Giá trị của những thông số máy ảnh
Nhiều người nghĩ máy ảnh có màn hình lớn và độ phân giải cao sẽ là máy tốt, nhưng thực tế các thông số khác lại có ý nghĩa hơn nhiều.
Thời đại của máy ảnh kỹ thuật số đã trải qua hơn một thập kỷ, nhưng vẫn còn rất nhiều người tin rằng máy ảnh nhiều điểm ảnh hơn là máy ảnh tốt hơn. Thực tế, cần quan tâm hơn tới những thông số giúp nâng cao chất lượng ảnh, hoặc cải thiện khả năng hoạt động như thời gian khởi động, tốc độ lấy nét…
Dưới đây là một số nét sơ lược về các thông số của máy ảnh và vai trò của nó do tạp chí PCWorld tổng hợp.
Những thông số không đáng quan tâm.
Độ phân giải màn hình càng lớn thì hình ảnh trên màn hình trông càng có vẻ đẹp hơn so với chất lượng trên thực tế. Ảnh: Walyou. |
Zoom kỹ thuật số.
Công nghệ zoom kỹ thuật số đang ngày càng được cải thiện, nhưng quảng cáo về zoom kỹ thuật số trên máy ảnh kiểu như "zoom số", "zoom tăng cường" hay "zoom thông minh" về cơ bản vẫn chỉ là thao tác cắt cúp ảnh ở vị trí trung tâm và phóng to phần cắt này lên, khiến cho độ phân giải của phần cắt này bị giảm xuống. Thao tác này hoàn toàn tương tự như khi bạn cắt hình và xử lý trong các phần mềm biên tập ảnh. Chỉ có zoom quang mới đảm bảo độ phân giải ảnh khi phóng to đối tượng.
Chống rung kỹ thuật số.
Một số máy ảnh có hệ thống ổn định hình ảnh cả quang học lẫn cơ học. Tuy nhiên, chống rung kỹ thuật số lại khác. Một hệ thống chống rung kỹ thuật số thường hoạt động theo một trong hai cơ chế: Tăng giá trị ISO để giúp tốc độ cửa trập được nhanh hơn; ở chế độ quay video, các hệ thống này hoạt động giống như zoom số, đó là thu hình vào khu vực trung tâm khuôn hình và phóng to lên, các điểm ảnh viền xung quanh khu vực trung tâm trở thành vùng đệm nhằm đảm bảo cho vùng ảnh trung tâm trông có vẻ ổn định. Mặc dù bản thân công nghệ chống rung số không tạo được mấy ấn tượng, nhưng khi sử dụng kết hợp với các hệ thống chống rung quang/cơ học, nó cũng mang lại những hiệu quả nhất định.
Kích cỡ và độ phân giải màn hình LCD.
Xu hướng máy ảnh du lịch ngày nay đang mất dần khung ngắm quang và chủ yếu chụp thông qua màn LCD với kích cỡ lớn 3 inch trở lên. Màn hình này tỏ ra rất hữu ích khi xem lại ảnh hoặc để căn khung khi chụp. Nhưng nên nhớ, màn hình lớn sẽ ngốn pin nhiều hơn, và độ phân giải màn hình càng lớn thì hình ảnh trên màn hình trông càng có vẻ đẹp hơn so với chất lượng trên thực tế. Do màn hình không đủ lớn nên chỉ khi bạn chụp xong tấm hình, chuyển vào máy tính mới nhận thấy hình ảnh của mình bị mờ hoặc hơi nhòe khi được xem ở chế độ toàn ảnh.
Những thông số có thể lưu tâm.
ISO là thông số có ý nghĩa nhiều hơn với máy DSLR. Ảnh: Videoshooter. |
Số điểm ảnh.
Mặc dù không mấy quan trọng, nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua số điểm ảnh của một máy ảnh. Chỉ cần lưu ý là số điểm ảnh lớn thực ra có ý nghĩa trên những máy DSLR hoặc máy có cảm biến lớn hơn là trên các máy du lịch.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn về việc số điểm ảnh lớn nghĩa là chất lượng ảnh tốt, nhưng trên thực tế, nó chỉ cho biết có thể xem hoặc in ảnh ở kích cỡ bao nhiêu mà không bị suy giảm đáng kể độ phân giải mà thôi. Số triệu điểm ảnh có thể hiểu là kích cỡ hình ảnh chứ không phải là chất lượng hình ảnh, vì thế, chỉ nên để ý đến số triệu điểm ảnh nếu có ý định phóng ảnh cỡ lớn hoặc cần cắt cúp chỉ lấy một phần của ảnh.
Đối với máy ảnh cảm biến nhỏ như máy du lịch hay máy ảnh trên điện thoại, số điểm ảnh càng lớn có thể còn khiến cho ảnh càng bị nhiễu nhiều hơn. Số điểm ảnh lớn cũng đồng nghĩa với việc kích thước ảnh lớn, chiếm dụng nhiều không gian bộ nhớ và khiến cho việc chia sẻ ảnh qua mạng khó khăn. Chỉ có các máy DSLR với cảm biến lớn và ống kính chất lượng cao đủ sức bắt các hình ảnh chất lượng cao với độ phân giải lớn, còn hầu hết các máy ảnh du lịch có độ phân giải quá lớn đều chật vật với việc cho được chất lượng ảnh tương xứng.
Quay video độ phân giải cao.
