Ảnh khỏa thân nhìn từ 4 chiều

Những năm gần đây, một số NSNA Việt Nam “thành danh” khi bước vào lĩnh vực chụp ảnh nude như: Trần Huy Hoan, Thái Phiên, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu… Ảnh nude của họ đã xuất hiện rải rác trong một số triển lãm ảnh nghệ thuật ở Việt Nam, được bày ở một số gallery cá nhân, các bar café ở HN, TP.HCM, và trên mạng cá nhân. Duy nhất có một cuốn sách ảnh nude “Xuân thì” của Thái Phiên được xuất bản công khai. Nhưng chưa hề có một triển lãm ảnh nude cá nhân của một nhiếp ảnh gia Việt Nam nào.

Ảnh nude là khó

Ảnh nude là một thể lọai khó trong các thể lọai ảnh, nhưng không phải là khó nhất như nhiều người lầm tưởng. Ngay trong ảnh nude cũng có sự phân định ra các thể lọai nhỏ (hay các nhánh) như: Erotic (khêu gợi, coi cơ thể như một biểu tượng của sex), enviroment nude (lấy ngoại cảnh làm cảm hứng để làm bật lên chủ thể), art nude (dùng nude như một chất liệu để chuyền tải một ý tưởng nghệ thuật)… Ngoài ra là loại ảnh “gợi cảm” (glamour photography), ảnh “khiêu dâm” (pornography). Cũng có những sự phân loại khác như fragments (cơ thể trong từng bộ phận), figures (các “vòng”, các số đo cơ thể), probes (lĩnh vực khảo sát khoa học)…

Ảnh nude đã xuất hiện khá sớm ở Việt Nam thời Pháp thuộc. Nhưng những bức ảnh hồi đó đa phần do người Pháp chụp mang tính tư liệu, có sự “lạ” tò mò nhiều hơn.  Khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với những trào lưu nghệ thuật đa dạng du nhập, công nghệ kỹ thuật cao phát triển, ảnh nude ở Việt Nam bắt đầu “cựa quậy”,  đòi hỏi sự hiện diện công bằng và được phổ biến rộng rãi như với các thể loại ảnh khác.

Người chụp ảnh nude còn “vướng”

Những năm gần đây, một số NSNA Việt Nam “thành danh” khi bước vào lĩnh vực chụp ảnh nude như: Trần Huy Hoan, Thái Phiên, Dương Quốc Định, Lê Quang Châu… Ảnh nude của họ đã xuất hiện rải rác trong một số triển lãm ảnh nghệ thuật ở Việt Nam, được bày ở một số gallery cá nhân, các bar café ở HN, TP.HCM, và trên mạng cá nhân. Duy nhất có một cuốn sách ảnh nude “Xuân thì” của Thái Phiên được xuất bản công khai. Nhưng chưa hề có một triển lãm ảnh nude cá nhân của một nhiếp ảnh gia ViệtNam nào. Tất cả đều “vướng” bởi giữa họ và nhà quản lý không tìm được tiếng nói chung đồng điệu. Phải chăng chính các nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp ảnh nude cũng “vướng” những vấn đề ở ngay chính các tác phẩm của họ.

“Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là vĩnh viễn”. Có thể nhìn thấy sự trồi sụt trong tay nghề của các tác giả được coi là “chuyên” chụp nude. Bên cạnh một số tác phẩm tốt là những bức ảnh rất bình thường, thậm chí tiệm cận rất gần với ảnh khiêu dâm.

