Chọn ISO phù hợp nhất khi chụp ảnh

Chọn ISO phù hợp nhất khi chụp ảnh

Chọn ISO phù hợp nhất khi chụp ảnh

Đối với những người chụp ảnh chuyên nghiệp và nhiều kinh nghiệm, ISO không phải là một khái niệm xa lạ hay khó khăn. Các dòng máy ảnh kỹ thuật số mới nhất của Canon như IXUS 95IS, 990IS, 100IS, 110IS và Powershot A480IS, A1100IS, A2100IS, PS D10, SX200IS đều mở rộng rất nhiều lựa chọn ISO tự động giúp cho người sử dụng chụp được các bức ảnh chất lượng cao. Nhưng nếu bạn muốn tuỳ chọn ISO bằng tay thì đó cũng là một công cụ hiệu quả để tạo ra những bức ảnh độc đáo.
Chỉ số ISO trong máy ảnh là đại lượng đo độ nhạy sáng của cảm biến ảnh so với ánh sáng. Chỉ số này cùng với tốc độ cửa trập và độ mở ống kính là 3 thông số kỹ thuật quan trọng nhất quyết định chất lượng của ảnh chụp. Khó có thể đưa ra một mẫu số chung cho việc phải sử dụng ISO như thế nào. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bối cảnh chụp cùng việc điều chỉnh các thông số khác trong máy. Thông thường, việc chọn ISO cho máy ảnh dựa vào hai yếu tố: ánh sáng xung quanh và tốc độ chụp. Đôi khi người chụp cần phải tham khảo thêm yếu tố thứ ba là độ mở ống kính.
Trên nguyên tắc, các chuyên gia có đưa ra các chỉ số ISO tương ứng với điều kiện chụp ảnh để tham khảo như: ISO 50 – 80 thích hợp cho điều kiện ánh sáng tốt, trời nắng sáng, chụp cận cảnh, chụp phong cảnh và chân dung. ISO 100 nhạy cảm với độ sáng, trời không mây và có nắng nhẹ. Nếu trời mây và hoàn toàn không có nắng, người chụp có thể để ISO ở mức 200. Cuối cùng với điều kiện ánh sáng yếu hoặc chụp trong nhà thì cần ISO từ 400 trở lên. Người chụp cũng có thể điều chỉnh ISO cao hơn nữa, nếu thấy cần thiết.
 
Image 
Bức ảnh chụp bằng máy ảnh Canon trong điều kiện ánh sáng không tốt, chuyển động nhiều, dễ bị nhòe, ISO được chỉnh ở mức cao (1600).
 Tuy nhiên, không phải lúc nào ISO cao cũng có lợi. Việc tăng độ nhạy sáng (tăng ISO) sẽ dẫn đến nhiễu điện tử, nhất là ở những vùng ảnh tối và những vùng mà các tông màu gần như đồng nhất. Khi đó, ảnh chụp trông giống như bị sần và rạn. Do đó, người chụp cần phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, kết hợp với việc điều chỉnh tốc độ cửa trập và khẩu độ mở ống kính để đặt ISO thấp nhất có thể mà ánh sáng vẫn vào được tốt nhất.
Chẳng hạn, trong điều kiện ánh sáng phức tạp, bạn có thể chọn chế độ chụp ưu tiên khẩu độ, sau đó điều chỉnh ISO theo khẩu độ. Ngoài ra nếu máy ảnh có chân cố định, có thể chọn tốc độ cửa trập chậm hơn và giảm ISO. Trong điều kiện chụp gần, người chụp có thể tăng khẩu độ, để ánh sáng đi vào ống kính nhiều hơn, từ đó cũng giảm bớt được ISO.
 
 Image
Bức ảnh được chụp bằng máy ảnh Canon trong điều kiện ánh sáng yếu, nhưng ISO chỉ được để 100. Ở đây nhiếp ảnh gia đã cố định chân máy và giảm tốc độ cửa chập để lấy ánh sáng được tối đa mà không cần để ISO cao.

Tuy nhiên, với một số bức hình có tính trừu tượng, hoặc có ý đồ nghệ thuật, người chụp có thể tăng ISO để tạo độ sần cần thiết, nhờ đó khắc họa được thần thái, cá tính của đối tượng được chụp trong bức ảnh. Ví dụ như với một chiếc máy ảnh Canon EOS 500D khi chụp pháo hoa, bạn có thể điều chỉnh chỉ số ISO cao ở mức 3.200 để có được một bức ảnh nghệ thuật độc đáo nhất.
Cuối cùng, các chuyên gia về nhiếp ảnh cũng khuyên rằng, khi chụp nên thử trước với nhiều thiết lập ISO khác nhau. Chụp nhiều bức hình với các độ nhạy sáng khác nhau, người chụp có thể chọn ra được bức hình ưng ý nhất. Đây cũng là một cách thực hành để nâng cao khả năng lựa chọn ISO thích hợp với những điều kiện ánh sáng nhất định.

Visited 1,560 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...