhìn thấy. Với máy compact thì không như thế.
Lần đầu tiên mua máy chụp_Máy AF SLR trung cấp.
Máy chụp AF SLR là máy dành cho người mới bắt đầu chụp ảnh khi chưa hiểu biết nhiều và không muốn thất bại, một chiếc máy ảnh tiện lợi. Máy chụp AF SLR có rất nhiều loại, lần đầu tiên lựa máy bạn có thể bị lạc trong rừng máy AF SLR.
Trước tiên bạn phải phân biệt được máy phổ cập, trung cấp và cao cấp. Máy phổ cập là loại máy rẻ tiền, khi kỹ năng của bạn được nâng lên thì ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy chiếc máy này không còn đáp ứng đủ những nhu cầu của bạn. Với chiếc máy cao cấp được thiết kế cho các tay ảnh chuyên nghiệp, đáp ứng được tần số sử dụng cao và những đòi hỏi khắc khe. Đương nhiên những chiếc máy ảnh này sẽ to, nặng và nữa là các tính năng của máy rất phức tạp. Đối với những bạn mới chơi máy thì đây không phải là một chiếc máy ảnh tối ưu.
Máy dạng trung cấp với những tính năng mà nó có, có thể nói là đối thủ của máy cao cấp. Trọng lượng nhẹ, tính năng thao tác đơn giản hơn. Có thể nói đây là loại máy thích hợp nhất cho người mới bắt đầu chơi ảnh nghiệp dư chọn lựa.
Sau khi chọn lựa được loại máy thì bạn chọn bước kế tiếp là chọn hãng sản xuất hay nhãn hiệu máy. Mỗi một hãng máy sẽ có một loại khớp gài khác nhau cho ống kính, ống kính dùng cho máy này thì không dùng cho máy kia. Vì thế chọn cho mình một nhãn hiệu là điều rất quan trọng. Hãy nghiên cứu kỹ các catologe, tham khảo ở người bán…. Chỉ quyết định khi đã xem xét kỹ.
Tiêu chuẩn chọn chiếc Zoom Lens đầu tiên
Bây giờ bạn sẽ chọn lựa một ống kính cho cái body máy ảnh vừa chọn.
Ống kính cũng có nhiếu loại. Trước hết bạn sẽ có khái niệm về độ dài tiêu cự ống kính. Độ dài tiêu cự luôn được ghi trên mỗi ống kính như 24mm, 50mm, 105mm… Với máy khổ film 35 ( 24x36mm) thì độ dài 50mm gọi là ống kính normal. Với ống kính này thì góc thu ảnh tương đương với mắt người. Ống kính có độ dài tiêu cự dài hơn thì gọi là telé, ống kính dài . Loại này dùng chụp những điểm ở xa mà bạn muốn thu gần lại. Góc thu ảnh nhỏ hơn ống kính 50mm nên còn gọi là ống kính góc hẹp. Ống kính có độ dài tiêu cự ngắn hơn 50mm thì gọi là wide, ống kính ngắn. Dùng để thu ảnh những khuôn viên rộng hay những khoảng cách gần mà người chụp không thể lui xa hơn được. Góc thu ảnh lớn hơn ống kính 50mm nên còn gọi là ống kính góc rộng .
Như vậy độ dài tiêu cự là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên để bạn chọn lựa ống kính. Chọn như thế nào để có thể chụp theo mọi nhu cầu.
Tiếp theo bạn sẽ có khái niệm về ống kính single focal length ( còn gọi là ống kính fix) và ống kính zoom. Zoom lens là ống kính có độ dài tiêu cự thay đổi được. Ví dụ như 24~85mm. Còn ống kính fix thì chỉ có một độ dài tiêu cự như 28mm,50mm hay 105mm… Với ống kính độ dài tiêu cự cố định thì dành cho một sở trường nào đó. Còn với người mới chơi ảnh vì mục đích tiện lợi và kinh tế thì nên chọn cho mình một ống kính zoom. Phần lớn các hãng máy ảnh khi cho ra một thân máy (body) thường sẽ giới thiệu kèm theo một ống kính zoom và bạn hoàn toàn có thể chọn lựa một ống kính khác ngoài ống kính này. Trước đây thì ống kính zoom 35~70mm được chọn nhiều, gần đây thì ống 24~85mm, 28~105mm thịnh hành hơn. Đương nhiên là phải tự mình lựa chọn theo phán đoán của nhu cầu cần thiết là tốt nhất. Nếu bạn vẫn chưa quyết định được chọn lựa ống kính nào thì bạn nên chọn trước một cái zoom 28~105mm. Sau đây là hai điều bạn nên biết : Khoảng cách chụp gần nhất càng ngắn càng tốt, trị số F càng nhỏ càng tốt. Bạn sẽ được giải thích các vấn đề này ở những bài sau.
Các thứ khác bạn nên chuẩn bị cùng với máy ảnh
Ngoài thân máy và ống kính bạn còn phải chuẩn bị thêm vài thứ. Kính lọc bảo vệ ống kính. Có nhiều kích cỡ cho nên bạn cần phải biết kích cỡ kính lọc dùng cho ống kính của mình để lựa chọn cho đúng. Còn một thứ nữa gắn vào ống kính là cái loa che ống kính (lens hood) và bạn cũng phải chọn một cái loa che thích hợp. Pin dự phòng cũng nên có sẵn.