Ở ta, việc chụp ảnh nude gặp khó vì nhiều vấn đề liên quan đến thuần phong mỹ tục, đến văn hóa truyền thống và những rào cản đạo đức. Những tay máy chụp nude phải âm thầm tác nghiệp trong bí mật, nói như Trần Huy Hoan là “hoạt động du kích”; vì thế không có sự chuyên nghiệp thực sự. Và các nhiếp ảnh gia đã phải cố gắng vượt qua bằng những sáng tạo chỉ riêng có ở Việt Nam. Bối cảnh chụp không ở trong phòng khách sạn, thì cũng ở những nơi hoang vắng ít người qua lại như đảo vắng, rừng hoang… Những người đi theo, không phải trợ lý ánh sáng, hình ảnh hay chỉ đạo nghệ thuật diễn xuất cho mẫu, mà chỉ là người giúp “canh” giữ không cho ai lai vãng lúc đang chụp. Còn nghệ sĩ nhiếp ảnh phải tự mình làm tất cả, từ thị phạm tư thế cho mẫu, đến điều chỉnh ánh sáng, đèn, hay sắp đặt bối cảnh, đạo cụ… Vì thế, thật khó có ảnh đẹp. Ảnh có tính nghệ thuật mang ý tưởng sâu sắc càng hiếm. Trong khi xu hướng ảnh nude của nhiếp ảnh đương đại thế giới, không chỉ chụp nude theo truyền thống – chụp các đường cong, hay vẻ đẹp của hình thể người phụ nữ, mà mở rộng biên độ, hoặc là những bức ảnh mang tính “gợi” hơn là phô bày, hoặc là sự trần trụi dữ dội. Nhưng dù theo hình thức nào thì ảnh nude của họ đều ẩn chứa những suy ngẫm về cuộc sống, mang tính nhân văn cao… Còn các tay máy Việt Nam thường theo lối mòn, dù đã cố gắng tạo những không gian bối cảnh khác lạ cho ảnh như rơm, rạ, sương mù… kể cả gara xe, chuồng nuôi gia súc…, thì vẫn quanh quẩn với những đường cong “xuân thì”, khoe vẻ thanh xuân…, và không tạo nên một ý tưởng gì sâu sắc về cuộc sống đương đại. Vì thế đặt cạnh một ảnh nude Việt Nam và ảnh nude của nước ngoài, thường dễ nhận ra ngay, và cũng vì thế ảnh nude Việt Nam hay bị rơi vào khoảng giữa khó phân biệt là nghệ thuật hay dung tục.

Thiếu mẫu nude chuyên nghiệp

Ngoại trừ những mẫu nude dành cho sinh viên các trường mỹ thuật để học môn “giải phẫu cơ thể học” trong hội họa, hiện tại Việt Nam chưa có người mẫu nude chuyên nghiệp. Gần như các mẫu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chụp ảnh nude đều là những người quen của tác giả, hay người thích chụp nude mà tình cờ hay “duyên may” mà có, thậm chí mẫu nude còn là vợ, người tình… kể cả gái mại dâm. Đứng về mặt lý thuyết, mẫu nude là sự tồn tại khách quan, được sự chủ quan – cái nhìn và tư duy ý tưởng của nghệ sĩ nhiếp ảnh tái tạo lại. Nếu “cao tay”, thì ảnh có cái “thần”, có ý tưởng, có câu chuyện, tạo nên tác phẩm đẹp, có ý nghĩa. Nhưng ở Việt Nam vì không có mẫu chuyên nghiệp, có trang bị kiến thức về nghệ thuật diễn xuất, nghệ thuật tạo hình cơ thể…, nên có sự “chênh” giữa mẫu và người chụp. Người mẫu không nắm vững được ý đồ tác giả, không “diễn” được điều tác giả muốn thể hiện. Phần khác, những bức ảnh được chụp thường là “bí mật” theo kiểu “đánh nhanh, rút gọn”, ở những bối cảnh không mấy thoải mái tự do, không có “môi trường” để mẫu có thể có cảm xúc thăng hoa đồng điệu. Vì thế khá nhiều buổi chụp nude thất bại dù cả hai – người mẫu và người chụp đều đổ mồ hôi thực sự.

Công chúng có cần ảnh nude?

Có lẽ do những ảnh hưởng về đạo đức truyền thống và văn hóa phương Đông, cho dù đã ở thời “toàn cầu hóa”, có thể biết tất cả thế giới nông sâu dài rộng, có gì xảy ra 24 giờ/ 24 giờ dù chỉ ngồi ở nhà với một phương tiện thông tin công nghệ cao, thì công chúng Việt Nam vẫn chưa cảm thấy nhu cầu cần có những triển lãm ảnh nude. Internet đã như một sự bão hòa thỏa mãn vì họ có thể xem ảnh nude bất cứ lúc nào, bất kể là nude nghệ thuật hay nude porno, erotica… Ảnh nude Việt Nam, đối với số đông công chúng Việt quan tâm lại rơi vào những nhân vật thuộc giới showbiz Việt, và họ xem ảnh nude là để thỏa trí tò mò những số đo hình thể, những vòng cong gợi cảm, hấp dẫn của những mỹ nhân giới này. Khi xem một ảnh nude, điều quan tâm của họ đầu tiên là mặt cô mẫu có đẹp không, số đo ba vòng có “chuẩn” không, tư thế có gợi cảm không, chứ họ gần như không quan tâm bức ảnh này tác giả muốn nói gì, thể hiện ý tưởng gì, câu chuyện gì, cho dù người mẫu nude chụp với lá với hoa, hay lăn lộn trong đống rơm, ngả ngớn trong một gara xe đầy dầu nhớt, hay ở mỏm đá chơ vơ như đảo hoang, dưới thác nước ào ào tuôn chảy…

