Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt săn ảnh thiên nhiên hoang dã

TO – Đặng Mỹ Hạnh – nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt chuyên chụp đời sống hoang dã và có nhiều giải thưởng quốc tế – chia sẻ với Tuổi Trẻ về những chuyến đi săn ảnh “lên rừng xuống biển”.

Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt săn ảnh thiên nhiên hoang dã
Hạc đồi cát – Ảnh: Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh
Đặng Mỹ Hạnh từng đoạt giải nhất cuộc thi “Milvus” Nature Photography Contest 2014, Huy chương Bạc (Science & Nature) giải International Loupe Awards,  vào chung kết BBC Wildlife Photographer of the Year 2014, có tác phẩm được chọn vào Những Tác phẩm Thiên Nhiên Đẹp Nhất 2015 của Hội Nhiếp Ảnh Chuyên ngành Thiên Nhiên-Động Vật Hoang Dã (NANPA – North American Nature Photography Association) , nhiều Huy chương vàng PSA cho thể loại ảnh thiên nhiên hoang dã.

* Chị bén duyên với nhiếp ảnh nhờ văn thơ, nghề báo, rồi cơ duyên nào khiến chị lại “lên rừng xuống biển” chụp ảnh động vật hoang dã?

Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh: Ở Mỹ tôi chụp ảnh nghệ thuật. Một buổi sớm nọ, nhìn ra phong cảnh bên ngoài, tôi thấy cánh hạc trắng bay trên đầu ngọn sóng mang một vẻ đẹp huyễn mặc.

Tôi chợt khám phá rằng đặc tính của sự bất ngờ là bí quyết vẻ đẹp của thiên nhiên. Những hình ảnh một gốc thụ, ngọn lau trĩu tuyết, sự trơ trụi của mõm đá mòn qua khe nước, một bóng sen lay lắt trong gió hay một cánh chim trong cơn bão tuyết… đểu có ý nghĩa.

Tôi cảm thấy sự phong phú của thiên nhiên và thế giới động vật có thể chạm vào cảm giác sâu kín của tâm hồn mình. Lúc đó tôi bắt đầu bén duyên với nghề chụp ảnh đời sống hoang dã.

* Cần trang bị các kiến thức lẫn kỹ năng nào để có thể theo đuổi nghề chụp ảnh đời sống hoang dã?

“Tố chất cần thiết để theo đuổi sự đam mê? Cống hiến và hy sinh. Yêu thích chưa đủ, nó phải trở thành một sự cuốn hút khó cưỡng, thành nghiệp dĩ” – nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh.

– Chụp ảnh đời sống hoang dã rất quan trọng ở kiến thức chuyên sâu về môi sinh, hành vi biểu hiện của chim thú. Chẳng hạn như nhiếp ảnh gia mảng cầm điểu cần phải tường tận hiểu biết xác định loài chim để theo dõi và hiểu cuộc gọi chim (bird call).

Chim thú cực nhạy cảm với những tiếng động hoặc mùi lạ. Săn hay rình chụp ảnh cũng đòi hỏi kỹ thuật và tường tận hành vi của mỗi loài vật. Mỗi thời khắc, các “pha hành động” của chúng chỉ xảy ra trong tích tắc. Người cầm mấy chỉ có vài giây bấm máy để ghi nhận các hành động hiếm hoi.

Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt săn ảnh thiên nhiên hoang dã
Ảnh: Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh

Có lần, tôi tham gia đợt săn ảnh loài hạc Đồi Cát (Sandhill Crane) vào mùa sinh nở. Tôi phải tận dụng các kiến thức về thói quen làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng và chăm con của loài này. Chẳng hạn như hạc Đồi Cát thích làm tổ lẩn khuất trong đầm lầy. Các tay máy phải làm sao để không đánh động chúng giữa đầm lầy mông quạnh. Chưa kể, đây lại là môi trường sống của nhiều loài cá sấu hoang dã.

Ngoài kiến thức về động vật hoang dã, người cầm máy còn phải có kỹ thuật lẫn sự kiên trì và không ngại gian khổ. Tôi mất hết 5 tuần lễ kiên trì để “săn” Hạc Đồi Cát. Mỗi ngày phải ra bãi chụp từ trước lúc bình minh và kết thúc vào cuối hoàng hôn.

Để có được những cú shot ngang tầm mắt (eye level), có lúc tôi phải lăn xả với đủ thao tác nằm bò, chổng mông, chúi mũi. Quần áo của tôi luôn bám rít mùi bùn lầy.

Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt săn ảnh thiên nhiên hoang dã
Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh – Ảnh do nhân vật cung cấp

* Tại Việt Nam, hiện có trào lưu “ai cũng có thể là một nhiếp ảnh gia” khi sở hữu một máy ảnh. Chị nghĩ gì về điều này?

– Ưu điểm của nghệ thuật nhiếp ảnh là thúc đẩy người cầm máy tìm kiếm những khía cạnh mới lạ. Nếu bạn tham vọng trở thành nhiếp ảnh gia, bạn thực sự cần những tố chất, góc nhìn riêng. Xác lập được phong cách cá nhân và sáng tạo với cái nhìn riêng. Tránh những rập khuôn, lối mòn.

Đừng lạm dụng kỹ xảo nhiếp ảnh, bạn nên cầu tiến bằng sự thực hành thường xuyên.

* Theo chị có cách nào để tạo thêm cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận nhiếp ảnh một cách đúng đắn, dùng hình ảnh mình chụp được tạo sự chú ý đến nhận thức công chúng?

– Sáng tạo nghệ thuật trước hết là một hành động nhận thức. Sự nhận thức chỉ có được khi bạn có một tâm hồn gợi mở, sự hiểu biết về con người, sự vật và xã hội chung quanh mình. Chất liệu sống luôn ở quanh bạn, bạn chỉ cần gợi mở tấm lòng, dừng lại, tinh nhạy tiếp nhận nó với tâm hồn sáng tạo của mình.

Những máy ảnh thương hiệu hàng đầu chẳng thể biến bạn trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi. Đừng quá đầu tư vào máy móc đắt tiền khi bạn vẫn còn lơ ngơ về những kỹ năng căn bản và thiếu sót về mặt thực hành. Phải chụp đúng trước khi chụp đẹp. Đừng làm dáng nghệ thuật. Hãy làm đẹp nghệ thuật.

Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt săn ảnh thiên nhiên hoang dã
Vũ điệu của loài chim – Ảnh: Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh

* Nhiều bạn trẻ Việt Nam có thế mạnh ở tuổi trẻ, ở sự sáng tạo, nhưng họ không có cơ hội tìm hiểu về nhiếp ảnh qua trường lớp thực thụ. Chị có dự tính gì về việc tận dụng những thế mạnh của người trẻ ở Việt Nam?

-Tôi mong muốn được đem lại cái đẹp cho đời qua những tác phẩm của mình. Tôi luôn tin rằng, trong mỗi tâm hồn Việt vẫn chất chứa những tình cảm, cảm xúc về cái đẹp của thiên nhiên, môi trường.

Nếu tạo cơ hội cho họ được tiếp xúc, được hiểu hơn về môi trường sống hoang dã, chắc chắn họ sẽ dần cảm nhận cái đẹp bằng sự trân quý môi trường mình đang sống, thế giới mình đang thở.

Ngoài dự định triển lãm nhiếp ảnh về đề tài chim thú hoang dã tại Hà Nội vào khoảng tháng 8-2016 cùng với đồng nghiệp là Nhiếp ảnh gia Andy Nguyễn, tôi sẽ có những lớp workshop chuyên nghiệp để hướng dẫn tường tận những kỹ năng, kinh nghiệm chụp ảnh.

Nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt săn ảnh thiên nhiên hoang dã
Một tác phẩm của  Đặng Mỹ Hạnh tại: www.hanhphoto.com

* Chị đầu tư nhiều thời gian lẫn công sức và thậm chí có thể gặp nguy hiểm cho các tác phẩm ảnh hoang dã. Có khi nào chị thấy mình cần dừng lại?

– Có một đôi lần tôi thấy mình cần dừng lại vì đi nhiều quá. Nhưng mỗi lần ngắm những tác phẩm của mình, cảm giác “muốn đi” lại sôi sục trong tôi.

Tôi nhớ lại những khoảnh khắc lẫm đẫm đầu đời của hạc con, phía trên là cảnh cha mẹ hạc đang che chở, rất đầm ấm và đầy yêu thương. Tôi nhớ những cảm giác phấn khích cao độ khi trước mắt mình là ánh sáng, bố cục đẹp như tranh và khoảnh khắc mình nín thở, bóp cò.

Những giải thưởng, những chuyến đi bù đắp cho tôi các trải nghiệm vô cùng quý giá, tôi không bao giờ hối tiếc vì lựa chọn này.

Hãy đi, hãy làm việc thật chăm chỉ, sống với đam mê của mình, rồi bạn sẽ gặt hái những thành quả đáng trân trọng

Theo : THU NGUYỆT/ tuoitre.vn

Visited 623 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...