Quảng bá Việt Nam bằng hình ảnh: Việt Nam hấp dẫn nhiều tay máy ngoại

Khi nhiếp ảnh trở thành thú vui đại chúng, nhà nhà cầm máy, người người cầm máy. Ai có di động dùng di động, ai có iPad xài iPad và không hiếm tay chơi amateur (tạm hiểu là tài tử) xài máy “khủng”, ống kính “khủng”. Nhiếp ảnh có thể trở thành công cụ quảng bá du lịch mạnh mẽ cho VN.

Người nước ngoài chụp ảnh về Việt Nam rất khác so với cách nhìn của người Việt chụp xứ mình. Có thể do sự khác biệt về văn hóa, cảm xúc và thói quen. Một Việt Nam sau chiến tranh có sức hấp dẫn dặc biệt cái nhìn của họ. Vừa hoang tàn vừa mới mẻ, vừa hoang sơ vừa hiện đại, vừa thân thiện vừa kỳ lạ…

 

Một tác phẩm của Réhahn.Một tác phẩm của Réhahn

 

Tôi đã chứng kiến một khách Tây “ba lô” ngắm nghía bức tường gạch loang lổ những dòng chữ “khoan cắt bê tông” một cách xiêu vẹo, xấu xí và bấm xoành xoạch. Tình cờ, sau này, tôi đã nhìn thấy bộ ảnh đó thắng giải ở thể loại Travel (Du lịch) trong một cuộc thi ở Pháp…

Có ba loại người nước ngoài chụp ở VN: Phóng viên ảnh, khách du lịch và người nước ngoài làm việc, sống lâu ở VN (trong đó không ít người lấy vợ VN rồi định cư luôn). Đôi khi loại thứ hai và thứ ba cùng nhập vào nhau.

Mắt phóng viên ảnh Tây

Có dịp tham dự vài khóa học IMMF (Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương), tôi đã chứng kiến những phóng viên ảnh kỳ cựu của AP và các hãng thông tấn nổi tiếng của nước ngoài như Tim Page, Nick Út, Steven Northup, James Natchwey… chụp về VN.

Đã từng sang VN chụp ảnh chiến tranh, nên khi quay trở lại VN, cái họ quan tâm là một VN trong hòa bình, xây dựng, đổi mới và phát triển. Phóng viên chiến tranh hiểu cái giá của hòa bình đắt đến nhường nào, bởi thế ảnh chụp thời bình của họ mang tính nhân văn, đẹp hiền hòa. Tim Page rất thích thú chụp ảnh sinh hoạt làng quê Việt, nét văn hóa bản địa từ cảnh cô gái áo dài lễ chùa cho đến mấy bà bán hàng rong tranh thủ ngủ trưa trên hè… Steven Northup thì hào hứng chụp cảnh múa rối nước ở Bảo tàng Dân tộc học. Cả Tim và Steven cũng rất mê cảnh làm hương ở các làng nghề thủ công. Nick Út thì mê chụp những bà bán hoa buổi sớm ở phố cổ, quanh hồ Gươm, Nick còn hứng thú ra cầu Long Biên chụp những đứa trẻ tắm, vui chơi trên sông Hồng. Bà Gaby Sommer – nữ ký giả người Đức cũng mê chụp trẻ em, đặc biệt bộ ảnh chụp trẻ em dioxin ở làng Hòa Bình, nhuốm sự lạc quan từ ánh mắt, nụ cười.

Một tên tuổi lớn có thể coi là huyền thoại của nhiếp ảnh thế giới: Nhiếp ảnh gia Steve McCurry (hãng ảnh Magnum) từng đặt chân đến nhiều nước diễn ra chiến tranh, bạo loạn hoặc đang phải chiến đấu với đói nghèo. Ông chụp rất nhiều đề tài, riêng với VN là loạt ảnh về những người mắc bệnh AIDS. Steve McCurry đã về những vùng nông thôn nghèo, ghi lại những bức ảnh báo chí đầy cảm xúc về gia đình những người “có H” (nhiễm AIDS).

