Xếp hạng các loại ống kính chụp phong cảnh biển – sony tokina sigma

LỜI TỰA

Sau đây là bảng xếp hạng những lens phong cảnh SONY ngàm E theo từng thể loại và format (full frame và crop). Bảng này căn cứ theo kinh nghiệm sử dụng, test và nghiên cứu của mình. Do các máy ngàm E có thể dùng rất nhiều lens từ các loại máy hay hãng khác từ cổ đến hiện đại, nên mình chỉ tập trung vào những lens thích hợp với kích cỡ gọn nhẹ của loại máy này thôi, vì một trong những lý do quan trọng khi chọn loại máy này là vì nó rất nhỏ gọn và nhẹ, nên tiêu chí chọn ống kính cho nó cũng phải theo tiêu chuẩn này.*** LƯU Ý:Cùng một model lens, nhưng có thể có lens này nét hơn lens kia do có sai số trong sản xuất (tolerance), vì thế khi so sánh lens mình căn cứ theo kết quả của nhiều lens chứ không phải một lens. Cũng vì lý do này mà mình test nhiều lens để lựa, chọn ra lens nét nhất để dùng.

PHONG CẢNH BIỂN

Phong cảnh biển (nhất là ở Việt Nam) thường không có hậu cảnh quan trọng để làm rõ, nên phần lớn mọi sự tập trung đều nằm ở tiền cảnh như đá và cây. Vì thế ống rộng từ 24mm đến rộng hơn rất thích hợp cho thể loại phong cảnh này. Ống rộng cho phép đến gần tiền cảnh và làm nó lớn ra, làm rõ chi tiết mà vẫn có thể có lấy nét rõ đến vô cực. Ống rộng cũng làm hậu cảnh nhỏ đi, mà hậu cảnh thường là núi xa hay chân trời nên sự làm nhỏ nó rất hợp lý. Để dễ dàng so sánh lens fix với lens zoom mình nhóm những lens liên quan thành một nhóm.

SONY FE – FULL FRAME

1. Voigtlander 12mm f/5.6 (17 triệu), Voigtlander 15mm f/4.5 (13 triệu), Center Filter (10 triệu), Voigtlander 21mm f/1.8 Ultron (25 triệu)
Một bộ lens với chất lượng (sau khi xử lý) xuất sắc. Bộ lens MF (lấy nét tay) này có kết cấu kim loại cứng, chắc và chính xác. Thiết kế theo kiểu cổ điển cao cấp cho máy Leica ngàm M. Voigtlander 12 và 15 là 2 lens độc đáo vì nó vừa siêu rộng mà lại đồng thời có kích cỡ siêu nhỏ và trong lượng siêu nhẹ (so với các ống kính loại máy DSLR) .Voigtlander 21 f/1.8 (chứ không phải f4 nhé) là ống kính có khẩu lớn cho phép chụp phong cảnh thường và cả phong cảnh sao (astrophotography).

Tính chất nổi bật của 3 lens là độ nét cao, độ méo không đáng kể, viền tím viền xanh (CA) rất ít và sunstar 10 cánh rõ nét và dài thuôc loại đẹp nhất trong tất cả các lens mà mình biết.

Cần ngàm chuyển (adapter) từ Leica M qua Sony E. Những ngàm tốt gồm có: Voigtlander VM-E (4 triệu), Metabones Leica L/M-E (2 triệu), Fotodiox Pro LM-NEX (2 triệu)

VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN CẦN KHẮC PHỤC
Tuy nhiên lens này là loại hoa hồng có gai các bạn nhé, đừng vội chạy đi mua về để sử dụng mà không hiểu những điểm rắc rối sau đây:

Lens bị tối dần
Do tiêu cự lens siêu rộng, đồng thời thiết kế nhỏ, thấu kính sau khi gắn vào máy rất gần với sensor nên lens bị hiện tượng mất sáng (light fall-off). Lens tạo ra ảnh bị tối dần từ trung tâm lens ra vùng chung quanh, hiện tượng này sẽ bị nặng hơn khi dùng lens với filter ND để phơi sáng lâu. ND càng nhiều khẩu (càng tối) càng làm cho hiện tượng mất sáng nặng thêm. Khi chưa gắn filter thì độ mất sáng cho Voigtlander 12 và 15 ở khoản 1-1.5 stop tuỳ góc độ ánh sáng. Với ND 6 stop thì độ mất sáng lên đến 2-2.5 stop, và với ND 10 stop thì độ mất sáng lên đến 3-4 stop nhất là mặt trời nằm trong ảnh.

Với sự chênh sáng nhiều như thế, thì khi bạn xử lý với chức năng nâng sáng shadow ở vùng bị tối chung quanh, thì đồng thời bạn cũng làm tăng noise cho vùng đó và khi noise tăng thì nét cũng giảm. Với sensor máy ảnh hiện đại nhất hiện nay như Nikon D810, D800E và Sony A7R thì chỉ có thể xử lý nâng sáng shadow được khoản 2 stop, để vẫn giữ chất lượng tương đối ở vùng xử lý.

Giải pháp Center Filter
Để khắc phục được hiện tượng mất sáng trên, bạn phải cần đầu tư thêm 1 center filter (10 triệu), vì nó tối ở trung tâm và sáng dần ra ngoài, một hiệu ứng ngược để chống lại hiện tượng mất sáng. Thêm filter này vào lựa chọn trên sẽ làm tăng giá thành của bộ lens trên.

