Hướng dẫn mua máy ảnh mirroless và những điểm lưu ý

Có mấy điểm lưu ý khi mua chiếc máy ảnh không gương lật ( mirroless camera). Trong thực tế, người mua máy ảnh không gương lật có thể đã dùng máy ảnh DSLR mua thêm để backup, hoặc chuyển đổi sang dùng hẳn vì tính chất nhỏ gọn nhẹ nhàng linh hoạt hơn của máy không gương lật; cũng có người ban đầu sắm máy ảnh… Có vài điểm cần xác định khi chọn lựa chiếc máy phù hợp với nhu cầu thực tế của mình.

Ngoài vấn đề ngân sách dành cho bộ máy ảnh, thì điểm đầu tiên đó là:

1 – Hệ thống ống kính

  • Thực tế: Nhiều bạn chỉ đầu tư ngân sách và thời gian sắm một thân máy (body) rất nhiều tiền, nhưng lại hài lòng với ống kính Kit đi theo máy suốt nhiều tháng năm. Dĩ nhiên là với một số nhu cầu phổ thông nhất định, ống Kit đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng nhiều chủ đề đòi hỏi chất lượng và hiệu ứng ảnh cao hơn, thậm chí để rèn luyện kỹ năng tốt hơn, ống Kit rất giới hạn.
  • Lý do: Các nhà nhiếp ảnh vẫn thường gọi ống kính là con mắt của chiếc máy ảnh. Các tia sáng trước khi được rọi chiếu lên kính ngắm, bề mặt tấm phim của máy chụp phim hoặc bề mặt cảm biến để tạo thành hình ảnh, thì nó phải đi qua ống kính. Lượng sáng và chất lượng các tia sáng đi qua ống kính sẽ quyết định chất lượng hình ảnh được tạo thành, hay nói cách khác chất lượng của ống kính quyết định chất lượng hình ảnh. Ống kính là yếu tố rất quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất trong việc xử lý hình ảnh.
  • Vì vậy: Việc lưu ý hệ thống ống kính mà hãng máy ảnh bạn chọn mua có nhiều chọn lựa hay không là điều quan trọng. Một số người mua body về rồi, loay hoay mãi không tìm mua được ống kính phù hợp nhu cầu cá nhân, nên tìm hiểu thông tin hệ ống kính xung quanh cái máy định mua trước:
    • Về dải tiêu cự phong phú mà hệ ống kính của hãng cung cấp. Chẳng hạn hệ ống kính fixed – 1 tiêu cự – chất lượng tốt như ống góc rộng để chụp phong cảnh, chụp đường phố (28mm, 35mm, 50mm…), hoặc tele tầm trung để chụp chân dung, hoặc tele để chụp đối tượng xa. Hoặc nhu cầu ống kính zoom đa tiêu cự, hoặc ống kính đặc biệt như macro…
    • Về hệ ống kính chính hãng lẫn ống kính hãng thứ ba sản xuất cùng ngàm.
    • Về đa dạng chất lượng phù hợp ngân sách thấp đến cao để có chọn lựa vừa túi tiền.Và, lựa chọn ống có khẩu độ hoặc dải khẩu độ nào thì đáp ứng được cho nhu cầu chụp của mình. Chẳng hạn ống Kit có dải khẩu độ f/3.5 – f/5.6 thì khó có thể đáp ứng nhu cầu chụp chân dung “teen xoá phông”, phải kiếm ống tiêu cự từ 50mm – 135mm (FF) có khẩu độ lớn như f/1.8 – f/2.8 chẳng hạn.

 

 

  • Tận dụng “di sản” ống kính cũ chất lượng các hãng khác và sử dụng qua ngàm chuyển đổi. Ngàm của ống kính được hiểu tương tự như cổng kết nối giữa ống kính và máy ảnh. Mỗi hãng máy ảnh có chuẩn ngàm riêng biệt, chẳng hạn:
    • Ngàm E cho Sony Alpha (NEX), XF cho Fujifilm, E cho Sony, 1 cho Nikon-1, EF-M cho Canon EOS M, Q cho Pentax Q, cho hệ máy ảnh 4/3 Panasonic, Olympus …
    • Nên tự thân ống kính của hãng này không gắn được vào máy ảnh hãng khác. Những năm gần đây, nhiều người thích sử dụng các ống kính cũ xưa có ngàm không tương thích, chụp qua ngàm chuyển đổi cho các dòng máy ảnh không gương lật có thể hoán đổi ống kính, để tận dụng kho tàng ống kính cũ có chất lượng thấu kính cực tốt hoặc hệ thống lá khẩu đặc biệt để có những bức ảnh đẹp hoặc độc đáo thú vị. Nhưng, có hai điều cần biết ở điểm này là: Giá rẻ mà chất lượng & hầu hết lấy nét thủ công (MF):
    • Ống kính cũ có ngàm chuyển đổi phổ biến nhất là loại dành cho ống kính ngàm M42, là loại ống có đuôi là ren xoáy đường kính 42mm. Dòng ống này có từ những năm đầu 1940 trên các máy Contax S, Pentax, Praktica hay Zenit cho đến những năm 1970. Khi nhiều người chơi ngàm chuyển đổi thì hệ thống ống M42 trở nên như một kho tàng vô giá và được khai thác triệt để. Ngàm chuyển đổi phổ biến thứ hai là loại dành cho ống kính AI ngàm F của Nikon. Nikon có hệ thống ống kính cũ có bề dày lịch sử với hệ thấu kính cực kỳ tốt, đa dạng tiêu cự và có những ống kính rất đặc biệt. Các dòng Nex của Sony anh em hay dùng ngàm với các ống cực kỳ chất lượng của Leica, Voigtlander, Carl Zeiss … và các ngàm chuyển hệ 4/3 khá phong phú của dòng Panasonic, Olympus…