Kính lọc bảo vệ ống kính
Mặt trước ống kính rất dễ bị trầy sướt. Để bảo vệ ống kính bạn có thể dùng kính lọc gắn vào phía trước. Thông thường nhất là loại kính UV bảo vệ không màu. Cũng có người dùng loại Skyligth , nhưng vì loại này có phủ màu hồng nhạt nên không thể khuyên các bạn sử dụng loại này cho mục đích bảo vệ ống kính.
Túi đựng máy
Khi chụp ảnh bạn sẽ mang theo nhiều thứ linh tinh như film, ống kính, kính lọc… vì thế nên chuẩn bị cho mình một cái túi. Mới chơi thì bạn có thể lựa một cái túi đựng vừa một thân máy và 1~2 ống kính. Xung quanh có thêm một hai túi nhỏ đựng linh tinh. Ngoài ra còn các tiêu chuẩn như đáy túi có lót đệm, quai xách chắc chắn…
Loa che ống kính
Loa che ống kính phải phù hợp với ống kính về kích thước, kiểu khớp gài và độ dài tiêu cự ống kính. Khi gắn loa che vào ống kính chú ý gắn cho đúng theo khớp gài. Loa che ống kính giúp ngăn chặn những tia sáng bên ngoài hắt vào ống kính gây hiện tượng halo. Thường gặp trường hợp này khi chụp với nguồn sáng ngược.
Pin dự phòng.
Khi mua máy thường người ta sẽ cho sẵn pin trong máy. Thế nhưng bạn sẽ không dự tính được việc hết pin. Tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn thêm pin dự phòng sẵn sàng thay thế khi hết pin. Bạn cần ghi nhớ kiểu pin dùng cho máy của mình vì cũng có rất nhiều loại pin.
Túi mềm đựng máy
Nếu được bạn có thể tìm thêm một cái túi mềm để đựng thân máy
Bắt đầu chụp ảnh với chức năng chụp tự động của máy.
Những điều cần chú ý đầu tiên
Khi mua máy, bên trong hộp luôn có hường dẫn sử dụng đi kèm.Trước khi thao tác bạn cần đọc kỹ những hướng dẫn.Tên gọi các bộ phận , các điều cấm kỵ … được ghi chi tiết trong sách hướng dẫn.
Lần đầu tiên bạn không nhất thiết phải đọc hết tất cả các trang trong sách hướng dẫn.Chỉ cần đọc phần căn bản chung, phần chú ý an toàn… và phần hướng dùng phương thức đơn giản nhất.
Lắp ống kính vào thân máy:
Ống kính và thân máy luôn có dấu hiệu để định vị trí gài vào cho khớp. Ví dụ hình trên là chấm đỏ. Đặt ống kính khớp vào thân máy, đối với máy Nikon thì vặn theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Ngoài Nikon thì các hiệu máy khác vặn theo chiều kim đồng hồ. Khi vặn thật cẩn thận và nhẹ tay.
Lắp pin vào máy:
Có máy dùng pin Lithium, có máy dùng pin Akaline. Xem kỹ hướng dẫn lắp pin trong sách. Cẩn thận với loại pin akaline vì dễ bị ngược đầu.
Trước khi thao tác với máy, bạn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng máy.
Khi mua máy về các bạn sẽ nôn nóng thử các thứ mới mua. Thực tế thì nhiều bạn đã phải trả giá khá đắt cho sự nóng vội của mình. Tốt nhất là các bạn nên đọc kỹ sách hướng dẫn trước khi thao tác. Có máy rồi thì bắt đầu cần củng cố thêm trình độ. Hệ thống cơ khí của máy chụp hình rất tinh vi vì thế bất cứ thao tác nào ngoài qui định cũng có thể là nguyên nhân của những hư hỏng. Những thao tác cấm thực hiện đều có ghi trong hướng dẫn sử dụng. Bạn hãy chắc chắn rằng những thao tác trên máy của bạn không thuộc những khoản cấm. Dù tính năng của máy đến đâu thì bạn cũng phải chú ý những điểm chung như không làm trầy xướt màn chập, chấu tiếp điện nơi khớp nối ống kính và thân máy, không làm ướt máy, tránh để nhiệt độ thay đổi đột ngột, không sử dụng pin ngoài qui định, không tự tháo máy…
Tiếp theo là tên gọi các bộ phận. Nếu không nắm được tên gọi các bộ phận thì bạn sẽ không hiểu được sách hướng dẫn sử dụng. Nếu bạn làm tốt những điều trên thì việc chuẩn bị sẽ càng kỹ lưỡng hơn.
Trước hết bạn sẽ lắp ống kính và lắp pin vào thân máy. Cách lắp thì trong sách hướng dẫn chắc chắn có ghi. Chiều xoay khi gài ống kính vào máy của mỗi hãng khác nhau nên bạn cần chú ý điều này khi lắp ống kính. Còn pin thì phải dùng đúng loại pin qui định. Cận thận chiều điện cực của pin khi lắp.
Mở máy, thiết định chế độ chụp tự động.
Ở đây tôi giới thiệu một tính năng có sẵn, có thể nói là “ Ai cũng có thể chụp được một cách đơn giản”. Đó là chức năng chụp tự động Program. Khi đặt máy ở chế độ này, máy sẽ tự động lấy nét nhờ vào hệ thống tự động lấy nét AF, kết quả đo sáng của hệ thống đo sáng đa phần matrix metering sẽ giúp máy chọn được khẩu độ và tốc độ thích hợp. Bạn chỉ việc ngắm chọn khung hình và bấm chụp.