Nhưng để gắn được Center Filter lọt vào trong ren nằm bên trong loa che nắng (hood) cố định của dòng lens này thì cần phải thay vỏ center filter với bằng vỏ filter thường. Hoặc phải cắt hood đi, là giải pháp tốt hơn vì có thể gắn được filter holder nhỏ size 100 và dùng cùng lúc cả 3 filter (Center + ND + Grad ND) mà không bị tối góc.

Lens bị ám tím (purple)
Vấn đề thứ 2 này ảnh hưởng đến cả 3 lens (12, 15 và 21.) Do thấu kính cuối cùng nằm gần sát sensor bên trong, làm ánh sáng đi vào sensor ở khu vực biên tới 4 góc ở một góc độ lớn thay vì thẳng góc. Góc độ lớn này gây khó khăn cho sensor thu được tính hiệu màu chính xác và vì thế tạo ra ám màu tím ở khu vực này.

Tuy nhiên sự ám màu này rất dễ xử lý với phần mềm. Trong Lightroom bạn có thể dùng chức năng Graduated Filter hay Radial filter để giới hạn khu vực xử lý và dùng White Balance và Tint để chỉnh cho mất ám tím.

*** Sau khi khắc phục được hết 2 vấn đề trên thì bạn sẽ có 3 lens chất lượng cao về mọi mặt và đồng thời hưởng được những tính chất độc đáo của nó gồm có nhỏ, gọn, nhẹ, đẹp và bền.

*** Nếu bạn cần giải pháp Voigtlander này hãy liên lạc với mình 09090-86119 ***

2. Sony Vario-Tessar T* FE 16-35mm f/4 ZA OSS (28 triệu)
Zoom AF của hãng Sony cho ngàm E full frame. Tuy mang nhãn hiệu Zeiss nhưng lens này không có chất lượng xuất sắc như mình mong đợi. Độ nét trung tâm tốt, khu vực góc hơi mềm. Khi chĩa thẳng vào mặt trời lúc chụp bình minh hay hoàng hôn thì lens bị flare bệt rất xấu. Sunstar chùm không đẹp bằng Voigtlander ở trên. Nhưng đây là lựa chọn tốt nhất cho phần lớn các bạn vì nó không cần ngàm chuyển, có AF, zoom từ 16-35mm tiện lợi và nhỏ gọn nhẹ.

3. Sony 10-18mm f/4 OSS (16 triệu), Olympus OM 24 f/2.8 (4 triệu)
Sony 10-18mm là lens crop của Sony cho ngàm E, nên gắn đuọc trực tiếp mà không cần qua adapter. Trên Full frame lens sử dụng được tốt từ 13-16mm mà không bị tối góc. Chất lượng nét trung tâm rất tốt, nét vùng 4 góc mềm, nên phải dùng đến F11 mới cho được chất lượng 4 góc khá. Tuy nhiên ở vùng 4 góc này, chi tiết sẽ bị kéo dãn ra vì thế bạn nên tránh canh chi tiết quan trọng vào khu vực này.

Olympus OM 24 là lens MF có nét xuất sắc từ f/8-f/11 và tốt gần như mọi mặt. Chỉ có sunstar là 6 cánh quạt ngắn nên không đẹp. Lens cần ngàm chuyển từ OM qua E như Metabones OM-E (3 triệu) hay Fotodiox Pro OM-NEX (2 triệu).

4. Tokina 11-16mm f/2.8 AT-X 116 Pro DX (15-16mm) (14 triệu), Olympus OM 24 f/2.8 (4 triệu)
Là lens crop nhưng dùng tốt trên Full frame ở tiêu cự 15-16mm. Vì thế đây là lens rộng rẻ tiền nhất với chất lượng khá tốt ở F/11 mà bạn có thể mua. Dùng với adapter thì lens tương đối to, nhưng vì nó có giá rẻ nên mình vẫn để trong list cho các bạn có ít tiền.

Bạn có thể dùng lens sản xuất cho ngàm bạn thích như Canon, Nikon hay Sony A rồi mua adapter chuyển từ ngàm đó về ngàm E.

Cho tiêu cự 24 dùng Olympus OM 24 như trên #3.

SONY E CROP

Máy crop SONY E có tỉ lệ tương đương với Full frame là 1.5 lần, vì thế lens rộng hơn 24mm full frame ở crop là lens rộng hơn 16mm (24/1.5=16mm). Sau đây là những lens mình recommend theo thứ tự.

1. Sigma AF 8-16mm f/4.5-5.6 DC HSM (16 triệu)
Lens zoom xuất sắc về mọi mặt với dãy tiêu cự tương đương với full frame 12-24m. Tuy là lens lồi nhưng vẫn có thể dùng được filter tiêu chuẩn nhỏ 100mm ngang (như 100x100mm, 100x125mm, 100x150mm), nhưng phải dùng holder đặc chế thì mới gắn được cho lens này.

2. Sony 10-18mm f/4 OSS (16 triệu)
Đây là lens crop AF cho ngàm E của Sony nên gắn đuọc trực tiếp mà không cần qua adapter. Tiêu cự tương đương với Full frame là 16-27mm rất đa dụng. Chất lượng lens xuất sắc. Mình cho nó ở vị trí số 2 vì nó không rộng bằng lens #1 ở trên.

3. Tokina 11-16mm f/2.8 AT-X 116 Pro DX (14 triệu)
Một lens crop khá tốt dùng được cho cả crop nguyên dãy tiêu cự hay full frame giới hạn ở 15-16mm. Tiêu cự tương đương full frame là 17-24mm. Dùng với adapter thì lens tương đối to, nhưng vì nó có giá rẻ nên mình vẫn để trong list cho các bạn có ít tiền.

Nguồn andreluu.com

Visited 1,995 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...