Kinh nghiệm chụp ảnh du lịch cho người không chuyên

Kinh nghiệm chụp ảnh du lịch cho người không chuyên

Kinh nghiệm chụp ảnh du lịch cho người không chuyên

Thức dậy sớm, tích cực giao lưu với người dân địa phương và thoải mái tạo dáng sẽ giúp bạn có nhiều khung hình đẹp và đáng nhớ trong suốt chuyến đi. Bất cứ du khách nào cũng có nhu cầu lưu giữ hình ảnh ở những nơi mình đặt chân qua trong các chuyến du lịch. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sẵn tiện máy ảnh chuyên nghiệp, cũng như người biết chụp ảnh trong những khoảnh khắc đặc biệt ấy. Tất nhiên, tốt nhất là bạn nên đi cùng một tay máy "xịn" để không phải bận tâm nhiều nhưng trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, bạn cũng vẫn có thể mang về cho mình những bức hình ý nghĩa nếu trang bị một số kiến thức cơ bản.

Chuẩn bị


Trước khi khởi hành tới một địa điểm nào đó, hãy dành ra ít phút để kiểm tra máy ảnh để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra như quên thẻ nhớ, hết pin… Nếu có thể, bạn cũng nên mang theo chân máy để chụp tự động (loại mini nhỏ gọn, có thể gập lại) bởi nếu đi đông người, một bức ảnh có đầy đủ mọi người với khung cảnh tuyệt đẹp phía sau sẽ là một kỷ niệm khó quên.

Lựa chọn thời điểm


– Thời điểm đóng vai trò rất quan trọng để cho ra đời một bức ảnh đẹp. Chọn sai thời điểm sẽ khiến bạn khó có được những bức ảnh ưng ý. Hơn nữa, bạn cũng sẽ mất công đi quãng đường xa để tới những địa danh đó mà không thể mang về hình ảnh làm kỷ niệm.

Thời khắc vàng dành cho việc chụp ảnh là lúc sáng sớm, khi mặt trời mới lên và lúc hoàng hôn, khi mặt trời sắp lặn, có thể xê dịch một chút tùy nơi. Lúc này ánh sáng không quá gắt giúp bức ảnh đủ sáng mà vẫn có chiều sâu. Tuy nhiên, trước khi đến một địa điểm nào, bạn nên tìm hiểu qua một chút về thời điểm mặt trời mọc và lặn ở đó (có thể tra thông qua Google bằng cách gõ ký tự: Hanoi sunrise…). Sẽ thật đáng tiếc nếu thức dậy muộn và bỏ lỡ mất thời điểm đẹp chỉ bởi bạn vẫn đinh ninh nghĩ rằng bình minh ở đó cũng giống như nơi bạn sống.

Ngoài ra, ở một số địa danh, chụp ảnh theo mùa cũng mang tới những bức ảnh đẹp hơn mong đợi như chụp vào mùa hoa nở, mùa lá rụng, mùa tuyết rơi…

Quan sát ánh sáng


– Ánh sáng là một trong những điều kiện tiên quyết tạo nên khuôn hình trong mơ. Nên quan sát kỹ nguồn sáng mạnh nhất rồi lựa chọn góc chụp cho thật phù hợp, đặc biệt nên tránh quay lưng nhân vật vào nguồn sáng (như mặt trời) vì sẽ bị ngược sáng, bức ảnh sẽ tối thui.


Khuôn mặt người được chụp phải nhận đủ ánh sáng để khi lên hình được đẹp và rõ nét. Tuy nhiên, để nguồn sáng chiếu thẳng trước mặt vào cũng không phải cách hay vì khuôn mặt sẽ nhăn nhó vì chói mắt, hơn nữa rất dễ khiến bức ảnh bị "cháy" (quá sáng). Để ánh sáng chiếu từ trên đầu, hoặc từ bên hông là một ý tưởng tốt để tạo ra hiệu ứng bóng đổ thú vị.

Tìm hiểu bố cục


Có thể không cần tìm hiểu quá sâu về bố cục chụp ảnh nhưng bạn cũng nên biết qua một vài nguyên tắc cơ bản như về đường chân trời, tiền cảnh hậu cảnh…

Một bức ảnh đẹp là bức ảnh có chiều sâu, có chủ thể được lấy nét chặt, không thừa quá nhiều chi tiết xung quanh, cho hình rõ (tiền cảnh) và có thêm hậu cảnh phía sau để thêm sinh động. Tuy nhiên, hậu cảnh không nên quá phức tạp, quá sáng, tránh làm phân tán sự chú ý vào chủ thể bức ảnh (như chụp ở nơi quá đông người phía sau).

