Đánh giá so sánh lens 35 mm của các hãng Canon Zeiss – sigma – samyang – nikon

Review các lens 35mm f/1.4 đã có rất nhiều trên internet, bằng tiếng Việt cũng như tiếng Anh. Nhưng hầu hết chúng là những bài viết đơn lẻ, phản ánh được đặc điểm của từng ống kính, tuy nhiên vì mỗi bài viết được thực hiện trong những hoàn cảnh khác nhau nên rất khó để người xem có thể mường tượng một cách khách quan về định lượng, chất lượng của các ống kính khi so sánh với nhau. Ngay cả những bài review DxO hay dpreview cũng quá nặng về con số mà thiếu đi thử nghiệm thực tế chính là hình ảnh. Ngoài ra, khi nói về chất lượng quang học còn có những yếu tố khó có thể đánh giá một cách định lượng bằng đo đếm như tương phản ngược sáng, color render, nếu không đặt các ống kính vào cùng một hoàn cảnh và so sánh với nhau, ta không thể biết được năng lực thực sự của chúng như thế nào.

Đó là lý do TThach quyết định thực hiện bài review Battle 35mm f/1.4 lần này. Đây là sẽ bài viết đầu tiên vừa tổng thể lại vừa tỉ mỉ, đẩy tất cả những ống kính 35mm f/1.4 vào những cuộc đụng độ khác nhau. Để từ đó người xem có thể định lượng hóa những khác biệt về chất lượng giữa các ống kính. Đây cũng là lần đầu tiên có một bài viết mổ xẻ và moi móc tận cùng về các bệnh quang học và yếu tố kĩ thuật tạo nên chất lượng quang học của lens mà chưa từng nơi nào đề cập một cách đầy đủ. Bài so sánh này hứa hẹn sẽ là tham chiếu quan trọng và là lời đáp cho những định kiến hay những lời đồn đại từ lâu về các huyền thoại 35L, Zeiss hay Ai-s.

Xin giới thiệu với mọi người:

BATTLE OF THE 35MM F/1.4 LENSES

 

Các ứng viên:

_Canon EF 35mm f/1.4L
_Zeiss Distagon 35mm f/1.4 ZE
_Sigma 35mm f/1.4 Art
_Samyang 35mm f/1.4 UMC
_Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s

Và 2 ứng viên phụ:
_Zeiss Distagon 35mm f/2 ZE
_Canon EF 35mm f/2 IS

(rất đáng tiếc khi phải bỏ qua Nikon 35mm f/1.4 Nano vì lens này không lắp được lên thân EOS. TThach không tìm được mount chuyển điện tử nên đành gác lại thực hiện một sub-review sau này khi có điều kiện)

Các mặt trận đụng độ:

Bokeh
_Bokeh Shape (Lá bokeh)
_Fellow Background (độ mịn BG)
CA (Chromatic Aberation)
_Longitudinal-CA/Color fringing (viền tím)
_Lateral-CA (sắc sai)
_Sphero-Chromatism (sắc cầu sai)
Against light contrast (tương phản ngược sáng)
Viginette/Falloff (tối bốn góc)
Distortion (méo hình)
Flare/Halo
_Flare
_Halo
Color Render (màu sắc thể hiện)
Detail and Sharpness Center/Border (nét tâm/rìa)

Trước khi Battle có thể bắt đầu. TThach xin trình bày về cách thức và nguyên tắc thực hiện. Tất cả các bài test trong Battle of the 35mm f/1.4 lenses đều được thực hiện với:1. Cùng một thân máy fullframe Canon EOS 6D.
2. Giữ chính xác cùng một vị trí bởi chân máy rất chi là xịn.
3. Thực hiện trong cùng một điều kiện ánh sáng.
4. Thân máy cài đặt chế độ cân bằng sáng đồng nhất và không đổi, Picture Style Neutral để đảm bảo độ chân thực tối đa. Thân máy tắt hết các chức năng sửa ảnh, khử noise..
5. Lấy nét bằng Live View chính xác 100%, điều khiển bằng dây bấm.
6. Tất cả các bài test có liên quan đến độ chi tiết, độ nét, màu sắc đều được chụp ở định dạng RAW và convert sang jpg với mọi thông số giống hết nhau.
7. Các ống kính đều có độ mới ở mức 98%, kính đẹp hoàn hảo và không lắp filter, hood.

