2 bài viết nói về chụp ảnh macro và những kinh nghiệm tích lũy

2 bài viết nói về chụp ảnh macro và những kinh nghiệm tích lũy. Chụp ảnh macro được hiểu là chụp ảnh phóng đại , chụp những thứ có trong thế giới nhỏ bé, bài viết này tổng hợp 2 nhóm chuyên đề về macro giúp bạn tìm hiểu sâu và rút kinh nghiệm khi chụp macro

1. Chọn đối tượng để chụp ảnh macro

Trong nghệ thuật chụp macro, chúng ta có rất nhiều chủ đề để lựa chọn, ví dụ như: thiên nhiên, nữ trang, chất liệu, bộ phận cơ khí, bộ phận điện tử, hay các bộ phận của con người… Trong đó, việc chụp đối tượng trong tự nhiên đặc biệt là côn trùng là việc hết sức khó khăn bởi tính khó nắm bắt. Chỉ cần một hơi thở nhẹ bạn cũng có thể vuột mất một khuôn hình đẹp mà mãi sau này bạn cũng không thể gặp lại lần nữa vì bạn đã đánh mất “linh hồn” của bức ảnh.
Nếu bạn muốn chụp ảnh bươm bướm thì hãy chọn thời điểm sáng sớm và chiều tà ở các vườn hoa. Nếu bạn muốn tìm chuồn chuồn thì hãy đến các ao, đầm, hồ…Nhưng dù đi đến địa điểm nào thì điều kiện tiên quyết là phải kiên nhẫn và không nên đến quá gần chủ thể, tránh bóng phủ lên chủ thể hoặc làm chủ thể kinh động mà bay mất.

Làm sao để chụp macro đẹp hơn
Chủ thể trong tự nhiên là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật chụp macro

Cuối cùng, dù là bạn muốn chụp macro thiên nhiên, các bộ phận của con người hay chụp nữ trang thì bạn hãy để đối tượng được chụp ảnh macro chiếm tối thiểu 75% khuôn hình. Bởi vì chụp cận cảnh với macro có mục đích chính là thu hút người xem về một đối tượng, giới thiệu đối tượng, làm cho sự vật có thể bình thường ở ngoài tự nhiên nhưng không tầm thường trong nghệ thuật ảnh macro.

2. Chọn thiết bị lens macro phù hợp

Đối với việc chọn thiết bị kỹ thuật, việc chọn tỷ lệ phóng đại của ống kính macro là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ống macro có tỷ lệ phóng đại đạt chuẩn là 1:1, nếu tỷ lệ này nhỏ hơn 1:1 đồng nghĩa với việc ống kính đấy không phải là ống kính macro. Ngoài ra, bạn cần chọn lens có tiêu cự phù hợp với từng loại chủ thể. Ví dụ, lens có tiêu cự tầm 50 – 65mm thì bạn có thể chụp chất liệu vải, len, nữ trang hay các bộ phận nhỏ cơ khí, điện tử. Nhưng nếu lens có tiêu cự 85 – 180mm thì đây là lens tuyệt vời để bạn chụp hoa và côn trùng.
Có một thực tế trong việc chọn lens là ống kính có tiêu cự ngắn sẽ có kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ và giá cả sẽ rẻ hơn.

3. Điều chỉnh nét bằng tay

Một bức ảnh đẹp luôn phải có tiêu chí là ảnh rõ ràng và sắc nét. Tiêu chí dành cho ảnh macro và cũng để phân biệt với loại ảnh khác là ngoài có hai yếu tố trên còn có tiêu chí khác đó là độ sâu trường ảnh (DOF). Để tăng DOF bạn cần để khẩu độ càng nhỏ càng tốt và tự lấy nét bằng tay – kỹ thuật dùng để tăng độ sắc nét nơi vùng đối tượng.

Làm sao để chụp macro đẹp hơn
Hãy tự lấy nét bằng tay để khoanh vùng lấy nét mà bạn muốn.

Một bí kíp để bạn lấy nét dễ dàng không phải là bật chế độ tự động của máy mà chính là tư thế chụp. Bạn hãy thử đưa máy ra sau, hướng người đổ về phía trước, có phải dễ lấy nét hơn không nào?

4. Sử dụng chân máy

Trong kỹ thuật chụp cận cảnh với macro, bạn nên đầu tư cho mình một chân máy (tripod) để tránh tình trạng bị out nét do run tay. Đối với nghệ thuật chụp macro, chỉ cần một hơi thở nhẹ hoặc một chút run máy cũng có thể ví như một cơn địa chấn mạnh đối với chủ thể được chụp.
Hiện nay, trên thị trường mua bán TPHCM có bán rất nhiều loại giá đỡ nhưng để chụp ảnh macro tốt nhất, bạn nên chọn loại giá đỡ có tấm che để chất lượng ảnh được tốt hơn.

