Nhiếp ảnh gia Ernst Haas

Nhiếp ảnh gia Ernst Haas

Nhiếp ảnh gia Ernst Haas

Ernst Haas: kiên định như đen và trắng, để tiên phong chụp ảnh màu
Ernst Haas là một thiên tài. Ông dùng máy ảnh như một liều thuốc giải cho những gian khổ mà ông phải gánh chịu tại Vienna thời Phát xít. Trải qua vài khóa đào tạo lẻ tẻ, Haas theo nghề nhiếp ảnh sau khi bị đuổi khỏi trường y (lý do lãng xẹt: ông là người Do Thái). Rồi Hass bị đày đi lao động khổ sai; rồi chứng kiến cảnh bố ông (một nhân viên nhà nước) chết trong đau khổ do bị chính phủ Áo tước chức vụ. Thế nhưng mặc cho nghịch cảnh, trong những năm 1950s, ai ai cũng phải công nhận rằng Hass là một trong những nhiếp ảnh gia giỏi nhất thế giới.

Ernst Haas

Lúc Haas chuyển đến Mỹ để hợp tác cùng Robert Capa, Henri Cartier-Bresson và các nhà sáng lập khác của hội nhiếp ảnh Magnum, ông né công việc “chụp ảnh cho báo chí” thường ngày, mà tập trung làm những dự án riêng, từ khám phá đường phố New York, chụp núi lửa vùng Iceland, đến chụp các nhà sư Tây Tạng. Alex Haas, con trai của ông, kể lại: “Bố tôi luôn là người có tư duy độc lập, ngay từ khi còn bé. Hoặc phải chấp nhận cách của ông hoặc thôi. Những vật lộn thời chiến càng khiến bố trở nên độc lập. Ông luôn nghĩ rằng: ‘Ta sẽ không phá bỏ lòng tin của ta vì ai cả’”.
Khước từ xu hướng ảnh trắng đen đang thịnh thời bấy giờ, Haas sớm tiếp nhận ảnh màu từ năm 1949, nhờ vậy mà ông vinh dự trở thành nhiếp ảnh gia đầu tiên có triển lãm đơn về ảnh màu tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở New York vào năm 1962. Ông thậm chí còn khám phá các hiệu ứng mà chuyển động đem lại cho hình ảnh, (một số chuyển động) sẽ làm nhòe màu đi để ảnh trông như tranh vẽ. 
 

Tác phẩm “Phản chiếu New York” của Ernst Haas, chụp vào đầu những năm 1950s

 

Bức ảnh “Chong chóng” của Haas

 

Ảnh như tranh vẽ của Haas: tác phẩm “Cưỡi ngựa rodeo”

Edward Steichen, nhiếp ảnh gia danh tiếng và giám tuyển của MoMA lúc bấy giờ, từng nói rằng “Theo đánh giá của tôi, chúng ta đang trải nghiệm một sự khởi đầu của một kỉ nguyên mới trong nhiếp ảnh. Đây (Haas) là một tâm hồn tự do, chưa bị truyền thống và lý thuyết chà đạp, một người đám xông pha và tìm thấy vẻ đẹp vô song của nhiếp ảnh.”
Tính khách quan của Hass đã dựng nên nhiều hình ảnh “Nước Mỹ thời hậu chiến” cho thế giới. Theo Lou Proud – trưởng ban nhiếp ảnh của nhà đấu giá Phillips de Pury & Company: “Bức ảnh nổi tiếng chụp Route 66 của Hass nắm bắt hết mọi thứ – những chiếc xe, những tòa nhà cao chọc trời, và cả bảng quảng cáo đèn neon của Conoco cũng như KFC. Trông chúng sống động, sôi nổi và tất bật – phơi bày những hình tượng tinh túy về Hoa Kỳ mà bạn hay nghĩ tới.”

Bức “Route 66”

Thậm chí, biểu tượng của văn hóa Mỹ – người đàn ông Marlboro (ảnh quảng cáo thuốc lá) – cũng do Haas chụp. Bức Marlboro và các bức quảng cáo khác từng giúp các công ty rặc Mỹ như “Chrysler” hoặc “Mobil” hốt bạc, mấy công ty này cũng tài trợ các dự án cá nhân cũng như những chuyến đi xa xôi của Haas.

Một bức ảnh trong series hình quảng cáo thuốc lá “Marlboro Man” của Haas.

 

Hình ảnh người đàn ông của Haas rất ấn tượng, nên thuốc lá thời ấy bán đắt như tôm tươi. Trong hình: một tác phẩm nữa của series Marlboro Man

 

Và cũng lại ảnh Marlboro Man của Haas. May là Haas chụp vào thời 70-80s, chứ giờ thì thuốc lá bị cấm quảng cáo rồi

Theo lời con ông, gốc “Do Thái-châu Âu” của Haas đã ảnh hưởng đến sự đa cảm dành cho nước Mỹ của ông. Anh cho biết: “Bố ngưỡng mộ nước Mỹ theo kiểu bất phán xét. Ông cảm thụ nó mà chẳng cần suy nghĩ gì cả. Ông biết ơn nước Mỹ vì Mỹ đã cứu mạng ông, nên ông muốn bộc lộ điều đó qua ảnh của mình”.

“New York”, Ernst Haas, 1980

 

California, Ernst Haas, 1976

Tuy nhiên, ảnh của Haas không chỉ có Mỹ. Judah Passow, một nhà nhiếp ảnh báo chí hàng đầu hiện nay, bình luận: “Haas làm mới bản thân nhiều lần. Điều đó cực khó, nhưng mỗi lần ông đều thành công. Bạn có thể chia các tác phẩm của ông ra những mảng riêng biệt và nghĩ rằng đó là ba nhiếp ảnh gia khác nhau – ảnh trắng đen chụp châu Âu thời tiền chiến, ảnh chụp phong cảnh hào nhoáng, và những tác phẩm rất đỗi trừu tượng về màu sắc.”

Haas chụp cảnh mấy mẹ con đang tắm nắng ở Vienna này vào năm 1946 – một trong những bức đen trắng hiếm thấy của Haas

 

Bức “Chú ngựa đang nhảy” của Haas

 

Không thể tin là Haas chụp bức “Vỏ bào ngư” này vào những năm 70s

 

Bức “Người yêu tuyết” này cũng chụp vào những năm 70s

Inge Bondi, người từng làm việc với Haas tại hội Magnum New York từ những ngày đầu thời năm 1951, hồi tưởng lại : “Haas Ernst không nói sõi tiếng Anh. Lúc đó ông chừng hai mấy tuổi, là người trẻ nhất trong nhóm. Ernst mặc một bộ vest nhung kẻ, không nút cài, không dây kéo, chỉ có túi để ông có thể nhanh chóng tìm mấy cuộn phim chụp. Bộ vest rất thanh lịch và tiết lộ một phần về Ernst – khác biệt, thực tế và sáng tạo.”
Cống hiến của Haas cho nhiếp ảnh được củng cố vào năm 1986, khi ông thắng giải thưởng uy tín Hasselblad ngay trước khi qua đời. Di sản mà ông để lại vẫn còn mãi, các bức ảnh của Haas tiếp tục tái định hình cho nghệ thuật nhiếp ảnh hôm nay, bởi vì vẻ thẩm mỹ đầy trừu tượng, giàu ý niệm, cũng như cách ứng dụng kĩ thuật tiên tiến của ông đến hôm nay vẫn luôn sôi sục và đương đại như thời những năm 50.

Visited 197 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...