Ghi nhớ thêm những điều sau đây:
Cách cầm máy
Hình dưới đây mô tả cách cầm máy nằm (ngang). Tay phải cầm thân máy, tay trái đỡ là cách cầm căn bản. Ngón trỏ phải đặt ở nút bấm chụp. Các ngón tay trái hợp lại cầm chắc ống kính và nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của máy.Hai khủy cánh tay co giữ chặt máy. Để ngắm chụp dùng mắt trái hay phải đều được, thường thì dùng mắt phải dễ nhìn hơn. Khi bấm chụp, nín thở bấm nhẹ nhàng.
Khi cầm đứng máy thì tay phải cầm phía trên, cánh tay cũng giữ chặt máy. Chụp đứng máy hay ngang máy đều cố định máy bằng hai tay và trán. 3 điểm tựa này trở thành nguyên tắc. Trường hợp chụp ghép nhiều lần trên một film thì cần lưu ý chiều đứng của máy phải cố định. Do đó tốt nhất các bạn nên tập thói quen cầm máy đứng theo một chiều.
Cũng có khi cầm máy đứng mà tay phải ở phía dưới. Nhưng khi ấn một nửa nút chụp để lấy nét cảm giác như hơi vướng víu vì cà hai tay đều phía dưới. Mới tập chụp thì nên chụp máy đứng theo cách đặt tay phải phía trên.
Luyện tập lấy nét
Máy chụp hình AF SLR có nút bấm chụp là loại có hai nấc. Khi bấm một nửa là tác động hệ thống lấy nét tự động AF. Sau khi máy đã lấy nét xong mới bấm tiếp thêm một nấc nữa để chụp ảnh. Thông thường ta sẽ gặp ba dạng lấy nét sau :
.M: Manual Focus_ Lấy nét thủ công, tự điều chỉnh bằng tay
.S: Single Auto Focus_ Lấy nét tự động một lần. Máy chỉ thực hiện lấy nét lại khi bạn bạn thả và bấm nhẹ nút chụp lần nữa.
.C: Continue Auto Focus_ Phương thức lấy nét một liên tục. Khi dời điểm lấy nét sang vị trí khác máy sẽ tiếp tục lấy nét lại ở vị trí mới.
Bươc1: Ấn nhẹ một nửa nút chụp.
Hướng điểm lấy nét vào chỗ cần lấy nét. Lúc này chưa quan tâm đến bố cục. Ấn nhẹ nút chụp, hệ thống lấy nét tự động làm việc.Thường sẽ có đèn báo hiệu lấy nét xong trong viewfinder.
Bước 2: Chỉnh bố cục hình
Vẫn ấn nhẹ nút chụp sau khi đã lấy nét. Đặt lại bố cục hình ảnh theo ý muốn.
Bước 3: Bấm chụp
Sau khi canh bố cục xong, ấn nút chụp thêm một nấc nữa để chụp. Khi bầm chụp lưu ý nhớ bầm nhẹ nhàng, nín thở để tránh bị rung máy làm giảm độ rõ nét
Một số điểm lưu ý khi lấy nét:.
Nếu điểm lấy nét là mặt phẳng không có đường nét góc cạnh, hay nói cách khác là không có chi tiết thì bạn sẽ lấy nét vào một vị trí bên cạnh có khoảng cách tương tự.
.Máy thường lấy nét theo các chi tiết có đường theo chiều thẳng đứng so với thân máy. Khi gặp các chi tiết có chiều nằm ngang để lấy nét chính xác bạn nên xoay máy đứng lúc lấy nét.
.Khi máy đang đặt ở chế độ lấy nét liên tục ( continus hay full AF…) thì việc bấm giữ nút chụp sẽ không có tác dụng giữ nguyên khoảng cách đã lấy nét khi bạn dịch chuyển bố cục. Lúc này phải dùng nút chưc năng AF lock để khoá hệ thống lấy nét tự động.
.Máy sẽ không lấy nét được trong điều kiện chụp với nguồn sang quá yếu.Lúc này cần có nguồn sáng hỗ trợ cho việc lấy nét.
.Trong khoảng cách gần hơn khoảng cách gần nhất tiêu chuẩn của ống kính thì máy đương nhiên cũng không lấy nét được và hệ AF sẽ hoạt động liên tục. Nhiều bạn mới học chụp cũng hay gặp phải vấn đề này.
Film_ Cách lựa chọn phim thích hợp theo các mục đích chụp ảnh.
Các loại phim
Căn bản chia thành ba loại sau:
Phim màu âm bản: Là loại thông dụng nhất. Phim sau khi chụp, tráng xong màu sắc cũng như sáng tối đều đảo ngược trên nền màu cam nên vì thế gọi là âm bản.Chỉ khi in ảnh ra giấy bạn mới thấy hình ảnh đúng. Khi mua phim bạn sẽ thấy ký hiệu trên vỏ film là Color sau tên nhãn hiệu ví dụ như FUJICOLOR, KODAKCOLOR…
Phim màu dương bản: Là loại film sau khi chụp, tráng xong là bạn có thể xem hình ngay trên phim.Loại phim này thường dùng cho máy chiếu (projector). So với phim âm bản, phim dương bản màu sắc trong đẹp hơn, độ tương phản mạnh hơn và sắc nát hơn nên loại này được phần đông các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng. Giá phim và tráng rửa cũng cao hơn so với phim âm bản. Ký hiệu phim này trên vỏ phim là Chrome , ví dụ như FUJICHROME , EKTACHROME…
Một đặc điểm của hai loại phim trên là đều có hai loại daylight và tungsten. Loại daylight thông dụng hơn và rẻ hơn loại tungsten. Phim tungsten dùng chụp dưới ánh sáng vàng của đèn dây tóc và giá thường rất đắt.