Tất cả nhằm đảm bảo tính chính xác, tính khách quan ở mức cao nhất.

__________________________________________________ _____________________________________

Bây giờ BATTLE of the35mm f/1.4 lenses chính thức bắt đầu và mở màn với trận đấu đầu tiên:

Bokeh

Hiệp 1. Bokehshape (hình dạng lá bokeh)

Chúng ta hãy cùng xem hình dạng lá bokeh của ống kính tại các khẩu độ khác nhau như thế nào. Hình dạng lá bokeh cũng tương đối quan trọng đối với nhiếp ảnh, đặc biệt là strowbist, streetlife những scene chụp phố xá lúc nhập nhoạng tối. Mặc dù khó có thể đưa ra một barem để khẳng định bokeh shape thế nào là đẹp nhất, nhưng rõ ràng không dễ chịu gì nếu lá bokeh ở background hiện lên với hình dạng đa giác vuông thành sắc cạnh. Nhìn chung, bokeh shape dạng tròn, sáng đều được chấp nhận rộng rãi là bokeh shape tối ưu.

Bây giờ chúng ta hãy cùng xem bokeh shape của các ống kính 35mm như thế nào. TThach chỉ test ở f/1.4, f/2 và f/2.8 là các khẩu độ sử dụng phổ biến. Các khẩu độ f/4 trở lên rõ ràng là ít sử dụng hơn khi chụp chân dung, mặc dù vậy, bokehshape của các ống kính tại các khẩu độ này dễ dàng nội suy từ bokehshape ở f/2.8.

Tổng kết hiệp 1:

*Lưu ý trước: Lá bokeh của Samyang và Zeiss 35mm f/1.4 to hơn các lá còn lại. Trong khi lá bokeh của Canon 35mm f/2 IS nhỏ nhất, rồi tới Canon 35L. Lý do là bởi vì các ống kính 35mm này tiêu cự không hoàn toàn giống nhau. Có ống kính sẽ là 36 37, có ống kính chỉ được 34mm. Vì vậy góc nhìn của các lens rộng hẹp cũng khác nhau. Các lens hẹp hơn cho lá bokeh to hơn ở cùng khẩu độ và cự ly lấy nét. Samyang là loại 35mm dài hơn, trong khi Canon 35mm f/2 là loại 35mm ngắn hơn.

_ Lá bokeh của Sigma 35mm f/1.4 Art tỏ ra tròn hơn cả. Ngay cả khi khép khẩu f/2 tới f/2.8, lá bokeh vẫn giữ được hình dạng gần như tròn đều. Tuy nhiên Bokeh của Sigma có hình dạng lát cắt hành, xoắn vào trong tâm. Đây là một đặc điểm có thể có người cho là thú vị, có người lại không hài lòng.
_ Lá bokeh của Zeiss Distagon 35mm f/1.4 tròn thứ nhì với 9 lá khẩu. Tuy nhiên bokeh màu lạnh của lens có dấu hiệu bị sai màu ở viền và giảm dần khi khép khẩu. Điều này có thể có sự liên hệ tới hiện tượng viền tím rất nặng của lens tại khẩu lớn, được nhắc đến ở trận đấu phía sau. Lá bokeh của Zeiss 35mm f/1.4 cũng có hình lát cắt hành nhưng nhẹ hơn nhiều so với Sigma.
_ Lá bokeh của Samyang 35mm f/1.4 UMC tròn thứ ba với 8 lá khẩu và 8 lá khẩu này được thiết kế nằm, tức là các cạnh song song với các khung của ảnh. Bokehshape của Samyang 35mm f/1.4 không có dạng lát cắt hành nhưng có các vân li ti chứ không hoàn toàn phẳng phiu.
_ Lá bokeh của Canon 35mm f/1.4L tròn thứ tư với bokeh 8 lá nhưng đặt dọc, tức là để các đỉnh tiếp xúc với các trục dọc và ngang của khung hình. Khi khép tới f/2.8 bokehshape cho hình bát giác vuông thành sắc cạnh.
_ Lá bokeh của Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s xấu nhất trong các lens. Tại f/1.4 bokehshape bị đậm viền, và khi khép khẩu, bokehshape trở thành đa giác 7 cạnh rất vuông và sắc.

