Những điều cần biết về ảnh RAW
Rất nhiều bạn thắc mắc cái file Raw của DSLR để làm gì, và gấp đôi số người ấy chỉ chụp Jpg. Nói chung bọn tư bản thường không làm cái gì vô ích cả, trong thời đại kỹ thuật số nếu không có chút khái niệm gì về file RAW và Photoshop (PS) coi như bạn đã đánh mất một nửa công dụng của cái máy ảnh to oạch mà bạn kỳ cọp để dành tiền mua rồi đó.
Bài này dành cho ai:
Bất kỳ định dạng nào cũng có đối tượng của nó, ảnh RAW được sinh ra để dành cho những tay máy có kiến thức và chấp nhận, ít nhất là phần cơ bản, về Camera Raw (CR) và PS hoặc các phần mềm chỉnh sửa ảnh hậu kỳ khác. Vì thế bài này sẽ không dành cho bạn nếu bạn thuộc những thành phần sau:
– Gà mờ PS, đã là phận gà thì nên an phận với chế độ có sẵn của máy.
– Chủ nghĩa tự nhiên, cái chủ nghĩa bài trừ PS này rất là buồn cười và hãm tài, tuy nhiên tui không có ý định viết về nó, ít nhất trong bài này. Cho nên nếu bạn anti-PS, bạn nên chụp PnS cho nó gọn, máy phim cho nó soang trọn hoặc dùng chế độ có sẵn cho nó lành mạnh.
– Chụp vãi đạn tiểu liên. Tuy dung lượng thẻ nhớ và sức mạnh của các máy tính đang tiến vùn vụt một cách chóng mặt, nhưng nếu bạn chụp ảnh với tốc độ 10 ảnh/phút thì cũng nên tạm biệt với file RAW vì hai lý do. Một là thẻ nhớ của bạn rất dễ cháy, hai là sau khi về mở đống ảnh RAW cả ngàn tấm ra bạn sẽ rất dễ …ngán và dội hàng.
– Kinh nghiệm lâu năm. Tất cả những ai chụp ảnh có kinh nghiệm và giỏi đều biết nên dùng Raw trong trường hợp nào và JPG trong trường hợp nào.
– Chụp chơi cho vui. Chụp chơi thì ta cứ cái nào tiện nhất ta dùng, RAW bất tiện hơn JPG ở khâu hậu kỳ, công nghệ máy ảnh số hiện tại cũng thừa đủ để bạn chơi với JPG nếu set-up máy chuẩn và đo sáng ngon.
Vì sao lại Raw:
– Tui sẽ không lôi mấy cái thông số kỹ thuật như độ sâu màu hay dải thu sáng hay chi tiết vùng tối và vùng kín vào bài này vì nó tràn lan trên net rồi. Tui chỉ khuyến cáo là Raw cho sức mạnh về hậu kỳ, cứu sáng và khử nhiễu mạnh gấp ba lần JPG. Tuy nhiên RAW chỉ thực sự hữu dụng cho những file ảnh lớn trên 1000px chiều ngang hoặc những ảnh cần rửa ra để xem, vì nhỏ hơn thì những chi tiết này sẽ rất khó nhận biết.
– Raw cho phép bạn nghịch ngợm, thử hàng, soi hàng, sờ mó… em nó, nói chung là chán chê mê mãi sau đó vẫn có khả năng trở về trinh nguyên như ngày mới thu vào máy bằng 1 cái click, đỡ phải lưu ba bốn file hay một file PS to cả trăm Mb trong máy.
– Raw là chân thực, ít nhất trong kỹ nguyên số. Raw là những gì máy ảnh của bạn thu vào khi bấm máy và trả lại cho bạn, không hề mó tay vào sờ soạng hay tiện tay dớt luôn file ảnh trước khi xuất ra như JPG.
– Thích nghịch PS, về một mặt nào đó nhiều bạn nghĩ rằng chỉnh được ảnh JPG mới là trình cao, mới là kiến thức rộng, mới chứng tỏ được mình trong điều kiện thiếu thốn. Rất là hãm tài, chọn lựa nguyên liệu tốt là chuyện kinh điển, tại sao phải tự hạn chế mình? Có tiền cứ xài, tỷ phú cứ mua máy bay riêng, có lãi cứ viết báo cáo thuế, sao phải xoắn, các cụ nhà ta đã nói thế rồi.
Raw làm được gì?