Cuối cùng là phim đen trắng, hiện nay phim này được dùng in ảnh monotone. loại phim này khi chụp, tráng xong cũng cho ra ảnh âm bản trắng đen. Chỉ khi in ra giấy mới thấy được ảnh thật. Với một số người chơi ảnh có trình độ thì thường học sẽ tự tráng rửa lấy. Loại phim này có ký hiệu Pan trên vỏ ví dụ NeoPan của fujifilm…
Cách chọn phim thích hợp:
Phim được phân loại theo ba nhóm như trên: Phim màu âm bản, phim màu dương bản và phim đen trắng. Đặc trưng của từng loại phim đã trình bày ở trên. Tuy nhiên còn một đặc điểm nữa của phim mà ta cần lưu ý là độ dung sai. Chỉ số này không được ghi trên vỏ phim vì là đặc trưng riêng của mỗi loại phim.Đây là khả năng cho phép phim thu ảnh với một lượng ánh sáng sai lệch so với lượng sáng đúng. Phim màu âm bản thông thường cho phép chụp thiếu sáng -2EV đến thừa sáng +2EV. Việc thừa hay thiếu sáng này có thể điều chỉnh được khi in ảnh. Đối với phim dương bản thì khoảng dung sai này ngắn hơn 2lần nên đối với những người mới chơi ảnh thì việc sử dụng phim âm bản sẽ giúp giảm được nhiều ảnh bị hư do chụp sai sáng. Tuy nhiên vẫn có một điểm khác là phim dương bản lại cho ảnh đẹp hơn âm bản nên một vài người vẫn muốn sử dụng phim dương bản. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này trong vài bài tới.
Một vài điều cần biết về phim:
Phim cũng như thực phẩm, có thể bị hư hỏng nếu để quá hạn. Khi mua phim bạn nhớ xem kỹ hạn sử dụng. Nếu phải bảo quản phim chưa chụp một thời gian thì nên để vào nơi lạnh, khô và tối. Nhiệt độ bảo quản tốt là 20°C hay thấp hơn và độ ẩm dưới 60%. Nếu để không lâu thì có thể đựng trong hộp nhựa đậy kín. Nếu để thời gian dài thì nên để vào tủ lạnh. Khi chụp nhớ phải lấy ra ngoài trước ít nhất 30 phút.Các phim màu dương bản thường được lưu giữ ở nhiệt độ thấp hơn phim âm bản và thường được ghi trên vỏ đựng phim. Khi đưa phim chưa tráng qua các máy kiểm tra hành lý tại phi trường cần lưu ý vấn đề tia X. Hiện tại với kỹ thuật mới tia X phát ra từ máy kiểm tra rất yếu không còn ảnh hưởng đến chất lượng phim. Tuy nhiên một vài nơi vẫn có thể không được như vậy hoặc với phim độ nhạy sáng quá cao, trong trường hợp này bạn sẽ đựng phim trong túi đặc biệt chống tia X hay mang theo người. Còn nữa, không nên để thời gian quá lâu giữa hai lần chụp và khi chụp xong nên mang đi tráng càng sớm càng tốt.
Độ nhạy sáng:
Phim ghi lại ảnh bằng cách hấp thụ ánh sáng. Khả năng hấp thu ánh sáng mạnh hay yếu được thể hiện ở độ nhạy sáng ASA. Độ nhạy sáng cáng cao thì khả năng hấp thụ ánh sáng càng cao. Ta có bốn nhóm phim được phân loạitheo độ nhạy sáng :
Phim có độ nhạy sáng thấp : (dưới 100 iso)
Nhóm này thường được dùng để chụp ảnh phong cảnh hay sự miêu tả chi tiết do độ tương phản của phim cao. Độ nhạy sáng thấp nên thường chụp với tốc độ thấp và sử dụng chân máy ( tripot ).
Nikon F90XS AiAF Nikkor 35mm F2 Matrixmetering, A mode, F16 Kodak Ektachome64
Phim có độ nhạy trung bình: ( 100 ISO)
Đây là loại phim có thể nói cân bằng giữa sự dễ sử dụng và chất lượng ảnh, được sử dụng đa dạng.Có thể chụp phong cảnh, người, chụp nhanh… Chụp cảnh hoàng hôn với chân máy .
Nikon F90XS AiAF Nikkor 20mm F2.8D Matrixmetering A mode F11 Fujichome 100ProD
Phim có độ nhạy cao: (400ISO)
Phim loại này dùng chụp cảnh ban đêm hay trong nhà…những nơi ánh sáng yếu. So với phim có độ nhạy trung bình thì chất lượng ảnh có bị giảm đôi chút do đó khi lựa chọn bạn cần lưu ý điều này nhất là nếu ảnh muốn phóng lớn.Trường hợp chụp ban ngày nhưng chủ đề lại chuyển động nhanh như ảnh thể thao chẳng hạn, cần phải chụp với tốc độ cao thì phải chọn loại phim này.