Ở một khía cạnh khác, công chúng Việt có nhiều trình độ cảm thụ nghệ thuật khác nhau, không phải ai cũng có nhận thức đúng về ảnh nude, để có sự nhận thức đúng đắn đâu là nghệ thuật, đâu là dung tục. Với công chúng, có hay không có triển lãm ảnh nude cũng chẳng ảnh hưởng hay thiệt thòi gì, vì ảnh nude hay bất kỳ lọai hình nghệ thuật nào khác cũng chỉ là để giải trí, thư giãn khi có thời gian rảnh, chứ không phải nhu cầu thiết yếu, không có không được. Nên trong chừng mực nào đó, nhu cầu ảnh nude có lẽ chỉ thuộc vào giới nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp ảnh nude, họ muốn trưng bày tác phẩm của họ như một cách báo cáo thành quả lao động nghệ thuật của họ, và cũng là thỏa mãn cái “tôi” nghệ sĩ khi “dấn thân” vào lĩnh vực ảnh có nhiều khó khăn này.

Nhà quản lý tiến thoái lưỡng nan

Thông tư quy định hoạt động Nhiếp ảnh thực chất đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL yêu cầu từ tháng 3/2011 trong Quyết định số 940/QĐ-BVHTTDL (ngày 21/3/2011). Thông tư (dự thảo) quy định hoạt động Nhiếp ảnh gồm 6 chương 22 điều, 7 phụ lục, trong đó có quy định quan trọng về: Thẩm định ảnh; Sử dụng ảnh trong in ấn, chuyển chất liệu, kết hợp với loại hình nghệ thuật khác, những hành vi bị nghiêm cấm…

Từ tháng 9/2011, Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh & Triển lãm đã đưa lên trên website chính thức của Cục để mời các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào Dự thảo Thông tư:“Thông tư Quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh” đang được soạn thảo. Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh & Triển lãm cũng quyết đưa việc quản lý “ảnh nhạy cảm” vào một mục riêng của chương 5: “Sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh trên các phương tiện truyền thông”. Khi Thông tư này được ban hành sẽ thay thế quy chế cũ ban hành cách đây đã hơn 10 năm, có nhiều điểm không còn phù hợp với sự phát triển của đời sống nhiếp ảnh hiện nay. Nhưng rồi qua 7 lần sửa đổi thông qua lấy ý kiến của các nhà quản lý văn hóa cũng như đại diện giới nghệ sĩ nhiếp ảnh qua nhiều cuộc Hội thảo đóng góp cho Thông tư, cho đến nay là tháng 1/2013, cũng chưa ra được thông tư về vấn đề ảnh nude.

Đến nay, ảnh nude chưa được nhắc tới trong bất cứ điều khoản nào, trong khi vấn đề ảnh nude, nhất là việc phát tán trên internet mỗi ngày một phức tạp cho thấy đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước về nhiếp ảnh không nên, không thể cứ mãi lảng tránh.

Nhưng nếu như đề cập vần đề ảnh nude, nghĩa là trong Thông tư phải bổ sung thêm những quy định, ràng buộc cụ thể về quyền và pháp lý về việc sáng tạo: bao gồm tác giả, người mẫu; đối tượng, độ tuổi thưởng thức – có cần dán nhãn quy định tuổi như với phim điện ảnh?; Phạm vi không gian trưng bày, triển lãm, phổ biến… đối với ảnh nude, mà như thế là làm khó cho cơ quan quản lý, vì nó lại phụ thuộc vào những văn bản mang tính luật pháp trước đó của những bộ luật, hay Nghi định, Thông tư liên quan.

Ảnh nude bốn chiều như hiện tại sẽ vẫn là cánh cửa hẹp đối với các NSNA Việt Nam “chuyên” ảnh nude, họ vẫn cứ phải ngóng, đợi một ngày ảnh nude được mở rộng cửa.

Tác giả: Việt Văn
Visited 2,272 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...