_ Lá bokeh của Canon 35mm f/2 ISZeiss Distagon 35mm f/2 gần như rất tròn và tương tự nhau. Lá bokeh của Zeiss 35mm f/2 cũng có dấu hiệu bị sai màu ở viền với các lá bokeh màu lạnh. Hiện tượng này giảm đi khi khép khẩu giống như hiện tượng viền tím.

Sơ bộ: Nếu chỉ đánh giá riêng các lens 35mm f/1.4 thì Sigma 35mm f/1.4 Art và Zeiss 35mm f/1.4 cho kết quả khả quan nhất. Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s cho kết quả tồi nhất.

______________________________

Hiệp 2: Blurry Background (độ mịn xóa phông)

Độ mịn xóa phông cũng hay được nhắc đến khi đánh giá về một lens khẩu lớn. Đối với nhiếp ảnh chân dung, người ta có xu hướng đánh giá cao những ống kính xóa phông mịn màng, tơi nhuyễn như kem (creamy) thay vì các background gắt, và nát bởi nhiều vết băm chém do lá bokeh quá sắc tạo ra. Nhìn chung, độ mịn xóa phông được coi là tối ưu khi background mịn màng, mượt mà nhất.

Bài test xóa phông được thực hiện ở cự ly lấy nét 0,4m. Background cách thân máy 1 khoảng 1,8m.

Và đây là màn thể hiện của từng lens:

Tổng kết hiệp 2:

_Không có sự khác biệt nhiều về độ mịn của Background giữa các ống kính, ngoại trừ Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s có background bị nát ở f/1.4.
_Samyang có background mịn màng nhỉnh hơn các ống kính còn lại do ưu thế về độ dài tiêu cự (Samyang 35mm thực chất có thể là 37mm)

Trận đấu thứ hai sẽ được diễn ra ngay sau đây. Phải nói rằng đây là một trong những trận đấu thú vị nhất bởi các ống kính bắt đầu bộc lộ rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình.Chromatic Aberration (sắc sai nói chung)

1. Longitudinal-CA / Color fringing (Viền Tím)
2. Laterial-CA (tạm gọi là Sắc Sai)
3. Sphero-Chromatism (tạm gọi là Sắc Cầu Sai)

Trước khi bắt đầu, TThach xin dành một chút không gian để cắt nghĩa về các loại sắc sai nêu trên:

_Longitudinal-CA / Color fringing chính là viền tím. Xuất hiện tại viền các chi tiết trong các trường hợp tương phản mạnh. Viền tím có đặc điểm là chỉ xuất hiện nhiều ở khẩu lớn nhất và giảm dần khi khép khẩu. Viền tím có thể xuất hiện ở mọi vị trí trong khung hình.
_Laterial-CA tạm gọi là Sắc Sai. Hiện tượng các chi tiết ở góc bị phân tán ra các viền màu ở 2 bên cạnh, khi thì Red-Cyan, khi thì yellow-blue, khi thì green-magenta. Hiện tượng sắc sai này xuất hiện ở mọi khẩu độ của ống kính và xuất hiện nhiều nhất ở rìa ảnh, giảm dần về tâm. Laterial-CA (sắc sai) xuất hiện phổ biến ở các ống kính wide zoom, ultrawide, ít xuất hiện ở các tiêu cự normal từ 35mm đến 85mm. Các ống kính tele cũng mắc phải hiện tượng này.
_Sphero-Chromatism tạm gọi là Sắc Cầu Sai. Ám chỉ hiện tượng viền tím nhưng không xảy ra ở vị trí focus và xảy ra ở vùng Front focus cũng như Back Focus. Vùng front và back bị ám các màu đối nhau. Vùng backfocus ám màu Green-cyan, còn Frontfocus ám màu Red-magenta.