Nikon F90XS AiAF NikkorED300mm F4 S. Matrixmetering A mode EktachomePro
Phim có độ nhạy siêu cao: (800~ 1600 ISO)
Trong môi trường ánh sáng yếu muốn chụp với phim có độ nhạy thấp thì bạn có thể chụp với tốc độ chậm và chân máy. Tuy nhiên nếu trường hợp chủ đề chuyển động thì lại cần thiết chụp với tốc độ nhanh. Lúc này sự chọn lựa của bạn sẽ là phim độ nhạy siêu cao. Thường dùng trong chụp thể thao trong nhà, sân khấu…
Nikon F90XS AiAF Zoom Nikkor 75~300mm F4.5-5.6S matrixmetering S mode 1/250s Fujichome Provia1600
Đô nhạy sáng và chất lượng ảnh:
Phim có nhiều loại độ nhạy sáng khác nhau. Độ nhạy sáng thể hiện khả năngthu sáng của phim. Vớinhững loại phim độ nhạy sáng cao có khả năng chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Đơn vị tính của độ nhạy sáng theo tiêu chuẩn quốc tế là ISO. Trị số ISO càng cao thì độ nhạy sáng càng cao. Phim độ nhạy thấp trong cùng một điều kiện thì tốc độ chụp chậm hơn so với phim độ nhạy cao. Có thể trong một số điều kiện nhất định thì đây là một trong những trở ngại. thế nhưng loại phim có độ nhạy thấp thì hạt phim nhỏ hơn nên khi in ảnh cho hình ảnh mịn hơn. Tóm lại là phim có độ nhạy sáng càng cao thì độ mịn càng giảm.
Khi lắp phim vào máy thì cần phải cài đặt độ nhạy sáng trên máy theo phim. Thông thường các máy AF SLR đều có chế độ đọc và tự động cài đặt ISO và trên vỏ phim có DX code .
Mới tập chụp ảnh, chưa quen cầm máy bạn nên chọn phim có độ nhạy cao ISO400 để chụp với tốc độ cao.Và nên chọn loại 24 tấm.Xét về kinh tế thì phim 36 tấm rẻ hơn. Nhưng những bạn mới chụp thì sẽ chụp từng ít một để rút kinh nghiệm nên chọn loại 24 tấm là thích hợp hơn.
Chụp hoa : ba yếu tố quan trọng Góc độ, Tiêu cự và Bố cục.
Ở bài trước đã hướng dẫn các bạn cài đặt chế độ chụp tự động cho máy, cách lắp phim…Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chụp những tấm ảnh đầu tiên.
Một chủ đề để chúng ta có thể bắt đầu đó là HOA. Bạn có thể gặp hoa ở mọi nơi : quanh nhà, trên đường phố, trong công viên… tuy hiên bạn phải có sự lựa chọn cẩn thận khi chụp hoa.Trước hết bạn phải tự mình tìm ra tìm được cánh hoa ấn tượng. Yếu tố này phụ thuộc vào cá nhân bạn. Kế đến chú ý tránh những cánh hoa bị dập nát hay sâu ăn… đôi khi in hình xong lại bị những lỗi nhỏ làm hỏng không đáng nên bạn phải chú ý.Chuẩn bị sẵng sàng rồi.Bây giờ bắt đầu chụp.
Lần đầu chụp nên có rất nhiều vấn đề đối với bạn nhưng bạn sẽ tập trung vào ba điểm chính góc độ, tiêu cự và bố cục. Hai bức ảnh ở trên là một ví dụ.
GÓC ĐỘ
Trước hết bạn tìm góc độ để nhìn hoa đẹp nhất. Chọn góc độ để đặt hoa vào phông nền thích hợp. Hoa sẽ đẹp hơn nếu tìm được một góc nhìn thích hợp. Đầu tiên là bạn phải quan sát bằng mắt của mình. Trong lúc quan sát bạn cần thiết phải đi xung quanh. Nếu là hoa cắm hay trồng trong chậu nhỏ thì bạn có thể xoay hoa để quan sát vòng quanh. Sau khi xem xét xung quanh bạn sẽ quan sát theo từng độ cao, xem chụp từ trên xuống hay từ dưới lên … ở độ cao nào thì đẹp. Góc thu ảnh không chỉ phụ thuộc vào bông hoa mà còn chịu ảnh hưởng của yếu tố phông nền hậu cảnh.Để tránh làm loãng chủ đề không nên chọn một phông nền hỗn tạp. Gặp trường hợp mặt đất nhiều chi tiết lộn xộn thì bạn có thể giảm phần đất, thêm vào nền trời xanh… Chú ý chọn phông nền tránh sự trùng hợp màu sắc, ánh sáng với chủ đề. Cuối cùng là chú ý những chi tiết phụ làm hỏng nội dung bức ảnh như dây điện, thùng rác….
CỰ LY:
Cự ly hay khoảng cách chụp được tính từ bền mặt film đến điểm lấy nét trên chủ đề. Khỏang cách này càng gần thì kích thước bông hoa càng lớn, càng lui xa thì càng thu nhỏ. Tuy nhiên bạn chỉ tiến đến gần trong phạm vi tối thiểu mà ống kính còn có thể lấy nét được. Khi ảnh thu nhỏ thì số lượng hoa vào ảnh sẽ tăng lên. Tuy nhiên để có một cánh hoa ấn tượng thì bạn sẽ chụp hoa càng lớn càng tốt. Trước khi lấy nét, bạn đặt máy ở khỏang cách gần nhất còn lấy nét được. Chỉnh nét bằng chế độ AF vào điểm cần lấy nét trên hoa, dùng chức năng AF lock để giữ nguyên khỏang cách đã lấy nét. Đây là phần luyện tập lấy nét.