5. Kiểm soát tốc độ bấm máy

Bạn hãy cố gắng học cách kiểm soát tốc độ bấm máy của bản thân vì chủ thể chụp không phải lúc nào cũng ở dạng tĩnh. Đặc biệt là khi bạn chụp đối tượng côn trùng – chủ thể khó nắm bắt. Nếu chủ thể đang ở trạng thái động, bạn nên bấm máy thật nhanh để bắt được tư thế, góc ảnh đẹp lí tưởng.

6. Ánh sáng là yếu tố không thể bỏ qua trong chụp cận cảnh với macro

Bóng tối đôi khi được xem là góc khuất tuyệt vời trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Nhưng đôi khi, chính nó lại là “kẻ thù” giết chết một khuôn hình. Trong nghệ thuật chụp macro, ánh sáng là điều hết sức cần thiết. Đôi khi, giữa ánh sáng gay gắt của nắng ban trưa nhưng bạn vẫn phải bật flash hoặc các thiết bị hỗ trợ ánh sáng khác để cung cấp đủ ánh sáng cho vật thể được chụp. Tuy nhiên, bạn đừng bao giờ để ánh sáng của mình làm chủ thể kinh động mà bay mất.
Lời khuyên dành cho bạn là hãy sử dụng một miếng tản sáng. Thiết bị này sẽ giúp ánh sáng của đèn flash trở nên “mềm” hơn, tự nhiên hơn.

7. Sáng tạo không ngừng

Điều cuối cùng, việc bạn chọn nhiều góc ảnh, chụp nhiều đối tượng và luôn tìm tòi vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống sẽ giúp bạn nâng cao kỹ thuật chụp cận cảnh với macro. Chụp macro hay chụp chân dung cũng đều là nghệ thuật và một khi bạn đã đam mê nghệ thuật, đam mê việc sáng tạo thì sự “thành công” là không có điểm dừng.

Làm sao để chụp macro đẹp hơn

Bài số 2 – Chụp ảnh macro thế nào cho đẹp?

Khi lướt qua những bông hoa hoặc những con côn trùng lạ mắt, chắc hẳn bạn luôn muốn chụp vài bức ảnh. Kiểu chụp cận cảnh (macro) sẽ mang lại những bức ảnh đẹp có cảm xúc bất ngờ. Cho dù bạn đang sở hữu camera dSLR, camera bỏ túi hay camera trên smartphone, hãy thử áp dụng vài mẹo chụp ảnh macro dưới đây.

Một số lưu ý khi chụp ảnh macro

Chế độ macro

Bạn có thể chụp được những bức ảnh cận cảnh thực sự đẹp với hầu hết các camera nếu ghi nhớ một vài quy tắc. Và dưới đây là những gì bạn cần cần biết.

Một số lưu ý khi chụp ảnh macro

Ảnh macro chụp từ camera của một chiếc iPhone

Đầu tiên, tất cả các ống kính camera đều có một khoảng cách lấy nét tối thiểu. Bạn không thể vi phạm quy định này của ống kính, nếu bạn đặt ống kính quá sát đối tượng thì hình ảnh sẽ bị mờ. Ví dụ, ống kính của camera trên iPhone có khoảng cách lấy nét tối thiểu trong khoảng 5 đến 7,5 cm. Nếu đặt đúng khoảng cách này bạn sẽ không cần phải thực hiện thêm bất cứ thao tác đặc biệt nào để kích hoạt chế độ chụp cận cảnh.

Mặt khác, nhiều camera bỏ túi sẽ không tự động lấy tiêu điểm khi bạn đặt ống kính gần đối tượng. Để chụp ảnh macro bạn cần phải kích hoạt chế độ chụp macro của camera bằng một nút hoặc menu thiết lập với biểu tượng hoa tulip. Chế độ macro sắp xếp lại ống kính của camera để lấy tiêu điểm rất gần, nhưng khi chụp xong bạn nhớ phải tắt nó đi bởi vì trong chế độ macro, camera sẽ không thể lấy tiêu điểm rõ nét vào đối tượng đang ở khoảng cách bình thường.

Độ sâu trường ảnh – DOF

Sự khác biệt lớn nhất giữa ảnh macro và ảnh chân dung/phong cảnh thông thường là ở DOF mà bạn tạo ra. DOF là khu vực trong bức ảnh của bạn mà mọi vật thuộc khu vực đó đều hiện ra sắc nét, thường nằm ở một khoảng phía trước và phía sau đối tượng chính của bạn.