Vì Laterial-CA sắc sai ít xuất hiện ở tiêu cự 35mm này nên bài review không đánh giá tới. Thay vào đó sẽ tập trung đánh giá 2 bệnh quang học còn lại là Viền Tím và Sắc Cầu Sai. Bây giờ chúng ta hãy xem màn trình diễn của các ống kính trong trận đấu này ra sao:

Hiệp 1: COLOR FRINGING (VIỀN TÍM)

Tổng kết về Viền tím:

* Tại f/1.4
_ Sigma 35mm f/1.4 Art vượt trội về kiểm soát viền tím. Gần như rất ít thấy màu tím trên thanh kiếm ngược sáng rất mạnh này.
_ Kế đến là Samyang 35mm f/1.4 UMC trình diễn khả năng kiểm soát viền tím rất ấn tượng. Bám đuổi rất sát Sigma Art.
_ Thứ ba là Canon 35mm f/1.4L với viền tím khá rõ nét.
_ Thứ tư là Zeiss Distagon 35mm f/1.4. Zeiss gây thất vọng lớn về khả năng kiểm soát viền tím khi tạo ra một viền tím rất đậm nét và rực màu bao quanh chủ thể.
_ Xếp cuối cùng là Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s. Kết quả này thực sự tồi tệ đáng thất vọng. Viền tím quá dày và nặng và được bao phủ bởi một lớp lóa sáng.

*Tại f/2:
_ Sigma 35mm f/1.4 vẫn giữ vững ngôi vị số 1
_ Vị trí thứ hai đã thuộc về Canon 35mm f/2 IS nhưng thực chất không hề kém gì so với Sigma 35 Art. Mặc dù mở khẩu lớn nhất nhưng Canon 35mm f/2 IS không thể hiện một chút viền tím nào.
_ Ví trí thứ ba thuộc về Samyang.
_ Vị trí thứ tư và thứ năm được chia sẻ bởi Canon 35mm f/1.4L và Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s. Đây là sự lột xác ngoạn mục của Nikon Ai-s.
_ Hai vị trí cuối cùng đáng thất vọng thuộc về Zeiss Distagon 35mm f/1.4 và 35mm f/2. Phải khẳng định rằng cả hai lenses Zeiss này đều kiểm soát viền tím rất tồi.

*Tại f/2.8
_Cả 3 lens Sigma 35mm f/1.4 Art / Canon 35mm f/2 IS / Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s đều tỏ ra hoàn hảo.
_Vị trí tiếp sau thuộc về Samyang với một lớp nhẹ ám đỏ ở viền. Đây thực chất không phải hiện tượng viền tím mà là hiện tượng sắc cầu sai.
_2 vị trí cuối vẫn tiếp tục chia nhau bởi 2 lenses Zeiss.

Qua đây có thể khẳng định:
1. Sigma 35mm f/1.4 Art và Canon 35mm f/2 IS là các lens tuyệt vời và hoàn hảo về kiểm soát viền tím.
2. Samyang là lens đi sau với khả năng kiểm soát viền tím ấn tượng, nhưng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sắc cầu sai.
3. Canon 35mm f/1.4L bị viền tím khá nặng tại f/1.4 nhưng giảm dần khi khép khẩu.
4. Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s tồi tệ nhất ở f/1.4 nhưng lột xác đáng kinh ngạc từ f/2.
5. Khả năng kiểm soát viền tím của Zeiss là tệ nhất. Bị tím nặng tại f/1.4. Tới f/2.8 vẫn chưa hết viền tím.

__________________________________________________ _____________________________________

Hiệp 2: SPHERO-CHROMATISM (SẮC CẦU SAI)

Đặc trưng của sắc cầu sai là luôn có viền Đỏ xung quanh các chi tiết tương phản mạnh ở vùng FrontFocus và viền màu Xanh viền quanh các chi tiết tương phản ở vùng BackFocus.