Bố cục:
Chụp hoa theo bố cục 1/3
Bố cục là vị trí để đặt chủ đề trong hình.Không chỉ có ảnh phong cảnh mới quan tâm đến bố cục. Ngay cả khi bạn chụp một bông hoa, nếu áp dụng đúng bố cục thì cũng làm cho bức ảnh khá lên.Thời gian gần đây máy chụp ảnh AF trở nên phổ thông, việc lấy nét ngay tại điểm trung tâm hình ảnh khiến cho người chụp có thói quen đăt chủ đề vào giữa ảnh để lấy nét rồi chụp,vô tình tạo ra bố cục trung tâm.Cách đặt chủ đề ngay trung tâm ảnh đôi khi cũng thích hợp nhưng phần lớn là không tạo ra ấn tượng. Để làm quen, chúng ta hãy bắt đầu từ bố cục 1/3. Trên khung ảnh, kẻ hai đường dọc và hai đường ngang chia ảnh thành 3 phần dọc và ngang bằng nhau. Bốn đường thẳng này giao nhau tại bốn điểm. Theo bố cục 1/3 thì người ta sẽ đặt chủ đề theo những đường thẳng hay những điểm này. Tuy nhiên chụp theo bố cục này thì bạn phải cẩn thận với chức năng AF vì chủ đề không còn đặt giữa ảnh,chức năng AF có thể lấy nét vào hậu cảnh phía sau. Bạn có thể xem lại cách lấy nét AF trong bài trước. Nếu chụp quen thì bạn có thể kiểm tra lại việc lấy nét qua ống ngắm bằng mắt của mình. Bố cục 1/3 áp dụng cho cả ảnh ngang và đứng.
Cách sử dụng đèn chớp
Sử dụng đèn chớp để bù ánh sáng mặt trời
Đèn chớp thường gọi là đèn flash được dùng khá rộng rãi trong việc hỗ trợ ánh sáng nghịch trong chụp ảnh hay những trường hợp ánh sáng không đủ. Tốc độ chớp của đèn flash khoảng 1 phần vài ngàn giây. Ánh sáng được phát ra từ một bóng đèn khá nhỏ. Ánh sáng từ đèn flash gần như ánh sáng mặt trời nên thích hợp dùng cho phim lọai daylight. Mỗi đèn có một chỉ số phát sáng GN (guide number) khác nhau. Trị số GN càng lớn thì độ phát sáng càng mạnh, tầm phát sáng càng xa, ngược lại trị số GN càng nhỏ thì độ phát sáng càng yếu. Chỉ số GN = f/stop x khoảng cách từ đèn đến chủ đề.
– Khi muốn tính độ mở ống kính ta lấy GN chia cho khoảng cách từ đèn đến chủ đề.
GN ghi trên đèn được tính theo độ nhạy sáng 100 ISO. Khi độ nhạy sáng thay đổi thì chỉ số GN cũng thay đổi. Cụ thể là độ nhạy sáng tăng gấp 2 lần thì GN tăng 1,4 lần. Ngược lại độ nhạy sáng giảm một nửa thì GN giảm 0,7.
Trên thân máy có lọai có đèn đi kèm, có loại không. Đèn trên máy sử dụng khá đơn giản. Chỉ cần mở đèn, đợi sau khoảng 10s cho điện nạp đủ là có thể chụp. Khi ấn nút chụp thì đèn sẽ tự động phát sáng. Tuy sử dụng đơn giản nhưng đèn trong máy thường có GN nhỏ, chỉ đủ chụp trong khoảng 3m trở lại. Trường hợp không có đèn trên máy hay đèn trên máy không đủ mạnh thì sử dụng đèn bên ngoài gắn vào. Trên thân máy có chỗ cắm đèn ngoài gọi là hot shoe. Chỉ cần cắm đèn vào hot shoe là đủ, các máy và đèn thế hệ sau này không còn dùng day nối. Ngoài flash thì có hãng còn gọi là speedlight.
Nguồn sáng là một phần rất quan trọng trong chụp ảnh. Ấn tượng một bức ảnh phụ thuộc vào hướng chiếu sáng lên chủ đề. Nguồn sáng từ phía sau người chụp chiếu sáng lên chủ đề gọi là nguồn sáng thuận. Nguồn sáng chiếu vào trước mặt người chụp gọi là nguồn sáng nghịch.
Chụp một tấm ảnh chụp nhanh (snap shot) hay một tấm ảnh kỷ niệm thông thường… để có ảnh sáng toàn bộ chi tiết người ta thường chụp với ánh sáng thuận. Thế nhưng với nguồn sáng thuận hơi mạnh thì hình ảnh sẽ không có khối. Một nguồn sáng chếch hay ngược sáng thì dễ tạo khối. Nếu là chơi ảnh nghiệp dư thì bạn cứ thử chụp ngược sáng xem sao. Chụp ngược sáng thì bạn có thể gặp trở ngại. Khi nguồn sáng nghịch quá mạnh, phần sáng (phía sau) và phần tối (trên chủ đề) chên lệch nhau quá nhiều thì có thể chủ đề bị tối đen hay phông nền trắng xóa. Lúc này bạn sẽ sử dụng đèn flash để làm sáng chủ đề (fill flash). Như vậy đèn flash không chỉ dùng trong phòng hay buổi tối mà còn dùng cả cho lúc ban ngày nữa. Ánh sáng mặt trời tự nhiên và ánh sáng đèn flash tương tự nhau nên sử dụng đèn flash với ánh sáng ban ngày hoàn toàn thích hợp.