DOF trong các bức ảnh thông thường, ví dụ như khi bạn chụp cả gia đình đang đứng trước một bụi hoa hồng chẳng hạn, thì vùng DOF của ảnh sẽ cần rộng hơn để tất cả mọi người trong ảnh và cả bụi hoa đều được rõ nét. Với những bức ảnh như vậy, gần như bạn không phải quan tâm nhiều đến DOF, chỉ cần mọi thứ đều sắc nét là được. Khoảng cách giữa bạn và đối tượng có thể cách xa đến vài mét.

Tuy nhiên khi chụp ảnh cánh hoa và côn trùng, vùng nét DOF có thể rất nhỏ, có khi chỉ bằng một vài centimet. Và khoảng cách giữa bạn và đối tượng cũng thu hẹp lại tương ứng.

Một số lưu ý khi chụp ảnh macro

Khi chụp ảnh macro những bông hoa bạn sẽ thấy rõ DOF thực sự rất nhỏ

Nếu bạn có một camera dSLR hoặc một camera bỏ túi đầy đủ chức năng, bạn có thể tối đa hoá DOF bằng cách thay đổi khẩu độ, khẩu độ f/16 hoặc f/22 tạo ra khoảng DOF lớn nhất. Nếu bạn chỉ có một chiếc smartphone hoặc một camera không thể thay đổi khẩu độ bạn hãy thử một cách khác đó là thiết lập camera hoặc smartphone sang chế độ chụp cận cảnh. Nó sẽ tự thay đổi khẩu độ để đạt được DOF tối ưu nhất có thể. Dù bằng cách nào đi nữa thì có một điều luôn đúng: Càng ở gần sát đối tượng mà bạn định chụp thì DOF càng nhỏ, và khi máy ảnh của bạn chỉ cách đối tượng vài centimet thì cũng đừng ngạc nhiên nếu DOF chỉ là một vùng nhỏ xíu.

Một số lưu ý khi chụp ảnh macro

DOF không quan trọng nếu khoảng cách từ mọi thứ tới ống kính camera tương đương nhau

Một giải pháp cho khó khăn này là bạn hãy chụp ảnh với một suy nghĩ trong đầu là DOF sẽ rất nhỏ, hãy tìm cách làm sao để vùng nét nằm ở vị trí bạn muốn. Nếu đối tượng của bạn trải rộng từ tiền cảnh tới hậu cảnh, chắc chắn sẽ có một vài phần của bức ảnh bị mờ. Nhưng nếu bạn thay đổi góc nhìn và chụp bức ảnh với đối tượng nằm vuông góc với ống kính – sao cho mọi phần của đối tượng đều có một khoảng cách bằng nhau so với ống kính máy ảnh, khi đó DOF sẽ trở nên ít quan trọng. Bạn sẽ có thể chụp bức ảnh lấy nét vào tất cả đối tượng.

Kiểm soát độ rung của camera

Ở khoảng cách chụp khá gần, một chút rung camera dù nhẹ cũng có thể giống như một trận động đất. Tốt nhất khi chụp macro bạn nên đặt camera trên giá đỡ tripod hoặc một số thiết bị hỗ trợ khác.

Một số lưu ý khi chụp ảnh macro

Giá đỡ tripod cùng tấm che sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn khi chụp ảnh macro

Hiện tại cũng đã có những giá đỡ tripod cho iPhone hoặc smartphone khác.

Ánh sáng

Cuối cùng, phải nói thêm một chút về ánh sáng. Ánh sáng mặt trời trực tiếp không giúp tạo ra những bức ảnh cận cảnh thiên nhiên tuyệt vời, một phần vì trong bức ảnh cuối cùng của bạn sẽ có các biến thể của ánh sáng và bóng. Bạn sẽ chụp được những bức ảnh đẹp hơn với ánh sáng gián tiếp, có nghĩa là bạn nên chụp ảnh khi mặt trời đang bị mây che, hoặc chụp các đối tượng trong bóng râm. Khi chụp ảnh thiên nhiên bạn có thể mang theo thiết bị chắn sáng để giảm ánh sáng trực tiếp vào đối tượng. Bạn cũng có thể chụp ảnh vào thời điểm buổi sớm và chiều trong ngày khi ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp trên cao xuống. Dù bằng cách nào đi nữa, bạn nên ghi nhớ tránh chụp ảnh khi ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào đối tượng bạn định chụp.

Nguồn: Hoàng Kỷ – vnreview.vn

Visited 827 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...