Cách chụp ảnh panorama đẹp

Cách chụp ảnh panorama đẹp

Cách chụp ảnh panorama đẹp

Trong số những ích lợi mà kỹ thuật số mang đến cho nhiếp ảnh là tạo ảnh toàn cảnh (panorama). Ngày xưa, để có ảnh panorama, bạn phải cần đến một máy ảnh đặc biệt, hoặc phải ghép nối cả 1 bộ ảnh. Còn ngày nay, bạn có thể có ngay ảnh panorama rất dễ dàng bằng những chương trình xử lý ảnh hoặc các phần mềm nối ảnh panorama miễn phí như Image Composite Editor hoặc CleVR. Do đó, bạn cần kiểm soát chất lượng những ảnh đầu vào nếu muốn có 1 ảnh panorama đầu ra tốt bằng một số thủ thuật dưới đây.

1. Kiểm soát đo sáng

Để chụp một bức ảnh panorama, bạn sẽ cần ghép nhiều tấm ảnh lại với nhau. Nhưng ngay cả khi chụp trong điều kiện nắng tốt, có thể bạn sẽ thấy những mảng sáng và tối "chia cắt" ảnh panorama. Đó là do máy ảnh đo sáng khác nhau trong mỗi tấm ảnh thành phần. Bạn sẽ không dễ dàng sửa lỗi này trong chương trình xử lý ảnh. Muốn ngăn ngừa, bạn hãy thiết lập chế độ tự kiểm soát (Manual) và khóa đo sáng cho loạt ảnh. Nếu không chắc về phần đo sáng, hãy trỏ máy ảnh về nơi sáng nhất và tốt nhất trong bức ảnh panorama dự kiến, lưu ý các giá trị tốc độ do máy đề nghị (cố định giá trị ISO và khẩu độ, chỉnh theo thanh đo sáng, hoặc cố định ISO và tốc độ để xem giá trị khẩu độ) rồi thiết lập giá trị trung bình tương đối giữa chúng. Ví dụ, cố định ISO là 200 và khẩu độ f11 thì đo tốc độ được 2 giá trị là 1/250 và 1/60, lúc này bạn có thể chọn giá trị tốc độ 1/125 để chụp với ISO 200 và khẩu độ f11.

Cần kiểm soát đo sáng khi chụp panorama


 

2. Chụp ở tiêu cự thông thường

Thông thường, người ta dùng các ống kính góc rộng (wide) hoặc siêu rộng (super wide) để chụp ảnh phong cảnh. Thế nhưng điểm yếu của ảnh dạng này là hay bị biến dạng ở 2 rìa ảnh bên trái và bên phải, khiến cho phần mềm nối ảnh panorama sẽ khó ghép đúng những phần chồng lên nhau giữa các ảnh. Mặt khác, nếu chụp ở tiêu cự dài (tele), do giới hạn của góc nhìn ống kính nên sẽ khó chụp được đầy đủ cái "hồn" bao la, rộng lớn của phong cảnh. Vì thế, bạn nên đưa tiêu cự về khoảng thông thường, từ 25-55mm.
 

3. Chụp từ trái sang phải

Bạn có thể bắt đầu chụp ảnh panorama trong bất kỳ điều kiện nào: bắt đầu từ bên trái và kéo dần sang bên phải, hoặc làm theo chiều ngược lại, miễn là bạn lấy được đủ những phần chồng lên nhau giữa các ảnh. Tuy nhiên, với kiểu chụp ảnh từ trái sang phải, khi xem ảnh dưới dạng thu nhỏ (thumbnails) sau đó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra loạt ảnh dự định tạo ảnh panorama được bắt đầu và kết thúc ở đâu.
 

4. Thận trọng với vật thể chuyển động

Trước và trong khi bấm máy, bạn cần lưu ý đến những vật thể có thể chuyển động trong khung ảnh panorama dự định tạo ra, ví dụ như chiếc ôtô đang chạy trên đường. Giả sử bạn “bắt dính” chiếc ôtô đó (ở 2 vị trí khác nhau) trong 2 bức của loạt ảnh, nhiều khả năng ảnh panorama đầu ra sẽ có đến 2 chiếc ôtô, dù thực tế chỉ có 1 chiếc mà thôi.

Taxi (đang chạy) "nhân hai"


 

5. Thận trọng với hiệu ứng đường cong

Khi ghép ảnh, phần mềm nối ảnh panorama sẽ nối các bức ảnh thành một ảnh góc rộng ảo, nhưng các vật thể thẳng như đường phố lại có hiệu ứng cong giống ảnh chụp bằng ống kính mắt cá (fish-eye). Khoảng cách đến vật thể thẳng càng gần, hiệu ứng cong càng hiển thị rõ ràng. Giải pháp đề xuất là hãy chụp ảnh từ khoảng cách càng xa càng tốt. Mặc khác, đường ngang trong ảnh panorama tạo ra cũng sẽ bị dính hiệu ứng cong nếu lúc chụp ảnh bạn chỉ đứng 1 chỗ và lia máy, bạn nên thử di chuyển theo đường thẳng song song với khung cảnh để giảm bớt hiệu ứng cong.

Ảnh bị hiệu ứng cong do đứng gần


 

6. Chụp nhiều ảnh để dễ cắt xén

Vì phần mềm nối ảnh panorama tạo ra 1 ảnh góc rộng từ nhiều bức ảnh, nên cạnh trên và cạnh đáy ảnh panorama tạo ra có nhiều biến dạng xéo góc, đòi hỏi bạn phải cắt xén ảnh (crop) để có 1 ảnh đẹp. Vì vậy, hãy chụp nhiều ảnh hơn cho 1 cảnh panorama nhằm giảm bớt độ xéo góc, giúp tạo được ảnh panorama hoàn chỉnh hơn.
 

7. Chụp ảnh panorama thẳng đứng

Phần mềm nối ảnh panorama cũng có thể nối ảnh theo chiều thẳng đứng dễ dàng như ảnh theo chiều ngang. Do đó, ảnh panorama không cứ phải là theo chiều ngang như kiểu truyền thống, hay phải xoay máy ảnh theo chiều thẳng đứng để chụp. Hãy tự phá vỡ giới hạn đó bằng những ảnh panorama về tòa nhà chọc trời hoặc ngọn tháp, bức tượng mà bạn gặp với những ảnh chụp từ trên xuống dưới theo kiểu cầm máy ngang.

Ghép ảnh thẳng đứng chụp theo kiểu cầm máy ngang


 

Visited 526 times, 1 visit(s) today

Bình luận

You may also like...