Phân tích kết quả:

* Tại f/1.4
_ Sigma 35mm f/1.4 Art lại một lần nữa chiến thắng ở vị trí số 1. Khi cho thấy gần như không mắc hiện tượng Sắc cầu sai.
_ Zeiss Distagon 35mm f/1.4 và Samyang 35mm f/1.4 UMC chia sẻ nhau vị trí thứ hai. Zeiss bị ảnh hưởng nặng hơn bởi hiện tượng viền tím (color fringing)
_ Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s không biểu hiện rõ ràng về sắc cầu sai do bị hiện tượng viền tím hoàn toàn che lấp.
_ Canon 35mm f/1.4L mắc bệnh Sắc cầu sai nặng nhất tại khẩu độ này. Các viền đỏ ôm rõ ràng theo vùng front focus và viền xanh theo vùng back focus.

* Tại f/2
_ Sigma 35mm f/1.4 Art vẫn đứng vững vị trí số 1.
_ Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s rất nhẹ tại f/2, gần như không kém Sigma là bao nếu không muốn nói là ngang ngửa tại khẩu độ này.
_ Canon 35mm f/2 IS ở vị trí số 3. Ở f/2 lens này vẫn bị sắc cầu sai nhẹ khi xuất hiện viền đỏ nhẹ nhàng viền quanh vùng front focus. Nhưng khoảng cách cũng rất sát sao với 2 vị trí trên.
_ Zeiss Distagon 35mm f/2 ở vị trí số 3. Hiện tượng sắc cầu sai rất nhẹ ở lens này, tuy nhiên vùng front focus bị khuếch đại lên do ảnh hưởng của viền tím (color fringing)
_ Canon 35mm f/1.4L cải thiện đáng kể về sắc cầu sai tại f/2. Ở khẩu độ này, lens chỉ mắc bệnh rất nhẹ nhàng, tuy nhiên vẫn quan sát được viền màu đỏ và màu xanh.
_ Zeiss Distagon 35mm f/1.4 cải thiện rất ít về sắc cầu sai khi khép f/2. Các viền màu viền quanh detail rất rõ ràng.
_ Samyang 35mm f/1.4 UMC mặc dù các viền màu không đậm và dày như Zeiss 35mm f/1.4, tuy nhiên viền màu lại rất rực màu. Đây là lens điển hình mắc phải Sắc Cầu Sai.

Kết luận sơ bộ:
_ Sigma 35m f/1.4 Art vẫn dẫn đầu.
_ Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s nếu bỏ qua bệnh viền tím thì gần như không mắc Sắc Cầu Sai.
_ Canon 35mm f/2 IS tỏ ra rất ưu việt từ f/2.
_ Zeiss 35mm f/1.4 mắc sắc cầu sai tương đỗi rõ ràng và ít cải thiện khi khép khẩu.
_ Canon 35mm f/1.4L mắc sắc cầu sai nặng tại f/1.4 và cải thiện tốt ở f/2.
_ Samyang 35mm f/1.4 là điển hình của hiện tượng sắc cầu sai

AGAINST LIGHT CONTRAST ( TƯƠNG PHẢN NGƯỢC SÁNG )Trở lại với hình test cây kiếm ngược sáng. Độ tương phản khi chụp ngược sáng của các ống kính đều được tố cáo hết sức rõ ràng.

Kết quả hết sức rõ ràng:

* Tại f/1.4
#1 Sigma 35mm f/1.4 Art lại một lần nữa chiến thắng, lens cho độ tương phản tốt nhất và giữ đúng màu sắc của chủ thể.
#2 Zeiss Distagon 35mm f/1.4 giữ tương phản tốt và giữ đúng màu tuy nhiên mắc viền tím quá nặng nên bị phủ một lớp tím nhẹ lên vùng tối.
#3 Canon 35mm f/1.4L và Samyang 35mm f/1.4 UMC ở vị trí tiếp sau. Samyang bị xạm màu vùng tối nên xếp sau Canon 35mm f/1.4L.
#4 Nikon Ai-s đương nhiên vẫn xếp cuối cùng tại f/1.4.