Dùng đèn flash trong phòng
Chụp một bình hoa đặt ở cửa sổ trong phòng có dùng đèn flash.
Chụp một tấm ảnh trong phòng đa số chỉ sử dụng đèn flash một cách đơn thuần. Thế nhưng có một cách sử dụng đèn khác.Để ý quan sát nơi cạnh cửa sổ. Cái này giống như một studio tuyệt hảo. Ánh sáng mềm mại từ bên ngoài chiếu vào tạo ra một nguồn sáng nghịch. Đặt chậu hoa chỗ này và chụp thử.
Trước hết để nguyên như thế và chụp. Kết quả là tấm hình bị tối. Lý do là do ta chụp với nguồn sáng nghịch từ ngoài phòng chiếu vào. Sau đó chụp với đèn flash ta sẽ thấy rõ hơn. Ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào phía sau chủ đề, kết hợp với ánh sáng đèn flash chiếu vào chính diện, tạo cảm giác lập thể rõ ràng. Hơn nữa độ tương phản trong ảnh cũng giảm xuống phù hợp hơn. Ở đây nếu không chú ý đến vấn đề dùng đèn thì ảnh sẽ giống như là ta nhìn hoa khi tắt đèn trong phòng.
Ở ánh sáng có một yếu tố gọi là nhiệt độ màu. Ánh sáng mặt trời và đèn huỳnh quang hoàn toàn khác nhau. Mỗi loại film được chế tạo để chụp ở một nhiệt độ định trước. Vì thế nếu chụp film dưới ánh sáng có nhiệt độ màu khác thì màu sắc in lên film sẽ khác với thực tế mắt ta nhìn thấy. Hiện tại thì film loại daylight dựa trên cơ sở nhiệt độ màu của ánh sáng mặt trời nên nếu như chụp dưới ánh sáng đèn huỳnh quang thì hình ảnh cuối cùng sẽ bị phủ màu xanh lục hay còn gọi là ám sắc xanh.
Ngoài việc sử dụng đèn flash ra còn có thể dùng tấm phản quang để làm mất bóng đen do ánh sáng nghịch. Cách này là dùng chính một phần nguồng sáng nghịch được phản xạ lại để chiếu sáng lên chủ đề.
Chụp ảnh ban đêm với chức năng slow synchro flash, người và hậu cảnh cả hai đều sáng.
Để hình dung chúng ta sẽ xem hai bức ảnh minh họa chụp chân dung ban đêm ở trên. Bức ảnh bên dưới hấu như không thấy được hậu cảnh. Người trong ảnh được đèn flash chiếu sáng đủ còn hậu cảnh thì đèn flash không thể phát sáng tới. Còn tấm đầu tiên ở trên cả hậu cảnh được chụp rõ. Kỹ thuật này gọi là Slow Synchro.Chụp tốc độ chậm với đèn flash.
Thoạt nhìn chỗ tối chụp không có đèn flash, nhưng chụp với tốc độ chậm, thời gian màn chắn mở lâu ánh sáng vào film tăng dần dần khiến cho cảnh sáng lên. Lúc này đèn flash chớp kết hợp đồng bộ nên gọi là slow synchro. Nói tóm lại là muốn chụp hậu cảnh ban đêm sáng rõ thì chỉ cần chụp tốc độ chậm. Thế nhưng vì có người trong ảnh nên cần ánh sáng đèn flash giúp bắt đứng, vì thời gian phát sáng của đèn rất nhanh. Ngoài ra cần lưu ý đến chỉ số phát sáng GN của đèn để đặt chủ đề trong khoảng cách thích hợp.
Chụp ảnh Khi di du lịch
Khi đi du lịch, chụp lại những bức ảnh kỷ niệm ghi nhớ những nơi mình đã đến thật là thú vị. Thế nhưng khi nhìn những bức ảnh không đẹp thì những cảm giác lúc chụp ảnh của bạn sẽ bị mất đi.Và không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội để chụp lại lần nữa.Một chuyến đi công phu vất vả, sự mong đợi thật lớn vào chiếc máy ảnh mà bạn mang theo. Chú ý một chút khi chụp hình thì bạn sẽ có được những tấm ảnh đẹp.
Trước hết bạn phải nắm phương pháp chụp ảnh phong cảnh. Đầu tiên là chú ý đường chân trời nên đặt nằm ngang và theo bố cục 1/3, bầu trời trong ảnh là 1/3 và phần mặt đất là 2/3. Nếu trong ảnh có những chi tiết lớn như một cái cây một tảng đá to… thì không nên đặt ở ngay trung tâm ảnh. Mới bắt đầu nên bạn áp dụng hai điều cơ bản này trước cũng có thể chụp được những bức ảnh đẹp hơn.
