Lựa chọn ống kính 85 và 50mm

Lựa chọn ống kính 85 và 50mm

Lựa chọn ống kính 85 và 50mm

Lựa chọn Tiêu cự 50 và 85mm đối với các dòng máy DSLR nói chung, người sử dụng sẽ có hai sự lựa chọn: full-frame hoặc crop-frame. Full-frame là những chiếc máy ảnh có cảm biến bằng với kích thước của film 35mm và crop-frame có cảm biến nhỏ hơn, với tỷ lệ phổ biến là 1.5 (Nikon) hoặc 1,6 (Canon).

Tiêu cự 50 và 85mm trên máy full-frame 

Tiêu cự 50mm



Đây là tiêu cự cổ điển từ thời xa xưa, ống kính 50mm chính là kit lens của các máy phim cổ. Dễ chế tạo, giá thành rẻ, khẩu lớn, đặc biệt hơn cả, độ phóng đại ở tiêu cự 50mm bằng đúng với độ phóng đại của mắt người. Do vậy, sử dụng ống 50mm trên full-frame body là việc rất dễ dàng. 

Rất nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng 50mm cho nhiều thể loại, chân dung, phong cảnh, và cả phóng sự vì nó vốn nhỏ gọn, giá thành không cao, mở được khẩu độ lớn và chất lượng thấu kính rất xuất sắc. Quan trọng hơn nữa, tiêu cự 50mm trên full-frame mang lại cảm giác gần gũi nhưng không bị kịch tích như các ống góc rộng và cũng không bị cảm giác xa cách như các ống tele. 

Ngoài ra, do ống kính 50mm dễ chế tạo hơn các ống kính ở tiêu cự khác nên hầu như ống 50mm nào cũng rất nét, kể cả “ông cụ” non-AI 50mm f1.4 từ thời ơ kìa. Hơn nữa, 50mm còn giúp cho chúng ta tập luyện về góc nhìn rất dễ dàng. Vậy chúng ta nên chọn ống 50mm nào khi có rất nhiều ống 50mm ngoài thị trường.

Đối với người sử dụng full-frame không thật dư giả về tài chính thì việc lựa chọn ống 50mm khá đơn giản. Nếu cần nhỏ gọn cho nhu cầu lang thang đi lại nhiều thì nên lấy ống 50mm của Canon, Nikon. Ngược lại, nếu chụp chủ yếu tại khẩu f1.4 và không ngại mang vác nặng thì Sigma là lựa chọn tốt. 

Tiêu cự 85mm



Đây là tiêu cự đặc biệt xuất sắc cho việc chụp chân dung cổ điển bán thân. Để có một bức hình nổi khối, nhiều nhiếp ảnh gia khuyên rằng người ta có thể làm một trong hai việc: hãy chọn ánh sáng ngang hoặc lắp 85mm lên full-frame. Trên FX với 85mm chụp chân dung bán thân, chúng ta sẽ thấy bức ảnh có hiệu ứng 3D, cảm giác như chủ thể nổi bật khỏi tấm ảnh mà vẫn đẹp mịn màng. Các ống kính tele như 135mm,180mm, 200mm khi chụp người sẽ có hiệu ứng “compression”, người sẽ bị nén lại vào phông, background sẽ được phóng to ra, không tạo cảm giác 3D mạnh mẽ như tiêu cự 85mm. Hiệu ứng “compression” kia phù hợp với việc chụp thời trang hơn. Ngoài ra, ở tiêu cự 85mm trên FX, chúng ta sẽ đứng đủ gần để điều khiển mẫu và cũng đủ xa để đối tượng không bị lúng túng (nhất là với người mẫu nghiệp dư).

Tiêu cự 50 và 85mm với máy crop-frame


Với những người dùng máy crop, việc lựa chọn sẽ phức tạp hơn FX nhiều vì góc nhìn trên ống kính sẽ bi thay đổi do sensor của máy crop nhỏ hơn máy full-frame. Vấn đề lựa chọn góc nhìn theo ống kính xét cho cùng cũng chỉ là ý kiến chủ quan. Ví dụ, nhiều người nói rằng 50mm trên DX rất dở, quá hẹp cho đời thường lang thang và quá ngắn cho chân dung cổ điển. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người hài lòng với 50mm trên DX và cho ra nhiều tác phẩm cực hoành tráng. Cho nên, xét cho cùng, tất cả cũng do thói quen và sở thích của từng người. 

Có lẽ nếu bạn sử dụng crop-frame thì nên lấy ngay tiêu cự 35mm, để có góc nhìn tương đương 50mm (normal perspective) trên FX. Muốn đạt được góc nhìn 50mm bình thường trên DX thì chúng ta phải sử dụng lens 35mm. 
Bên cạnh đó đối với các ống 85mm, người sử dụng crop-frame nên chọn loại nào ? Loại nào cũng được nhưng có lẽ các phiên bản có độ mở f1.8 sẽ phù hợp hơn cả. Các phiên bản f1.4 hay f1.2 sẽ phát huy khả năng xoá phông một cách mạnh mẽ hơn trên các dòng máy full-frame. 