 

 

  • Nhưng nhớ là hạn chế và khó khăn khi dùng ngàm chuyển đổi: Hầu hết các ống kính của máy SLR đều gắn ngàm chuyển sử dụng được với máy ảnh không gương lật, không vướng gương như một số DSLR do ngàm chuyển. Nhưng:
    • Máy mirroless được họn mua vì thường nhỏ gọn và nhẹ, khi gắn ống kính cũ thì mất cân đối, nặng nề và có phần khó coi, gục đầu về phía trước, rất khó cầm nắm đồng thời thao tác điều khiển máy ảnh khi chụp.
    • Khoảng cách từ hệ thấu kính đến cảm biến ảnh sẽ sai lệch so với tính toán của nhà sản xuất khi dùng ống đúng ngàm bởi có thêm độ dày của ngàm chuyển đổi, gây lệch nét và chất lượng ảnh.
    • Không lấy nét tự động được, phải lấy nét tay, vặn vòng nét trên ống kính, nên khả năng lấy chính xác nét là khó khăn, đòi hỏi chụp nhiều quen tay quen mắt, và kết quả sẽ bù lại niềm vui. Có một số ngàm chuyển cho phép AF, nhưng đắt tiền và lại phát sinh chi phí.
    • Chất lượng ngàm chuyển đổi không ổn định, thường là xài không được lâu dài, hay rơ lỏng giảm sự gắn kết chắc chắn sau một thời gian, gây khó khăn khi thao tác chụp hoàn toàn bằng tay.

 

2 – Kích thước cảm biến ảnh

  • Cảm biến ảnh của máy ảnh DSLR và của máy ảnh Mirroless có kích thước Micro Four Thirds (17 x 13mm), APS-C (24 x 16mm), hoặc Full-Frame (36 x 24 mm). Các máy ảnh du lịch nhỏ hoặc điện thoại có kích thước cảm biến rất nhỏ. 1/2.5″ là kích thước phổ thông nhất trong một số máy PnS giá rẻ; với điện thoại, ngoài 1/2.5″ còn có 1 / 3.2, 1 / 2.3, 2/3, 1 / 3.2… với 1/2.7 là tương đương 5.37mm x 4.04mm là rất nhỏ dành cho camera điện thoại.
  • Một trong các lý do quan trọng khi chọn máy ảnh không gương lật so với DSLR là chúng nhỏ hơn, gọn hơn, nhẹ hơn, và đa số làm cảm biến ảnh có kích thước nhỏ hơn. Cảm biến ảnh lớn hơn giúp bạn chụp ảnh tốt hơn trong cùng môi trường ánh sáng, nhất là ánh sáng yếu, có dải tương phản động rộng hơn, nhiều thông tin ảnh hơn, giảm nhiễu xạ trong hoàn cảnh ánh sáng phức tạp hoặc khó khăn hơn… Nên, mình vẫn nói khi chụp thử ảnh hay hướng dẫn chụp ảnh điện thoại, chúng ta cố gắng hết sức để khai thác khả năng của một chiếc camera, nhưng nếu bạn có nhu cầu cao hơn về chất lượng ảnh, hãy mua cái máy ảnh là vì vậy.
  • Tương tự, nếu chụp ảnh thiếu sáng là thường xuyên và là nhu cầu, bạn nên xem xét một trong những máy ảnh không gương lật cảm biến Full-Frame, hoặc nếu khó quá thì phải là cảm biến APS-C. Nếu bạn chỉ yêu cầu máy có kích thước nhỏ gọn, không yêu cầu mức tốt nhất với môi trường ánh sáng thấp thì một chiếc máy Micro Four Thirds là phù hợp.
  • Dĩ nhiên, ở đây mình không nói máy ảnh cảm biến nhỏ hơn thì không thích hợp chụp ánh sáng yếu, mà đúng hơn đó là lợi ích chính yếu của một chiếc máy có cảm biến ảnh lớn hơn. Máy ảnh là thiết bị ghi hình, cảm biến ảnh là yếu tố quan trọng quyết định lượng sáng nhận được sau khi qua ống kính. Còn kết quả chất lượng một bức ảnh còn phụ thuộc những yếu tố khác như ống kính, thuật toán xử lý, kỹ năng… và con người sử dụng chúng nữa. Bắt đầu với điều hiển nhiên, cảm biến có diện tích lớn hơn sẽ ghi nhận lượng sáng lớn hơn và nhiều chi tiết ảnh hơn trong cùng điều kiện ghi hình. Chẳng hạn hai cảm biến có kích thước lớn chênh lệch 40%, kích thước mỗi điểm ảnh bằng nhau, thì số lượng điểm ảnh của cảm biến lớn sẽ nhiều hơn 40%, nghĩa là ảnh có độ phân giải cao hơn, chi tiết nhiều hơn, và có thể phóng to ra tốt hơn. Ảnh trên Facebook, với cá nhân mình, không có giá trị đánh giá thiết bị.