* Tại f/2
#1 Sigma 35mm f/1.4 và Canon 35mm f/2 IS chia sẻ 2 vị trí đầu tiên.
#2 Tiếp sau vẫn là Zeiss Distagon 35mm f/1.4 và 35mm f/2. 2 ống kính này giữ tương phản rất tốt và duy trì đúng màu sắc chủ thể, tuy nhiên bị phủ một lớp tím nhẹ.
#3 Canon 35mm f/1.4L và Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s xếp theo sau và tỏ ra bên tám lạng người nửa cân. Tương phản duy trì ở mức khá, màu sắc duy trì ở mức khá.
#4 Samyang 35mm f/1.4 UMC xếp cuối bảng xếp hạng, tương phản duy trì không tốt, màu vùng tối bị xỉn.

__________________________________________________ ___________________________________________

Trận đấu tiếp theo:

VIGINETTE / FALL OFF (TỐI BỐN GÓC)

Trước khi cùng theo dõi kết quả của trận đấu này, TThach phải nhắc lại với mọi người rằng, bài test này cũng như tất cả các bài test được thực hiện trong cùng một điều kiện ánh sáng, cùng một chủ thể, cùng một khoảng cách và cùng mọi thông số khác như Shutter speed, ISO hay Aperture. Sau đây mời các bác theo dõi kết quả và bình luận sau trận đấu.

Phân tích kết quả:

_ Điều đầu tiên có thể nhận ra ngay: Đó là có một số lens tối hơn các lens còn lại. Đó là Sigma 35mm f/1.4 Art và Zeiss Distagon 35mm f/2. Mặc dù cùng mở khẩu độ như nhau, nhưng ảnh của 2 lens trên luôn tối hơn một chút, khoảng 1/3 ~ 1/2 stop với cùng thông số về ISO và shutter speed. Đây là một nhận xét quan trọng.

#1 Samyang 35mm f/1.4 UMC dẫn đầu trong việc giảm hiệu ứng tối bốn góc. Điều này một phần cũng được phản ánh từ kích thước đồ sộ của nó.
#2 Sigma 35mm f/1.4 Art xếp ngay sau và gần như rất sát Samyang.
#3 Zeiss Distagon 35mm f/1.4 khá ít tối góc tại f/2 cũng như f/2.8. Tuy nhien tại f/1.4 lại tối nhiều hơn Sigma 35mm f/1.4 Art.
#4 Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s xếp thứ tư, lens bị hiện tượng đen góc nhẹ nhàng. Đen góc là hiện tượng góc ảnh bị tối nhiều hơn bình thường.
#5 Canon 35mm f/1.4L bị tối góc khá rõ và đen góc nhẹ nhàng.
#6 Thiệt thòi cho các lens f/2 khi đánh giá về Fall Off. Tuy nhiên Zeiss Distagon 35mm f/2 cũng đã làm rất tốt.
#7 Xếp cuối cùng bảng xếp hạng là Canon 35mm f/2 IS. Đây là trận đấu đầu tiên mà lens này đứng cuối bảng xếp hạng. Tới f/2.8 vẫn tối góc khá rõ ràng.

Trận đấu tiếp theo ngay sau đây là một trận đấu tưởng chừng như không quan trọng nhưng hết sức gay cấn và thú vị. Bởi đây là nơi mà các công thức thấu kính và các lớp tráng phủ riêng biệt của từng hãng bộc lộ khuyết điểm về quang học của mình. Xin kính mời mọi người cùng xem.

FLARE / HALO

Trước khi bước vào trận đấu. Như đã trình bày bên trên về cách thức thực hiện. TThach sẽ chỉ test với các khẩu độ quan trọng là f/1.4 – f/2 – f/2.8 và f/8. Do test cả f/8 với nguồn sáng điểm nên từ đây các bác cũng có thể quan sát thêm một đặc điểm quang học nữa của lens đó là SAO / STAR / TIA của lens.