Bạn cũng nên biết sơ qua về nguyên tắc 1/3 khi xác định bố cục bức ảnh. Nếu chia khuôn hình thành 9 phần bằng nhau (3 cột ngang và 3 cột dọc), tâm điểm của bức ảnh nên nằm ở 4 giao điểm của các đường thẳng này. Đường chân trời trong bức ảnh nên nằm ở đường 1/3 phía trên hoặc 1/3 phía đưới. Nên tránh để đường chân trời cắt đôi bức ảnh và cũng không nên để nhân vật nằm chính giữa, chia đôi bức hình thành 2 phần khiến người được chụp như bị "đóng đinh", bức ảnh trở nên khô khan, nhàm chán, không còn thú vị và đáng xem. Ngoài ra nên để đường chân trời thẳng, không nghiêng lệch.

Ở nhiều máy ảnh du lịch hiện nay đã có sẵn đường kẻ này, bạn chỉ cần đưa tâm điểm bức ảnh vào đúng các vị trí sẵn sẽ có được bức ảnh có bố cục hợp lý.

Sử dụng những chế độ sẵn


– Bạn nên thử một số những chế độ có sẵn cho từng điều kiện cụ thể như chụp dưới nắng, chụp ngày mây âm u, chụp ban đêm, chụp pháo hoa, chụp chân dung, chụp phong cảnh… Các phó nháy chuyên nghiệp thường không thích sử dụng những chế độ tự động này vì sẽ không cho ra một bức ảnh hoàn hảo. Tuy nhiên, đối với đa số người chụp ảnh không chuyên, việc được máy lập trình sẵn các thông số sao cho phù hợp rất tiện lợi, cho ra bức ảnh đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật tối thiểu.

– Có thể dùng flash khi chụp dưới trời quá nắng, nhiều ánh sáng hay trong đêm tối để cân bằng độ sáng, không làm ảnh quá sáng hay quá tối. Flash ban đêm thường khiến khuôn mặt trở nên bóng nhẫy và sáng lóa nhưng hãy nhớ, ưu tiên số một của bạn là ghi lại được những bức hình rõ ràng nhất.

Tìm ra những góc chụp khác biệt


Ngoài ra, bạn cũng có thể sáng tạo, tìm ra một vài góc chụp lạ ở những địa danh thân quen mà nhiều người từng ghé chân đến để có nhiều bức hình độc đáo hơn như chụp nghiêng 30 độ so với chủ thể, trèo lên vài bậc thang chụp xuống…

Sử dụng chân máy


Hiện nay nhiều đôi bạn trẻ hoặc các nhóm bạn đi du lịch cùng nhau thường muốn ghi lại các bức ảnh chung, nhưng không phải lúc nào cũng có thể nhờ người khác chụp hộ. Lúc này chân máy ảnh (hay còn gọi là tripod) sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn. Bạn gắn máy ảnh vào chân máy, rồi thiết lập chế độ hẹn giờ khoảng 10 giây và chọn chụp liên tiếp. Như vậy từ lúc bấm mới tới khi máy ảnh bấm chụp, bạn sẽ có 10 giây để đứng vào vị trí mong muốn. Chế độ chụp liên tiếp từ 3 – 5 kiểu một lúc cũng là lựa chọn "an toàn", giúp bạn có thêm nhiều bức ảnh sinh động.

Tuy nhiên, ở những nơi có đông người hoặc nơi không ăn toàn, dễ bị giật đồ, bạn không nên đặt chân máy mà nên tìm người tin cậy, ví dụ như khách du lịch, hay người dân địa phương nhờ chụp ảnh hộ.

Chú trọng chụp các nhân vật hay các hành động


– Không nên chỉ chụp phong cảnh đơn thuần bởi như vậy sẽ rất giống một bức bưu thiếp có thể dễ dàng mua được ở dọc đường. Bạn có thể chụp cảnh sinh hoạt của người dân khu vực đó để thay đổi không khí hay đặt chế độ chụp tự động để lấy được hình ảnh bản thân và phong cảnh phía sau.

– Tạo dáng thật thoải mái. Sẽ rất nhàm chán nếu cả trăm bức ảnh đều chỉ là những dáng điệu đơn giản như giơ tay chữ V hay cười gượng gạo, có chăng chỉ khác các hậu cảnh. Hãy thật tự nhiên khi tạo dáng cho phù hợp với ngoại cảnh nơi bạn đến, như thử một bộ trang phục truyền thống địa phương, nằm dài trên bãi cỏ, đạp xe trên đường hay sà vào một cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ. Chụp chung với người dân bản địa hồn hậu và mến khách cũng là một ý hay.

Visited 821 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...