3 – Kính ngắm (Viewfinders)

  • Ống ngắm quang học, thường được biết đến 2 kiểu: kiểu Ngắm qua thị kính (TTL – through the lens, SLR cũng là 1 dạng của dạng này) và Range finder; còn 1 dạng thứ 3 đơn giản và rẻ tiền hơn là là uncoupled view finder (là ống ngắm quang học độc lập). Dạng này chỉ giả lập lại góc nhìn cố định nhất định, không thể thể hiện được các thông số chụp, hoặc góc nhìn thực tế tương ứng với tiêu cự ống kính đnag gắn trên máy, cũng như điểm lấy nét, vùng ảnh nét, …. Dạng khung ngắm này có cấu tạo rất đơn giản, rẻ tiền, và hầu như không có tác dụng nhiều với người chụp. Chỉ giúp người chụp mường tượng được góc ảnh họ sẽ chụp, các thao tác còn lại người chụp phải tự xử lý độc lập, không có sự hỗ trợ của khung ngắm.
  • Các máy ảnh không gương lật loại bỏ cấu trúc ngắm quang học để giảm kích thước và không gian buồng tối nên dùng hệ thống ống ngắm điện tử (EVF). EVF có cái lợi là thể hiện trực quang hơn (thể hiện đúng ảnh tương ứng với thông số chụp) và đặc biệt hữu ích khi ngắm ở điều kiện thiếu sáng nên EVF sẽ là 1 xu thế không thể từ chối trong các máy ảnh hiện tại và tương lai gần. Riêng một số dòng của Fujifilm X-Pro1, 2, X100 (mình không biết còn dòng nào nữa không) dùng ống ngắm quang học lai. Ưu điểm EVF là khả năng thể hiện chính xác thông số phơi sáng, cân bằng màu sắc, các thông số liên quan của bức ảnh. EVF thể hiện gần đúng với bức ảnh kết quả sẽ chụp.
  • Những hạn chế của EVF:
    • So với ống ngắm quang học (OVF), ống ngắm điện tử (EVF) có một chút độ trễ khi dịch chuyển hoặc đối tượng trong ảnh dịch chuyển, có thể gây mất sự tập trung hoặc cảm hứng, nhưng càng về sau các máy ảnh không gương càng cải thiện và độ trễ còn rất nhỏ.
    • Ống ngắm EVF có độ phân giải càng cao thì tiêu thụ lượng pin càng nhiều. Tuy không nhiều, nhưng cũng là điều bạn cần xem xét khi chọn lựa để phù hợp nhu cầu và cách lựa chọn sử dụng ống ngắm & LCD. Bởi dung lượng pin một lần xạc cho số lượng ảnh chụp là không nhiều so với DSLR, ai từng quen dùng DSLR thời gian đầu sẽ cảm thấy khó chịu vì máy nhanh hết pin. Giải pháp là tắt đi những tính năng hoạt động không cần dùng của máy để tiết kiệm phần nào và sắm thêm pin.
    • Nhân đây cũng nói thêm là dòng máy có thể xạc qua cổng mini USB với xạc dự phòng hay máy tính là điểm khá quan trọng. Mình đã chứng kiến bạn mình từ chối mua vài dòng không gương lật dù rất thích chỉ vì nó không có tính năng này.