HIỆP 1: FLARE

Các đấu thủ lần này bị đẩy vào môi trường thiếu sáng và tồn tại một nguồn sáng điểm có cường độ mạnh, chênh sáng mạnh với Background chiếu xiên vào ống kính. Cùng xem mức độ flare và hình dạng flare của các ống kính 35mm như thế nào.

Nhận xét nóng:

_ Flare thì khó có thể xếp hạng cao thấp. Tuy nhiên có thể nhìn ra ngay, Flare của Canon 35mm f/1.4L và Zeiss Distagon 35mm f/1.4 khá tệ. Canon 35mm f/1.4L bị flare khá nhiều ở tất cả các khẩu độ, flare làm sai màu và giảm tương phản của ảnh đáng kể. Zeiss 35mm f/1.4 thậm chí còn tạo ra bóng flare rất sắc nét ngay tại nguồn sáng.
Kiểm soát Flare tốt nhìn chung là khi lens ít tạo ra flare ở giữa ảnh, và hình dạng, màu sắc cũng như tương phản của flare không quá nổi bật hoặc mất mĩ quan.

#1 Có thể cảm nhận được, Flare của Zeiss Distagon 35mm f/2 là sạch sẽ và gọn gàng nhất.
#2 Sigma 35mm f/1.4 Art cho Flare rất sạch sẽ.
_ Flare của Canon 35mm f/2 IS có màu tím đặc trưng và xếp thành nhiều tầng ngay từ các khẩu độ nhanh.
_ Các lens còn lại có mức độ Flare theo cá nhân TThach là same same, TThach để các bác tự đánh giá tiết mục này.

__________________________________________________ ______________________________________________

HIỆP 2: HALO

BÌNH LUẬN:

#1. Sigma 35mm f/1.4 Art tiếp tục về nhất trong trận đấu này. Sigma 35mm Art chỉ có một chút quầng halo mờ và nhẹ tại f/2 gần như không đáng kể. Chuyển sắc độ từ vùng lóa sang background rất mượt mà.
#2. Canon 35mm f/2 IS xếp thứ hai khi ghi nhận những quầng flare màu tím với độ mượt mà kém hơn một chút so với sigma.
#3. Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s xếp thứ ba với độ chuyển lóa mượt mà nhưng ghi nhận 2 bóng halo nhạt ở khẩu f/1.4 và f/2.
#4. Zeiss Distagon 35mm f/2 xếp thứ tư. Halo các khẩu lớn gần như không có tuy nhiên ở khẩu f/8 bị lá flare che gần như hết khung hình.
#5. Canon 35mm f/1.4L xếp thứ năm với các bóng flare tương đối gắt ở các khẩu lớn, tới f/8 thì bóng Halo hiện rõ mồn một.
#6. Samyang 35mm f/1.4 UMC có dạng lóe halo rất đặc biệt dạng chùm tia hướng tâm, rất hiếm gặp. Hiện tượng này nặng dần từ khẩu f/1.4 lên f/2.8. Tới khẩu f/8 thì frame lại sạch sẽ.
#7 Cuối bảng thuộc về Zeiss Distagon 35mm f/1.4. Halo xuất hiện tại mọi khẩu với vết tích hết sức rõ ràng.

NHẬN XÉT PHỤ VỀ SAO/TIA:
_ Tia của Sao của Sigma cho nhiều tia và tia dài ngắn đan xen. Tia gọn gàng.
_ Tia của Zeiss 35mm f/1.4 tương tự Sigma nhưng ngắn hơn một chút.
_ Tia của Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s ít tia hơn nhưng lại rất sắc nét và gọn gẽ.
_ Tia của Canon 35mm f/2 IS bị chập 2 tia gần nhau, nhìn hơi rối.
_ Tia của Zeiss 35mm f/2 bị loe.
_ Tia của Canon 35mm f/1.4L hơi nhòe.
_ Tia của Samyang mờ nhạt.