Vấn đế nằm ở "giá trị và khả năng sử dụng". Một khi anh đã muốn mua 85mm f1.4, có nghĩa là anh rất thích chụp xóa phông, thích bokeh mịn màng tối đa. Để phát huy được tối đa sức mạnh của 85mm f1.4 với vấn đề xóa phông thì chỉ có body full-frame mới tận dụng được. Sensor lớn hơn, góc nhìn rộng hơn crop-frame, ta phải đứng gần với chủ thể hơn crop-frame, phông xóa sẽ mạnh hơn, bokeh sẽ đẹp hơn. Các ống kính 85mm f1.4 hay f1.2 cắm vào crop-frame chụp cũng rất đẹp nhưng không thể phát huy toàn bộ sức mạnh của nó như cắm trên full-frame. Vì vậy, với crop-frame, chúng ta nên mua 85mm f1.8.

Một số ống kính tiêu cự 50 

Canon:

– 50mm f1.8: rất rẻ, tuy nhiên, nhiều người phàn nàn bokeh không mượt và build không tốt. Tuy nhiên, ống kính này lấy nét rất nhanh, với giá thành như vậy thì khó có thể phàn nàn. 
– 50mm f1.4: đắt hơn bản 1.8 gấp ba lần, nhưng chất lượng chưa chắc tốt gấp ba và bị viền tím khá nặng. 
– 50mm f1.2: bokeh đẹp tuyệt vời, thích hợp chụp chân dung và tĩnh vật. Tuy nhiên, ống này lấy nét khá chậm và giá thành quá cao, khiến người dùng đặt vấn đề giá thành hiệu năng lên cán cân. 

Nikon:

– 50mm f1.8: giống như Canon, giá thành rất thấp, nhưng build không quá tệ, lấy nét cũng rất nhanh. Nhược điểm lại nằm ở độ nét khi mở khẩu tối đa. 
– 50mm f1.4D: viền tím rất nặng, đặc biệt tại f1.4. 
– 50mm f1.4G: focus rất êm, có manual override, nhỏ gọn và nhẹ, rất phù hợp cho việc lang thang thơ thẩn sáng tác, tuy có AF-S nhưng tốc độ auto focus không hề nhanh hơn 50mm f1.4D. Màu sắc đậm và tương phản cao, tối góc khá rõ tại f1.4. 


Sigma:

Ống Sigma 50mm f1.4 được sản xuất cho cả Canon và Nikon. chất lượng thấu kính được nhiều nhiếp ảnh gia đánh giá rất cao, không vô lý khi giá bán cao hơn hẳn Canon và Nikon có cùng độ mở. Sigma 50mm được thiết kế để chụp tại 1.4 một cách tối ưu, ảnh hầu như không bị viền tím hay tối góc, bokeh cũng được đánh giá rất mượt. Tốc độ lấy nét rất nhanh nhưng không êm như Nikon dòng G. 


Một số ống kính tiêu cự 85 

Canon:

– 85mm f1.8: sắc nét, giá thành hợp lý, gọn nhẹ, một số ống bị viền tím khá rõ rệt. 
– 85mm f1.2: một trong những ống kính rất nổi tiếng của Canon, chất lượng hình ảnh tuyệt đẹp, được đánh giá rất cao. Cũng giống như phiên bản 50mm f1.2, có lẽ thấu kính nặng nên việc lấy nét bị chậm tốc độ. Ngoài ra đây là ống kính rất nặng về giá tiền cũng như trọng lượng.

Nikon:

– 85mm f1.8D: cũng giống như Canon 85mm f1.8, tuy nhiên Nikon 1.8D có một nhược điểm lớn, đó là vòng lấy nét bị xoay mỗi khi lấy nét và việc lấy nét cũng rất ồn. 
– 85mm f1.8G: đã hoàn toàn khắc phục được vòng lấy nét cũng như tiếng ồn khi lấy nét, tuy nhiên tốc độ lấy nét lại bị chậm hơn so với phiên bản 1.8D. 
– 85mm f1.4D: cũng là một ống kính được đánh giá rất cao mặc dù ra đời từ lâu. Nét ngay ở f1.4, ngoài rìa kém nét hơn nhưng ko bị tối góc nặng như 50mm f1.4G. Đặc biệt, do coating của ống này để chuyện chụp chân dung, skin-tone rất dịu dàng, không bị rực rỡ như nhiều ống Nikon khác. Những người sử dụng máy Nikon FX nếu chụp chân dung thì ống này không thể không có. 
– 85mm f1.4G: xuất sắc hơn phiên bản f1.4D về mọi mặt, đặc biệt khả năng lấy nét trong điều kiện thiếu sáng hoàn toàn vượt trội. Ngoài ra, thiết kế của phiên bản G cũng tiên tiến hơn nhiều với chế độ Manual Focus Override.


Visited 2,983 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...