Bạn có thể choáng ngợp trước những lời quảng cáo máy ảnh du lịch với khả năng quay video HD, nhưng nên nhớ, không phải tất cả các video độ phân giải HD đều như nhau, kể cả khi được dán nhãn 1080p. Cũng như số triệu điểm ảnh, giá trị "720" hay "1080" chỉ biểu thị số dòng của một khung hình video có thể hiển thị trên các màn HDTV. Còn chất lượng của bản thân video đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như bitrate, chất lượng ống kính, cảm biến, tỷ lệ khung hình, công nghê quét xen kẽ hay quét liên tục, độ nén… và nhiều yếu tố khác nữa.
ISO.
Đây cũng là thông số thiên về hướng có ý nghĩa với DSLR hơn là với các máy du lịch. Hầu hết máy du lịch hiện nay đều cũng đã có trị số ISO khá cao, có thể tới ISO 6.400 hay thậm chí là 12.800, nhưng cảm biến nhỏ sẽ dễ bị nóng khi hoạt động nhiều và vì thế từ ISO 400 đã bắt đầu bị nhiễu nhìn thấy được. Các máy DSLR xử lý vấn đề này tốt hơn nhờ diện tích cảm biến lớn hơn và tản nhiệt tốt hơn, vì thế có thể đạt được các giá trị ISO cao hơn mà nhiễu vẫn được kiểm soát tốt (tất nhiên cũng còn do bộ xử lý hình ảnh nữa).
Những thông số luôn cần quan tâm.
Tập làm quen với điều chỉnh và phối hợp các thông số chỉnh tay trước khi lên DSLR. Ảnh: Lifehacker. |
Các phím vật lý để chỉnh tay.
Nếu bạn thật sự quan tâm tới nhiếp ảnh, có thể không cần phải mua DSLR mà chỉ cần sắm một máy du lịch nhưng hỗ trợ đầy đủ các thông số phơi sáng chỉnh tay như tốc độ, độ mở, lấy nét, bù sáng… Hãy tập làm quen với việc điều chỉnh và phối hợp các thông số này trước khi nghĩ tới chuyện nâng cấp lên DSLR. Hãy tìm kiếm những máy có các phím vật lý hay các vòng chế độ để chỉnh các thông số này để làm quen vì chúng sẽ tương tự như trên DSLR thay vì tìm các máy cũng hỗ trợ chỉnh tay nhưng dựa trên cảm ứng.
Thời gian khởi động và tốc độ chụp liên tục.
Độ trễ cửa trập ngày nay không còn là vấn đề lớn. Hầu hết máy ảnh hiện nay khi bấm nhá để lấy nét và bấm để chụp đều cho tốc độ đủ nhanh để chụp thông thường. Tuy nhiên, thời gian khởi động chậm có thể khiến bạn lỡ mất những khoảnh khắc đáng nhớ, vì thế khi mua máy cũng nên chú ý và tìm kiếm những máy có thời gian từ lúc khởi động đến lúc chụp chỉ trong khoảng 1 đến 1,5 giây là cùng. Trong một số trường hợp có thể tắt chế độ hiển thị màn hình khởi động để tăng tốc cho máy ảnh của mình.
Thông số về tốc độ chụp liên tục cũng dễ bị bỏ qua. Lưu ý, kể cả không phải là nhiếp ảnh gia chuyên thể thao hay hành động nhưng có trong tay máy ảnh có khả năng chụp liên tục có thể giúp bạn có được những bức ảnh đáng giá khi phải chụp những cảnh khó bắt tĩnh như chim bay hay trẻ em chơi đùa. Hãy tìm những máy ảnh có tốc độ chụp liên tục tối thiểu từ 3 khung hình/giây hoặc hơn thì càng tốt, nhưng cũng chú ý rằng một số máy ảnh để tăng tốc độ chụp liên tục sẽ giảm độ phân giải hình ảnh.
Tìm thông số phù hợp với nhu cầu.
Hãy tưởng tượng bạn chỉ muốn có một chiếc xe đi chợ với vận tốc trung bình khoảng 40km/giờ, sẽ thật lãng phí nếu mua hẳn một chiếc Ferrari. Mua máy ảnh cũng vậy, hãy nghĩ tới việc bạn sẽ dùng máy ảnh đó để làm gì và những thông số nào sẽ phục vụ tốt nhất cho mục đích đó (tất nhiên là trong phạm vi túi tiền cho phép).
Ví như các nhiếp ảnh gia thể thao và hoang dã sẽ phải cần đến các máy ảnh có ống kính zoom lớn và tốc độ chụp liên tục nhanh. Nếu là người hay đi du lịch, bạn có thể thích chiếc máy với lớp vỏ vững chắc, chống va đập và chống nước càng tốt, hoặc có thể có thêm tính năng GPS để đánh dấu những địa điểm chụp ảnh của mình. Hoặc nếu muốn một máy ảnh chất lượng nhưng không muốn DSLR cồng kềnh, có thể bạn sẽ nghĩ tới các máy thay ống kính không gương lật nhỏ gọn hay các máy du lịch cao cấp hỗ trợ chỉnh tay.
Một điều đáng mừng là máy ảnh có xu hướng giữ giá hơn các đồ điện tử khác. Vì thế khi cảm thấy đến lúc cần đổi máy, bạn hoàn toàn có thể bổ sung vào ngân sách nâng cấp bằng việc bán máy ảnh đang dùng của mình.