Chỉ số đèn GN và Sử dụng đèn nháy rời (đánh đèn thủ công)
Mỗi đèn chớp flash đều có cường độ ánh sáng khác nhau, ở các khoảng cách khác nhau. Nếu sử dụng chế độ đánh đèn tự động TTL/iTTL/eTTL, máy ảnh và đèn cần ở cùng hệ thống (ví dụ Nikon có hệ thống CLS đánh đèn thông minh) được kết nối với nhau thông qua thiết bị tương thích bằng dây nối hoặc không dây. Vậy nếu không sử dụng TTL thì sao?
Mỗi đèn chớp flash đều có cường độ ánh sáng khác nhau, ở các khoảng cách khác nhau. Nếu sử dụng chế độ đánh đèn tự động TTL/iTTL/eTTL, máy ảnh và đèn cần ở cùng hệ thống (ví dụ Nikon có hệ thống CLS đánh đèn thông minh) được kết nối với nhau thông qua thiết bị tương thích bằng dây nối hoặc không dây. Vậy nếu không sử dụng TTL thì sao?
Ảnh: JasonCollinPhotography.com
Để các bạn có thể sử dụng đèn rời thủ công (tự đặt cường độ đèn) – đặc biệt là đánh đèn rời không gắn đèn trực tiếp vào đế đèn trên nóc máy để tạo chiều sâu hơn cho ảnh – VinaCamera.com xin có vài hướng như sau.
A. Sử dụng máy đo sáng
Cách tốt nhất để sử dụng đèn rời là đo sáng đèn bằng thiết bị đo sáng để xác định chính xác cường độ của đèn táp vào chủ thể khi đèn đặt cách chủ thể 1 khoảng nhất định. Tuy nhiên, nếu chơi nghiệp dư, khả năng này là rất hạn chế vì bạn không có máy đo sáng, không muốn mua máy đo sáng (hoặc đơn giản là không có đủ tiền mua máy đo sáng).
B. Sử dụng GN (Guide Number)
Cách này đơn giản hơn. Mỗi đèn rời đều có một bản hướng dẫn sử dụng, trọng đó quan trọng nhất là bảng chỉ số đèn – tiếng Anh gọi là Guide Number hay viết tắt là GN.
GN là chỉ số mà nhà sản xuất đã tính toán để người sử dụng từ đó tính ra cường độ đèn và đặt khẩu độ thích hợp trên máy (Ghi chú: Sử dụng đèn quan trọng là khẩu độ mở của ống kính, không cần quan tâm nhiều lắm tới tốc độ chụp, trừ tốc độ đồng bộ đèn).
GN = chỉ số khẩu độ (f/number) X khoảng cách (distance)
Khoảng cách được tính bằng mét (m) hay feet (ft) và các bảng GN thường có cả 2 với các chỉ số tương ứng cho từng đơn vị đo khoảng cách là mét hay bộ (feet ~ 30cm). Khoảng cách ở đây là khoảng cách từ đèn tới chủ thể.
Từ công thức trên, ta có thể căn cứ vào GN và khoảng cách từ đèn tới chủ thể để tính ra xem nên đặt khẩu độ mở nào.
KHẨU ĐỘ = GN / khoảng cách
Ngoài ra, nếu đèn có zoom head (đầu đèn có thể thò thụt để chùm sáng chụm vào hay tỏa ra rộng hơn, và từ đó cũng ảnh hưởng tới cường độ ánh sáng), thì chỉ số GN cũng thay đổi cho từng tiêu cự zoom.
Để tính toán thuận lợi, bạn nên in bảng GN cho đèn của mình ra giấy và mang theo khi đi chụp có đèn.
Sau đây là ví dụ bảng GN cho đèn Nikon-SB600 ở ISO 100 và 200 với các tiêu cự zoom đầu đèn khác nhau (dòng 2 zoom head) và các cường độ thủ công khác nhau (cột 1: M 1/1 đến M 1/64).
Giải thích:
Output: là cường độ đèn ở các mức khác nhau: M 1/1 là 100% cường độ mà đèn cho phép, M 1/64 là cường độ bằng 1/64 cường độ tối đa của đèn.
Zoom head: được tính bằng mm và ở các tiêu cự do đèn qui định
GN (ở bảng này chỉ thể hiện tính bằng mét): Chỉ số cường độ đèn.
Cách sử dụng: Nếu sử dụng ISO 100, và đặt cường độ đèn là M 1/1, đầu đèn zoom head ở 35mmvà khoảng cách từ đèn tới mẫu là 3m:
(1) Tra cứu chỉ số GN tương ứng được: GN = 30
(2) Tính khẩu: KHẨU ĐỘ MỞ = 30 / 3 = 10 (tức f/10, hay f/8 – 0.7)
Ghi chú:
– Nếu sử dụng các thiết bị tản sáng cho đèn như hộp tản sáng (softbox) hay ô hắt sáng, ô sáng xuyên thì cần cộng thêm khẩu vì ánh sáng đã bị thiếu hụt do tác dụng của các thiết bị tản sáng dùng kèm với đèn.
– Để tính toán chính xác khi sử dụng kèm các thiết bị tản sáng, bạn cần thử nghiệm với thiết bị tản sáng cụ thể mình có và ghi chép để tiện sử dụng sau này.