Chụp phong cảnh
Khi đến một vườn hoa, công viên hay một nơi tham quan nào đó. Hẳn là bạn sẽ thấy rất nhiều hoa.Bạn sẽ chú ý những yếu tố sau khi chụp vườn hoa để có những tấm ảnh vừa ý. Chụp cảnh vườn hoa hay cảnh tương tự, nên để phần bầu trời trong ảnh thật ít. Kế đến chọn lựa góc chụp thích hợp, không nên để máy ở một độ cao nhất định mà có thể bạn nâng cao hay hạn thấp để tìm ra góc chụp thích hợp.Sau cùng chú ý đến hướng của ánh sáng, chọn hướng sao cho ánh sáng tạo cảm giác lập thể trên ảnh.
Chụp ảnh kỷ niệm có người.
Trong những bức ảnh kỷ niệm trong một chuyến đi thì không phải chỉ có ảnh phong cảnh mà còn có những ảnh chụp có người trong đó. Những tấm ảnh này dù không mang tính nghệ thuật nhưng bạn cũng thử chú ý đến những yếu tố căn bản ở trên xem sao. Tất nhiên những bức ảnh này sẽ khác với những tấm chỉ chụp đơn thuần là quang cảnh hay hoa lá. Phần đầu tiên chúng ta hay gặp đó là nhân vật trong hình bị nhỏ. Liên quan đến vấn đề này là khoảng cách chụp. Thông thường người được chụp hay có thói quen đứng gần một cái gì đó để chụp như một ngôi nhà chẳng hạn. Thế nhưng ngôi nhà thì lại lớn hơn người được chụp rất nhiều. Vì thế khi chụp được hình ảnh có ngôi nhà thì người được chụp sẽ rất nhỏ. Trong trường hợp này người cầm máy sẽ chọn khỏang cách chụp sao cho lấy được quang cảnh phía sau, sau đó đặt người được chụp vào phía trước ống kính với khỏang cách thích hợp để người được chụp có độ lớn như ý. Tất nhiên khi nhân vật tiến gần ống kính hơn thì lớn hơn và bị cắt mất một phần. Và người chụp sẽ chọn khoảng cách sao cho chỗ cắt hợp lý với khuôn hình. Kế tiếp sau là bạn sẽ quan sát xem có những chi tiết nào ở hậu cảnh làm ảnh hưởng đến nhân vật trong hình như một cái cây hay cột điện lộ ra ngay trên đầu, bị một tảng đá đè xuống… Sau cùng là chú ý đến nguồn sáng chiếu vào nhân vật. Ánh sáng thuận quá mạnh có thể làm bẹt hình hay tạo những chỗ tối sáng trên khuôn mặt. Những nguồn sáng từ trên đỉnh đầu chiếu xuống hay từ dưới hắt thẳng lên tạo ra một khuôn mặt không đẹp. Để tránh những khuyết điểm này bạn có thể dùng miếng phản quang hay đèn flash bù sáng khi chụp.
Chụp lễ hội
Ảnh chụp lễ hội cũng trở thành một lọai ảnh mang một số tính đặc thù riêng và bạn sẽ hay gặp khi đi du lịch.Chụp ảnh lễ hội trước hết bạn phải chụp được bầu không khí và chu vi của lễ hội. Trong ví dụ ở trên là hình ảnh một lễ hội của người Nhật trong mùa đông. Thật là thiếu sót nếu trong ảnh mà không thể hiện đượcái cảm giác lạnh. Trong hai tấm ảnh ở trên. tấm bên dưới chỉ đơn thuần thể hiện một người đang dội nước. Tấm bên trên nhờ vào màu da ửng đỏ, trời mù sương mà người xem có thể cảm nhận được được cái cảm giác tắm nước lạnh vào mùa đông.
Xét ở tấm ảnh chụp lễ hội đốt lửa ban đêm. Tấm bên trên người chụp đã chụp khi còn sót lại một ít ánh sáng tự nhiên, cộng thêm khoảng cách xa hơn nên nên đã thu vào ảnh được quang cảnh xung quanh rộng hơn. Cho ta thấy được bầu không khí lúc đó.
Những tấm ảnh chụp nhanh giúp ta có được những sắc thái, những khuôn mặt rất tự nhiên trong lễ hội cũng là điều không thể thiếu. Bạn cũngnên lưu ý là có thể có một vài người không thích khi bạn hướng ống kính vào họ. Điều quan trọng nhất là tìm đối tượng để chụp. Cần tìm những đối tượng thích hợp với bầu không khí lễ hội.
Chụp ảnh lễ hội bạn phải chụp trong đám đông vì thế trang phục rất quan trọng. Nếu mang theo túi đựng máy quá lớn bạn sẽ rất khó di chuyển. Bạn nên mặc lọai áo khoác có nhiều túi lọai dành cho thợ để đựng các thứ cần thiết.
12 bức ảnh xuất sắc về nghệ thuật chụp tốc độ chậm
Bản chất của chụp ảnh là sự phơi sáng vì khi chụp, ống kính mở ra cho ánh sáng vào phim hay sensor vừa đủ để đảm bảo chất lượng ảnh. Trong đó, kỹ thuật Long Exposure (thời gian phơi sáng lâu, tốc độ chậm) có thể mang lại những khung hình đẹp và ấn tượng.
Thời gian phơi sáng 114 giây. Ảnh: MumbleyJoe.
117,4 giây. Ảnh: Matthew Fang.
656 giây. Ảnh BurBlue.
20 giây. Ảnh: MumbleyJoe.
30 giây. Ảnh: John A Ryan.
124 giây. Ảnh: Paulo Brandão.
31,9 giây. Ảnh: MumbleyJoe.