Những tay chơi tài tử

Người du lịch nước ngoài đến VN có nhiều loại, trong đó có những tay săn ảnh cho các tạp chí du lịch nổi tiếng như Traveller National Geographic, Lonely Planet…

Mới đây, báo chí rộ lên chuyện nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle tặng Bảo tàng Phụ nữ VN tấm ảnh cụ bà đẹp nhất thế giới về bà cụ chèo đò ở Hội An. Bức ảnh đó là 1 phần trong bộ ảnh chụp ròng rã 7 – 8 năm trời nằm trong cuốn sách “Vietnam – Mosaic of Contrasts” (Việt Nam – Những mảnh ghép tương phản), một phần trong gia tài hơn 30.000 bức ảnh về VN của Réhahn. Réhahn được gọi là “người sở hữu nhiều nụ cười VN đẹp nhất” và khai thác VN ở nhiều khía cạnh, từ phong cảnh đến con người với những phong tục văn hóa bản địa đặc sắc, kết hợp Đông – Tây. Ảnh của Reshand rất sống động, như em bé ngồi trên lưng trâu giữa núi rừng Tây Bắc vươn tay ra như muốn bật nhảy, bà lão bán hàng thổ cẩm ở Sa Pa che miệng móm mém…

Một cái tên khác nổi bật là Sébastien Laval (Pháp) cũng dành nhiều thời gian đến các vùng đất ở VN, đặc biệt là vùng cao phía Bắc, ghi lại hình ảnh con người, đời sống, phong cảnh bằng ảnh đen trắng. Ông đã chụp đủ 54 dân tộc ở VN với những hình ảnh mang tính tài liệu dân tộc học và đậm chất văn hóa đặc trưng. Năm 2014, ảnh của ông đã cùng bày chung với ảnh của nhà nhiếp ảnh VN Lê Vượng tại Paris (Pháp). Ảnh của Sébastien Laval có phong cách khá giống với ảnh của người Pháp chụp VN thời thuộc địa ở thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một phong cách chụp theo lối tài liệu để nghiên cứu nhân chủng học, dân tộc học nhiều hơn.

Một số tác giả nước ngoài khác cũng ra sách ảnh về VN, như một nữ tác giả Nhật Bản, một anh người Canada. Nổi bật là Hans Kemp (Hà Lan) với hàng loạt tập sách ảnh về VN, đặc biệt về phương tiện giao thông và chuyên chở của người Việt ở 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Còn nhớ năm 2014, có một bức ảnh gây bão trên mạng xã hội Facebook, chụp một phụ nữ nông thôn VN đi ngang qua con đường gốm sứ từ địa chỉ facebook có tên “Cyril Vietnam” đăng tải lên group “Vietnam Streetlife Photography”. Bức ảnh đó của một anh chàng người Pháp, được cư dân mạng xúm vào khen, bình tán rôm rả. Bức ảnh đó là sự công phu kiên nhẫn, nhạy cảm nắm bắt đúng khoảnh khắc đắt giá nhất của “Cyril Vietnam” khi anh này cũng “trưng “ra một series ảnh chụp về người lao động đi ngang qua con đường gốm sứ.

Và nhiều nữa trong các cuộc thi ảnh quốc tế, các diễn đàn mạng, hình ảnh về VN xuất hiện ngày một nhiều và đa dạng hơn. Bức ảnh “Vẽ ký họa” của tác giả người Canada Jennifer Holmes Beamer chụp tại Hà Nội với lời tự bạch: “Băng qua những con phố đông đúc ở Hà Nội, tôi nhìn thấy người họa sĩ già này. Vẻ tập trung cao độ trên khuôn mặt ông và sự hứng thú khi tay đưa bút vẽ khiến tôi tưởng như ông đang sống trong một thế giới riêng tịch mịch không liên quan gì tới phố phường huyên náo”. Và một bức ảnh đẹp long lanh như tranh “Bóng in dưới ruộng” của tác giả người Bỉ Adriaan Devillé: “Tôi đang đi từ thị trấn này sang thị trấn khác, say sưa ngắm nhìn cảnh vật với rất nhiều ruộng lúa xinh đẹp, bất ngờ tôi nhìn xuống một khoảnh ruộng, chợt nhận ra có bóng người in dưới đó. Đây là một khoảnh khắc chớp nhoáng”.

Không kể hết cũng như điểm ra những tác giả, những bức ảnh đẹp, ấn tượng về VN của người nước ngoài. Chính họ là những đại sứ du lịch không danh hiệu đã mang cái tên Việt Nam thân thiện, hấp dẫn đi xa hơn trên trường quốc tế.

Theo laodong.com.vn

Visited 946 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...