DistortionDistortion là một trong những tính chất quang học quan trọng bậc nhất đối với các ultrawide lens. Đối với các normal lens như 35mm đôi khi bị xem nhẹ. Chắc chắn không nhiều người sử dụng 35mm f/1.4 để khép khẩu chụp kiến trúc, mà đa số mở khẩu để chụp chân dung, đời thường, tĩnh vật,…. Tuy nhiên vì là một bài review tổng thể nên Distortion vẫn sẽ được nhắc đến.

Vì các lens có độ dài tiêu cự dao động như đã đề cập, cho nên frame test distortion đã được crop đi rất nhẹ. Các lens rộng hơn bị crop nhiều hơn. Nhưng xin nhấn mạnh là mức độ crop chỉ nhẹ nhàng, vẫn phản ánh được mức độ méo hình toàn cục.

Sau đây là tình trạng méo hình của các ống kính 35mm. Các bác có thể dừng lại soi kĩ mức độ méo hình hoặc dùng CUỘN CHUỘT cuộn lên cuộn xuống để thấy rõ hơn hiệu ứng méo hình như thế nào thể hiện ở từng lens.

Đánh giá kết quả:

Mặc dù hơi khó nhìn nhưng khi soi kĩ lưỡng, nhìn chung tất cả các ống kính đều bị barrel distortion (méo thùng), mức độ như sau:
#1. Sigma 35mm f/1.4 Art vẫn xuất sắc ở vị trí số 1. Méo thùng rất ít.
#2. Canon 35mm f/1.4L USM xếp ở vị trí số 2.
#3. Canon 35mm f/2 IS
#4. Zeiss Distagon 35mm f/1.4
#5. Zeiss Distagon 35mm f/2
#6. Samyang 35mm f/1.4 UMC
#7. Nikkor 35mm f/1.4 Ai-s

COLOR RENDER (MÀU SẮC THỂ HIỆN)

Nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác trong tiết mục COLOR RENDER dưới đây. TThach xin nhắc lại về cách thức và nguyên tắc thực hiện bài test này.
Tất cả được thực hiện:
_ Trên cùng thân máy Canon 6D
_ Tắt mọi tính năng khử noise, tăng sáng, hay lens correction
_ Chụp RAW, Picture style Neutral. WB đồng nhất giống nhau. Mọi thông số về độ tương phản, độ rực màu để mặc định (0 đơn vị)
_ Để cùng tất cả các thông số phơi sáng: ISO, khẩu độ f/2.8, shutter speed. Tăng sáng nhẹ cho Sigma 35mm f/1.4 Art để đảm bảo độ sáng đồng nhất (tương đối)
_ Chụp cùng một chủ thể, trên cùng 1 chân máy cố định.
_ Cùng một điều kiện ánh sáng.

TThach cố gắng chọn rất nhiều đồ vật với các màu sắc khác nhau và độ rực màu khác nhau để đan xen. Và chúng ta cùng xem trong cùng điều kiện ánh sáng thuận như nhau thì màu sắc giữa các ống kính sai khác như thế nào.


Color Render (Sigma) by Thien Thach / Lenses Review, on Flickr
Color Render/Crop A by Thien Thach / Lenses Review, on Flickr


Color Render/Crop B by Thien Thach / Lenses Review, on Flickr


Color Render/Crop C by Thien Thach / Lenses Review, on Flickr


colorender section D by Thien Thach / Lenses Review, on Flickr

Ảnh cuối này để chúng ta tìm ra khác biệt nếu có về White Balance ( Cân Bằng Trắng)

Colorender by Thien Thach / Lenses Review, on Flickr

Dù biết có thể có những sai khác nhỏ về color render giữa các ống kính. Nhưng qua bài test này cũng có thể khẳng định được rằng. Trong điều kiện thuận sáng. Color Render giữa các ống kính không chênh nhau nhiều. Không thật sự có những sự khác biệt rõ ràng về thể hiện màu sắc. 

Visited 5,615 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...