Bit màu: Một khái niệm chuyển màu rất quen thuộc của ngành in. Raw cho bạn 12-16 bit màu trong khi JPG giới hạn bạn ở 8 bit. Để tìm hiểu về sự quan trọng của bit màu bạn cần nhiều hơn một bài viết khái niệm như thế này, Tuy nhiên hiểu đơn giản thì cứ to hơn là chắc chắn khỏe hơn.
Tuy công nghệ in ấn cho nhu cầu thông dụng hiện tại cũng chỉ giới hạn ở 8bit, nhưng sức mạnh của thằng to hơn (14-16) nằm ở quá trình tinh chỉnh (chi tiết, độ sâu màu, sáng tối, chuyển vùng…) chứ không nằm ở khâu xuất ra cuối cùng. Nói nôm na là cái sự “ sung sướng thỏa mãn” nó nằm ở khoảng thời gian xxx chứ không phải lúc bắn nhau.
Cứu ảnh đo sáng sai: Raw cho bạn khả năng cứu ảnh bị thiếu/dư sáng đến 3 stop ánh sáng (+/-3EV). Tất nhiên đây chỉ là trường hợp buộc phải có ảnh mà không có điều kiện chụp, chứ ảnh mà cháy toét hay tối mò thì thôi đi chụp lại cho nó nhanh thay vì ngồi lọ mọ chỉnh sửa lại. Mà chụp ảnh kiểu gì dư/thiếu tới 3 stop thì nên đi học cách đo sáng lại trước khi ngồi nghiên cứu về Raw.
Tất nhiên ở đời chả ai nói trước được cái gì, vì thế ta cứ chụp Raw cho nó lành phòng trường hợp đo sáng sai. Máy có DR càng cao thì khả năng cứu sáng càng mạnh.
Cân bằng trắng (WB): Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, không phải tự dưng mà bọn tư bản nó chế ra card hay filter chuyên dùng mắc vãi tè để cân bằng trắng cho đúng. Raw cung cấp khả năng tùy biến WB cực mạnh và phân tách lớp màu cũng rất tốt. JPG có khuynh hướng thay đổi tất cả màu (ám màu) nếu bạn chỉnh WB lại, còn Raw cho phép bạn thay đổi từng vùng màu riêng biệt tùy theo nhiệt độ màu. Đo WB sai là trường hợp cực kỳ hay gặp với các bác đang chụp outdoor đùng cái chạy vào quán café đèn hơi mờ mờ chụp indoor mà quên set-up lại trong máy.
Điều chỉnh độ nét: Raw cho phép bạn thay đổi độ nét của ảnh theo hai chiều tăng giảm mà không ảnh hưởng tới vùng focus, chứ không phải như thằng JPG cục súc chỉ cho phép tăng lên còn giảm đi thì lại bắt ta dùng blur và mask trong PS.
Điều chỉnh nhiễu: Nhiễu hay còn gọi là noise vốn là một khái niệm liên quan mật thiết tới độ “soang trọn”. Cách đây mấy năm thì độ soang này là ảnh phải trắng tinh không có tý nhiễu nào ở iso cao, còn bây giờ thì thời đại thay đổi, ảnh số phải có noise cho nó giống hạt phim (grain). Nói chung là thời đại có thay đổi thế nào thì chỉnh noise bằng Raw vẫn mạnh hơn add/remove noise trên JPG nhiều lần.
Điều chỉnh lens: Méo hình, viền tím, và biến dạng là một vấn đề lớn của tiêu cự ống kính. Tuy sức mạnh của PS đã phần nào vượt trội trong hậu kỳ nhưng tui vẫn thích chỉnh trực tiếp trong CR hơn vì nó nhẹ nhàng hơn và dễ bề quay lại từ đầu hơn.
Xài Raw như thế nào?
Nói chung hiện tại thì thằng Adobe là vua của thế giới đồ họa, định dạng DNG của nó cũng là định dạng chắc chắn sẽ phổ biến và chung nhất trong tương lai. Tuy nhiên những ông như Nikon, Canon hay Sony vẫn đang cố gắng bám víu vào những định dạng Raw của riêng họ để giữ “bản sắc” như .NEF (Nikon), .CR2 (Canon), .SRF (Sony). Có hai cách để tinh chỉnh những định dạng này trong lúc chờ Adobe thanh toán hết tất cả các ông nhõi kia.
– Cài Camera Raw bản mới nhất. Thằng nào máy nào nào cũng chơi được tuốt nhưng vẫn phụ thuộc vào phiên bản của PS bạn đang xài.
– Cài phần mềm cho sẵn của hãng khi mua máy. Sau khi chỉnh chán chê rồi có thể xuất ra JPG hay Tiff qua PS chỉnh tiếp.