 

4 – Hệ thống lấy nét tự động (AF)

  • Máy ảnh DSLR sử dụng cách lấy nét so sánh trùng/lệch pha rất hiệu quả, hệ thống lấy nét liên tục bám theo vật thể chuyển động nhanh… nhưng cần phải có không gian cho buồng gương lật và bộ lấy nét riêng, việc thu nhỏ kích thước thân máy là rất khó.
  • Máy ảnh không gương lật thu nhỏ kích thước, loại bỏ gương lật, lấy nét dùng cách đo tương phản giữa các pixels trên cảm biến ảnh để xác định hình ảnh đã lấy được nét. Cách lấy nét này chậm và khó khăn khi môi trường chụp ánh sáng yếu, nhất là đối tượng chuyển động. Nên, các dòng máy về sau đã ứng dụng công nghệ lấy nét lai (Hybrid AF) để cải thiện tốc độ lấy nét. Lấy nét lai chính là cách kết hợp cả hai cơ chế đo tương phản & dò lệch pha để cải thiện tốc độ lấy nét đồng thời độ nét chính xác.
  • Chọn lựa dòng máy sử dụng cơ chế lấy nét lai, tốc độ lấy nét cải thiện nhanh hơn, nhất là lấy được nét tốt hơn trong bối cảnh thiếu sáng là quan trọng với bạn. Một số máy ảnh không gương lật sử dụng cơ chế lấy nét so sánh tương phản, vốn khá chậm chạp và gây ức chế cho người dùng, nhất là người từng dùng DSLR chuyển qua dùng không gương lật ống kính rời như ngày nay.
  • Một lưu ý là khi dùng máy không gương lật, có tính năng kết hợp lấy nét theo cách dò trùng / lệch pha để cải thiện tốc độ lấy nét, nhưng nếu bạn bật kích hoạt tính năng nhận diện khuôn mặt, ngay lật tức máy ảnh tự động chuyển sang cơ chế lấy nét theo cách so sánh đo tương phản truyền thống, chậm chạp.

 


5 – Quay Video

  • Tiêu chí này cũng cần liệt kê nếu bạn là người quay phim cho công việc đòi hỏi chiếc máy có khả năng quay video nghiêm túc thì cần xem xét. Chẳng hạn bạn vừa cần một chiếc máy ảnh nhỏ gọn, hoán đổi ống kính có thể ghi video chất lượng cao, như AVCHD hoặc XAVC S. Có thể sử dụng các phụ kiện rời: microphone rời, tai nghe để kiểm tra âm thanh liên tục trong quá trình ghi hình, có màn hình live-view, điều chỉnh các thông số làm chủ ánh sáng tốt hơn.
  • Nếu không có nhu cầu này, sắm cái máy ưu tiên chất lượng quay video 4K là điều không nên. Bạn chỉ cần Full HD thôi hay 4K?

6 – Kết nối
Hầu như các máy ảnh không gương lật đều có thể kết nối Wi-fi / NFC với thiết bị di động (iOS / Android). Nhưng cũng nên tham khảo giao diện công cụ điều khiển máy ảnh trên ứng dụng, xem trải nghiệm và các chức năng có thuận tiện, nhanh chóng và hoạt động tốt không: nút chụp, chỉnh các thông số, chuyển hình ảnh trực tiếp… Có một số máy có tính năng nhưng hoạt động không trơn tru và phức tạp.

7 – Chọn máy ảnh không gương lật ở mức độ nào: Sau khi xem xét các tiêu chí trên, bạn sẽ phải chọn chiếc máy thuộc dòng nào thì phù hợp với nhu cầu:

  • Máy phổ thông (entry-level): Dòng máy dành cho người mới, người dùng DSLR (entry) muốn đổi chiếc máy nhỏ nhẹ gọn hơn mà có thể hoán đổi ống kính, sử dụng LCD để canh khung lấy nét hơn là EVF, cảm biến nhỏ, kích thước máy gọn linh hoạt hơn, và hy sinh một chút chất lượng hình ảnh.
  • Máy bán chuyên (prosumer): Dòng máy ở giữa người dùng phổ thông và chuyên nghiệp, dòng máy phu fhowpj với người dùng DSLR chuyển qua không gương lật, thân máy nhỏ hơn một chút, chất lượng cao hơn dòng phổ thông, có kính ngắm điện tử EVF, LCD lật phía sau.
  • Máy chuyên nghiệp: Dòng máy không gương lật cao nhất về chất lượng hình ảnh và video bao gồm cả 4/3, APS-C, FF, bộ xử lý hình ảnh nhanh hơn, lấy nét tự động nhanh, bộ đệm đáp ứng tốt hơn khi chụp ảnh kích thước lớn hay chụp liên tiếp. Có đầy đủ nút điều khiển các thông số bằng tay, đặc biệt là dòng máy có khả năng chụp tốt ở môi trường thiếu sáng, đối tượng chuyển động, khả năng lấy nét.

 


A7RII ống kính Helios M42

 

Theo Tinhte
Visited 568 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...